Friday, March 29, 2024

Hạt cà phê Việt Nam lao đao ra biển lớn

Lê Diễn Ðức
Theo Bloomberg, vụ thu hoạch cà phê 2013 của Việt Nam có thể sẽ đạt sản lượng cao thứ hai trong lịch sử với 1.6 triệu tấn nhờ thời tiết mưa thuận lợi. Kỷ lục trước đó là 1.65 triệu tấn trong năm 2011-2012.

Trong khi đó, thông tin dồn dập cho thấy nhiều công ty xuất khẩu cà phê trong nước đã phá sản hoặc đang đứng trước nguy cơ phá sản. Các doanh nghiệp cà phê vỡ nợ đã diễn ra âm thầm từ nhiều năm qua, nhưng một số công ty và ngân hàng vẫn “giấu” nợ, xoay xở thế chấp tài sản để vay thêm nhằm gỡ gạc việc kinh doanh thua lỗ kéo dài. Có nhiều khoản vay của doanh nghiệp đã đến thời kỳ đáo hạn, nhiều doanh nghiệp trữ cà phê với số lượng lớn vào thời điểm thu mua trong nước ở mức giá cao, hiện giá xuất khẩu đang ở mức thấp và đầu ra cũng đang bị thu hẹp. Doanh nghiệp buộc phải bán ra do áp lực thu hồi nợ của các ngân hàng, nên nhiều công ty phải bán cà phê chấp nhận lỗ từ 10% đến 20% để giải phóng lượng cà phê đã tạm trữ.

Liệu lịch sử của ngành cà phê cách đây hơn 10 năm có lặp lại? Giá một ký cà phê không bằng một ký cà pháo, trong vụ 2012-2013?

Theo nhiều các chuyên gia, gần 4 năm qua các doanh nghiệp ngành cà phê đã chịu mức lãi suất cho vay khá cao, cộng với những rủi ro của thị trường cà phê xuất khẩu biến động bất thường. Từ đầu năm 2012 đến nay có hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng, theo báo chí trong nước.
Sản lượng chưa là tất cả
Là quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam không có thương hiệu nào nổi tiếng trên thị trường toàn cầu, thậm chí không chen chân vào được các siêu thị Âu-Mỹ.

Có 600 loại cà phê khác nhau, nhưng sản xuất trên thế giới dường như chỉ bao gồm hai loại Arabica và Robusta.

Arabica được trồng phổ biến và tốt nhất ở Châu Phi, Nam Mỹ và một số nước Châu Á. Hạt Arabica cứng và cho mùi thơm, có dư vị chua nhẹ, được xem là thứ thanh tao. Ước tính cà phê Arabica chiếm khoảng 75% lượng cà phê bán ra trên thế giới.

Hạt Robusta đắng, hương vị kém Arabica và chứa nhiều caffeine, chiếm khoảng 25% sản lượng.

Cà phê do Việt Nam sản xuất là loại Robusta.

Những thương hiệu cà phê nổi tiếng, nghịch lý thay, không thuộc các quốc gia sản xuất cà phê mà lại thuộc các nhà nhập khẩu từ các nước phát triển, như Mỹ, Ý, Ðức, Thụy Sĩ, Hà Lan…

Ý được coi là đất nước sành điệu uống cà phê chất lượng tốt với mức nhập khẩu 300 nghìn tấn mỗi năm.

Lavazza là thương hiệu cà phê Ý nổi tiếng nhất thế giới. Ðứa con trai của một nông dân nghèo tên Luigi Lavazza tới Turin vào năm 1884 trải qua nhiều công việc khác nhau, cho đến ngày 24 tháng 3, 1895 mở một cửa hàng tạp hóa ở Via San Tommaso, có bán cà phê uống tại chỗ. Bước ngoặt của Lavazza là ý tưởng pha chế hỗn hợp các loại hạt khác nhau. Năm 1922 Lavazza trở thành một trong 10 nhà nhập khẩu và sản xuất cà phê lớn nhất Ý và tỏa sáng không chỉ với thương hiệu “Lavazza” mà còn công nghệ mới pha chế và phục vụ. Lavazza cung cấp nhiều chủng loại như Oro Qualitá, Qualitá Ross, Espresso, Crema Caffe, e Crema Gusto, Il Espresso Perfetto, Il Mattino, bán máy pha cà phê hiện đại và có mạng lưới tiệm cà phê trên thế giới. Trong hơn 100 năm tồn tại, Lavazza trở thành biểu tượng quốc tế kiểu Ý. Ðể giữ hình ảnh trụ cột của của mình, Lavazza phát triển thương hiệu kết hợp với các xu hướng mới nhất trong thiết kế, nghệ thuật và thời trang hiện đại.

Illy cũng là một thương hiệu thượng hạng khác của Ý có từ năm 1933 với 130 tiệm cà phê trên thế giới (1/3 tại Ý). Cà phê Illy được tạo ra bằng sự pha trộn 9 loại Arabica nhập từ Nam Mỹ, Ethiopia và Ấn Ðộ. Hỗn hợp này hình thành qua sự chọn lọc bằng phương pháp laser. Một tiến trình sản phẩm phải đi qua 114 khâu kiểm tra. Sau khi chọn xong hỗn hợp, hạt cà phê được rang và sau đó làm mát tại một tháp đặc biệt. Illy đã nhận nhiều giải thưởng phẩm chất, trong đó có “Premio Brasil” cho loại tốt nhất sản xuất từ Arabica.

Các thương hiệu khác phải kể đến Tchibo (có từ năm 1949), Jacobs (từ năm 1895) của Ðức, các sản phẩm của Nescafé Thụy Sĩ (có từ năm 1938) hay Douwe Egberts (có từ năm 1753) của Hà Lan, Kopi Luwak của Indonesia, v.v…

Ðể có thể vươn lên tầm quốc tế, quy trình sản xuất cà phê phải đạt các tiêu chuẩn canh tác ngặt nghèo của Food and Drug Administration (Mỹ) hay Good Agricultural Practice (Châu Âu).

Bà Nguyễn Phi Vân, tổng giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Gloria Jean’s Coffees đang có mặt tại thị trường Việt Nam, trên tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần 27 tháng 4, 2013, nói:

“Tôi từng có ít nhất 4-5 lần đưa cà phê nguyên liệu Việt Nam sang Úc để công ty mẹ có thể nghiên cứu làm nguyên liệu cho các sản phẩm cà phê mà hãng này bán ra cả thế giới, nhưng lần nào câu trả lời cũng là ‘chưa đạt chất lượng’. Ðó là điều mà những người trồng cà phê phải hết sức quan tâm”.

“Có thể xếp đối tượng tiếp thị của cà phê Việt Nam làm ba loại: Nhà buôn, nhà sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng. Là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng nhất nhì trên thế giới, Việt Nam đương nhiên là thị trường thu mua quan trọng không thể bỏ qua. Tuy nhiên cho đến nay, do vô tình hay có chủ ý mà Việt Nam đã trở thành nước cung cấp nguyên liệu thô với chất lượng cơ bản và giá rẻ. Cà phê của chúng ta chủ yếu được dùng làm nền cho các nhãn hiệu cà phê hòa tan trên thế giới. Cũng chính vì vậy người tiêu dùng cuối cùng hoàn toàn không biết hoặc rất ít biết đến cà phê Việt Nam”.

Colombia đứng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu cà phê sau Brazil và Việt Nam, nhưng là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về cà phê Arabica. Colombia đã xây dựng chính sách ổn định chất lượng sản phẩm và xây dựng uy tín trong kinh doanh (thực hiện cam kết đối với người mua), dẫn đầu trong việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng và khoa học kỹ thuật, ứng dụng các quy trình nhằm thúc đẩy hiệu quả sản xuất và tăng giá trị sản phẩm. Mô hình phát triển ngành cà phê của Colombia bền vững, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận và cuộc sống của hơn 500 ngàn hộ nông dân trồng cà phê trên lãnh thổ này.

Không ai trong số các nhà sản xuất toàn cầu cà phê sánh kịp Brazil. Brazil không chỉ là nhà sản xuất lớn nhất từ hơn 200 năm nay, mà trong cả nước thấm nhuần văn hóa uống cà phê như một cách sống.

Từ năm 1954, chính phủ Brazil đã đầu tư hơn 500 triệu USD trong sự phát triển chương trình có thêm tách cà phê trong bữa ăn sáng cho hàng triệu học sinh. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng trẻ em dùng cà phê với tỷ lệ nhỏ chống được bệnh béo phì và trầm cảm. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cà phê đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế của Brazil.

Một trong những nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất có chất lượng cao là Nhật Bản. Dân chúng ở đây đã có tình yêu với Arabica chất lượng cao nhất, như cà phê Blue Mountain của Jamaica hay Kopi Luwak của Indonesia. Tại Tokyo có gần 10 nghìn quán cà phê và vô số máy bán tự động cho khách đi đường. Ở Nhật Bản, cà phê đã trở thành thức uống rất quan trọng, đến mức có cả ngày lễ quốc gia, vào ngày 1 tháng 10.

Ðược biết ông Ðặng Lê Nguyên Vũ, tổng giám đốc hãng cà phê Trung Nguyên, chuẩn bị mang chuông đi đánh ở Mỹ. Trên tờ Tiền Phong ông Vũ nói:

“Dự kiến cuối năm nay Trung Nguyên sẽ bắt đầu có mặt tại Mỹ, nhưng khi trực tiếp khảo sát thị trường này tôi mới biết khối lượng công việc chuẩn bị quá lớn, nên có lẽ phải đầu năm sau mới hoàn thành được. Ðại khái là chúng tôi phải sử dụng bộ máy nhân sự bản địa (người Mỹ) thì mới có thể thành công được. Ðó là điều kiện tiên quyết. Rất khó để có thể thắng trên sân khách nếu không dựa vào nguồn lực, sự hiểu biết văn hóa, tập quán tiêu dùng và thị hiếu cà phê của chính người Mỹ để chinh phục người Mỹ. Còn tinh thần dân tộc là thứ vũ khí theo tôi là không thể thiếu trong hành trang của mỗi công ty Việt Nam khi mang chuông đi đánh xứ người. Sở dĩ Trung Nguyên có được sự thành công tại thị trường nội địa như ngày nay cũng là nhờ biết nương tựa vào tinh thần dân tộc ngay từ khi khởi nghiệp”.

Khi Starbuck vào Việt Nam, ông Vũ đã từng chê ỏng eo, nói không có gì đặc sắc, là nước đường pha cà phê. Sự im lặng trước cuộc tấn công và thành công bước đầu của Starbuck khiến ông Vũ phải suy nghĩ.

Nay sắp qua Mỹ, chẳng những ông Vũ phải đối đầu với hàng ngàn tiệm của Starbuck ở khắp nơi mà còn với mạng lưới của các hãng khác như Blue State Coffee, Biggby Coffee, Café du Monde, Caffe Luxxe, Caffe Trieste, Caribou Coffee, Intelligentsia Coffee & Tea, Jittery Joe’s, McCafé…

Văn hóa uống cà phê của người Mỹ cũng khác. Tiệm cà phê không phải chỉ là nơi gặp gỡ, chuyện trò. Tất cả các cửa hàng cà phê tại Mỹ đều có Wi-Fi miễn phí, người ta thường tới đây để ngồi làm việc một mình hoặc với nhau. Trong quán cà phê ngự trị sự im lặng đáng ngạc nhiên. Mỹ cũng nơi mà cà phê “to go” phổ biến. Nhấm nháp cà phê bằng ly giấy có nắp đậy bằng nhựa, diễn ra trong tàu điện ngầm, trên đường phố hoặc trong chiếc xe hơi.
Kết luận
Chỉ với sản lượng Robusta nhất nhì thế giới và học văn hóa uống cà phê thôi, chưa đủ. Việt Nam phải nhập khẩu Arabica từ nhiều vùng khác nhau, tạo cách pha trộn, tìm ra sản phẩm độc đáo, riêng biệt, cùng với công nghệ pha chế trong thời buổi sống động, nhanh chóng và thời trang này.

Nếu chỉ ôm lấy Robusta và giữ kiểu “cái nồi ngồi trên cái ly” (pha phin) thì dù rang cà phê có thêm chút bơ và nước mắm, “đậm đà bản sắc dân tộc” đấy, cũng khó mà “vươn ra biển lớn”.

MỚI CẬP NHẬT