Thursday, March 28, 2024

Kéo nhau về Nevada – Nguyễn Văn Khanh


Bầu cử 2012


 


 


 


Nguyễn Văn Khanh


 


Sau những cuộc bầu sơ bộ ở miền Nam và miền Ðông Bắc, các chính trị gia Cộng Hòa cùng nhau kéo về tiểu bang Nevada, tiếp tục nuôi hy vọng sẽ được đảng đề cử tranh chức tổng thống.









Cô Jaclyn Miller, cư dân Carson City, cầm bảng ủng hộ ông Newt Gingrich, bên ngoài Great Basin Brewing Company, Reno, Nevada, hôm Thứ Tư để chờ gặp cựu chủ tịch Hạ Viện Mỹ. (Hình: David Calvert/Getty Images)


Dân Biểu Ron Paul và cựu Thượng Nghị Sĩ Rick Santorum đã có mặt ở đây ngay sau khi cuộc bầu cử tại Florida có kết quả, hai ứng cử viên dẫn đầu là cựu Thống Ðốc Mitt Romney và cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich cũng bám gót theo sau. Theo lịch trình phổ biến cho báo chí, ông Romney sẽ ghé qua Minnesota trước khi đến Nevada vào tối Thứ Tư, ông Gingrich lúc đầu dự tính thăm Colorado, nhưng giờ chót nhất quyết dồn mọi nỗ lực cho cuộc vận động mang tính quyết định ở Nevada, nơi vòng bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra vào ngày Thứ Bảy tuần này dưới hình thức “caucus.”


Khác với “primary,” cử tri chỉ chỉ tốn vài phút đồng hồ tạt ngang qua phòng phiếu, “caucus” đòi hỏi người quan tâm đến đảng mất nhiều thì giờ hơn, thông thường phải ba, bốn giờ thảo luận trước khi bỏ thăm, thành ra những ai rảnh rỗi ghé qua thường không có cơ hội chọn người đại diện cho đảng ra tranh cử. Cũng khác với “primary,” các ứng cử viên không bỏ nhiều tiền quảng cáo trên TV, đài phát thanh hay báo chí, vì quyết định ủng hộ ai hầu như hoàn toàn tùy thuộc vào cơ sở địa phương mà từng ứng cử viên đã xây dựng được từ trước.


Chính vì thế nên phát biểu ông Gingrich đưa ra ở Florida mang nội dung cử tri Cộng Hòa biết cuộc đua bây giờ “chỉ còn có hai người,” một là Gingrich “tiêu biểu cho giới bảo thủ” và người còn lại là ông “cấp tiến Romney” hầu như chẳng thể đem ra áp dụng cho Nevada.


Ông Eric Fehnstrom, trưởng ban hoạch định chiến lược cho ông Romney, cho báo giới biết “Nevada là nơi đối đầu giữa Romney và Ron Paul” chứ không phải là ai khác. Lý do? Bốn năm trước đây ông Ron Paul từng tranh cử ở Neveda, về nhì hồi 2008, có hẳn một hệ thống tranh cử rầm rộ chẳng kém guồng máy vận động ông cựu thống đốc Massachussetts tạo được cũng trong bốn năm qua.


Ngay sau “caucus” ở Nevada là “caucus” được tổ chức ở các tiểu bang khác, gồm Colorado, Minnesota vào ngày Thứ Ba tuần tới, và những cuộc họp đảng cũng bắt đầu ở Maine, nhưng mãi giữa tháng cử tri mới bỏ phiếu. Trong những tiểu bang có tên vừa nêu, Nevada được chú ý đến vì có 28 đại biểu dự đại hội, hơn South Carolina ba ghế, và tất cả ứng cử viên Cộng Hòa đều mong thành công ở đây để cản bước tiến ngày một mạnh của ông Romney. Ðương nhiên, ông Romney cũng hy vọng chiến thắng, vì mỗi thành quả đạt được sẽ giúp ông đến gần tới chỗ được đảng đề cử tranh chức tổng thống, hay buộc các đối thủ chính trị khác phải nghĩ đến chuyện rút lui.


Theo nhận xét của giới quan sát bầu cử, ông Romney hầu như không gặp khó khăn gì ở Nevada. Ngay cả chuyện ông tỷ phú Sheldon Adelson mới tuyên bố sẽ cho người vận động giúp ông Gingrich cũng không làm thay đổi kết quả cuộc bầu sơ bộ vào ngày Thứ Bảy tuần này. Tuy nhiên, ban tham mưu của ông Romney vẫn rất dè dặt, chưa vội nói đến chuyện chiến thắng, bảo rằng “tất cả đều diễn tiến tốt đẹp, chúng tôi tin chắc chắn sẽ thành công.”


Ông Andrew Busch, một trong những chuyên gia theo sát các cuộc bầu cử sơ bộ ở miền Tây, gọi thái độ của ban vận động cho ông Romney “là thái độ đúng đắn nhất” vì cử tri Nevada “thường có những quyết định khó hiểu, chẳng ai đoán biết trước được.” Chuyện thường được nói đến là chuyện xảy ra hồi 1980, Tổng Thống Dân Chủ Jimmy Carter thắng vẻ vang ở các tiểu bang khác “nhưng cử tri Nevada gây cản trở cho ông bằng cách dồn phiếu ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy để phản đối chính sách kinh tế.”


“Kinh tế chính là đề tài của cuộc tranh cử năm nay, không phải ai cũng đồng ý với kế hoạch ông Romney đã trình bày.” Hơn thế nữa, ông Busch nói tiếp, “Nevada là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước Mỹ, là tiểu bang có số người bị ngân hàng kéo nhà cũng cao nhất, giá nhà cửa lại tiếp tục xuống thấp, người dân tiểu bang này chắc chắn không bằng lòng khi thấy một ông nhà giầu như ông Romney đóng thuế ít ơn họ.”


“Chúng tôi biết điều đó chứ,” ông Ryan Erwin, trưởng Ban Vận Ðộng cho ông Mitt Romney, trả lời những thắc mắc đang được đặt ra. “Thống Ðốc Mitt Romney biết đâu phải tự nhiên mà được cử tri ủng hộ, do đó, ông đã đến Nevada ghé thăm khu vực có số nhà bị ngân hàng kéo cao nhất, ngay tại đó ông đọc bài diễn văn quan trọng nói về những gì sẽ làm để vực kỹ nghệ địa ốc của quốc gia, và chúng tôi tin rằng cuối cùng, cũng như cử tri Hoa Kỳ khắp nơi, dân chúng Nevada hiểu ông Romney không phải là người gây nên trở ngại, mà chính là người duy nhất có thể giải quyết được vấn đề.”


Ông Romney tin tưởng, các ứng viên khác cũng có niềm tin tương tự, cho dù sau ngày ông Romney thắng lớn ở Florida, con đường dẫn họ về Washington DC mỗi ngày một hẹp hơn trước.


Tối hôm qua, ông bà Ron Paul quyết định chọn Las Vegas là nơi tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thành hôn, bảo với mọi người “chúng tôi sẽ đi đến cùng” – về cả mặt hôn nhân lẫn tranh cử. Phụ tá của ông Gingrich hân hoan cho hay một loạt các cuộc tiếp xúc với những đảng viên Cộng Hòa nòng cốt “sẽ diễn ra trong 24 giờ sắp tới.” Ông Rick Santorum cũng hoạt động hăng say chẳng kém, tiếp tục đi khắp mọi quận hạt trong tiểu bang, ngợi khen cử tri Nevada đã đứng đầu trong cuộc đảo chánh chính trị 2010 khi giúp đảng Cộng Hòa lấy lại khối đa số Hạ Viện, và “Nevada sẽ không bỏ rơi tôi, sẽ đưa tôi vào Tòa Bạch Ốc.”


Chưa thấy ai nói gì về chuyện bỏ cuộc. Ngay các nhà phân tích cũng nghĩ phải đợi đến sớm nhất là cuối Tháng Hai, may ra mới có người loan báo sẽ rút lui.

MỚI CẬP NHẬT