Friday, March 29, 2024

Khi đồng minh tháo chạy (7)


Công cụ của quyền hành


 


Hiểu rõ nhu cầu của Nixon cần có thành quả ngoại giao, Kissinger lại có trong tay một cơ hội bằng vàng: Ðó là quyền điều khiển toàn bộ nhân viên làm việc cho “Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia” (National Security Council – NSC).


Ông liền đưa ra một đề nghị để Nixon cho phép ông sửa đổi nó lại theo ý ông (18). NSC được thành lập từ 1947 để giúp tổng thống điều hợp các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Về thực chất nó rất lỏng lẻo. Tôi còn nhớ từ khi du học ở Mỹ, dù là dưới thời Eisenhower, Kennedy hay Johnson, mỗi khi truyền hình chiếu những biến cố ngoại giao quan trọng vào phần tin buổi chiều thì đều thấy ngoại trưởng hoặc tổng trưởng quốc phòng lên trình bày. Bây giờ được Nixon ủng hộ, Kissinger sắp xếp lại để nó trở thành một công cụ tập trung quyền hành.


Guồng máy NSC được sửa lại thì giống như cái máy sàng lọc, mọi hồ sơ phải qua đây thì mới tới được bàn giấy tổng thống. Ba cơ quan ngoại giao, quốc phòng, CIA có trách nhiệm phải nộp cho NSC các đề nghị về những giải pháp được cân nhắc kỹ lưỡng. Dựa theo đó, nhân viên làm việc tại NSC phải trình bày cho tổng thống những lựa chọn và hậu quả về mỗi giải pháp và cho từng vấn đề.


Sự sắp xếp lại NSC cho phép Kissinger đóng hai vai trò: Một là người điều hợp, tập trung các phân tích, đề nghị của các bộ về lãnh vực an ninh; hai là làm cố vấn cho tổng thống về ngoại giao. Là người điều hợp, ông có quyền sàng lọc, thâu tóm các đề nghị. Quyền sàng lọc là quyền vô cùng quan trọng. Những điểm gì mình không thích hay không đồng ý thì có thể làm nhẹ đi, giảm tầm quan trọng của nó xuống, hay chỉ nói phớt qua thôi.


Ảnh hưởng của cố vấn cũng lợi hại. Có nửa ly rượu: Nói đầy nửa ly cũng đúng hay vơi nửa ly cũng đúng, kiểu nào cũng được. Miễn là gần kề tổng thống. Bộ Ngoại Giao đã hết sức bất mãn, cho rằng Kissinger đã độc quyền hóa lãnh vực ngoại giao, nắm trọn vẹn quyền hạn đến nỗi một bộ lớn với 12 ngàn nhân viên, mà chỉ còn vai trò sắp xếp giấy tờ, hồ sơ. Nghị sĩ Stuart Symington còn bàn thêm rằng “Kissinger đã thực sự là ngoại trưởng, trừ cái tên đó thôi” (18).


 


Tài nghệ ông phụ tá


 


Ngoài tài ba về chính trị, ông Kissinger lại có tài hùng biện, rất khéo chơi chữ để nói quanh co. Chúng tôi còn nhớ có đọc một bài báo (mà không nhớ xuất xứ từ đâu) nói về điểm này và cho là Kissinger có nghệ thuật “làm sao không nói sự thực mà lại không là nói dối” (“how not to tell the truth without really lying”). Ông H.R. Haldeman, đổng lý văn phòng cho Tổng Thống Nixon kể lại một câu chuyện khôi hài về tài của Kissinger. Hồi tháng 12, 1972, chính Kissinger là người đề nghị Nixon cho ném bom Bắc Việt vì ông đã tuyên bố ‘hòa bình đang trong tầm tay’ (peace is at hand) hai tháng trước đấy, mà bây giờ theo như ông nói, Hà Nội đã bội ước. Thế mà làm sao nhà báo James Reston lại viết trên tờ New York Times trái ngược lại. “Không thấy Kissinger nói gì công khai về vụ thả bom Bắc Việt cả, một hành động mà không hồ nghi gì là chính ông ta đã phản đối.” Nixon phẫn nộ, chỉ thị Haldeman ‘tìm hiểu xem Henry làm cái trò gì vậy’ (‘find out what the hell Henry’s doing’).


Khi Haldeman hỏi, Kissinger đã chối phắt là ông đã chẳng nói với “bất cứ ai” về vụ thả bom. Ông quả quyết: “Tôi không cho ông Reston cuộc phỏng vấn nào cả. Sau đó Haldeman cho điều tra kỹ lưỡng và thấy rõ ràng là Kissinger đã nói chuyện với Reston. Quay lại cật vấn ông ta, Haldeman hỏi: “Ông nói với chúng tôi là ông đã không cho Reston cuộc phỏng vấn nào cả, thế mà thực sự ông đã nói hết với ông này!”


“Ðúng, nhưng đó chỉ là qua điện thoại,” Kissinger trả lời. Haldeman bình luận:


“Vâng, chỉ qua điện thoại thôi (chứ đâu có gặp mà phỏng vấn).”


“Bất cứ học giả nào muốn xem nhà ngoại giao Henry giỏi đến thế nào thì nên phỏng vấn tất cả những người đã làm việc với ông ta tại Tòa Bạch Ốc” (19).


Cứ xem cách ông chơi chữ trong các văn bản, cách đối đáp, biện luận, từ những cuộc thương thuyết tới hồi ký hay họp báo, ta cũng thấy rõ cái tài năng này. Sau đây là vài thí dụ. Như sẽ thuật lại trong Chương 11, về cuộc họp báo của Kissinger sau Hiệp Ðịnh Paris:


Hỏi: Có nghị định thư nào (protocols) đã được thỏa thuận (với Miền Nam) không?


Ðáp: Không có sự thông cảm (understanding) bí mật nào hết.


Ðúng, Kissinger chỉ chối đi là không có sự thông cảm, hiểu ngầm nào chứ đâu có chối là không có nghị định thư?


Câu chuyện khác. Có lần Tổng Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird (người điều khiển chương trình “Việt Nam Hóa” thời Nixon) khi được chúng tôi hỏi về chuyện ông không biết gì đến những mật thư của Tổng Thống Nixon gửi Tổng Thống Thiệu, ông Laird trả lời: “Có lần tôi hỏi ông Kissinger tại sao không đưa cho tôi xem mấy lá thư đó, thì ông ta trả lời ‘Ồ, đó chỉ là một vụ qua lại giữa Tướng Haig và TT Thiệu’”. Tướng Haig có lui tới Dinh Ðộc Lập để trao đổi qua lại với ông Thiệu, nhưng thực ra ông chỉ là người đưa những bức thư do Kissinger thảo cho Nixon mà thôi. Tới đây tôi nhớ tới câu chuyện tiếu lâm mà ta đều đã nghe lúc còn nhỏ, về cậu bé láu lỉnh. Có cậu học trò ‘đánh rắm’ trong lớp học. Thày đồ hỏi:


“Chi kêu đó bay?”


“Lạy thày cóc kêu/”


“Cóc kêu sao thối?”


“Lạy thày cóc chết/”


“Cóc chết sao kêu?”


“Lạy thày hai con.”


Một biệt tài khác của Kissinger có tính cách quyến rũ: Ðó là luôn luôn nói với đối tác của mình trong các cuộc thương thuyết rằng chỉ mình ông mới là người đứng về phía họ. Tổng Thống Thiệu cũng như Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm thường hay nói chuyện về điểm này. Ở Paris, theo Ðại Sứ Phạm Ðăng Lâm, Kissinger lúc nào cũng muốn chứng tỏ ông là người ủng hộ VNCH mạnh nhất trong chính phủ Nixon. Ký giả Matti Golan trong cuốn “The Secret Conversations of Henry Kissinger” (Những đối thoại bí mật của Henry Kissinger) còn bình luận rất rõ về đặc tính quyến rũ này của Kissinger trong những cuộc thương thuyết với Do Thái và các nước trong khối Ả Rập. Ông luôn nói với lãnh đạo Do Thái rằng chỉ có ông mới là đồng minh, là bạn của họ ở Washington (20).


 


Ðơn thương độc mã


 


Khi ra tranh cử, Nixon hứa là sẽ giải quyết chiến tranh Việt Nam trong danh dự. Kissinger biết bản tính của ông Nixon cũng rất là thực tế ‘realpolitik’, đặt nặng quyền lợi chứ không phải là luân lý, ý thức hệ, hay đạo đức. Bởi vậy ông bám chặt vào đó để thuyết phục Nixon cho ông làm sao thì làm, miễn có kết quả là được. Nixon đồng ý. Và trên thực tế đã trao toàn quyền giải quyết chiến tranh Việt Nam cho ông.


Trong cuốn sách nổi tiếng ‘A World Restored’ (Một Thế Giới Ðược Phục Hồi), một tập nghiên cứu về Metternich lúc còn ở Harvard, Kissinger có viết: “Chính khách phải hành động như thể là trực giác của mình đã là kinh nghiệm, như thể là khát vọng của mình đã là chân lý rồi” (21). Metternich là một Hoàng tử người Áo, đã cùng với Lord Castlereagh (Ngoại Trưởng Anh) giúp sắp xếp lại trật tự ở Âu Châu (Hội Nghị Vienna 1814-1815) sau khi Napoleon bại trận ở Nga vào mùa đông 1812. Hai người này, đã không ngần ngại dùng mọi đòn phép và làm mọi việc trong vòng bí mật để tới được mục đích.


Tôi nghĩ lập luận như thế này thì không ổn. Trong thời hiện đại, nếu những chính trị gia của các cường quốc, nắm quyền hành trong tay, mà lại quá tự kiêu, làm mọi việc trong vòng bí mật, và nghĩ rằng “những khát vọng của mình đã là chân lý rồi” thì thật là nguy hiểm cho thế giới!


Ðơn thương độc mã là bản tính của Kissinger và ông rất tự hào về điểm đó. Trong một cuộc phỏng vấn với nữ ký giả người Ý, bà Oriana Fallaci, ông giải thích rằng sở dĩ ông có sức mạnh là nhờ ở lối hành động một mình:


“Ðiểm chính là lúc nào tôi cũng hành động một mình. Người Mỹ thích cái đó vô cùng. Người Mỹ thích hình ảnh một gã chăn bò dẫn đầu một toán di dân, một mình trên lưng ngựa, đi đầu, thủng thẳng tiến vào một tỉnh lỵ, một thị xã; chỉ mình với ngựa thôi, không có gì khác. Có thể là không có cả súng nữa, là vì gã ta không cần bắn. Gã chỉ hành động bằng cách là ở đúng chỗ, vào đúng lúc, thế thôi. Nói gọn hơn, gã là một cao bồi (Western)” (22).


Chắc ông muốn nói tới cuốn phim “High Noon”, có chú cao bồi cỡi ngựa, lững thững đi một mình vào giữa phố mà ai cũng phải sợ. Giờ đây, ông muốn một mình một ngựa để đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam. Chướng ngại vật đối với ông là Bộ Ngoại Giao. Vì vậy, không biết ông thuyết phục thế nào mà Nixon đã gạt phắt Ngoại Trưởng William Rogers ra ngoài.


Trong cuốn hồi ký “Những Năm Biến Ðộng” (Years of Upheaval), Kissinger viết: “Tổng Thống Nixon đòi hỏi là tất cả những sáng kiến ngoại giao quan trọng đều phải phát xuất từ Tòa Bạch Ốc; ông ta đã loại trừ Bộ Ngoại Giao và Ngoại Trưởng William P. Rogers ra khỏi những quyết định chủ chốt một cách liên tục và đôi khi còn có tính cách hạ nhục” (23).


Ðẩy được Bộ Ngoại Giao ra là hết bị vướng víu về bàn cãi, bất đồng ý kiến, thủ tục rườm rà, quan liêu. Từ đó, Kissinger mới có thể sắp xếp mọi chuyện. Ðây là một cung cách thật lạ lùng! Nó rất “un-American”, không Mỹ chút nào. Ở trong một xã hội dân chủ, tính chất “minh bạch” (transparency) là điều cần thiết. Cái gì không trong sáng thì không thể kéo dài được lâu, không có tính cách bền vững (sustainability). Ngoài ra, chính sách hay lập trường đều đòi hỏi phải có ‘consensus’, sự đồng thuận của số đông. Muốn vậy, phải ngồi lại bàn bạc. Ba cái đầu phải to hơn một cái. Từ quản trị một công ty tới một hiệp hội, một nhà thờ, một trường tiểu học, bao giờ cũng có nhiều mít tinh để bàn cãi, bỏ phiếu, lấy quyết định. Làm sao mà một chuyện đại sự quốc gia, có tới bốn tổng thống Mỹ dính vào mà Kissinger lại đòi giải quyết một mình? Ấy thế mà Nixon đã khoán trắng miền Nam cho ông. Ông Jun Tsunoda, cố vấn cho Bộ Ngoại Giao Nhật cũng đã phải phàn nàn:


“Công tác ngoại giao trong một thế giới phức tạp như ngày nay là một công việc quá lớn lao để giao cho một người tự mình hành động” (24).


Ba tháng sau khi nhậm chức, Tổng Thống Nixon cho Kissinger sang Moscow tranh thủ sự giúp đỡ của Nga Xô để lập thêm một ngả thương thuyết riêng biệt, tách rời khỏi Hòa Ðàm Paris. Kissinger gặp Ngoại Trưởng Nga Gromyko và trao cho ông ta một thông điệp (25):


“TT (Nixon) sẵn sàng thăm dò những con đường khác ngoài khung cảnh đàm phán hiện tại. Ðiều đáng mong muốn là những người thương thuyết phía Hoa Kỳ và Bắc Việt có thể gặp nhau tách biệt ra khỏi khuôn khổ hòa đàm Paris để bàn về những nguyên tắc tổng quát cho một giải pháp.”


“Nếu những người thương thuyết đặc biệt của hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có thể đi tới một hiệp định trên nguyên tắc, thì vấn đề đàm phán cuối cùng về kỹ thuật sẽ được trao lại cho hòa đàm Paris.” Ký tắt RN (Richard Nixon)


Dĩ nhiên là Gromyko vui lòng giúp, và Kissinger đã thành công trong việc lập ra một hòa đàm sau hậu trường, do chính ông điều khiển.


Ngày 23 tháng Bảy 1969, nhân dịp phi thuyền Apollo của Mỹ vừa thành công lên cung trăng và sắp đáp xuống Thái Bình Dương, Tổng Thống Nixon bay sang Guam để mừng và bắt đầu chuyến công du Á Châu gồm Phi Luật Tân, Indonesia, Thái Lan, Nam Việt Nam, India, Pakistan, Romania, và Anh Quốc. Nixon thuật lại: “Chuyến đi đã cho một cơ hội hoàn toàn ngụy trang cho Kissinger gặp gỡ với phía Bắc Việt. Kissinger được sắp xếp cho đi Paris bề ngoài là để trình bày cho quan chức Pháp kết quả chuyến đi của tôi, nhưng đang khi ở đó ông ta sẽ gặp ông Xuân Thủy” (26). Ông Xuân Thủy là đại diện của Bắc Việt tại Hòa đàm Paris.


Ðược biết về chuyến đi này, Tổng Thống Thiệu có mời Nixon ghé thăm Sàigòn để làm một cử chỉ ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa. Dường như để đền đáp công ơn của ông Thiệu trong kỳ bầu cử, Tổng Thống Nixon đã quyết định vào giờ chót là sẽ viếng thăm Dinh Ðộc Lập với Kissinger tháp tùng.


Trong phiên họp làm việc, “Ông Nixon chỉ nói tới những khó khăn trong nước mà ông đang gặp phải,” ông Thiệu kể lại. “Ông yêu cầu tôi tiếp tay và nói: ‘Hãy giúp chúng tôi để chúng tôi giúp các ông” và tôi đáp: “Chúng tôi sẽ giúp ông để ông giúp chúng tôi.” Tuy nhiên, Nixon vẫn khẳng định lại lập trường rút quân trên căn bản song phương: Cả quân đội Hoa Kỳ lẫn quân đội Bắc Việt đều rút, và lịch trình rút quân còn tùy vào khả năng tự vệ cũng như mức độ viện trợ quân sự và kinh tế cho Miền Nam.


Sau khi nâng ly xâm banh chúc tụng cho Việt Nam Cộng Hòa, các động cơ trực thăng bắt đầu nổ, cánh quạt quay ầm ầm mỗi lúc một nhanh, như để khẳng định lại một lần nữa sức mạnh và sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Miền Nam. Ông Thiệu tiễn đưa Tổng Thống Nixon và ông Kissinger ra bãi phi cơ đậu ở sân cỏ trước Dinh Ðộc Lập. Mỉm một nụ cười, ông giơ tay vẫy chào tạm biệt lúc chiếc trực thăng của Tổng Thống Hoa Kỳ bốc thẳng bay nhanh về hướng Bắc, lướt qua những mái nhà đỏ của thành phố. Ngày hôm đó, 30 tháng Bảy 1969, Nixon đã không hề tiết lộ cho ông Thiệu biết rằng ngay sau lúc từ biệt, Kissinger đã trực chỉ qua Paris gặp gỡ phái đoàn Bắc Việt.


Và từ giờ phút đó cho tới 10 giờ sáng ngày 30 tháng Tư 1975, tức là trong gần hai phần ba thời gian của Ðệ Nhị Cộng Hòa, Kissinger đã một mình thao túng chính sách Hoa Kỳ về Việt Nam. Trong cương vị đó, ông đã có những hành động gian dối với đồng minh, dấu giếm Quốc Hội và nhân dân Hoa Kỳ, như được chứng minh trong cuốn sách này. Gần đây (năm 2001), một nhà báo, ông Christopher Hitchens, đã viết cuốn sách tựa đề “Xét xử Henry Kissinger” (The Trial of Henry Kissinger) đem ra đầy đủ bằng chứng dựa trên những tài liệu mới được giải mật, về những sự lạm dụng quyền hành, và những hành động thiếu lương tâm mà Kissinger đã hành xử đối với các nước đồng minh, ngoài các nước Ðông Dương, còn có Chile, Bangladesh, Santiago, Nicosia và East Timor (27).


(Còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT