Thursday, March 28, 2024

Không có tiền trả? Không sao! Ông cứ ở tạm!

 


Ngô Ðồng


 


Cách đây khoảng 20 năm, gia đình của một người bạn tôi tống hết đồ đạc, chổi cùn giẻ rách lên một chiếc xe U-haul, ném chìa khóa vào trong nhà rồi phủi tay, lái xe đi.



Ðây là câu chuyện xảy ra ở Houston, Texas. Thời đó, thành phố này đang bị khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp tràn lan. Nhà bán rẻ rề cũng không ai mua. Bạn tôi thất nghiệp đã hơn một năm không có tiền trả cho căn nhà xây mới, mua cách đó 4 năm. Ngân hàng cho bạn tôi biết là cứ ở đó, không có tiền trả cũng không sao, cố gắng giữ gìn căn nhà tử tế, hy vọng bạn tôi kiếm lại được việc làm thì sẽ trả lại tiền vay mua nhà hàng tháng bình thường. Nhà tài trợ biết nếu xiết nợ, căn nhà cũng sẽ bị bỏ trống như hàng chục ngàn căn nhà khác ở khu vực, không ai chăm sóc, căn nhà sẽ tàn tạ nhanh chóng, chưa kể tới chuyện bị đập phá.


Nhưng bạn tôi vẫn bỏ của chạy lấy người, đùng đùng dọn nhà về San Jose kiếm việc. May cho hắn, hắn kiếm được việc khá tốt chỉ trong một thời gian ngắn.


Mới đây, tin tức cho hay nhiều ngân hàng tài trợ đang theo nhau chấp nhận để các con nợ, tức chủ nhà, tiếp tục ở lại trong căn nhà mà họ làm chủ nhưng đã ngưng trả tiền nợ suốt nhiều tháng. Thay vì tống đạt giấy trục xuất chủ nhà để lấy nhà lại mà bán, chủ nhà, dù đã mất quyền, vẫn được phép ở lại một thời gian.


Nhiều ngân hàng thay đổi thái độ và chiến lược đối với các con nợ nhằm cố duy trì giá trị cho các khu phố và làm chậm lại tiến trình xiết nhà.


Tin tức cho hay một số ngân hàng chủ nợ có thể chấp nhận trả tiền bảo hiểm thiên tai, trong khi con nợ trả tiền ga, điện, nước. Một số ngân hàng khác thì lẳng lặng trì hoãn gửi lệnh trục xuất, vì biết rằng, những phí tổn khác liên quan tới căn nhà bị bỏ trống có thể cao hơn nhiều.


Một số chuyên viên tin rằng sự thay đổi thái độ như vừa nói là chiều hướng không thể tránh. Trên cả nước, hơn 644,450 căn nhà đã bị xiết nợ, tính đến cuối Tháng Giêng. Không những thế, còn khoảng 710,725 căn nhà khác cũng đang trong tiến trình sẵn sàng bị ngân hàng chủ nợ thu hồi, theo các con số của công ty dữ liệu nhà xiết nợ RealtyTrac.


Trong khi đó, chính phủ các tiểu bang cũng như các quận và thành phố áp lực với các ngân hàng, đòi hỏi họ phải săn sóc, bảo trì đầy đủ cho các căn nhà bỏ trống mà họ làm chủ. Cắt cỏ, tưới nước, dọn dẹp, sửa chữa nếu có dấu hiệu bị phá cửa hay cửa sổ, v.v… chứ không được để ỳ ra cho cỏ dại mọc tùm lum, băng đảng tới vẽ bậy hay xả bậy.


Hồi tháng trước, tòa án ở New York và các nhà lập pháp ở Florida chuẩn bị các biện pháp đòi các ngân hàng chủ nợ điều chỉnh các món nợ để cho người ta ở được trong căn nhà lâu hơn hoặc phải hoàn tất thủ tục xiết nhà nhanh chóng.


“Trong các hoàn cảnh bình thường, ngân hàng (chủ căn nhà đã xiết nợ) có thể thu hồi được tiền bảo trì sửa chữa và săn sóc căn nhà, tiền thuế bất động sản khi bán căn nhà. Nhưng bây giờ là khoảng thời gian thị trường khó khăn, ngân hàng phải đưa ra các biện pháp liều lĩnh cho một số trường hợp.” Daren Blomquist, phó chủ tịch của RealtyTrac phát biểu. “Hiện bây giờ trị giá nhà trên thị trường bị sụt giảm, nó là một yếu tố mà ngân hàng (chủ nợ) không thể lấy lại được các khoản tiền phải bỏ ra để săn sóc bảo trì căn nhà khi căn nhà bán được, giả sử như bán được căn nhà”.


Khi thị trường địa ốc lao dốc cách đây gần 6 năm, hàng triệu chủ nhà đã bị xiết nợ mất nhà. Nhà bị bỏ trống đầy ngập khắp nơi. Nhà bỏ trống không săn sóc lại còn bị những kẻ lạ mặt phá phách, vẽ bậy, làm giá trị của cả khu phố bị ảnh hưởng.


Từ đó về sau, dần dần, khoảng thời gian cần thiết để một ngân hàng xiết nợ và lấy lại căn nhà kéo dài gấp ba. Trung bình từ khoảng 4 tháng hồi năm 2007 dài thành gần một năm ở cuối năm 2011, theo RealtyTrac. Những tiểu bang có dấu hiệu thời gian nhà bị xiết kéo dài hơn diễn ra ở những tiểu bang có nhiều nhà bị xiết như California, Florida và Illinois.


Chủ nhà có căn nhà bị ngân hàng xiết nợ ở Florida có thể ở ngay trong căn nhà của mình tới hơn 2 năm, dù không trả tiền nợ hàng tháng, vì các phức tạp trong thủ tục pháp lý.


Vì hoàn cảnh không mấy tốt đẹp của thị trường địa ốc, mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ có nhà bị xiết dường như không quá đối đầu căng thẳng, mà có dấu hiệu như sự hòa hoãn.


Guy Cecala, chủ nhiệm nguyệt san thông tin tài trợ địa ốc của kỹ nghệ tài trợ nhận định: “Trong nhiều trường hợp, người ta nên để yên cho người chủ nhà ở lại trong căn nhà đó để người ta giữ gìn, săn sóc căn nhà.” Nếu không, tiền sửa chữa vì những phá phách còn tốn gấp bội. Hoặc nếu có bán được, thì sự thua lỗ còn nặng thêm nhiều lần khi người mua trả giá thật rẻ vì người ta tính ra các khoản tiền sẽ phải đổ vào hầu có thể ở được.


Vickee Adams, phát ngôn viên của bộ phận tài trợ địa ốc của ngân hàng Wells Fargo cũng đồng ý: “Khi người chủ nhà còn ở trong căn nhà, lợi ích nhìn thấy khi cả cộng đồng cư dân sinh hoạt với nhau.”


Tuy vậy vẫn có một số nhà tài trợ đặt dấu hỏi “Tại sao người vay nợ đã không trả nợ lại còn được chiều đãi?”


Thủ tục xiết nợ và trục xuất chủ ra khỏi căn nhà tiến hành chậm lại là một điều tốt cho các chủ nhà chẳng may thất nghiệp suốt một thời gian dài. Dọn đi đâu khi không có tiền?

MỚI CẬP NHẬT