Thursday, March 28, 2024

Làm thế nào để xóa điều kiện trên thẻ xanh hôn nhân





Faith Sontoso, Staff Attorney


Asian Pacific American Legal Center

 

Khi người phối ngẫu có quốc tịch Hoa Kỳ hay thường trú nhân hợp pháp xin cho quí vị được cấp thẻ xanh. Tình trạng này là “có điều kiện” nếu được cấp dựa vào đám cưới mới dưới hai năm.
 “Có điều kiện” vì quí vị phải chứng minh hai người lấy nhau không phải vì mục đích để được cấp thẻ xanh. Ðể xóa “điều kiện” này quí vị và người phối ngẫu cần phải nộp mẫu đơn I-751 trong vòng 90 ngày trước khi hết hạn tình trạng có điều kiện.

 

1. Chuyện gì xảy ra nếu tôi nộp mẫu đơn I-751 bị trễ hạn

Nếu nộp đơn trễ, tình trạng có điều kiện của quí vị sẽ tự động chấm dứt, và chính phủ liên bang sẽ tiến hành trục xuất bạn ra khỏi Hoa Kỳ. Sở Di Trú USICS sẽ gửi giấy báo cho quí vị biết, quí vị đã không thực hiện việc xóa điều kiện. Ðồng thời họ cũng gửi kèm một giấy Báo Hầu Tòa mời quí vị đến trình diện trước một vị thẩm phán về vấn đề di dân. Trong buổi hầu tòa này quí vị sẽ được một luật sư đại diện, và quí vị được xem lại chứng cớ chống lại mình, kể cả phản bác chứng cớ ấy nữa.

Quí vị vẫn có thể nộp trễ mẫu đơn I-751, chỉ sau khi quí vị viết thư cho Sở Di Trú, trình bày lý do hợp lý quí vị đã không thể nộp đơn đúng kỳ hạn và được Sở Di Trú chấp nhận. Quí vị phải chứng tỏ việc không đáp ứng đúng yêu cầu không do lỗi của quí vị cùng người phối ngẫu xin được xóa “điều kiện.”

 

2. Có phần miễn trừ không đòi hỏi phải nộp đơn I-751 chung với người phối ngẫu không? Nếu có thì làm sao để được miễn?

Có phần miễn trừ. Nhưng muốn được hưởng phần này quí vị cũng vẫn phải nộp mẫu đơn I-751 trước, rồi chọn một trong bốn phần miễn trừ sau (chọn phần thích hợp với quí vị):

a) Quí vị làm đám cưới đàng hoàng, và không phải để tránh né tuân theo luật lệ về di trú, nhưng vì hôn nhân bị hủy bỏ hoặc do ly dị, và rằng quí vị không có lỗi vì không nộp đơn chung với người phối ngẫu.

b) Quí vị làm đám cưới đàng hoàng, và không phải để tránh né tuân theo luật lệ về di trú, nhưng trong cuộc hôn nhân, quí vị hoặc con quí vị bị người phối ngẫu có quốc tịch Hoa Kỳ hay thường trú nhân hợp pháp hành hạ.

c) Việc trục xuất quí vị ra khỏi Hoa Kỳ sẽ gây cho quí vị lâm vào tình huống hết sức khó khăn.

d) Quí vị làm đám cưới đàng hoàng, nhưng cuộc hôn nhân chấm dứt vì người phối ngẫu qua đời.

Trong những trường hợp nói trên, quí vị có quyền xin được miễn bất cứ lúc nào sau khi quí vị trở thành thường trú nhân có điều kiện, nhưng phải là trước khi quí vị bị trục xuất. Tuy nhiên trong phần miễn trừ đầu tiên, cuộc hôn nhân của quí vị phải chấm dứt do ly dị hay bị hủy bỏ trước khi quí vị nộp đơn xin miễn.

 

3. “Ðám cưới đàng hoàng” là gì và làm sao để chứng minh?

Hôn nhân của quí vị được xem là cuộc hôn nhân “đàng hoàng” nếu quí vị không làm đám cưới chỉ vì muốn được cấp thẻ xanh. Quí vị nên nộp cho Sở Di Trú một số tài liệu để chứng tỏ hôn nhân của quí vị là đàng hoàng, như: a) giấy tờ cho thấy quí vị có chung tài sản, như nhà cửa, đất đai, hoặc xe cộ; b) hợp đồng thuê mướn hay biên nhận cho thấy quí vị và người phối ngẫu sống chung với nhau; c) tài liệu cho thấy quí vị xài chung về tiền bạc như trương mục ngân hàng và văn bản quỹ tiết kiệm; d) giấy khai sinh con cái ra đời qua đám cưới của hai người; và e) các tài liệu khác chứng minh rằng cuộc hôn nhân là đàng hoàng, như “lời khai cá nhân” (trong đó miêu tả hai người gặp nhau như thế nào, vì sao quí vị làm đám cưới, và điều gì xảy ra trong hôn nhân của quí vị), cùng gia nhập trung tâm thể dục, cùng đứng tên chung bảo hiểm xe và sức khỏe.

 

4. Ðiều gì xảy ra nếu quí vị làm đám cưới đàng hoàng nhưng không hợp lệ để được phần miễn trừ nào cả?

Quí vị nên tham khảo với một luật sư chuyên về di trú để tìm xem có chọn lựa hợp pháp nào thích hợp với quí vị không.

 

5. Con quí vị trong tình trạng thường trú có điều kiện thì sẽ ra sao?

Nếu con quí vị mang tình trạng thường trú có điều kiện trong vòng 90 ngày, thời gian quí vị có tình trạng tương tự, thì tên con quí vị có thể được thêm vào chung với đơn xin xóa điều kiện; hay hoặc con quí vị phải đứng riêng một đơn I-751 khác.

 

6. Ðiều gì xảy ra đối với giấy phép làm việc của quí vị?

Nếu quí vị nộp đơn I-751 đúng kỳ hạn hoặc bị trễ nhưng được Sở Di Trú chấp thuận, tình trạng thường trú có điều kiện của quí vị sẽ được gia hạn cho đến khi có một quyết định của cơ quan này. Biên nhận của quí vị có thể dùng như chứng cớ để quí vị có thể được tiếp tục hưởng quyền sống và làm việc tại Hoa Kỳ, cho đến khi có quyết định mới.

 

7. Làm sao quí vị biết được tiến trình về đơn xin?

Quí vị có thể kiểm tra qua trang mạng www.uscis.gov nối kết qua mục “My Case Status” hay gọi điện thoại cho Customer Service có ghi trên biên nhận.

 

8. Sau khi nộp đơn quí vị có được gọi để phỏng vấn không?

Có thể. Sở Di Trú có thể miễn đòi hỏi phải phỏng vấn cho đơn hai người cùng nộp chung, nhưng thường thường là không được miễn đối với trường hợp nộp riêng một mình. Nếu đòi hỏi phải có phỏng vấn, quí vị sẽ nhận giấy hẹn cho biết khi nào và ở đâu.

 

9. Ðiều gì xảy ra nếu đơn thỉnh cầu bị từ chối?

Nếu bị từ chối, quí vị sẽ nhận được một thư từ chối, giải thích lý do tại sao. Ngay sau đó Sở Di Trú sẽ bắt đầu tiến trình trục xuất quí vị ra khỏi Hoa Kỳ. Quí vị có cơ hội để được một thẩm phán di trú duyệt lại về sự từ chối trong thời gian đang diễn ra tiến trình trục xuất. Trong khi tái duyệt, Sở Di Trú có nhiệm vụ phải chứng minh sự kiện nêu ra trong đơn của quí vị là không đúng sự thật, và rằng đơn của vị bị từ chối là đúng đắn. Nếu vị thẩm phán đồng ý với quyết định của Sở Di Trú và ra lệnh quí vị phải rời khỏi nước, quí vị có quyền kháng cáo trong vòng 30 ngày sau khi nhận được lệnh này. Sau khi nộp giấy tờ chống án và trả một số lệ phí, quí vị sẽ chống án trước hội đồng Board of Immigration Appeal ở Washington DC. Quí vị cũng nên tham khảo với một luật sư về di trú nếu đơn của quí vị bị từ chối để xem có chọn lựa hợp pháp nào khác không.

 

*** Thông tin trên đây không chủ ý sử dụng như cố vấn về pháp luật và đừng nên dùng để thay thế cho sự giúp đỡ và hướng dẫn của một luật sư có kinh nghiệm về luật di trú hay một cơ quan dịch vụ pháp lý bất vụ lợi tiếng tăm.

APALC là một tổ chức bất vụ lợi chuyên tranh đấu cho dân quyền, cung cấp dịch vụ và giáo dục pháp lý, và liên minh trong cộng đồng Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương để xây dựng một xã hội hòa hợp và công bình hơn. APALC là đối tác của “The Asian American Justice Center” ở Washington, D.C., “The Asian American Institute” ở Chicago và “The Asian Law Caucus” ở San Francisco.

MỚI CẬP NHẬT