Thursday, March 28, 2024

Lan man mỗi đầu năm

Bác sĩ của bạn


 


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng 





LTS.
Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp. Các tin tức trong mục này và nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài New Saigon Radio1480AM ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 8 giờ 15 đến 8 giờ 45 trong chương trình Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật với Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng. Ngoài ra, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng còn có mục “Ðiểm Tin Sức Khỏe” mỗi Thứ Sáu trên tuần báo “Việt Tide.” 




Hình như, đầu năm, (không chỉ có tôi, mà) ai cũng (muốn và) chúc nhau ít nhất là hai điều quan trọng nhất: Vui vẻ hạnh phúc và mạnh khỏe.


Thật ra trong khái niệm hạnh phúc, vui vẻ đã bao gồm yếu tố mạnh khỏe. Và trong khái niệm mạnh khỏe đã bao gồm sự vui vẻ, bình an trong tâm hồn.


Vì “sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn thoải mái kể cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không chỉ không có bệnh” (định nghĩa về sức khỏe của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới -World Health Organization).


Dù rằng (theo định nghĩa trên,) không có bệnh tật chỉ là một phần của sức khỏe, hình như thường chúng ta lại chú ý đến phần này một cách không tương xứng với các phần còn lại: Chúng ta chỉ thường nói nhiều đến cách chữa bệnh, phòng bệnh, chứ ít khi nghĩ đến và nói đến việc làm sao để có được sự thoải mái cả về tâm hồn, xã hội và thể chất như là phần quan trọng của sức khỏe.


Xin chia sẻ với độc giả ba điều mà tôi nghĩ (đi, và quan trọng hơn, là, nghĩ lại, nhất là mỗi dịp đầu năm,) là quan trọng nhất, góp phần đem lại niềm vui trong cuộc sống, cũng là một phần của sức khỏe, cho mỗi chúng ta.


Ba điều này là Biết, Tin và Yêu. 


Chút lan man về “Biết” 


Có vô số điều chúng ta cần Biết. Chỉ nêu vài điều quan trọng nhất cho sức khỏe cũng như niềm vui trong cuộc sống: Biết tìm hiểu và chấp nhận sự thật, biết mình cần gì, biết chọn ưu tiên.


Biết tìm hiểu và chấp nhận sự thật có lẽ là một trong những điều cần thiết nhất nhưng không phải dễ làm.


Chân, Thiện, Mỹ là cội nguồn của hạnh phúc và nên là mục đích cần hướng tới trong cuộc sống. Trong đó, có phải Chân – sự thật – là khởi đầu, là nguồn cội của các cội nguồn?


Không có Chân thì sẽ không có Thiện và Mỹ thật sự.


***


Sự thật đầu tiên cần để ý, là sức khỏe của mỗi chúng ta được quyết định chủ yếu bởi chính mình.


Thầy thuốc chỉ giúp ta phòng, chữa bệnh, giữ gìn và nâng cao sức khỏe của mình. Thầy thuốc không thể uống thuốc, tập thể dục, ăn uống đúng cách, giữ gìn vệ sinh… thay cho ta được.


Ý thức được như vậy, ta sẽ chủ động hơn với sức khỏe của mình. Chủ động ngay từ lúc chưa có bệnh, cố gắng phòng bệnh và phát hiện chữa trị khi bệnh còn trong giai đoạn sớm, thường là dễ chữa, ít tốn kém hơn, và ít dẫn đến các biến chứng hơn.


***


Một sự thật khác mà nhiều người thường quên là: Chính mỗi chúng ta cũng là yếu tố chính quyết định niềm vui, sự bình an trong tâm hồn của mình.


Ta thường nói người này (bất lịch sự…), người kia (vô ơn bạc nghĩa…), việc này (xe bị ăn cắp…), việc kia (bà “bạn” mới có chiếc xe “ngon” hơn…) làm cho ta mất vui. Thế nhưng, nhìn xung quanh, có biết bao người cũng trong những hoàn cảnh tương tự hay tệ hơn ta mà vẫn giữ được niềm vui hàng ngày. Vẫn an nhiên tự tại.


Có phải, vì họ luôn thật sự ý thức được rằng niềm vui chân chính là một trong những điều quan trọng nhất, là cứu cánh, là mục đích tối hậu của cuộc sống?


Và như vậy thì, có nên để cho bất cứ chuyện gì trên đời cũng có thể vấy bẩn điều quý giá nhất – niềm vui sống, đáng lẽ cần phải được cất kỹ ở nơi an toàn nhất của mình?


Người ta “bất lịch sự” mà mình để trong lòng thì có phải mình là người thua thiệt trước tiên? Nếu mình phản ứng lại giống như họ thì có phải chỉ lại càng làm tổn thương giá trị và sự bình an của mình mà thôi?


(Ðúng là “thấy sự bất bằng phải can.” Thế nhưng, “can” trong sự bình tĩnh, có ý thức, có phải sẽ có hiệu quả hơn nhiều, so với phản ứng không kiểm soát được trong lúc “giận mất khôn”?)


Những điều không may xảy ra, tự nhiên là thấy buồn, và có lẽ một trong ích lợi của buồn là để lần sau nhớ để mà làm (hoặc tránh) những gì có thể làm (hoặc tránh) được, khiến những việc “không may” đó khó có thể xảy ra hơn.


Nhưng cứ chìm mãi trong nỗi buồn, than thân trách phận thì liệu có ích gì?


Có người nói rằng, “Tai họa là cái búa của người thợ rèn, khi nó giáng xuống là nó rèn.” Nếu đường đời cứ bằng phẳng mãi, chẳng biết có chán lắm không, con người ta có bị “cùn lụt” đi không?


Vả lại, “tái ông thất mã.” Ở đời họa phúc khôn lường. Biết đâu là họa? Biết đâu là phúc?


Có những người đã thành công, làm giàu từ rác, từ những thứ (tưởng là) bỏ đi.


Cũng, (có phải,) có không ít người đã bị tiêu diệt bởi kim cương (nghĩa đen lẫn bóng), bởi những hào nhoáng bên ngoài.


Ta không thể kiểm soát được tất cả mọi việc trên đời.


Ðiều ta có thể và nên kiểm soát đầu tiên hết (dù, hình như, là điều khó nhất trên đời), có phải là chính mình, là niềm vui, sự bình an trong tâm hồn của mình?


***


Mỗi ngày, nhiều việc, nhiều sự kiện, dồn dập đến. Ðó có thể là “rác,” có thể là “của quý.”


Có phải, một trong những điều quan trọng nhất mà ta nên và rất cần làm, mà lại rất hay quên, là phân loại xem, đâu là “rác” (gây muộn phiền, lo lắng, bực dọc…), đâu là “của quý” (đem lại sự an nhiên, niềm vui, sự tự hoàn thiện…). (Và, đâu là “của quý” lúc ban đầu, sau khi sử dụng, đã lại trở thành “rác”).


Ðể, quan trọng hơn nữa, là, (có biết,), Tự Mình, thẳng tay bỏ “rác” vào đúng chỗ (là thùng rác). Hay nâng niu, cất giữ “của quy.Ô”


***


Một sự thật quan trọng khác cần luôn nhớ mà hình như lại thường hay bị quên nhất, là không ai trong chúng ta toàn hảo. nhưng từ bản năng ít ai muốn chấp nhận chuyện này.


Muốn trở nên ngày càng hoàn hảo hơn là một điều tốt.


Nhưng không phải tự lừa dối mình, nhắm mắt lại với những điều bất toàn của mình, sẽ làm cho mình tốt hơn.


Mỗi khi có ai nhắc nhở, phê bình chúng ta điều gì, dù với thiện ý hay không, phản ứng đầu tiên, thường là sự khó chịu. Mà nếu không thấy “bệnh” thì làm sao chữa được bệnh? Giống như có một số người “sợ” đi bác sĩ vì lo là sẽ “lòi” bệnh ra.


Thật sự, nếu bác sĩ không giúp mình chẩn đoán để thấy bệnh, thì bệnh vẫn ở đó. Thấy bệnh rồi mà sợ thuốc đắng, sợ mổ đau, thì bệnh sẽ ngày càng nguy kịch hơn.


Phải nhìn thấy những bất toàn của mình, ta mới có thể biết chỗ để cải thiện, giúp mình ngày càng (gần với sự) hoàn hảo hơn.


Nếu luôn ý thức được sự thật là chúng ta (cũng như tất cả mọi người trên trái đất này) không toàn hảo, (có phải) ta sẽ dễ vui hơn vì cảm kích được tình yêu, lòng bao dung mình đã nhận được, dù cho sự không toàn hảo của mình.


Nếu luôn ý thức được sự thật là chúng ta không toàn hảo, (có phải) ta sẽ dễ hòa nhập với mọi người hơn.


Vì sự bao dung, có phải bắt đầu từ việc ý thức một cách sâu sắc rằng ta cũng có nhiều lỗi lầm, nhiều thiếu sót, nhưng vẫn mong được thương yêu, chấp nhận, giúp đỡ để ngày càng hoàn hảo hơn; và người khác cũng như vậy.


“Khi thứ tha, ta sẽ được tha thứ.” Ðiều đó đúng. Nhưng đúng hơn nữa, nói cho cùng, ta có quyền “tha thứ” cho ai không?


Khi mình cũng có bao nhiêu khuyết điểm, sai sót hàng ngày.


Như vậy, “tha thứ” có phải chỉ là việc chấp nhận sự thật rằng mình cũng bất toàn, cũng đầy tội lỗi; và do đó sẽ chùn tay hơn, trước khi “ném đá” một “tội nhân” nào đó?


Biết chấp nhận sự thật rằng mình không hoàn hảo dù rằng mình và người khác ai cũng muốn ngày càng hoàn hảo hơn, bên cạnh việc giúp ta luôn tìm được chỗ để tu thân, sửa sai, tự hoàn thiện, sẽ giúp ta bao dung hơn.


Và sự bao dung, bên cạnh việc giúp cho mọi người dễ gần nhau, dễ làm việc chung với nhau hơn, có phải trước hết sẽ giúp tâm hồn của mỗi chúng ta bình an và hạnh phúc hơn?


Thân mến,


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


nguyentranhoang.com


(còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT