Thursday, April 18, 2024

Lan man về biết và sức khỏe

 (tiếp theo kỳ trước)


 


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng 





LTS.
Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp. Các tin tức trong mục này và nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài New Saigon Radio1480AM ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 8 giờ 15 đến 8 giờ 45 trong chương trình Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật với Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng. Ngoài ra, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng còn có mục “Ðiểm Tin Sức Khỏe” mỗi Thứ Sáu trên tuần báo “Việt Tide.” 




Có vô số điều chúng ta cần Biết. Chỉ nêu vài điều quan trọng nhất cho sức khỏe cũng như niềm vui trong cuộc sống: Biết tìm hiểu và chấp nhận sự thật, biết mình cần gì, biết chọn ưu tiên.


Biết mình cần gì và tập thích những cái mà mình cần 


Biết mình cần gì là một điều (thoạt đầu) tưởng như đơn giản. Nhưng, (có phải,) không phải lúc nào ta cũng làm được.


Ta thường lầm lẫn giữa những gì mình cần với những gì mình muốn.


Và (?hình như) rất nhiều khi, ta cũng, ngay cả, không thật sự biết mình muốn gì. (Vì vậy, “muốn gì được đó,” có thể là một điều rất nguy hiểm. Và có thể không phải là một lời chúc tốt đẹp trong rất nhiều trường hợp.)


Ta cần phải mặc đủ ấm, sạch sẽ, (rồi, nếu có điều kiện hơn,) lịch sự và đẹp. Nhưng (có phải, nhất là khi hoàn cảnh không thích hợp,) ta không nhất thiết “cần” phải (?đua đòi) mặc đồ “hiệu” mắc tiền mới đạt được những điều trên.


Ta cần ăn uống đầy đủ, lành mạnh, ngon miệng. Nhưng không nhất thiết “cần” phải đi nhà hàng, ăn đồ mắc tiền, khó kiếm, mới đạt được những điều đó.


Nếu là một người bình thường (không nghiện-lệ thuộc vào những thứ không thật sự cần thiết? không hoàn toàn làm chủ được chính mình), ta không “cần” phải phì phèo điếu thuốc đầu óc mới tỉnh táo, không “cần” phải “dzô” vài ly tinh thần mới sảng khoái.


Rất nhiều khi, do bị “nhồi sọ” bằng các quảng cáo tinh vi, lập đi lập lại hàng ngày; ta nhầm lẫn giữa cái mình thật sự cần với cái mình muốn-mà-cứ-tưởng-là-cần.


***


Thật sự, để có sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần, những cái ta cần (hình như, thường, tương đối) rất đơn giản.


Sống đơn giản, phù hợp với hoàn cảnh của mình (nhất là ở nước Mỹ – tương đối giàu có) thường là cách dễ nhất về mặt vật chất (và hình như rất khó về mặt tinh thần) để có được sức khỏe toàn diện.


Không phải chỉ có “đồ độc” mới ngon.


Nếu biết thưởng thức những thứ lành mạnh, cần thiết cho đời sống; ví dụ như biết chế biến và thấy ngon khi ăn những thức ăn lành mạnh, thích làm việc điều độ, thích thể dục, ham học hỏi điều mới và bổ ích; ta sẽ dễ mạnh khỏe hơn, kể cả về thể chất, tâm thần và xã hội.


***


Một trong những “viên thuốc thần” cho sức khỏe cũng như niềm vui trong cuộc sống, là biết mình (cần, và nên) muốn gì và muốn đúng; là luôn tỉnh thức (để khỏi bị “lạc” giữa đường đi đến mục đích); là (biết, nhớ và luôn) tập suy nghĩ để biết và thích những cái-mình-thật-sự-cần (hơn là những cái mà mình muốn-mà-cứ-tưởng-là-cần). 


Biết chọn ưu tiên 


Cuộc sống hiện đại, nhất là ở xứ có thể coi là phát triển nhất thế giới (là Hoa Kỳ) này quá nhanh, khiến cho mỗi ngày ta có không biết bao nhiêu điều để chọn lựa, và thực hiện.


Nếu không biết chọn ưu tiên, ta có thể sẽ (chết) chìm trong những điều vụn vặt và bỏ sót những thứ quan trọng hơn (cho một cuộc sống-thật-sự, chứ không phải chỉ là tồn tại, đếm giờ).


***


Một trong những điều quan trọng nhất, mà dù có ý thức được hay không, ta vẫn thường hay bỏ quên, nhất là ở những người còn đang sức và bận rộn với công việc, đến khi có giờ để nghỉ ngơi (khi đã về hưu, lớn tuổi) nếu có nghĩ lại thì không chừng đã muộn; đó là sức khỏe.


Sức khỏe không chỉ là không có bệnh.


Nhưng có phải ta chỉ thường chỉ thật sự quan tâm đến sức khỏe khi nó đã mất đi vì bệnh tật, (hay tệ hơn nữa,) vì các biến chứng của bệnh tật?


***


Một trong những ưu tiên hàng đầu khác, có phải là niềm vui sống, là hạnh phúc?


Và hạnh phúc có phải bắt đầu từ bản thân mình và những người thân nhất?


Nếu đúng như vậy, ta đã có thật sự trân trọng gìn giữ để cho niềm vui sống của mình không bị tổn thương vì những điều (mà thật sự, khi, chợt, giật mình, nhận ra) quá vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày?


Có những chuyện thực ra rất quan trọng mà nhiều người thường có khuynh hướng nghĩ là nhỏ, chỉ cho rằng những chuyện “quốc gia đại sự,” “chuyện làm ăn”… là chuyện lớn.


Ta thường lịch sự, nhã nhặn hơn với người ngoài, với “cấp trên”… Còn vợ con, “cấp dưới,” người thân thì một số người có khuynh hướng cho là “chuyện nhỏ.”


Mỗi ngày có bao nhiêu lần ta gây gổ với người nhà vì những chuyện chẳng đáng? Và có được bao nhiêu lần ta tỏ ra “lịch sự,” bày tỏ tình cảm thương yêu trân trọng với người thân?


***


Thật sự, cái gì là “nhỏ,” cái gì là “lớn”?


Cho tới nay, nguyên tử, các loại hạt nhân nguyên tử, có phải là vật chất nhỏ nhất trong vũ trụ mà ta biết?


Và loại vũ khí công phá khủng khiếp nhất có phải cũng là vũ khí nguyên tử, vũ khí hạt nhân?


Sức khỏe, niềm vui chân chính của bản thân và những người thân nhất (rồi sau đó, thường, dĩ nhiên, sẽ rộng ra hơn, một cách hợp tình, hợp lý, hơn) có phải là một trong những “hạt nhân” trong cuộc sống của chúng ta?


Ta có đã thật sự ý thức được điều này, và đặt chúng như là một trong những ưu tiên hàng đầu?


Và đối xử với chúng như một trong những ưu tiên hàng đầu?


***


Nếu hàng ngày bỏ ra mươi, mười lăm phút (có thể trong lúc tắm, nghỉ-ngơi-không-thể-thiếu – đi “rest room,” lái xe…) để nghĩ về các ưu tiên trong cuộc sống của mình, và các ưu tiên trong ngày (hôm nay); có phải sức khỏe và cuộc sống chúng ta đã có thể khác đi rất nhiều?


Ta (đã, đang và sẽ) có thể tránh được nhiều điều đáng tiếc?


Thân mến


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


nguyentranhoang.com


(còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT