Friday, March 29, 2024

Lời chê đúng quý hơn lời khen



Song Chi

 

Trên trang Huffington Post, một website khá nổi tiếng của Mỹ, vào ngày 30 tháng 1, 2012 có đăng bài viết “Why I’ll never return to Vietnam” (“Tại sao tôi sẽ không bao giờ quay trở lại Việt Nam”) của tác giả Matt Kepnes, viết về những cảm nhận sau một chuyến đi đến Việt Nam vào năm 2007.

Hai du khách người Hongkong Kay Cheong Yen Kit (trái) và Doris-Leung Ka Kei (phải) ngồi bán một ít bưu thiếp lấy tiền độ nhật ở Sài Gòn hồi giữa tháng 12, 2011 vì bị cướp giật mất hết giấy tờ, tiền bạc. (Hình:Internet)

Matt Kepnes là một blogger, đã từng du lịch đến nhiều quốc gia khác nhau, có website cá nhân chuyên về du lịch với tên gọi Nomadic Matt. Bài viết đã được Matt Kepnes đăng trên website này từ tháng 9 năm 2010, nhưng trên Huffington Post thì mãi đến cuối tháng 1 mới thấy xuất hiện. Và lập tức nhận được hàng trăm phản hồi, trong đó có khá nhiều phản hồi tỏ ra bị xúc phạm và không đồng ý với những lời nhận xét của Matt Kepnes.

Trang VTCNews còn đăng cả một bài “Blogger Mỹ nói xấu du lịch Việt Nam trên Huffingtonpost” phản ứng lại bài viết, thậm chí đặt vấn đề liệu blogger này có thật đã đặt chân đến Việt Nam: “Và thực sự, chúng ta nên tin tưởng bài viết của anh chàng blogger này trên một tờ báo uy tín như Huffingtonpost? Hay đây lại là một scandal mới của giới du lịch khắp hành tinh về một bài viết bịa đặt nhằm tạo dựng tên tuổi, trục lợi cá nhân?”

Nhưng một bài báo khác trên Diễn Ðàn Kinh Tế VN đã thẳng thắn viết rằng “Bêu xấu” du lịch Việt: “Nên cảm ơn blogger người Mỹ”: “Thay vì lên án Matt, chúng ta hãy bình tĩnh nhìn nhận lại toàn thể sự việc sau đó sửa sai dần để mong tìm lại niềm tin nơi khách du lịch”.

Phải thừa nhận rằng những điều mà blogger Matt Kepnes nói đều là những chuyện có thật xảy ra ở VN. Từ việc những người bán hàng rong, quà lưu niệm, đánh giày trên đường phố… thường xuyên chèo kéo mua hàng, làm phiền du khách. Nạn chặt chém hét giá vô tội vạ, “quên” trả lại tiền thừa cho khách, nạn taxi “đểu” tính tiền ăn gian gấp ba gấp bốn lần…

Cung cách phục vụ ở nhiều nơi lắm khi thiếu thân thiện, bất lịch sự, một phần cũng vì ngôn ngữ kém, làm cho du khách cảm thấy không được tôn trọng, không được chào đón ở đất nước này. Ðó là chưa nói đến nạn móc túi, cướp giật, v.v.

Ðây không phải là lần đầu tiên khách nước ngoài than phiền khi đi du lịch đến Việt Nam.

Từ năm 2004, báo Thanh Niên đã có bài cảnh báo “Du khách quốc tế không muốn quay trở lại VN”: “Rất nhiều du khách lẫn các nhà tổ chức lữ hành quốc tế khi đến Việt Nam đều phải thán phục trước những thắng cảnh đẹp. Nhưng cũng chỉ có 15% trong số đó quay lại lần thứ 2”. Nghĩa là 85% một đi không trở lại, vì rất nhiều lý do!

Bài “Du lịch Việt Nam-những than phiền từ du khách nước ngoài” đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng tháng 12 năm 2007, đã tổng hợp một số ý kiến của du khách. Ví dụ như bà Eileen 76, thành viên Diễn đàn du lịch Lonely Palenet, đã viết về một “chuyến đi khốn khổ” tới Hà Nội. Nào bị móc túi lấy mất điện thoại di động trong lúc người bán hàng rong ngồi gần đó chứng kiến tất cả nhưng không làm gì, nào giao thông hỗn loạn, cung cách phục vụ… không thèm nhìn mặt khách, v.v… Tác giả tự hỏi:

“Lòng hiếu khách của người Việt mà người ta nói tới nay biến đâu rồi? Mặc dù Việt Nam phát triển hơn hai nước láng giềng là Lào và Campuchia nhưng tôi thấy Việt Nam có nhiều cái cần phải học từ hai nước này…” Eileen kết luận: “Trở lại Việt Nam ư? Chắc sẽ không có lần thứ hai trong đời tôi. Ðiểm đến Campuchia, Lào hay Thái Lan thì tôi muốn trở lại bất kỳ lúc nào”.

Còn đây là ý kiến của những người làm trong ngành du lịch, khi trao đổi với báo VNExpress ngày 2 tháng 2, 2012.

Ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam, “những ý kiến của Matt Kepnes là bình thường vì mỗi nước đều có mặt tốt mặt xấu, có người khen người chê, nhưng trước tiên cần trân trọng góp ý của du khách”.

“Chẳng có gì đáng sợ, vì mọi điểm du lịch đều có luồng đánh giá hai chiều. Người Việt Nam vốn thích khen nên ít nói đến lời chê, chúng ta cần quen dần với những lời chê để sửa mình tốt hơn…”

Ông Nguyễn Mạnh Cường, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch Việt Nam nhận xét:

“Tôi rất bức xúc về nạn chặt chém, lừa đảo. Chúng ta không thể ngăn được du khách nói xấu về du lịch Việt Nam, song qua đó thấy được trách nhiệm cơ quan quản lý, trách nhiệm chính quyền địa phương. Giải pháp hàng đầu của du lịch Việt Nam sắp tới là nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo và chính quyền địa phương”… (Bài “Nạn lừa đảo du khách rất đáng báo động”)

Nói như thế để thấy khi khách nước ngoài nhận xét tiêu cực về du lịch, về đất nước và con người Việt Nam, chúng ta đừng vội tự ái một cách rất nhảm rồi đưa ra những lời phản bác lại, thậm chí xúc phạm cả người ta chỉ vì muốn bênh vực cho đất nước mình.

Trong trường hợp Matt Kepnes cũng vậy. Thú thật, những lời chê của tác giả lại không làm người viết cảm thấy khó chịu như khi đọc những comment phản bác, bào chữa, khích bác… tác giả trên trang Huffington Post mà nhìn qua, có thể đoán được phần lớn là của người Việt Nam, dù viết bằng tiếng Anh.

Thật ra, cái tâm lý làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì, chỉ muốn chụp giựt, thu lợi ngay trước mắt mà không nghĩ đến chuyện lâu dài, cũng không quan tâm đến hậu quả, dường như đã trở thành căn bệnh lây lan trong mọi lĩnh vực ở VN. Không riêng gì ngành du lịch. Và cũng không riêng gì ai, từ các ông quan to quan nhỏ cho đến người dân.

Cái bệnh ấy, nếu ở những ông quan chức thì người Việt thường gọi là kiểu “tư duy nhiệm kỳ”- nghĩa là làm cái gì cũng chỉ tính lợi đủ trong cái nhiệm kỳ mấy năm làm quan của mình mà thôi. Mọi chính sách, kế hoạch, xây dựng cái gì cũng chỉ tính trong thời hạn dăm bảy năm. Mà nếu những người lãnh đạo các cấp đã có lối suy nghĩ ngắn hạn, trục lợi riêng, vô trách nhiệm với nước với dân với cả xã hội, thì người dân cũng thế thôi.

Hai du khách HongKong Cheong Yen Kit (trái) và Doris-Leung Ka Kei (phải) với tấm bảng khuyến cáo các người du khách khác về nạn chạy xe máy cướp giật ở Sài Gòn. (Hình: VNExpress)

Hoặc nói cách khác, khi làm việc này việc kia các quan lớn có nghĩ gì đến thể diện Việt Nam trên trường quốc tế đâu mà đòi hỏi người dân phải nghĩ đến việc bảo vệ hình ảnh đẹp của VN trong con mắt người nước ngoài?

Vậy thì khoan hãy nói đến chuyện tự trọng, đến danh dự quốc gia, chỉ cần nói đến chuyện thực tế: Du lịch là một ngành hái ra tiền.

Việt Nam vốn dĩ là một đất nước có nhiều điểm thuận lợi cho ngành du lịch: Có nhiều thắng cảnh thiên nhiên, bờ biển dài từ Nam ra Bắc, khí hậu nắng ấm quanh năm, có nền văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục tập quán…

Giá cả sinh hoạt rẻ, thức ăn thì ngon, phong phú (ẩm thực VN từng nhận được rất nhiều lời khen ngợi của bạn bè nước ngoài, trên kênh du lịch của hãng truyền thông CNN, Mỹ chẳng hạn, có nhiều bài viết giới thiệu về ẩm thực VN). Trong bài “World’s 50 most delicious foods” (“50 món ngon nhất thế giới”), ẩm thực Việt có 2 món: Gỏi cuốn và phở. Trang health.com từng xếp VN đứng hàng thứ 3 trong số 10 nơi có thức ăn tốt cho sức khỏe “World’s Best Superfoods”, trên cả Nhật Bản xếp thứ 4…

Cũng như nông nghiệp, du lịch mới chính là nguồn thu vững chắc cho nền kinh tế VN mà không gây hại về nhiều mặt như chuyện đào boxite, khoáng sản lên mà bán, chẳng hạn. Nếu biết tập trung đầu tư thì ngành du lịch sẽ đem về một khoản thu nhập khổng lồ hàng năm, đỡ cho các ông lãnh đạo khỏi phải thường xuyên vác mặt sang các nước mà xin vay nợ, khất nợ!

Khi đã quyết tâm phát triển ngành du lịch một cách đàng hoàng, sẽ có rất nhiều cái đầu thông thái góp ý với nhà nước cần phải làm gì. Ðiều quan trọng nhất, người VN phải đặt mình vào vị trí của du khách, làm sao để khách cảm thấy được chào đón, đến VN mà như trở về nhà mình, đã đến một lần còn muốn quay lại nhiều lần nữa… Chứ không phải như Matt Kepnes nói “I’ll never return to VN” hoặc “There’s not enough money in the world to get me to go back to Vietnam”!

MỚI CẬP NHẬT