Thursday, April 18, 2024

Ly Rượu Mừng đón Xuân – Quỳnh Giao

Tạp Ghi Quỳnh Giao


 


 


Từ hơn nửa thế kỷ rồi, mỗi độ Xuân về, bài “Ly Rượu Mừng” của Phạm Ðình Chương đã trở thành khúc hoan ca của người Việt, bất kể là trong hay ngoài nước. Bài hát tiêu biểu cho tinh thần vui tươi và “có hậu” cho con người và đất nước được ông viết năm 1956 khi mới 36 tuổi. Và viết tại miền Nam, nơi cả gia đình Thăng Long sinh sống ở thời kỳ thịnh vượng, thanh bình.


Từ bài “Ly Rượu Mừng,” ngày Tết không còn lời chúc nào đầy đủ và đẹp đẽ hơn nó. Ðầy đủ vì không thiếu một ai, từ sĩ, nông, công, thương, và cả binh, đến nam, phụ, lão ấu. Trong mọi hội hè ngày Tết, người ta không thể không kết thúc cuộc vui trên cao điểm hoàn mỹ là ca khúc “Ly Rượu Mừng.” Tết mà thiếu tiếng hoan lạc này thì cũng như thiếu bánh chưng vậy.


Nhưng Quỳnh Giao sẽ nói sau đến công phu của lời chúc, chứ phần nhạc của “Ly Rượu Mừng” quan trọng không kém lời từ, nếu chúng ta để ý đến nhạc thuật.


Các ca khúc vui tươi thường được viết trên âm giai Trưởng và với tiết điệu luân vũ, từ “Dòng Sông Xanh” và “Khúc Hát Thanh Xuân” của Strauss, hay ca khúc “Libiamo ne’ lieti calici” trong vở nhạc kịch La Traviata. Cũng xin nói thêm rằng tên ca khúc của Verdi trong vở Opera này lại rất gần với tác phẩm của Phạm Ðình Chương vì có nghĩa là “hãy cùng uống rượu trong cái ly hoan lạc này.”


“Ly Rượu Mừng” được viết theo nhịp điệu luân vũ 3/4 trên cung Fa Trưởng, một trong những “ton” tươi sáng của âm nhạc. Ngay từ phần intro, tác giả đã khai từ bằng tám ô nhịp rộn ràng và từ đó, câu mở đầu gắn liền với bài hát, mà không một nhạc sĩ nào hòa âm khác đi dược. Cũng từ đó, chỉ cần nghe Fa Do Do Do, Ré La La La, Do Sol Sol Sol, Sol… chưa dứt câu mọi người đã đoán ra ca khúc này rồi!


Tác giả dùng nhiều quãng âm rộng rãi để lời chúc bay bổng một cách tha thiết. Bài hát dài 128 trường canh, chưa kể tám trường canh intro (mở đầu), và tám trường canh coda (kết thúc).


Mỗi khi hát “Ly Rượu Mừng,” người viết lại có cảm giác tay mình đang nâng ly champagne! Nhất là khi hát câu “nhấc cao ly này…” nhạc đi từ nốt Fa, xuống dần Mi, Ré, Do… lả lướt và nhịp nhàng vui.


Phạm Ðình Chương, con chim đầu đàn của ban Thăng Long, soạn ca khúc này cho chính gia đình mình, nên trong toàn bài hát, ông viết nhiều đoản khúc chia ra nam, nữ để ca khúc thêm phần đặc sắc. Mỗi một đoạn chúc tụng đều kết thúc với bốn trường canh kéo từ nốt cao nhất bài hát là Fa 5, xuống dần đến Do 4.


Khi chúc các giới nông, thương, nét nhạc vui tươi, phấn khởi. Nhưng khi chúc đến các chiến sĩ, nhạc đổi sang Ré mineur, âm giai thứ hơi nghiêm túc hơn, và cũng tha thiết hơn khi nâng chén quan san tiễn người “vì nước quên thân mình.” Thế rồi câu nhạc trở lại Fa majeur, xuống thấp dần, thủ thỉ hơn với hình ảnh bà mẹ già nơi xa xôi, mong con mắt mờ lệ, và lên cao trở lại để tả ngày hát khúc khải hoàn ca của người lính, cho người mẹ dứt nỗi u tình.


Rồi lời chúc cho nhân loại được chuyển đến từng gia đình nhỏ. Nào là đôi uyên ương mới xây tổ ấm, đến người nghệ sĩ dùng thi ca, âm nhạc và mầu sắc hội họa chấm phá cho đời thêm tươi đẹp. Cả câu nhạc bừng lên sắc hương nồng ấm. Cuối cùng là lời ước nguyện thiêng liêng, mong non sông hòa bình, và muôn người hạnh phúc.


Câu hát kết thúc tự do theo lối ad lib rộng rãi vui vẻ, như hương thanh bình đang dâng lên phơi phới.


Ngày xưa, bài hát thường được trình bày đúng nguyên “tông” Fa Trưởng. Ngày nay, Quỳnh Giao thấy mọi người có thói quen hát thấp hơn, nên hay hát cung Ré trưởng, tức là thấp hơn hai cung. Khi xuống hai cung thì những nốt cao nhất sẽ chỉ lên tới nốt Ré thôi làm bài hát cũng bớt phần trong sáng, tươi vui của nó.


Xin ghi lại lời từ để chúng ta cùng thưởng thức, dù ai trong chúng ta cũng có thể đã thuộc lòng:


 


Toàn ban đồng ca:


Ngày Xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi


Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi


Người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no


Thoát ly đời gian nan nghèo khó.


A… A… A… A…


Nhắp chén đầy vơi, chúc người người vui


A… A.. A… A…


Muôn lòng xao xuyến duyên đời.


Giọng nữ:


Rót thêm tràn đầy chén quan san


Chúc người binh sĩ lên đàng


Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành


Mừng người vì nước quên thân mình


Giọng nam:


Kìa nơi xa xa có bà mẹ già


Từ lâu mong con mắt rưng lệ nhòa


Chúc bà một sớm quê hương


Bước con về, hòa nỗi yêu thương


Toàn ban:


A… A… A… A…


Hát khúc hoàn ca thắm tươi đời lính


A… A… A… A…


Chúc mẹ hiền dứt u tình


Giọng nữ:


Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương


Xây tổ ấm trên cành yêu đương


Giọng nam:


Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ


tiếng thi ca, nét chấm phá tô nên đời mới


Toàn ban:


Bạn hỡi vang lên, lời ước thiêng liêng


Chúc non sông hòa bình, hòa bình


Ngày máu xương thôi tuôn rơi, ngày ấy quê hương yên vui


Ðợi anh về trong chén tình đầy vơi


Nhấc… cao… ly… này…


Hãy chúc ngày mai, sáng trời tự do


Nước non thanh bình,


Muôn người hạnh phúc chan hòa


Giọng nam đơn ca:


Ước mơ hạnh phúc nơi nơi…


Toàn ban:


Hương thanh bình dâng phơi phới…


 


Ngày xưa, nam danh ca Hoài Trung luôn luôn hát câu đơn ca ad lib này. Theo ý riêng của người viết, không ai hát câu này đạt hơn ông. Nhiều vị trưởng ban đã từng để cho các nam danh ca Anh Ngọc, hay Duy Trác trình bày, cũng như các người thế hệ kế tiếp như Thanh Vũ, Phượng Bằng, Bùi Thiện, Ðoàn Chính, và cả hải ngoại ngày nay. Nhưng chỉ một câu có ba trường canh gồm có sáu chữ “Ước mơ hạnh phúc nơi nơi”… mà Hoài Trung hát mới là tuyệt.


Có lẽ vì cái giọng rộn ràng tươi tắn của một tâm hồn giản dị và tốt tính mới diễn tả được ước mơ hạnh phúc ấy. Hoài Trung láy nhẹ chữ “nơi nơi,” nghe thấy niềm vui lấp lánh niềm vui, trong khi giọng sang sảng của Anh Ngọc có vẻ như nghiêm trang quá. Và giọng Duy Trác ở câu đó thì mềm mại quá.


Ngày nay mỗi độ Xuân về nghe “Ly Rượu Mừng” mình lại càng nhớ đến hai người đã khuất là Hoài Bắc và Hoài Trung.

MỚI CẬP NHẬT