Thursday, March 28, 2024

Marco Rubio từng theo đạo Mormon – Vũ Quí Hạo Nhiên

 


Tiết lộ gây ảnh hưởng tới giấc mộng phó tổng thống


 


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt


 


Thượng nghị sĩ Công Giáo, bảo thủ, anh hùng của phong trào Tea Party, có thể được đề cử phó tổng thống. Ðó là một vài cách miêu tả Marco Rubio, thượng nghị sĩ Cộng Hòa đại diện Florida.










Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio, người hùng của giới bảo thủ và phong trào Tea Party, đã từng theo đạo Mormon – một chi tiết làm ảnh hưởng tới khả năng tham gia liên danh với Mitt Romney. (Hình: Win McNamee/Getty Images)


Nhưng nay có thêm một điều nữa mới biết về Rubio: Ông này từng là tín đồ ngoan đạo của đạo Mormon.


Ký giả McKay Coppins của BuzzFeed khám phá ra chuyện này và xác nhận với hai người anh chị em họ của Rubio.


Chuyện Rubio theo đạo gì thì là chuyện riêng của ông ấy, nhưng trong bối cảnh tranh cử hiện nay, nó làm xáo trộn cách tính toán về liên danh tổng thống-phó tổng thống.


Xưa nay, một người được đề cử tổng thống rồi thì hay chọn một ứng cử viên phó tổng thống, tuy hơi thích hợp, nhưng nói chung là có nhiều điểm khác mình để cân bằng lại. Cái gì người ta chưa thích mình, thì hy vọng người ta sẽ thích ở ông/bà phó, mà bỏ phiếu cho liên danh.


John McCain, chẳng hạn, lớn tuổi và bị cho là không đủ bảo thủ, bèn chọn bà Sarah Palin, trẻ, phụ nữ, và cực kỳ bảo thủ.


George W. Bush thì trẻ, cựu thống đốc, không có kinh nghiệm chính trị liên bang, không có thành tích gì về ngoại giao, quốc phòng. Ông chọn Dick Cheney, một lão làng của Washington, cựu Chánh Văn Phòng tòa Bạch Ốc từ thời Tổng Thống Gerald Ford, từng đứng số 2 trong đảng Cộng Hòa Hạ Viện, cựu bộ trưởng Quốc Phòng.


Có một cặp tổng thống và phó tổng thống rất giống nhau, là Bill Clinton và Al Gore. Cả hai đều thuộc cánh bảo thủ đảng Dân Chủ, cả hai đều xấp xỉ cùng trẻ như nhau, và cả hai đều đến từ cùng một vùng ở nước Mỹ: Arkansas và Tennessee là hai tiểu bang sát cạnh nhau.


Nhưng Gore có cái mà Clinton không có: Gore, mặc dù là con ông lớn (thượng nghị sĩ liên bang), có đi quân dịch, và tham chiến tại Việt Nam.


Nói chung là nếu ứng cử viên tổng thống có điểm yếu nào thì hay kiếm phó tổng thống khác mình, để lấp lại.


Romney có 2 điểm yếu: Romney bị cho là không đủ mức bảo thủ, và ông theo đạo Mormon, tên chính thức là Church of Jesus Christ of Latter-Day Saints, thường viết tắt LDS. Mormon, một tôn giáo phát sinh ngay tại Hoa Kỳ, bị nhiều người Tin Lành cực đoan cho là một thứ tà đạo. Mới năm ngoái, khi Thống Ðốc Rick Perry còn tranh cử, Mục Sư Robert Jeffress trong lúc giới thiệu ông Perry lên diễn đàn đã từng gọi ông này là “Ki tô hữu thật” thay vì Romney là kẻ theo “tà đạo.”


Cho nên, Rubio từng được xem là có thể lấp hết hai lỗ này cho Romney, bây giờ chỉ còn lấp được một lỗ. Rubio vẫn còn là nhân vật bảo thủ của phong trào Tea Party, nhưng nếu có ai ghét Romney vì theo đạo Mormon, Rubio sẽ không cứu được, mặc dù hiện nay thì Rubio theo đạo Công Giáo như hầu hết người Mỹ gốc Cuba khác.


Theo BuzzFeed, và được phát ngôn viên của Rubio xác nhận, Rubio được rửa tội theo đạo Mormon lúc gia đình ông dọn qua Nevada. Mẹ ông, ông, và em gái được rửa tội vào đạo Mormon, nhưng cha ông vẫn giữ đạo Công Giáo: Cha ông làm nghề pha rượu trong khách sạn sòng bài, mà đạo Mormon thì bài trừ bia rượu và bài bạc.


Tuy lúc đó mới 8 tuổi, nhưng Rubio đã trưởng thành như người lớn. Và Rubio luôn luôn hối thúc gia đình tham gia tất cả các sinh hoạt của nhà thờ.


“Tôn giáo, với football, là hai điều duy nhất trong đời Marco Rubio lúc đó,” theo lời Michelle Denis, người chị em họ của ông. Hai gia đình này không những là họ hàng, mà còn là hàng xóm ở Las Vegas.


Tới năm 13 tuổi, gia đình Rubio dọn qua Florida, và sau đó Rubio trở lại đạo Công Giáo, rước lễ lần đầu trong Giáng Sinh 1984.


Phát ngôn viên của Rubio nói ông này chưa bao giờ yêu cầu giáo hội LDS rút tên mình ra khỏi danh sách tín đồ, cho nên trên lý thuyết, giáo hội LDS vẫn cho ông Rubio là người của họ.


BuzzFeed cho biết tin này khi mới tung ra làm văn phòng ông Rubio lúng túng, người này đùn cho người kia không ai muốn trả lời nhà báo.


 


Lại thêm Cộng Hòa nhảy núi


 


Buddy Roemer, cựu thống đốc Louisiana, lất lây trong vòng sơ bộ đảng Cộng Hòa không được ai để ý, loan báo nhảy ra tranh cử độc lập.


Tố cáo cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa là “dính liền với nhau ở cái túi tiền,” ông nói qua Internet video là sẽ tiếp tục tranh cử nhưng không lệ thuộc vào hai đảng lớn này.


“Tối hôm qua đảng Cộng Hòa tổ chức cuộc tranh luận trên truyền hình lần thứ 23. Tôi không được mời tới dự một lần nào cả. Tôi là ứng cử viên duy nhất bị đảng Cộng Hòa cấm cửa.”


Rồi ông tuyên bố:


“Chúng tôi có nhiệm vụ giành lại đất nước này từ trong tay các nhóm lợi ích đầy uy quyền. Chúng tôi sẵn sàng thách thức cả hai đảng. Cả hai đảng đều dính liền với nhau ở cái túi tiền, họ chẳng khác gì nhau, họ đều si mê tiền bạc.”


Ông nói ông sẽ tranh cử để được đảng Americans Elect hoặc đảng Reform đề cử. Rồi ông muốn giành được sự ủng hộ của 15% cử tri trong các cuộc thăm dò, và như vậy sẽ được tham gia tranh luận tay ba với ứng viên đảng Cộng Hòa và Tổng Thống Barack Obama.


 


Cộng Hòa thách Dân Chủ bầu chung, Dân Chủ chịu liền


 


Hai thượng nghị sĩ tiểu bang Michigan thách thức cử tri Dân Chủ vào với đảng Cộng Hòa để bỏ phiếu, phe Dân Chủ bèn ừ liền.


Gốc gác là chuyện chi phí bầu sơ bộ của đảng Cộng Hòa tại Michigan. Lãnh tụ khối thiểu số Dân Chủ trong Thượng Viện tiểu bang chỉ trích chi phí $10 triệu là vô bổ. Rồi bà nói, “Nếu mấy anh (Cộng Hòa) giỡn mặt với bầu cử ở Michigan, đừng ngạc nhiên nếu cử tri sẽ lại giỡn mặt với cái trò bầu cử sơ bộ giả dối của mấy anh.”


Hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa bèn thách. Một ông nói: “Nếu người Dân Chủ tử tế nào muốn đổi qua để thành người Cộng Hòa tử tê, chúng tôi hoan nghênh.” Ông khác nói: “Tôi rất muốn quý vị qua bầu cử bên Cộng Hòa. Cứ qua mà sử dụng tiền thuế.”


Lời phát biểu của hai thượng nghị sĩ này được tung lên Youtube. Thế là sau đó đảng Dân Chủ ở Michigan gởi email cho cử tri phe nhà, và bảo, nếu Cộng Hòa muốn phe Dân Chủ nhào vô bầu, thì chúng ta cứ việc nhảy qua đó mà bầu. Mục tiêu dường như là họ sẽ bỏ phiếu cho Santorum cốt để cho phe Cộng Hòa còn tiếp tục đánh lẫn nhau dài dài.


Michigan có truyền thống “phá đám” kiểu này khá lâu đời, ở cả hai bên. Khi một đảng có vẻ ổn với ứng cử viên của mình, cử tri đảng đó chạy qua bên kia bỏ phiếu cho người kèo dưới, để phá người kèo trên.


Năm 1972, bên Cộng Hòa yên tâm với Richard Nixon, bèn nhào vô phía Dân Chủ bỏ phiếu cho George Wallace chống George McGovern. Năm 1988, Cộng Hòa qua phía Dân Chủ bỏ phiếu cho Jesse Jackson chống Michael Dukakis. Năm 2000, phía Dân Chủ chơi lại, giúp McCain thắng ở Michigan thay vì Bush.


Mới đây, năm 2008, phe bảo thủ đảng Cộng Hòa phá đám Obama bằng cách rủ nhau đi bỏ phiếu cho Hillary Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ của Dân Chủ.


 


Lại nói chuyện tôn giáo


 


Hôm Thứ Tư là ngày 4 ứng cử viên Cộng Hòa ra tranh luận trên truyền hình. Một nửa số ứng cử viên này là đạo Công Giáo: Rick Santorum và Newt Gingrich.


Thứ Tư cũng là lễ Tro trong lịch lễ Công Giáo. Người Công Giáo đi nhà thờ, nhận tro xức theo hình thập giá trên trán. Tro này mình để nguyên đó, không bôi không rửa.


Cho nên, hôm Thứ Tư, người Công Giáo nào có đi lễ là biết liền, vì còn vết tro trên trán suốt ngày, tới tối vẫn còn.


Cả hai Santorum và Gingrich đều không có vết tro trên trán khi lên truyền hình vào buổi tối.

MỚI CẬP NHẬT