Thursday, March 28, 2024

Minh chủ không tự nhiên sinh ra

Lê Diễn Ðức

Lộ trình dân chủ cho Việt Nam đang ở trong giai đoạn thử thách khó tiên đoán, nếu không nó là bi quan.

Một bên là nhà cầm quyền hung bạo, sử dụng bạo lực tối đa, đến mức côn đồ hóa bộ máy đàn áp, để duy trì sự tồn tại.

Một bên là ngày càng nhiều hơn các nhà tranh đấu dân chủ, những người bất đồng chính kiến, nhưng chưa đủ sức mạnh thuyết phục, lan tỏa ra xã hội. Thông thường sự phản kháng của họ bị kết thúc bởi những bản án tù giam nặng nề và bất công.

Một số người ra khỏi nhà tù trở nên thụ động, không còn giữ được chất lửa ngày nào, một số thì rút về ốc đảo cam phận và phó thác mặc lòng.

Ðã có trào lưu bộc phát ôn hòa mang tính dân sự, dựa trên các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và những quyền con người được hiến pháp hiện hành xác lập. Như nhóm các bloggers Việt Nam với “Tuyên bố 258” về việc đòi hủy bỏ điều 258 trong Bộ Luật Hình Sự về quyền tự do ngôn luận. Hay trước đó có hơn 8,600 chữ ký vào Tuyên bố được gọi là “Công dân tự do” đòi nhà cầm quyền hủy bỏ điều 4 của Hiến pháp hiện hành và thực thi đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội.

Có thể kể thêm các kiến nghị của nhiều nhân sĩ trí thức trong các cuộc vận động lấy chữ ký ủng hộ, ví dụ như chiến dịch chống khai thác bauxite Tây Nguyên, trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ, Tuyên bố Văn Giang, trả tự do cho Nguyễn Thị Phương Uyên, hay sửa đổi hiến pháp 1992.

Những hoạt động liên tiếp này dường như chẳng có hiệu quả nào với nhà cầm quyền, vì vẫn dựa trên cơ sở xin-cho trong cơ chế quan liêu, độc đoán. Nó không được quan tâm đặc biệt, hoặc đôi khi bị phản công lại trên báo chí dưới chiêu bài “diễn biến hòa bình”.

Các hoạt động mang tính dân sự nói trên mới chỉ được giành được sự ủng hộ bởi con số khiêm nhường của cư dân mạng, không gây được tiếng vang và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội. Với con số trên 33 triệu người trong nước sử dụng Internet và khoảng 3 triệu người Việt ở nước ngoài sử dụng Internet tự do, quả là ít ỏi khi nói tới 14 ngàn người ký tên vào Kiến nghị 72 về Sửa đổi Hiến pháp, là kiến nghị có nhiều người tham gia nhất.

Trong ngữ cảnh này, có rất nhiều kịch bản cho tiến trình dân chủ hóa được đưa ra, dựa trên kinh nghiệm và quy luật tất yếu. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, sở dĩ tiến trình chưa thể phát triển được vì thiếu một minh chủ-lãnh đạo đúng tầm.

Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Khổng Giáo và văn hóa Trung Hoa, cũng như các giai thoại về những anh hùng dân tộc Việt đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, người Việt vẫn mơ tưởng về một minh chủ, một lãnh tụ có thể tập hợp được quần chúng.
Thực ra nếu có được một minh chủ lãnh tụ như vậy là điều may mắn, nhưng trong thế giới hôm nay, trong xu thế của cách mạng quần chúng, minh chủ không tự nhiên sinh ra.

Cây mọc lên phải có đất và muốn trưởng thành thì cần phải được chăm bón. Cũng như với con người, một xã hội ù lì, mê muội và vô cảm với thời cuộc là mảnh đất khô cằn.

Chúng ta có thể lấy Ba Lan và Miến Ðiện làm ví dụ. Một đất nước đã làm sụp đổ chế độ cộng sản, xây dựng thành công hệ thống dân chủ, tự do từ năm 1989, và một đất nước khác gần Việt Nam hơn đang nằm trong lộ trình chuyển hóa từ nền độc tài quân phiệt sang dân chủ một cách ôn hòa.

Trong thực tế, phong trào quân chúng nuôi dưỡng và sinh ra lãnh đạo chứ không phải ngược lại. Hiệp sĩ dựng cờ khởi nghĩa đã thuộc về các câu chuyện của lịch sử xa xưa.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, từ năm 1945, Ba Lan bị áp đặt chủ nghĩa cộng sản, nằm trong vùng ảnh hưởng của Xô Viết. Ý thức phản kháng chống lại nhà nước cộng sản của nhân dân Ba Lan đã nảy sinh rất sớm, không đợi đến khi xuất
hiện của Giáo Hoàng Joan Paolô II và Công đoàn Ðoàn Kết.

Năm 1956, cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn người đã nổ ra tại thành phố Poznan, bị công an và quân đội do tướng chỉ huy người Liên Xô đàn áp dã man. Tiếp theo là những cuộc bãi công lớn tranh đấu đòi quyền lợi và tự do trong các năm 1970, 1972. Các cuộc biểu tình dường như bộc phát tự nhiên, không hề có người lãnh đạo.

Vào thập niên 1980, thanh niên Ba Lan phát động phong trào “Orange Alternative” (PomaraDczowa Alternatywa).“ Orange Alternative”, hay “Lựa chọn màu Cam” – qua ăn bận, trang trí, sử dụng đồ dùng trong sinh hoạt… , nhằm chọc diễu chính quyền, chống lại màu đỏ chính trị tràn ngập trong đời sống công cộng. Phong trào xuất phát từ thành phố Wroclaw, lan ra các thành phố Lodz, Lublin và thủ đô Warsaw. Các phong trào tương tự cũng từ đây diễn ra ở các nước Tiệp Khắc và Hungary.
Tất cả các phong trào xã hội đã âm ỉ, hun đúc nên mầm mống lãnh đạo tương lai. Và tới năm 1980, khi các cuộc biểu tình đình công của công nhân từ nhà máy đóng tàu mang tên Lenin tại thành phố Gdansk lan rộng ra cả nước, người thợ điện Lech Walesa xuất hiện như một nhân vật tiên phong và can đảm trong các cuộc chạm trán với nhà cầm quyền. Bộ tham mưu của Công đoàn Ðoàn kết bao gồm những trí thức hàng đầu của Ba Lan đã xây dựng hình ảnh Lech Walesa thành biểu tượng của quần chúng lao động trong các cuộc vận động chính trị. Lech Walesa trở thành thủ lĩnh.

Ở Miến Ðiện vào Tháng Tám, 1988, phong trào đòi tự do dân chủ của sinh viên và Phật tử lên cao. Những cuộc tuần hành, biểu tình diễn ra sôi động. Nhà cầm quyền quân sự đã cho quân đội thẳng tay trấn áp, giết chết khoảng 3,500 sinh viên.
Từ Anh, bà Aung San Suu Kyi trở về Miến Ðiện với mục đích về nước một thời gian ngắn chỉ để chăm sóc người mẹ bị đột quỵ. Tuy nhiên bà đã bị sốc với những cảnh tượng đẫm máu trên đất nước của mình. Tại Rangoon bà tận mắt chứng kiến binh lính giết chết sinh viên, bắn vào đầu họ từ khoảng cách chỉ vài bước. Bà không còn lương tâm nào để quay lại cuộc sống yên bình ở Oxford nữa.

Bà quyết định ở lại đúng vào lúc bi kịch nhất nhưng cũng cần thiết nhất: phong trào cần một người có uy tín và can đản lãnh trách nhiệm nối kết, tập hợp và xây dựng lực lượng đối đầu với chính quyền quân sự. Sau khi thống nhất với những thành viên tích cực của phe đối lập, bà tuyên bố thành lập đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Chỉ hai năm sau, năm 1990, đảng dối lập của bà đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng giới cầm quyền quân sự đã không thừa nhận và ban hành tình trạng thiết quân luật, bắt giam nhiều nhà hoạt động và quản chế bà. Phong trào đối lập vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động bí mật và bà là lãnh tụ tinh thần của họ. Trong năm 2007, quân đội lại đàn áp dã man cuộc nổi dậy của các tu sĩ Phật giáo, được gọi là “cuộc cách mạng màu vàng nghệ”. Hàng trăm người biểu tình đã đến trước nhà bà San Suu Kyi để tưởng tỏ lòng kính trọng. Bà Aung San Suu Ky đã từng khiêm tốn nói: “Tôi chỉ là một biểu tượng hữu ích của phong trào thống nhất”.

Cho đến các cuộc cách mạng tại Bắc Phi, những cuộc xuống đường của hàng triệu người lật đổ các chế độ độc tài, được khởi xướng thông qua Facebook, Twitter, Google. Người ta không thấy những lãnh tụ cụ thể mà là một nhóm những thanh niên trong các tổ chức như “Ngày 6 tháng Tư” phối hợp điều hành các cuộc biểu tình. Qua các cuộc cách mạng của Mùa Xuân Ả Rập, nhiều nhà quan sát đã kết luận, đây là những cuộc cách mạng không có minh chủ-lãnh đạo.

Không một chế độ độc tài nào lại tự nhiên chia xẻ hay nhượng quyền lực cho người khác. Dù có thể có những người có tư tưởng cải cách, cấp tiến như Jetlsin (Nga), tướng W. Jaruzienski (Ba Lan) hay tướng Thein Sein (Miến Ðiện), nhưng nếu không có một phong trào tranh đấu đủ mạnh gây áp lực thì cũng khó làm chuyển đổi được tư tưởng của họ qua hành động.
Tương W. Jaruzielski chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng với lực lượng đối lập, tiến hành bầu cử tự do và làm tổng thống chuyển tiếp trong một cấu trúc mới. Tướng Thein Sein chấp nhận một phần ghế quốc hội cho đảng đối lập thông qua bầu cử tự do và thực thi những bước đi dân chủ, trong khi quân đội vẫn còn giữ thực quyền.

Những sự kiện này đều xuất phát từ phong trào tranh đấu mạnh mẽ, chịu tổn thất, hy sinh của quần chúng. Không có phong trào quần chúng, sẽ không bao giờ có minh chủ.

Vince Lombardi (1913-1970), một huấn luyện viên thể thao nổi tiếng của Mỹ, có nói: “Các nhà lãnh đạo không tự nhiên sinh ra – họ được hình thành. Họ được tạo ra là do công việc khó khăn của tất cả những ai muốn đạt được một mục tiêu quan trọng”.

MỚI CẬP NHẬT