Tuesday, April 16, 2024

Món nợ văn hóa và tình chiến hữu


Phạm Ðức Khôi

Sáng nay dậy sớm check mail, tôi thấy bàng hoàng về cái tin “Thương tiếc chiến hữu Vũ Ánh” của anh Võ Văn Sáu (Góp Gió), người bạn cùng trại tù A20 Xuân Phước với anh. Tôi không mấy tin vào sự thực của tin tức trên mạng. Nhưng khi đọc bài chia sẻ tâm tình của anh, thấy nhắc tin anh Tống Phước Hiến “chia buồn” tôi mới lặng đi và tin đó là sự thực…

Ðúng ra tôi với anh Vũ Ánh không quen biết nhau nhiều. Anh chỉ là người bạn của chú em tôi Phạm Ðức Nhì, bạn tù với anh ở trại trừng giới Xuân Phước mà chú tôn là bậc đàn anh rất thân thiết và tôn quý. Từ đó qua giao tiếp của em tôi, tôi có dịp gặp gỡ đôi lần.

Trước đây khi còn trong quân ngũ ở bên nhà, tôi biết rất ít về anh vì mỗi người phục vụ ở mỗi môi trường riêng. Tôi thực sự biết đến tên anh qua bài phóng sự về một đơn vị Nghĩa quân thuộc Vùng Bốn Chiến Thuật. Chuyện kể về anh trung đội trưởng nghĩa quân ở vùng quê “xôi đậu.” Gia đình có hai anh em đã trưởng thành, vẫn sống chung với mẹ. Anh là lớn rất cương nghị có lập trường quốc gia sắt thép, đã đối xử với người em theo CS một cách rộng lượng nhưng cũng rất cương quyết, khiến bà mẹ vì thương con phải cưu mang, vô cùng khó xử. Ðã lâu lắm rồi không còn nhớ hết tình tiết câu chuyện, nhưng quả thực bài viết của anh đã tạo ấn tượng sâu sắc trong tôi về những dằn vặt và ngang trái của những đứa con khác chính kiến cùng một mẹ, và những đớn đau thổn thức của bà mẹ Việt Nam.



Từ trái, nhà báo Vũ Ánh, nhà báo Nam Nguyên, nhà báo Nguyễn Ngọc Linh, đứng phía sau là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, trong một nhà hàng ở Falls Church, Virginia. (Hình: Nguyễn Tuyển cung cấp)

Sau này tôi có biết tên và vai trò chứng nhân của anh những giây phút cuối cùng của Miền Nam Việt Nam, qua việc thu băng lệnh đầu hàng của TT Dương văn Minh tại Ðài Phát Thanh Quân Ðội như anh Võ Văn Sáu đã kể, nhưng tôi vẫn chưa từng biết mặt.

Trong những năm sau này, chú em tôi có gởi cho tôi những bài viết về những hoạt động báo chí văn nghệ phản kháng trong trại A20 với những bài thơ nhạc nức lòng tranh đấu của những người trẻ, dù bị ngược đãi tận cùng, nhưng vẫn hiên ngang không biết sống chết là gì. Trong những tác phẩm đấu tranh viết bằng máu và nước mắt đó có những bài thơ chống Cộng hừng hực chí căm hờn và bài viết của chú: “Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20.” Qua đó tôi biết được vai trò của anh Vũ Ánh, một người gương mẫu gan dạ, được sự tín cẩn, khâm phục, nể vì của các anh em trong vai trò lãnh đạo văn nghệ và báo chí đấu tranh. Tất nhiên trong hoạt động phản kháng anh em đã phải chịu đựng sự đàn áp khát máu của cai tù, nhưng theo chú, mỗi khi gặp tai ương anh đều nhận hết trách nhiệm thay cho các anh em khác. Ðây là một điểm son mà anh em ghi nhận và khâm phục ở phong cách, lý tưởng và bản lãnh nơi anh.

Rồi một lần, cách nay có đến trên mười năm, chú em tôi Phạm Ðức Nhì từ Texas qua chơi, chú có mời anh chị Vũ Ánh đến nhà. Lúc ấy anh Vũ Ánh có lẽ khoảng sáu mươi, tóc còn đen và trông rất chững chạc.

Ðây là lần đầu tiên tôi được hân hạnh biết anh chị Vũ Ánh. Lúc ấy gia đình chúng tôi qua Mỹ cũng chưa lâu, chị Yến Tuyết đã làm ở cơ quan an sinh xã hội nên rất sốt sắng trao đổi với chúng tôi những thông tin hữu ích mà chị biết. Riêng anh, dù chỉ mới sơ giao nhưng qua câu chuyện trao đổi, tôi nhận thấy ở anh một mẫu người điềm đạm, hiểu biết và chân tình. Ðiều làm tôi cảm động và lúng túng, đã giữ mãi ấn tượng đến nay là ở chỗ cá tính khiêm cung, trung thực trong cách xưng hô mà tôi gọi là “món nợ văn hóa.” Tôi mong ước được thanh thỏa khi có dịp gần gũi hơn, nhưng chuyện đã không bao giờ có thể…

Số là, vốn biết tôi vai anh của chú Nhì nên khi gặp mặt, anh rất vui vẻ tự nhiên. Anh “xưng em” với chúng tôi một cách thoải mái, chân tình mặc dù tuổi tác lúc ấy tôi được Nhì cho biết, trên tôi vài tuổi.

Tất nhiên tôi rất e ngại và cảm thấy lúng túng ngại ngùng. Tôi thành thực xin anh coi như bè bạn, vì anh cũng là một chiến hữu, còn chú Nhì là trong thân tộc họ hàng. Anh chậm rãi trả lời, vì anh chơi với chú em tôi như anh em trong gia đình nên cũng coi tôi như anh.

Câu trả lời và cách cư xử của anh rõ ra là một người đôn hậu và thấm nhuần văn hóa dân tộc. Mặc dù tôi rất ngại ngùng, không thuyết phục được anh thay đổi cách xưng hô, nhưng tôi phải nhìn nhận tính khiêm cung nhân hậu của anh là một ưu điểm hiếm thấy nơi những thế hệ sống tại hải ngoại “quá dồi dào lòng tự hào” như chúng ta. Tôi trộm nghĩ, nếu như mọi người đều đem lòng thành thực cư xử tử tế vơi nhau như anh, chắc hẳn cộng đồng chúng ta phải khác nhiều như chúng ta hằng mong ước.

Lần thứ nhì cách nay không xa, anh đến tôi để đón chú em đi dự buổi hội ngộ các bạn tù A20 tổ chức tại Cali. Lần này tóc anh đã bạc nhiều. Trông anh khá bận rộn nhưng vẫn còn khỏe mạnh. 

Hôm nay anh đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi bảy ba. Tôi thành tâm nghĩ rằng một người có tấm lòng nhân hậu với bạn bè và tha thiết với quê hương như anh, phải được đối xử công bằng; đừng để những ngộ nhận làm nản lòng và che phủ những tầm lòng cao đẹp đã có một thời cùng chung chí hướng hiến dâng cho quê hương đất nước khổ đau. Xin hãy trả lại cho gia đình anh niềm hạnh phúc và tự hào đã cùng anh chia sẻ.

Vĩnh biệt anh Vũ Ánh! Món nợ văn hóa tôi không bao giờ được trả, nhưng những tình cảm quí mến trong tôi vẫn mãi hướng về anh.

Xin nguyện cầu ơn trên ban hồng phước cho anh được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng,

Xin chân thành chia sẻ sự mất mát to lớn của chị Yến Tuyết và các cháu.

Một chiến hữu quí mến và thương tiếc anh.

Phạm Ðức Khôi
Khóa 1, ÐH/CTCT/ÐL

MỚI CẬP NHẬT