Friday, March 29, 2024

Moscato ngọt ngào

 

Năm ngoái, trong một chuyến du Xuân chớp nhoáng, người viết đã vù lên miền Bắc. Chỉ vì theo chân những người ưa rượu chát mình cũng đi thăm các vườn nho như quý ông sành điệu.

Trong chuyến đi, bỗng lại nghe thấy tiếng thì thầm về cái chất lả lơi của Phạm Duy!

Không! Chúng tôi chỉ nói về nhạc, về lời ca của người nhạc sĩ thôi. Mà cũng chẳng nói về bài “Cỏ Hồng” nổi tiếng khêu gợi của ông. Chỉ vì có người lấp lánh cái kính trên mũi phán ra một câu xanh rờn, còn hơn cả những ruộng nho bạt ngàn hai bên sườn đồi.

Những người phàm thường hát trệch bài Cỏ Hồng để chứng tỏ sự tinh ma của họ. 

Em ơi! Ðây con đồi dài
Như bao nhiêu mộng đời
Nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu đương. 

Mấy ông đó hát trệch chữ “con đồi dài” thành một thiếu nữ khêu gợi và coi đó là thông minh! Còn Phạm Duy lại rất chân phương viết về vẻ đẹp của Mẹ Việt Nam với nét họa của Modigliani trong một bức tranh khỏa thân. Trong phần Ðất Mẹ, người nhạc sĩ hát ra nét xinh đẹp của Mẹ như sau:

Ðôi má tươi hồng, má tươi hồng, với bàn tay trắng
Nhỏ người vai lẳn, vú căng tròn, tròn lưng ong,
Mẹ nằm phơi gió trăng.
 

Các cụ nho mình ngày xưa có thể ưa thích cô đầu hoặc “ban đêm quan lớn tần mần như ma”, mà trong nhà đều tránh dùng hay chữ “gió trăng” hay “trăng gió”. Và nhiều người nệ cổ thì không đặt tên con gái với những chữ như tuyết, nguyệt, phong, hoa, nhất là tên các loài hoa! Bây giờ, Phạm Duy lại viết ra bạch văn cho chúng ta hát hỏng rằng “Mẹ nằm phơi gió trăng”! thì có đáng tội không nào?

Mà tội nhất là mấy câu sau đó…. 

Mẹ Việt Nam!
Bên bờ đại dương
Mẹ duỗi chân dài chờ mưa tuôn!
 

Hoặc 

Mẹ Việt Nam!
Mẹ mong, mong chồng
Cũng như là ruộng sâu nông….
 

Người viết xin tạm ngưng ở đó để ngày Xuân quý độc giả có thể tưởng tượng thêm phần Xuân sắc của Mẹ, nó rất gần với thơ lãng mạn của Hồ Xuân Hương. Và xin trở lại ruộng nho.

Chỉ vì trong chuyến đi có người so sánh hai thung lũng Napa và Sonoma với đôi chân của Mẹ Xinh Ðẹp. Bắc ngang ở giữa là một rặng núi phải vượt qua bằng con đường đèo khúc khuỷu. Ðúng là hôm thử rượu xong từ bên Napa rồi chạy qua Sonoma mới dám liều lĩnh như vậy.

Ðây là một trung tâm sản xuất rượu nho của California, tức là của Hoa Kỳ vì rượu nho Cali đứng đầu nước Mỹ và có lẽ cả thế giới nếu tính về số lượng.

Dù chỉ là trong chuyến đi chớp nhoáng và ghé vài hãng rượu với phong cách “cưỡi ngựa xem hoa”, Quỳnh Giao cũng nhấp thử vài ly như thiên hạ. Và với khả năng nhậu nhẹt của kẻ chuyên đi phá mồi của các ông, mình chấm ngay chai Moscato Red của nhà Sutter Home là “hợp với khẩu vị đàn bà con nít”! Với tư cách bị chê là nít nôi đó, xin tạp ghi vài hàng về loại rượu này vì nay mai thôi, Moscato sẽ là loại rượu ăn khách nhất!

Học sinh lớp đồng ấu về rượu chát có thể biết rượu nho là kết quả của men và chất đường trong quả nho. Khi trái nho được ép lấy nước và châm thêm men thì dung dịch ấy cho ta chất cồn của rượu. Loại càng mạnh hay càng nặng thì càng có độ cồn cao hơn. Loại nho Moscato cho ta rượu có vị ngọt, mềm môi dễ uống cho người chưa lậm quá sâu vào thế giới của Lưu Linh mà lại có độ cồn rất thấp nên uống nhiều vẫn chưa nói bậy bạ!

Với các bà, loại công dân chiếu dưới trong thiên đình nhậu nhẹt của các ông, rượu Moscato còn có ưu điểm là thoang thoảng hương thơm của đào và mơ. Sành hơn một chút, các bà có thể thấy loại rượu này hơi sủi tăm như rượu Champagne, lại có cái giá rất “mềm”, chỉ từ năm đồng đến chục bạc là uống được rồi. Không cháy lưỡi mà cũng chẳng cháy túi thì còn gì hơn?

Chúng ta biết rằng rượu là kết quả của thổ ngơi, nơi có thể trồng nho, và mỗi nhà châm thêm một số bí quyết để chinh phục cả thị giác, khứu giác và vị giác của chúng ta ở màu, hương và vị. Loại nho Moscato hay Muscat có thấy trồng tại Ý, Tây Ban Nha, Argentina hay Australia, nhưng đều bị người Mỹ huy động về đất California với kế hoạch sẽ đưa rượu Moscato này vào thị trường của dân mê rượu. Nhưng chỉ là những người mê rượu ở trình độ phàm tục, nghĩa là rất đông!

Như phản ứng bị chê là nít nôi của người viết, họ uống Moscato làm rượu khai vị là uống trước khi ăn để đánh thức con tì con vị. Sau đó, họ lại uống Moscato như rượu tráng miệng, uống sau khi ăn và uống chung với bánh mứt, trái cây hay kem. Vị chi là uống hai lần!

Trong chuyến đi thực tập đó, mình còn được các nhà sản xuất thành thật trình bày là họ mới chỉ để ý và chế cất loại rượu này từ ba bốn năm gần đây thôi. Trước tiên là do sáng kiến của hai nhà Gallo và Sutter Home. Khi thấy dân Hoa Kỳ bất ngờ hưởng ứng, họ lập tức lao vào cuộc, lùng sục tìm ra những nơi có trái nho thích hợp và sẽ gieo trồng chế cất với khả năng kinh doanh đáng sợ của người Mỹ. Loại Moscato d’Asti lừng danh trên đất Piedmond của Ý quả thật là đang bị động đất vì sự chiếu cố của các nhà sản xuất Hoa Kỳ.

Ðã lỡ bước qua hàng rào của các ông mà nói về rượu thì cũng xin đầu năm liều mình nói tiếp!

Năm xưa, nhiều người Mỹ đã cải đạo mà tu tiên theo môn phái Lưu Linh sau khi xem phim “Sideway”, xuất hiện năm 2005. Tác phẩm điện ảnh đó đẩy mạnh loại rượu Pinot Noir trên thị trường thành một hiện tượng. Rồi bị lãng quên. Riêng trong nhà thì người viết vẫn có Pinot Noir vì một lý do rất kinh tế: Như Bourgogne của Tây, uống với thịt và cá đều được chứ khỏi đổi chai đổi ly cho thêm phần nhiêu khê rắc rối!

Bây giờ đến lượt Moscato, uống rất mát từ khi nhập cuộc đến lúc giãn tuồng đều được cả. Nó là loại rượi thịnh hành trong tuổi nhập môn, từ hai đến ba chục, khi thành phần đó giã từ chai bia để leo lên một bậc cao hơn của thói nhậu nhẹt! Họ cũng là thành phần bắt đầu kiếm ra tiền mà hơn phân nửa lại là phụ nữ!

Ngẫm lại như vậy thì chuyện các hãng rượu đang có manh tâm “phục rượu chúng ta”. Cái mưu đó và cách ngợi ca Mẹ Xinh Ðẹp của Phạm Duy, cái nào đáng tội hơn?

MỚI CẬP NHẬT