Friday, April 19, 2024

Một cánh buồm Việt Nam…

 

Nhìn thẳng vào nền giáo dục Việt Nam: đôi điều sự thật

 

 

 

Phạm Toàn

 

LTS – Bài viết dưới đây của nhà giáo, nhà văn Phạm Toàn, hiện đang sống tại Hà Nội, gởi đến Người Việt. Bài trình bày quan điểm của tác giả đối với thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay, đồng thời kể lại sự ra đời của nhóm Cánh Buồm, do một số nhà giáo tại Việt Nam khởi xướng. Công việc của “Cánh Buồm” là thực hiện sách giáo khoa cho trẻ em, trong khi Luật Giáo Dục ấn định chỉ có một chương trình và một bộ sách giáo khoa cho trẻ em cả nước. Người Việt xin đăng nguyên văn bài viết sau đây.

 

***

 

Một cánh buồm trong bão tố

 

Xa xa một cánh buồm… Bài thơ này của Lermontov… cánh buồm ấy… bỗng hiện trở về tâm trí tôi khi được yêu cầu đặt tên cho nhóm các nhà sư phạm trẻ tuổi tự giao cho mình một nhiệm vụ nặng nề làm lại sách giáo khoa nhằm cải cách triệt để công cuộc giáo dục bậc tiểu học của đất nước.

 Với riêng tôi, hình ảnh đó ám ảnh tôi từ lâu rồi, một cánh buồm cô đơn trên biển lớn sóng to gió dữ. Chuyện trở về với những năm 1970 khi tôi tuyên bố với chút ngạo mạn trước các đồng nghiệp rằng tôi sẽ một mình tự học tiếng Nga – “Tôi sẽ bắt kịp các cậu, tất cả các cậu, thậm chí có thể vượt các cậu trong một thời gian ngắn, rồi coi!” Thế rồi tôi bắt đầu cày tiếng Nga như điên bằng cuốn sách Le Russe của Nina Potapova và chính trong cuốn sách này tôi gặp cánh buồm cô đơn của nhà thơ Nga Lermontov Tìm chi nơi xa vắng… Bão tố chốn nghỉ ngơi.

Một chút tự phụ và một chút lãng mạn bẩm sinh như thế đã thúc tôi đưa ra lời thách thức. Ở Việt Nam vào thời đó các nhà trí thức nói tiếng Nga hoặc tiếng Tàu. Các nhà trí thức nói tiếng Pháp đã câm tiếng, và đang tìm cách sông lay lắt bằng công việc dịch thuật. Những người nói tiếng Anh còn ít hơn. Một nhúm người nói nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Tây Ban Nha) làm việc cho Thông Tấn Xã Việt Nam, cho nhà xuất bản Ngoại Văn, đẻ ra những “tác phẩm” bạc nhạc cho công tác gọi bằng tuyên truyền đối ngoại.

Trải nhiều chục năm chiến tranh liên miên, một đội ngũ trí thức chịu ảnh hưởng chính trị của Liên Xô hoặc Trung Hoa đã hình thành. Và chỉ sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 những vị này mới có cơ hội đọc Sartre và Camus, Soljenitsyne và Sakharov, Kawabata và Kazanzakis, cùng nhiều bậc thầy khác của nền văn chương thế giới – đọc qua các bản dịch sang tiếng Việt hoặc đọc bằng nguyên bản… và đọc tại Sài Gòn. Những nhà văn từ Rừng đi ra khoe với nhau đã kiếm được cho mình cả ngàn cuốn “sách cũ mới toanh” – mới như Cầu Mới là cây cầu cũ nhất Paris. Và như vậy cái chế độ bị thua trận xem ra lại vô cùng hoành tráng trong con mắt những nhà trí thức Bắc Việt Nam tội nghiệp. Cả một bầu đoàn nhà văn khát sách đã hùng dũng tiến vào một thành phố Sài Gòn “đồi trụy về văn hóa” và ngập tràn sách “văn chương phản động chỉ đáng đem đốt hết.” Có không biết cơ man nào những nhà văn ấy đã khoe rằng họ đã cứu được cả ngàn thân phận sách sắp bị chết thảm thương đó để… đem về xếp chật tủ sách riêng.

Ðó là cung cách một nền văn hóa thấp kém hơn của những kẻ thắng trận đã chiếm lấy những sản phẩm văn hóa chất lượng cao hơn của phe thất trận, người ta nói với nhau trong nỗi đắng cay sâu xa. Xin bạn hãy hình dung, trong một cuốn sách xuất bản năm 1980 và còn in đi in lại nhiều lần, sách có tên “Nhập môn Tâm lý học,” ta đọc được những dòng này: ở Hoa Kỳ, có những nhà tâm lý học đã nghiên cứu tâm lý học động vật để sau đó đem áp dụng vào cho con người, cách hành xử như vậy có nguyên nhân là những điều kiện sống đau khổ trong xã hội ấy (trang 60). Xin bạn đoán thử coi ông nào dám liều viết ra những điều như thế? Tác giả là một viện sĩ, bộ trưởng Giáo Dục từ Tháng Hai năm 1987 đến Tháng Ba năm 1990. Và rất gần đây thôi, bà phó chủ tịch nước đã viết trên báo Nhân Dân, cơ quan của Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam, rằng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của chúng ta cao gấp vạn lần nền dân chủ “của họ”! (May mà bà này còn khiêm tốn gấp trăm lần ông Lénine vì ông này tuyến bố nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của chúng ta cao gấp triệu lần nền dân chủ của bọn tư bản!).

Ấy vậy mà chính những sản phẩm của một nền giáo dục què quặt như thế lại đứng ra làm những nhà cải cách cho một nền giáo dục được họ tuyên bố một cách tự mãn là “tiến bộ”!

Tuy nhiên, tự mãn đâu có khỏa lấp được sự thiếu năng lực, như lời của nhà báo Jacques Ducornoy đã nói trên tờ Le Monde diplomatique từ năm 1973. Hết năm này qua năm khác và các dự án cải cách giáo dục của họ chẳng đẻ ra cái gì tử tế ngoài cảnh đại khủng hoảng của nền giáo dục trên phạm vi toàn quốc. Năm 2010, nhiều nghìn thanh niên ăn điểm zéro môn Lịch Sử và đã bị trượt kỳ thi vào đại học. Trẻ em suốt ngày học ở trường và tới khuya muộn vẫn còn học ở những lớp học thêm. “Họ đánh cắp thời giờ của con em chúng tôi! Con em chúng tôi không được chơi nữa!” phụ huynh học sinh than phiền. Xin cho tôi nói thật (về nền giáo dục của chúng ta), đó là tiếng gào của Giáo Sư Hoàng Tụy, cựu viện trưởng Viện Toán Học Việt Nam, người vừa mới nhận giải thưởng Constantin Caratheodory vì các công trình đã được thời gian thử thách của ông. Cũng vị giáo sư này đã công bố nhiều bài viết nhấn mạnh đặc biệt tới sự cần thiết phải có một nền giáo dục thế tục hóa (cách diễn đạt của ông) sao cho nền giáo dục khốn khổ được đi đúng đường.

Nhằm sửa chữa tình trạng, từ năm 2003, ít ra đã có năm dự án được gửi lên các cơ quan cấp cao. Một dự án của nhóm Hoàng Tụy. Một dự án khác đến từ các Việt kiều. Một dự án thứ ba từ các nhà trí thức trong Viện IDS, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn không thuộc nhà nước song khốn thay lại chỉ tồn tại được khoảng hai năm. Hai dự án nữa nằm trong các gợi ý từ các cuốn sách “Hai trăm năm Humbold – Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam” kèm theo những cuộc hội thảo giáo dục tổ chức khi thì ở Nha Trang, Ðà Nẵng của Việt Nam, khi thì ở Singapore…

Ðiều kỳ lạ, ấy là người ta làm ngơ không chút giấu giếm mọi gợi ý đó, mọi khuyến nghị đó, mọi kiến nghị đó. Một quyền lực thực sự toàn trị đã nhắm mắt và bưng tai, không thèm nói cả một chữ cám ơn với những nguyện vọng của những con người hiển nhiên là đầy thiện chí.

Từ đó mà một dự án hoàn toàn khác đã ra đời, dự án của chúng tôi, dự án mang tên Cánh Buồm nhà ở phố Internet, số nhà hiendai.edu.vn, viết tắt của dự án vì một nền giáo dục hiện đại hóa.

 

Làm gì?

 

Làm gì? từ lâu rồi cứ tồn tại dai dẳng cái câu hỏi đau lòng, hỏi về mọi mặt của cuộc sống, câu hỏi của mọi con người trung thực, nhất là những nhà trí thức của đất nước. Với chúng tôi, câu hỏi đó được trả lời bằng việc tìm một con đường khác, không gợi ý nữa, cũng chẳng khuyến nghị nữa, cũng không kiến nghị gì sất. Cánh Buồm đã chọn con đường bất tuân dân sự (désobéissance civile – civil disobedience)!

Ðể nói rõ hơn điều này, có lẽ đến đây chúng ta nên dừng lại đôi chút ở vài ba chi tiết quan trọng đặng lý giải cuộc nổi loạn (kiểu Albert Camus) của nhóm Cánh Buồm.

Năm 1978, nhằm cải cách nền giáo dục nước nhà, một ngôi trường thực nghiệm đã được thành lập để du nhập một hướng đi tâm lý học phát triển ứng dụng vào thực tiễn tổ chức đời sống học đường dựa trên hoạt động của bản thân người học. Chính tại ngôi trường này ngay từ năm học đầu tiên (1978-1979), cậu bé Ngô Bảo Châu đã theo học, rồi vào năm 2010 đã thành nhà toán học Châu Á đầu tiên nhận huy chương Fields. Nhắc tới trường hợp Ngô Bảo Châu ở đây không có nghĩa là chúng tôi muốn chia sẻ vinh quang của anh, vì có mặc ghé cái áo thầy tu của anh vào thì đâu có vì thế mà mình thành kẻ tu hành. Ðó chỉ là cái vị ngon lành có thể được nếm sớm mà thôi. Trường thực nghiệm nơi Ngô Bảo Châu theo học những năm đầu đời đã được lan tỏa khắp cả nước và cho tới khi hệ thống này bị xóa sổ sau một nghị định ký năm 2004 thì cành nhánh của nó đã lan ra 43 tỉnh và thành phố, trong đó có cả thành phố Hồ Chí Minh.

Thay thế cho thiết chế thực nghiệm cải cách giáo dục bị giải thể là một cuộc cải cách mới mang mã hiệu CT-2000 (nghĩa là: “Chương trình Giáo dục năm 2000”). Giới truyền thông không được cho biết những ai là tác giả của chương trình cải cách này. Do cảm nhận sớm những thất bại nhất thiết sớm muộn sẽ xảy ra, một vài nhân vật vội vã tuyên bố sẵn: “Ðây chưa phải là cải cách giáo dục, đây mới chỉ là thay chương trình và thay sách.” Có những người thạo tin (?!)cho rằng các tác giả chủ chốt chính là Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và vốn kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục thuộc Bộ Giáo Dục, kẻ độc quyền kinh doanh tất cả các loại tư liệu dùng cho việc học của con em.

Khác với sự phỏng đoán, có một việc lại rất dễ thấy: việc “cải cách” đã tiến hành, và Quốc Hội vội vã thông qua đạo Luật bắt “cả nước chỉ có chung một bộ sách giáo khoa.” Ấy thế nhưng Giời có mắt, dân gian vẫn tin như vậy. Năm 2008, mấy năm sau khi “lên ngôi,” chương trình CT-2000 tạo ra một sự sa sút nghiêm trọng chất lượng giáo dục. Các cơ quan truyền thông ào ào vào cuộc. Thế là hết chỉ thị nọ tới chỉ thị kia được tung ra kêu gọi giảm tải bằng mọi phép cốt cứu sao cho cái CT-2000 không bị chìm!

Vô phương! Không một ai đủ sức hà hơi cứu nguy cho “vị anh hùng” thân bại danh liệt CT2000. Nó bị cuộc sống dứt khoát tuyên án xếp xó vĩnh viễn.

Chính là trong bối cảnh đó mà nhóm Cánh Buồm chúng tôi ra đời, tự mình xông vào những công việc tự mình đặt ra cho chính mình thực hiện…

 

Thủy thủ đoàn và sứ mệnh

 

Xa xa một cánh buồm … Cái cánh buồm đang trong bão tố chốn nghỉ ngơi, thủy thủ đoan gồm những ai và sứ mệnh của nó là gì?

Tay cầm lái là một nhà giáo già, chính cái người trong nhiều thập kỷ đã làm chân trợ lý cho vị sáng lập và là giám đốc cái Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Thực nghiệm nơi nhà toán học tương lai Ngô Bảo Châu đã theo học. Hoàn toàn tình cờ, ông già này lại được mời giúp ông giám đốc kia trong việc huấn luyện một nhóm nhà sư phạm trẻ mới rời trường Ðại Học Sư Phạm Hà Nội để chuẩn bị đưa họ vào một công việc mới mẻ nào đó. Chẳng may, kế hoạch tuyển dụng họ đã vỡ. Thế là ông già cầm lái đã mời họ cùng nhau lập thành một đoàn thủy thủ chung một Cánh Buồm và nhằm thẳng hướng bão tố mà giong.

Rõ thật hay! Người đầu tiên gia nhập đoàn thủy thủ là Nguyễn Thị Thanh Hải, một cô giáo trẻ hồi đó đã xin được một chân công việc tại Nhà Xuất Bản Giáo Dục thuộc Bộ Giáo Dục – một vị trí như thế cho dù còn bấp bênh song cũng là niềm ao ước của vô khối bạn cùng lớp. Ấy thế mà Hải đã bỏ việc đó để đi làm công không lương trong nhóm Cánh Buồm.

Tiếp đến là các bạn trẻ khác, trẻ nhưng không kém lý tưởng: Ðinh Phương Thảo, Ðào Thúy Hạnh, Vũ Thị Như Quỳnh … cùng những tác giả khác có tên trên bìa 2 của một trong năm cuốn giáo khoa trình làng trong cuộc hội thảo năm 2010.

Trong thủy thủ đoàn, cần kể thêm tên hai họa sĩ minh họa các sách của chúng tôi. Cũng lại là những con người lý tưởng nữa! Những hình vẽ của họ (có cả nghìn hình) – làm cách gì trả tiền công cho họ một cách xứng đáng cho từng sản phẩm mà mặc dù làm gần như không công đấy song vẫn phải đạt yêu cầu vẽ đẹp cho xứng với những em bé sống thời hiện đại? Vấn đề đặt ra như thế đấy, và cuối cùng công việc đã hoàn thành hơn cả mức trông đợi.

Và đoàn thủy thủ cùng nhau ra khơi.

Mở đầu là cuộc hội thảo thứ nhất tổ chức năm 2009 tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp tại Hà Nội l’Espace mang chủ đề “Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em” theo nội dung cuốn sách của người cầm lái già hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục lý giải mục đích và phương pháp nhóm này tham gia công cuộc cải cách giáo dục.

Liền sau đó, cả nhóm bắt tay vào làm các cuốn sách giáo khoa, một con đường đầy khó khăn trở ngại, Họ phải bắt đầu trong vai những thợ học việc, bắt đầu tập làm từ sách lớp Một, và thử thách đó chẳng hề dễ dàng chút nào.

Thử thách đầu tiên trên bình diện triết học: họ cần phải tự thoát ra khỏi hệ thống giáo dục chuyên giảng giải và nhại lại lời giảng mà họ từng là nạn nhân, để được cải đạo sang một kiểu nhà trường mới dựa trên sự chia sẻ trách nhiệm, người dạy học có trách nhiệm làm “viên đốc công” và học sinh có trách nhiệm làm những “người thợ xây” – thầy và thợ cùng chung sức với nhau đi săn tìm những thức ăn tinh thần, những chân lý các loại, chân lý khoa học, chân lý nghệ thuật và chân lý đạo đức.

Thử thách thứ hai trên bình diện tâm lý học: vốn được đào tạo để ra trường thì đi dạy ở bậc trung học, bây giờ họ phải tự thích nghi, phải tập làm quen với trẻ em sáu hoặc bảy tuổi. May sao, họ vốn là những con người lý tưởng chủ nghĩa, cùng với nhiệt tình và sức trẻ, việc họ dấn thân cũng chẳng mấy khó khăn.

Tiếp nữa là… Cái chuyện tài chính tiền nong, làm cách gì cho đủ sống một khi họ lao vào công việc gần như hoàn toàn không công này? Làm cách gì giải thích cho người thân, nhất là cho cha mẹ là những người hẳn là không muốn con mình dấn thân, không tìm những vị trí vững vàng trong bộ máy, thay vào đó lại đi chọn những chỗ đứng không chắc chắn? Cách gì trả lời cả đống câu hỏi “tại sao” câu nào cũng gai góc cả?

Thế mà cả nhóm Cánh Buồm mọi người đã đứng vững. Tháng Chín năm 2010, năm cuốn sách giáo khoa đầu tiên đã được trình ra tại hội thảo “Chào lớp Một” tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp tại Hà Nội l’Espace.

Tháng Mười 2011, cũng đoàn thủy thủ này đã đem mười lăm cuốn sách giáo khoa mới đến cuộc hội thảo “Tự học – Tự giáo dục” cũng lại tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp tại Hà Nội l’Espace.

Một hành trình ba năm! Dĩ nhiên, nhóm Cánh Buồm không chịu dừng lại ở đó!

 

Những nhà hảo tâm

 

Nhóm Cánh Buồm đã đường đột xông vào ngôi nhà giáo dục cho tới nay vẫn kín cổng cao tường.

Luật Giáo Dục đã ấn định chỉ có một chương trình và một bộ sách giáo khoa cho trẻ em cả nước. Thế nhưng Cánh Buồm đã mang lại cho con người và đời sống dân sự một chương trình học hoàn toàn khác và một bộ sách giáo khoa hoàn toàn không giống với thậm chí cao hơn hẳn sách của CT-2000.

Những giáo viên vốn tính thụ động gần như sống trong cam chịu mọi điều, đã góp phần làm tràn lan những tài liệu giáo khoa rẻ tiền không thể chấp nhận được – những giáo viên này sẽ thấy hoàn toàn ngỡ ngàng trước một cách tiếp cận sư phạm hoàn toàn mới mẻ bắt họ phải ly khai với những thói quen dạy học cũ và tham gia vào những hoạt động do trẻ em thực hiện để “tự học và tự giáo dục.”

Cả một truyền thống các chuyên gia cao ngạo nhờ độc quyền bây giờ thấy mình bị bóc mẻ – sách giáo khoa Cánh Buồm giúp mọi người có được điểm quy chiếu so sánh – đây chính là một bước dân chủ hóa đời sống xã hội.

Trong những điều kiện đó, liệu ta có thể trông chờ các giới chức (chính trị và chuyên môn) dang rộng hai tay đón những công trình của Cánh Buồm? Làm cách gì để có được một nền tảng xã hội để cho công trình mới được cất cánh?

Ðây là lựa chọn của chúng tôi: Cánh Buồm hướng mũi tới hai nhà hảo tâm chính yếu: Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội l’Espace, và Nhà Xuất Bản Tri Thức thuộc Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh vốn là một trong những nhà cách mạng Việt Nam những năm hai mươi thế kỷ 20, người đã đưa ra ba nguyên lý “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh.” Sau nhiều thập kỷ phát triển xã hội chủ nghĩa, các nhà trí thức của chúng ta đã tổ chức ra nhà xuất bản Tri thức thuộc Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh, mà chỉ một cái tên tuổi ấy cũng đủ gợi lên biết bao liên tưởng đến một xã hội dân sự trong tương lai.

Cánh Buồm đã tìm nơi nương tựa tại nhà xuất bản này, nếu không, sự độc quyền xuất bản sách giáo khoa sẽ khiến cho các sản phẩm giáo dục của mình không bao giờ được chào đời.

Ðể đem trình các sản phẩm giáo dục của mình cho công chúng đông đảo, cả ba lần hội thảo sau khi xuất bản đều được đỡ đầu bởi Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội l’Espace.

Ðó là hai nhà hảo tâm đầu tiên của Cánh Buồm. Lần theo con đường mòn mới vạch ra đó, dần dần chúng tôi đến được với đông đảo công chúng. Sự chào đón của công chúng đối với những sách giáo khoa kiểu mới này, việc số đông ngày càng tăng những nhà giáo và phụ huynh đem dùng các cuốn sách này, viễn cảnh được thấy trẻ em cả nước được nhận một nền giáo dục tốt đẹp hơn, đó là điều chúng tôi hướng tới mà hết lòng hy sinh vì nó.

Chính thế, Cánh Buồm dong khơi chính là vì trẻ em của đất nước này, chứ không dong khơi vì những bằng khen và huy chương của Bộ Giáo Dục. Về mặt này, Cánh Buồm đi đúng hướng.

MỚI CẬP NHẬT