Thursday, March 28, 2024

Một giờ nói chuyện với dịch giả Liêu Quốc Nhĩ (Kỳ 1)

 





LNÐ:
Trong khoảng thời gian 5 năm cuối cùng của 20 năm sinh hoạt văn học miền Nam, sách dịch các loại là hiện tượng nổi bật, mạnh mẽ nhất. Nó lấn lướt tất cả mọi loại sáng tác ở miền Nam. Tới mức độ, nhiều nhà xuất bản danh tiếng, vốn chỉ chú trọng tới những sáng tác mang tính văn học, nghệ thuật cao, cũng quay sang khai thác thị trường sách dịch.


Một bất ngờ, nằm ngoài mọi dự tính, tiên liệu của các nhà xuất bản là sự nổi lên cuồn cuộn như sóng trào của cái gọi là “Hiện tượng truyện Quỳnh Dao.” Vì thế, tạp chí Văn ở Saigon thời đó, đã có một bài phỏng vấn người vô tình tạo nên “cơn bão” truyện Quỳnh Dao, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ.


Nhờ công sưu tầm của nhà thơ Thành Tôn, hiện cư ngụ tại miền Nam California, chúng tôi trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn kể trên, thực hiện bởi nhà thơ Du Tử Lê, theo yêu cầu của tạp chí Văn, cách đây cũng đã trên, dưới bốn mươi năm.





 


Du Tử Lê (DTL): Thưa ông, xin ông cho biết nguyên động lực nào, hãy tạm nói như vậy, đưa ông tới việc chọn sách Quỳnh Dao để dịch, mà không phải là một tác giả Trung Hoa khác?










Nhà văn Quỳnh Dao. (Nguồn ảnh Baidu)



Liêu Quốc Nhĩ (LQN):
Quả thực, tôi không dự liệu việc dịch sách. Càng không là dịch sách Quỳnh Dao. Với tôi, việc đó thật là tình cờ. Như một trò chơi. Hồi năm 1958, Ðại Học Khoa Học quyết định ra một đặc san Xuân, và anh em bảo tôi viết cái gì cho vui. Tôi nhớ trước đây không lâu, tôi có đọc một số báo Văn, đặc biệt về Quỳnh Dao. Và sẵn có nguyên bản một số truyện Quỳnh Dao trong tay, tôi bèn dịch một truyện và đưa cho họ. Sau đấy, một anh bạn làm tờ Võ Thuật, muốn làm thêm xuất bản lại bảo tôi chọn một truyện của Quỳnh Dao dịch ra, để cho anh ta in. Thế là tôi dịch trọn vẹn cuốn “Song Ngoại.” “Song Ngoại” là cuốn truyện đầu tiên của Quỳnh Dao được in và phát hành tại đây (Saigon), với nhãn của nhà xuất bản Hàn Thuyên. Ðó là năm 1970.


DTL: Và sau đấy, thưa ông?


LQN: Cũng vẫn là tình cờ thôi ông ạ. Tôi không nhớ khoảng thời gian nào của năm 70, khi tôi đang làm giảng viên cho trường Khoa Học, tôi được gặp anh Ðỗ Quí Toàn. Khi ấy, anh Toàn mới thay anh Uyên Thao trong chức vụ Thư Ký Tòa Soạn của báo Ðời. Anh Toàn bảo tôi dịch cho anh một truyện gì đó. Tôi chọn “Cánh Hoa Chùm Gởi.” Tôi dịch trọn vẹn, xong đưa cho anh Toàn xem. Và anh Toàn đã cho đăng từng kỳ, trên báo Ðời.


Tưởng cũng nên nói thêm với ông rằng cho tới lúc đó, tôi vẫn còn nhìn chuyện dịch sách như một cách để kiếm thêm tiền cho cái lương công chức của tôi mà thôi. Cũng xin được nói thêm nữa là cuốn sách dịch đầu tiên tôi chọn dịch không phải là sách của Quỳnh Dao. Mà của Y Ðạt ông ạ. Ðó là cuốn “Tình Yêu Bóng Tối.” Cuốn này mãi tới bây giờ mới được nhà Vàng Son in ra thành sách.


Trở lại với “Cánh Hoa Chùm Gửi,” khi cuốn truyện đăng dứt, anh Nguyễn Văn Thành ở nhà Hiện Ðại bảo anh Vũ Dzũng liên lạc với tôi để điều đình in. Thoạt đầu anh Vũ Dzũng cũng chỉ định in thử một cuốn của Quỳnh Dao, xem sao… Ðó là cuốn “Cơn Gió Thoảng,” cũng do tôi dịch. Không ngờ “Cơn Gió Thoảng”… ăn khách. Thế là anh Vũ Dzũng in tiếp ngay “Cánh Hoa Chùm Gửi.”


DTL: Ông được bao nhiêu thù lao cho cuốn đầu tiên đó?


LQN: Thưa, bốn mươi ngàn đồng.


DTL: Còn “Cánh Hoa Chùm Gửi”?


LQN: Năm mươi ngàn. Nhưng như ông biết đó, sách Quỳnh Dao không ngờ bán quá chạy. Cho nên không đầy một năm, “Song Ngoại” được tái bản.


DTL: Vâng tôi biết. Nhưng nếu tôi không lầm thì “Song Ngoại” của nhà Hàn Thuyên nào đó đã phải bán “son.” Và ông Thành Nhà H.Ð. đã “móc” nó lên từ hè phố?


LQN: Quả có điều đó thực.


DTL: Cho tới hôm nay, ông đã dịch được tất cả bao nhiêu cuốn sách của riêng Quỳnh Dao?








LQN: Mười cuốn. Cuốn mới nhất là cuốn “Hải Âu Phi Xứ.”


DTL: Trong số tất cả mười cuốn đã dịch, ông ưng ý với cuốn nào nhất? Tôi muốn nói tới những cái như văn chương, bố cục… đại khái như thế.


LQN: Tôi nghĩ đó là cuốn “Bên Bờ Hiu Quạnh” tức “Hàn Yên Thúy.” Nhưng cuốn này hình như lại bán “yếu” nhất ông à. Có lẽ tại vì nó không hợp với độc giả đa số độc giả (?).


DTL: Vậy thì theo ghi nhận của ông, cuốn nào được kể là bán chạy nhất?


LQN: Ðó là cuốn “Cơn Gió Thoảng.” Ông có thể tin là chỉ với 25 ngày thôi, kể từ ngày phát hành, 5.000 cuốn đã được bán sạch.


DTL: Bây giờ, bước vào phần nghề nghiệp và cũng thực tế một chút thì, trung bình ông bỏ bao nhiêu thời gian cho việc hoàn tất bản dịch một cuốn truyện.


LQN: Từ nửa tháng tới bốn mươi lăm ngày. Kể luôn thời gian đọc lại và sửa chữa.


DTL: Chúng ta đang ở giữa những giây “phút nói thật” ông có thể cho độc giả Văn biết ông có dịch một cuốn nào không phải của Quỳnh Dao, tức Quỳnh Dao… giả hay không?


LQN: Không. Dứt khoát không. Sách của tôi dịch, hoàn toàn là sách của Quỳnh Dao… thật. Tôi có thể nói rõ hơn: Riêng về truyện dài, Quỳnh Dao, đến nay, chỉ có mười ba cuốn. Và chính tôi đã dịch mười cuốn như đã kể.


DTL: Tôi nghĩ, có lẽ ông biết rõ hơn ai hết, về số sách Quỳnh Dao… giả đang được bày bán ở đây. Tôi không có ý muốn ông nhắc tới những tiểu thuyết mượn tên Quỳnh Dao mà, chỉ muốn nghe ông nói, hiện có khoảng bao nhiêu cuốn truyện Quỳnh Dao… giả, nếu ông thấy có thể?


LQN: Vâng. Nhiều lắm. Hàng chục. Hoặc hơn thế ông ạ. Trong đó có những cuốn do nhà xuất bản thuê một vài nhà văn nào đó viết cho họ. Nhưng lúc in ra thì họ lại đề là dịch từ của Quỳnh Dao. Ông cho tôi miễn phải kể ra một số tên sách loại đó.


DTL: Vâng. Tôi hiểu. và tôi cũng đã nói với ông là tôi không chờ đợi việc ấy. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là điều ông có thể trả lời được. Ðó là, nếu phải so sánh mãi lực giữa truyện Quỳnh Dao thật và giả, thì loại nào được độc giả đón nhận nhiều hơn?


LQN: Ðương nhiên là loại truyện Quỳnh Dao… giả có mãi lực kém hẳn rồi!


DTL: Gần đây, dưới xuất bản kháo nhau về một cuốn truyện Quỳnh Dao, cũng do ông dịch, đã có số bán đạt mức… kỷ lục. Nghĩa là từ trước tới nay chưa có cuốn nào có được mức tiêu thụ cao đến như vậy. Thưa ông, đó là sự thật hay chỉ là tin đồn?


LQN: Sự thực như vậy đó ông. Không phải tin đồn đâu. Ðó là cuốn “Mùa Thu Lá Bay,” của Quỳnh Dao. Tôi dịch xong, giao cho nhà xuất bản Lá Bối của thầy Từ Mẫn. Sách in ra, chỉ trong vòng 1 tuần thôi, thị trường đã “hút” 7,000 ngàn cuốn. Tôi lập lại, bảy ngàn cuốn bán hết vèo trong vòng một tuần. Chính thầy Từ Mẫn của nhà Lá Bối cũng phải kinh ngạc!


DTL: Tuy nhiên, thưa ông, nếu tính tổng số, nghĩa là cộng chung tất cả những lần tái bản của một cuốn truyện Quỳnh Dao do ông dịch thì, cuốn nào của ông là cuốn có số lượng in cao nhất?


LQN: Dạ, đó là cuốn “Cánh Hoa Chùm Gửi.” Chỉ nội một năm, năm 1971, nhà xuất bản đã phải tái bản tới 3 lần. Như nhà xuất bản cho tôi biết thì lần đầu, họ in 7,000. Hai lần sau, mỗi lần tái bản, họ in đúng 10,000 cuốn.


DTL: Mặc dù ông đã cho biết rằng, truyện Quỳnh Dao giả có số bán rất kém. Nhưng tôi nghe nói, có thể là tôi nghe sai… Rằng, trong số hàng chục cuốn truyện Quỳnh Dao… giả, cũng có một vào cuốn bán chạy. Ông có biết điều này?


LQN: Thưa tôi biết. Nhưng chỉ có một cuốn duy nhất mà thôi. Và cuốn truyện đó cũng chỉ được tái bản một lần rồi bị “chai’ thị trường.


DTL: Là người đầu tiên dịch truyện Quỳnh Dao qua tiếng Việt, dù chỉ là tình cờ… Nhưng sau 10 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của tác giả này, một cách chủ quan, ông có những nhận xét gì về bút pháp, bố cục, về giá trị văn chương… của Quỳnh Dao?


LQN: Thưa ông, như tôi biết, ở Trung Hoa, Quỳnh Dao không phải là nhà một văn lớn. Theo tôi, cô ta có lối viết “mềm,” dễ gây xúc động cho người đọc. Cô luôn cho tràn ngập trong truyện của cô tình thương giữa người với người… Tôi thấy cần phải nói ngay rằng, chúng ta không đòi hỏi hay chờ đợi giá trị văn chương cao trong truyện Quỳnh Dao. Là một dịch giả dịch nhiều nhất truyện Quỳnh Dao qua tiếng Việt, tôi có thể khẳng định, tiểu thuyết của cô, không có điều đó.


DTL: Cám ơn ông. Ðể thay đổi một chút, tôi muốn hỏi ông rằng, ông có một liên tưởng nào giữa Quỳnh Dao và những nhà văn nữ ở đây chăng?


LQN: Có thưa ông. Cá nhân tôi, tôi thấy có một nhà văn nữ rất gần gũi với Quỳnh Dao. Ðó là nhà văn Lệ Hằng. Truyện của Lệ Hằng cũng rườm rà, éo le, gay cấn…


DTL: Giữa lúc phong trào đọc truyện Quỳnh Dao lên cao nhất, như chỗ tôi biết, thì đã có một vài nhà xuất bản tìm đến và thương lượng với ông, với mục đích giành giựt bản dịch của ông… Việc đó có chăng? Và nếu có thì nó ra sao? Thế nào? Thưa ông?


LQN: Vâng. Ðúng là chuyện ấy có xẩy ra cho tôi. Rất nhiều nhà xuất bản ở đây, trong số ấy, cũng có đôi ba nhà xuất bản có uy tín… đã tìm gặp tôi để yêu cầu tôi trao sách cho họ. Họ sẵn sàng trả thù lao gấp đôi tiền thù lao mà nhà Khai Hóa của anh Vũ Dzũng đã trả cho tôi. Nhưng tôi từ chối. Tôi nghĩ đến cái tình của buổi đầu. Mặc dù tiền thù lao nhà Khai Hóa trả cho tôi phải nói là quá thấp.


DTL: Nhân ông đề cập tới giao tình của ông với nhà Khai Hóa, nếu được, xin ông cho nghe sơ qua việc ông và nhà Khai Hóa chấm dứt sự hợp tác với nhau?


LQN: Thưa, như đã nói, tôi là người trọng cái tình lắm. Nhưng ông nghĩ coi, cuốn sách nào in ra cũng mười ngàn cuốn! Trong khi tác quyền (bản dịch) không tới một trăm ngàn đồng. Ai cũng vậy thôi… Tôi nghĩ vài lần đầu, mình còn có thể bỏ qua được. Nhưng sau, bạn bè, anh em nói quá, chẳng đặng đừng, tôi phải lên tiếng với nhà xuất bản…


DTL: Kết quả ra sao thưa ông?


LQN: Thưa ông, kết quả là cuối cùng, tôi phải quyết định chấm dứt sự hợp tác. Tôi đành phải tự tách ra! Tôi muốn tránh vết xe của Trịnh Công Sơn trước đây… Là chúng tôi chỉ làm giầu cho người khác! Trong khi chính mình thì lại chỉ được mỗi cái quyền lợi là quyền lợi về tinh thần mà thôi!


(Còn một kỳ)

MỚI CẬP NHẬT