Thursday, March 28, 2024

Một giờ nói chuyện với dịch giả Liêu Quốc Nhĩ (Kỳ 2)

Tiếp theo kỳ trước


LNÐ: Trong khoảng thời gian 5 năm cuối cùng của 20 năm sinh hoạt văn học miền Nam, sách dịch các loại là hiện tượng nổi bật, mạnh mẽ nhất. Nó lấn lướt tất cả mọi loại sáng tác ở miền Nam. Tới mức độ, nhiều nhà xuất bản danh tiếng, vốn chỉ chú trọng tới những sáng tác mang tính văn học, nghệ thuật cao, cũng quay sang khai thác thị trường sách dịch.









Nhà văn Quỳnh Dao.
(Hình tác giả cung cấp)


Một bất ngờ, nằm ngoài mọi dự tính, tiên liệu của các nhà xuất bản là sự nổi lên cuồn cuộn như sóng trào của cái gọi là “Hiện tượng truyện Quỳnh Dao.” Vì thế, tạp chí Văn ở Saigon thời đó, đã có một bài phỏng vấn người vô tình tạo nên “cơn bão” truyện Quỳnh Dao, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ.


Nhờ công sưu tầm của nhà thơ Thành Tôn, hiện cư ngụ tại miền Nam California, chúng tôi trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn kể trên, thực hiện bởi nhà thơ Du Tử Lê, theo yêu cầu của tạp chí Văn, cách đây cũng đã trên, dưới bốn mươi năm. 


DTL: Xin ông kể cuốn truyện dịch đầu tiên mà ông tự xuất bản?


LQN: Ðó là cuốn “Hải Âu Phi Xứ.”


DTL: Muốn hay không thì việc đọc Quỳnh Dao cũng đã từng thành hiện tượng ở đây. Với tổng số sách in ra không dưới con số mấy trăm ngàn bản, và như ông đã nhận định truyện của Quỳnh Dao không có giá trị văn chương… Nên câu hỏi của tôi là, có bao giờ ông nghĩ, ông có trách nhiệm tinh thần ít hay nhiều, trong việc tạo thành hiện tượng đó? Tôi muốn nói rõ hơn, ông có thể hiểu chữ “trách nhiệm” theo nghĩa nào cũng được?


LQN: Thưa ông, thiệt tình tôi chưa hề đặt thành vấn đề “trách nhiệm” trước hiện tượng sách Quỳnh Dao… Tôi chỉ biết dịch. Và sau này tôi bị quay chạy theo món hàng mà người ta muốn. Tuy nhiên, tôi có cảm thấy thích thú trong công việc đó. Câu hỏi của ông bất ngờ quá với tôi…


DTL: Vâng, hiện ông có đang dịch dở một cuốn nào khác?


LQN: Có thưa ông. Ðó là cuốn “Băng Ðiểm,” của nhà văn Nhật, Ayako Miura. Tôi sẽ tự in lấy cuốn này.


DTL: Công việc dịch thuật ở đây, mấy lúc sau này, thường bị những “đòn” cạnh tranh không đẹp! Cá nhân ông có bị?


LQN: Có chứ ông! Tôi bị rất nhiều cuốn. Tuy nhiên, tôi có độc giả riêng của tôi. Cho nên tôi không sợ lắm, dù cho họ có ra trước hay sau cuốn đó. Tôi nghĩ hành động phi văn nghệ này, chỉ có loại nhà xuất bản con buôn mới làm mà thôi. Như tôi mới bị hai cuốn “đụng” là cuốn “Trôi Theo Giòng Ðời” của Quỳnh Dao và “Những Tháng Ngày Có Em” của Từ Tốc. Tôi đã quảng cáo trước ở trong sách in ra trước đấy của mình. Nhưng họ cứ làm…


DTL: Thay mặt độc giả Văn, chúng tôi xin gửi lời cám ơn ông. Một câu sau cùng: Ông có thấy còn điều gì cần phải nói thêm chăng?


LQN: Thưa không. Tôi nghĩ, thế cũng đủ rồi. 


Bên ngoài cuộc phỏng vấn, Liêu Quốc Nhĩ nói thêm về mình 


“Nghề dịch sách đến với tôi một cách khá bất ngờ. Năm 1965, khi vừa xong tú tài II, tôi đã hăm hở bước chân vào Khoa Học với một ý tưởng thật lớn. Làm một khoa học gia lừng danh. Lúc bấy giờ tôi đã chê Văn và Luật. Vì với tôi đấy là chỗ dành cho con gái (xin lỗi quí vị ở Văn và Luật Khoa nhé). Thời gian miệt mài ở Khoa Học thật là suôn sẻ. Môn tôi chọn ở năm thứ II là Hóa Học. Những phản ứng Walden, Soerensen, Rosenmund… vây chặt lấy tôi không một phút rảnh rỗi. Do đó chẳng có chuyện vẩn vơ văn nghệ gì cả. Ðầu năm 1968, tình cờ ban đại diện trường có ý nhờ tôi viết một truyện ngắn. Bấy giờ là lúc sắp Tết. Tháng của cái lạnh phớt nhẹ, đủ để khơi dậy những cái mà Xuân Diệu bảo là ‘Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.’ Cũng là lúc mới tựu trường, chưa phải chạy đua nước rút với phản ứng hóa học, tôi đã tập tành làm văn chương, viết một truyện ngắn và dịch một truyện ngắn khác cho tờ báo Xuân Khoa Học. Chuyện làm của tôi chỉ có tính cách vui chơi văn nghệ, chứ chẳng có một chủ đích nào. (Thú thật với quý vị độc giả là trước đó ít lâu, khi còn ở trung học tôi cũng có thời viết lách lai rai nhưng chẳng có báo nào chịu đăng cả! Và mộng văn sĩ của tôi cũng tàn lụi từ đó). Chuyện chơi chơi không ngờ lại lọt vào mắt xanh của một nhà xuất bản tài tử, đó là nhà xuất bản Hàn Thuyên do anh Lạc Hà, người chủ trương tờ Võ Thuật phụ trách, Tờ Võ Thuật lúc bấy giờ bán hơi yếu, nên anh muốn chuyển nghề bằng cách lập thêm một nhà xuất bản chuyên về văn chương dịch thuật. Quỳnh Dao là tác giả nữ đầu tiên được anh chú ý đến, và anh đã nhờ tôi dịch cho một truyện của Quỳnh Dao. Tôi chọn ‘Song Ngoại.’ Tôi cần cù làm việc trên hai tháng. (Sự thật mà nói, lúc bấy giờ vì biến cố Mậu Thân, đời sống tôi khá vất vả. Nên tôi phải vừa đi học vừa đi làm. Quốc lộ số 4 cứ bị cắt tới cắt lui, làm nguồn tiếp tế từ gia đình ở Cần Thơ lên cứ gián đoạn). Sách dịch xong trao cho nhà xuất bản cứ bị bỏ xó một chỗ! Vì họ chưa có tiền in. Và do đấy, dĩ nhiên tiền bản quyền của tôi cũng chưa có. Tôi chán nản nghĩ rằng có lẽ quyển truyện dịch rồi đã bị xếp bỏ trong đống giấy lộn! Tôi trở lại việc học, và tiếp tục kèm trẻ. Ðến lúc gần như tôi đã quên thì quyển sách được tung ra. Ðó là năm bảy mươi. Cầm quyển sách đầu tiên mà mình đã có công dịch ra trên tay, tôi hạnh phúc muốn khóc!”


“Nhưng có lẽ vì bất phùng thời, dù Quỳnh Dao bấy giờ đã là một tên khá quen thuộc với độc giả trẻ, nhất là những người đọc báo ‘Văn.’ Vì ‘Văn’ đã giới thiệu một lần trong tuyển tập Quỳnh Dao (trước tuyển tập về Quách Lương Huệ). Sách in ra chỉ có ba ngàn cuốn. Kỹ thuật khá mà bán không chạy. Anh Lạc Hà phải xách xe hai bánh chạy tới chạy lui mấy quán sách… Nhưng họ vẫn không chịu mua. Rốt cuộc anh đành phải đem bán ‘sôn’ để gỡ vốn, và dĩ nhiên tôi chẳng có một đồng bản quyền nào. Chuyện dịch sách của tôi tưởng đã vào quá khứ. Tôi ra trường và bắt đầu công việc dạy học. Mỗi tuần dạy có hai ngày, quanh quẩn mãi trong phòng thí nghiệm và những giờ giảng bài tập, đôi lúc tôi cũng thấy chán. Tôi định kiếm thêm vài giờ ở các trung học tư thì tình cờ quen với anh Ðỗ Quí Toàn. Lúc bấy giờ anh Toàn đang thay chân cho anh Uyên Thao trong chức Thư Ký Tòa Soạn tuần báo ‘Ðời’. Anh bảo tôi, thử dịch một truyện Tàu xem sao. Nếu được, anh ấy sẽ cho đăng trên báo Ðời. Tôi thấy công việc mình hiện có khá nhàn, nên nhận lời ngay, và về nhà hì hục dịch ‘Thố Ty Hoa’ tức ‘Cánh Hoa Chùm Gửi.’ Ông Chu Tử thấy hay nên cho đăng ngay trên Ðời lúc đó. Ðồng thời, tôi cũng bắt đầu bước chân vào làng báo với những bài ký sự, phóng sự ngắn… Việc làm chỉ có tính cách tài tử. Mỗi tháng tôi kiếm thêm được mươi ngàn dư dả.”


“Cuốn ‘Song Ngoại’ tuy tung bán ‘sole’ nhưng lại được nhà Hiện Ðại để ý. Chủ nhân, anh Thành, thấy quyển sách hay mà sao lại bán ‘sole,’ nên thu mua tất cả những quyển còn lại, và cho người liên lạc với tôi ở tòa soạn Ðời nhờ dịch tiếp Quỳnh Dao. Người đến nhà tiếp xúc với tôi là Vũ Dzũng. Chủ nhà Khai Hóa lúc bấy giờ. Anh Vũ Dzũng khi đó mới tách khỏi nhóm Quảng Hóa (*), và cuốn đầu tiên tôi làm với nhà xuất bản mới này là ‘Tiển Tiển Phong’ tức là ‘Cơn Gió Thoảng.’ Lúc đầu theo tôi biết nhà xuất bản hình như chẳng có ý làm nguyên lô sách về Quỳnh Dao đâu. Nhưng có lẽ vì nhờ báo Ðời (phải thành nhìn thật nhận như vậy. Vì lúc đó chẳng có nhà xuất bản cũng như phát hành nào chịu bỏ tiền quảng cáo lăng xê Quỳnh Dao tí nào cả). Cũng có thể vì lúc bấy giờ mọi người đều mệt mỏi vì chiến tranh, thích một cái gì nhẹ nhàng dễ đọc, nên Quỳnh Dao đột ngột trở thành hiện tượng. Và tôi, tôi trở thành một bánh xe lăn theo nhu cầu độc giả. Nói như vậy không có nghĩa là tôi đã nhắm mắt dịch, mà tôi rất chọn lựa. Bằng chứng là mười ba cuốn sách thật của Quỳnh Dao tôi chỉ chọn có mười cuốn (những cuốn còn lại có cuốn là sách phóng tác nên tôi không dịch). Trong lúc dịch, có lẽ tôi bị ảnh hưởng giọng văn nhẹ nhàng của Quỳnh Dao… nên tôi đâm ra mê luôn sách của nhà văn đầy nữ tính này. Tôi dịch rất say mê. Tôi thích nhất là cuốn ‘Bên Bờ Hiu Quạnh.’ Nhưng cuốn này lại bán không chạy lắm. Có lẽ vì độc giả của Quỳnh Dao không thích lối văn tự truyện này! Nhờ sách bán chạy nên tôi cũng có chút tiếng tăm, và cũng vì thế chung quanh tôi mọc lên rất nhiều kẻ thù. Nói kẻ thù không đúng lắm, mà phải nói là những kẻ ganh ghét mình. Có một điều mà tôi rất buồn, đấy là có người đã hiểu lầm tôi, tưởng tôi là một cột trụ trong chiến dịch gây nên hiện tượng Quỳnh Dao để giết chết một số nhà xuất bản và anh em văn nghệ trẻ. Xin thưa thật, tôi chẳng bao giờ có tham vọng, tôi cũng không nghĩ đến nó, cho đến khi có người đưa ra nhận xét như vậy.”


“Chuyện Quỳnh Dao trở thành một hiện tượng theo tôi là một chuyện tự nhiên xảy ra theo chu kỳ nhu cầu của độc giả. Nhiều lúc đọc loại sách bắt trí óc làm việc nhiều quá như loại tư tưởng hay triết học cũng mệt mỏi. Do đó cũng cần có sách nhẹ nhàng để đọc. Hầu hết truyện của Quỳnh Dao là chuyện tình bối cảnh xã hội là bối cảnh của phương Ðông. Trong đó tư tưởng Ðông và Tây đang xung đột, rất gần gụi với cái không khí của xã hội ta. Ðọc một cuốn sách, người ta khó đứng ở vị trí khách quan của người đọc để xét đoán, nhất là loại tiểu thuyết, mà độc giả thường hòa mình vào đời sống của nhân vật. Họ vui với cái vui, cũng như buồn với cái buồn của nhân vật. Bối cảnh của sách Quỳnh Dao là bối cảnh phương Ðông thì làm sao chẳng được độc giả đón nhận nồng nhiệt.”


“Sách Quỳnh Dao được đón nhận nồng nhiệt đến độ trở thành hiện tượng, đó hoàn toàn là do độc giả và tác giả, người dịch là tôi, chỉ giữ vai trò chuyển ngữ thế thôi. Còn vấn đề những nhà xuất bản hay tác phẩm của nhà văn trong nước bị ảnh hưởng thì đó hoàn toàn là ngoài ý muốn của tôi. Mong quí vị có thiên ý như vậy cũng nên xét lại.”


Liêu Quốc Nhĩ


(Nguồn: Giai Phẩm Văn, Saigon, chủ đề “Hiện Tượng Sách Dịch,” số ra ngày 8 tháng 6 năm 1973. Hiệu đính tại Cali, tháng 1, 2012)


 


Chú thích:


(*) Nhà xuất bản Quảng Hóa thời đó, do nhà báo Ðỗ Việt Anh chủ trương. (DTL)

MỚI CẬP NHẬT