Friday, March 29, 2024

Mùa tranh cử chậm lại – Nguyễn Văn Khanh

Phải chờ đến tháng tới


 


Nguyễn Văn Khanh


Sau những ngày tháng vận động và bầu cử sơ bộ đầy sôi nổi, tất cả những chú ý dành cho đảng Cộng Hòa trên đường đua tiến về Tòa Bạch Ốc sẽ ngưng lại cho tới đầu tháng tới, vào ngày mùng 6 Tháng Ba, được gọi là ngày “Super Tuesday,” thời điểm được dự đoán sẽ thật sự quyết định chuyện ai đi, ai ở trong số 4 ứng viên vẫn tiếp tục tin tưởng là người sẽ được đảng đề cử tranh chức tổng thống, đồng thời cũng là người “duy nhất” có khả năng đánh bại ứng viên Dân Chủ là vị tổng thống đương nhiệm Barack Obama.








Dân Biểu Ron Paul (trái) chuẩn bị lên sân khấu tại St. Cloud, Minnesota, hôm Thứ Hai. Cuộc tranh cử trong nội bộ đảng Cộng Hòa đang chậm lại, phải tới đầu tháng 3 mới gấp rút trở lại. (Hình: AP Photo/Charles Rex Arbogast)


Phải nói rõ hơn: trong Tháng Hai đảng Cộng Hòa tổ chức nhiều cuộc bầu sơ bộ, tuần này ở Colorado và Minnesota vào ngày Thứ Ba, mùng 7 tháng Hai, dưới dạng “caucus” và tại Missouri theo thể thức “primary.” Tiểu bang Maine cũng đã bắt đầu những cuộc họp chi bộ để bàn thảo về các ứng viên đang tranh cử, nhưng phải đến ngày Thứ Bảy mới kết thúc. Ðến cuối tháng, cuộc bầu sơ bộ sẽ diễn ra tại Arizona và Michigan.


Kết quả các vòng bầu sơ bộ trong tháng này đều được xem là không quan trọng hay sôi nổi cho bằng những cuộc bầu chọn đã được tổ chức hồi Tháng Giêng, và nhiều người dự đoán “hầu như chắc chắn” không có chuyện “gà nhà bôi xấu nhau” như chuyện từng xảy ra ở tiểu bang Florida cách đây chỉ hơn 1 tuần lễ. Ngay cả nhưng cuộc cãi vã trên truyền hình cũng không còn nữa: chỉ có 1 cuộc tranh luận được tổ chức vào ngày 22 Tháng Hai, thay vì được tổ chức hầu như hàng tuần như trước đây.


Ðiều đó không có nghĩa là các ứng viên Cộng Hòa có thì giờ nghỉ ngơi. Ðến giờ, cả 3 ứng viên Ron Paul, Newt Gingrich và Rick Santorum vẫn tuyên bố sẽ không bỏ cuộc, người đang dẫn đầu là ông Cựu Thống Ðốc Mitt Romney tiếp tục nói “đường đua vẫn còn dài,” chưa thấy dấu hiệu kết thúc ngay lúc này. Vì thế trong 4 tuần lễ dẫn về “Super Tuesday,” những cuộc bàn thảo chiến lược sẽ liên tục diễn ra, các dàn tham mưu sẽ đưa ra kế hoạch kiếm phiếu ở từng tiểu bang, làm thế nào duy trì khí thế đã gầy dựng được… Quan trọng nhất: phải kiếm được tiền để tiếp tục theo đuổi cuộc đua cho tới phút chót.


“Những ai không có chiến lược hữu hiệu sẽ phải rút lui vào tháng tới,” theo trình bày của ông Michael Steel, cựu chủ tịch điều hành Ðảng Cộng Hòa Trung Ương, khi trả lời câu hỏi của đài phát thanh WTOP ở Washington D.C. “Mỗi ứng viên đều có những điểm thu hút được cử tri, và họ phải biết tận dụng lợi điểm đang nắm.” Nếu không làm được điều này, “cơn gió chính trị sẽ thổi xuôi chiều cho ứng viên khác.”


Trong một chương trình khác do đài WHUT thực hiện, Giáo Sư Stephen Wayne cho rằng cuộc tranh cử của đảng Cộng Hòa lần này “kéo dài hơn dự tính” vì đã sau những cuộc bầu sơ bộ “quan trọng, đáng chú ý nhất” mà vẫn chưa ai bỏ cuộc” cử tri cũng chưa thể biết 100% “ai là người sẽ đại diện ra tranh chức tổng thống.” Chuyên gia nổi tiếng về chính trị của Ðại Học Georgetown bảo thêm tình hình này khiến người đang dẫn đầu là ông Romney vẫn phải lo “giải quyết tranh cãi nội bộ, chưa thể tung đòn đánh đối thủ Obama được” vẫn phải lo quyên tiền vận động bầu sơ bộ “thay vì bắt đầu quyên tiền cho cuộc bầu cử vào tháng 11.”


Không những thế, chuyện cãi vã nội bộ “buộc chân ông Romney ở Mỹ,” không thể xuất ngoại để nói chuyện với thế giới về chính sách mà ông sẽ áp dụng khi trở thành tổng thống, “khác hẳn trường hợp 4 năm trước đây ứng viên Barack Obama có thể rời Hoa Kỳ, tạm ngưng tranh cử trong nước để sang Berlin đọc bài diễn văn quan trọng nói về chính sách ngoại giao.” Bài diễn văn của ông Obama “đã đưa ông ta đến chỗ trở thành nhân vật của thế giới,” ông Romney có muốn làm cũng chẳng được “vì còn bận chống đỡ đánh đấm trong nội bộ đảng.”


Khi mọi quan sát viên chính trị đều nói đến ông Romney, điều đó có nghĩa là chẳng ai sáng giá bằng ông cựu thống đốc Massachussetts. Bước vào Tháng Hai, ông thắng lớn ở Nevada, có một dàn ủng hộ đông đảo sẵn sàng bỏ tiền giúp ông tranh cử, và có hẳn một lực lượng giúp ông vận động. Dù đang thành công nhưng chính ban tham mưu của ông cũng nói chưa có được 1144 đại biểu để chính thức trở thành ứng viên của đảng, đặc biệt là nhiều tiểu bang quy định chia đại biểu dựa theo tỷ lệ phiếu các ứng viên có được, do đó số đại biểu người về nhất chẳng hơn số đại biểu của người về nhì là bao, nếu tỷ lệ phiếu nhất-nhì thật khít khao với nhau.


Các ứng viên Cộng Hòa còn lại mỗi người tính một nước cờ khác. Thứ Bảy vừa rồi ông Newt Gingrich cho biết đang “tái phối trí” lực lượng, nhất định đánh trận chiến “Super Tuesday” ở những tiểu bang miền Nam, nơi có thành phần cử tri đông đảo. Cựu Thượng Nghị Sĩ Rick Santorum tin sẽ thành công ở Missouri, làm “bàn đạp” cho ông tiếp tục tiến bước. Sách lược của Dân Biểu Ron Paul là dồn hết sức lực cho những tiểu bang bầu cử theo thể thức “caucus,” tin tưởng những người đã ủng hộ ông 4 năm trước đây sẽ tái xuất hiện, để cùng với lực lượng ông đang có “làm nghiêng cán cân chính trị.”


Dù áp dụng chiến lược nào đi chăng nữa, cả 4 ông Cộng Hòa đều biết Tháng Hai chưa phải là tháng quyết định thắng thua, phải chờ đến đầu tháng tới may ra tình hình tranh cử mới ngã ngũ. Ông Chuck Polstein, chủ tịch Ðảng Bộ Cộng Hòa Colorado xem cuộc tranh cử kéo dài này là điều hay vì “cử tri toàn quốc sẽ ở trong trạng thái nóng lòng, muốn biết cuối cùng ai là người sẽ đại diện cho đảng Cộng Hòa tranh cử với ông Obama của đảng Dân Chủ.”


Nhưng không phải ai cũng có ý nghĩ phấn khởi như ông Polstein. Mới đây trong một cuộc tranh luận trên đài NBC, nhà bình luận Steve Chapman của tờ Chicago Tribune bảo bất kể Cộng Hòa hay Dân Chủ “đấu đá nhau càng lâu thì càng tổn thương sức mạnh và tinh thần đoàn kết của đảng.”


Ðiều đó có nghĩa là vô tình làm lợi cho đối phương!!!

MỚI CẬP NHẬT