Thursday, March 28, 2024

Ngày giỗ – Huy Phương


Tạp ghi Huy Phương


 


 


Trong dịp đám tang bà chị ruột vừa qua, tôi mới biết có nhiều đứa con tôi và con bà chị, anh chị em con cô con cậu mà chưa hề gặp mặt nhau lần nào và không hề biết nhau.


Trước năm 1975, anh rể tôi công tác ở nhiều tỉnh miền Trung còn gia đình tôi lưu lạc vào Nam. Sau năm 1975, sự đi lại khó khăn, thời bao cấp, chỉ lo miếng ăn, cũng không có thời giờ mà lui tới với nhau. Một nửa gia đình bà chị di tản, một nửa ra đi theo diện bảo lãnh những ngày rất sớm, còn gia đình tôi lận bận theo chuyện tù đày, chuyện cơm áo, các con còn quá nhỏ, không hề có một cơ hội nào để gặp gỡ, sum họp toàn đại gia đình. Nói dại, không biết nhau, ra đường chúng tán tỉnh nhau hay cọ quẹt xe cộ, chửi bới, lôi ông ngoại ông nội nhau ra mà chửi, cũng chẳng ai biết mà can ngăn. Hoàn cảnh này không phải là đặc biệt có thể mà phổ thông trong mọi gia đình. Tôi nghĩ có lẽ vì chiến tranh, hoàn cảnh đất nước phân hóa, phải xa rời quê hương hay vì thời đại thay đổi, chuyện trái ngang này thường xẩy ra vì chúng ta thiếu một ngày giỗ.


Sách Mạnh Tử có câu “bất hiếu hữu tam, vô tự vi đại” (tội bất hiếu có ba, không con nối dõi là tội lớn nhất), không con nối dõi cũng có nghĩa là không có ai thờ cúng, hương khói. Việc giỗ kỵ quan trọng đến nỗi theo phong tục Việt Nam, con trưởng trong gia đình được thừa hưởng từ cha mẹ “đất hương hỏa” (nhang, lửa tượng trưng cho việc cúng giỗ- phần gia tài dành riêng cho việc cúng giỗ ông bà), cày cấy lấy lợi tức trên mảnh ruộng này mà lo việc cúng giỗ hằng năm. Ðất hương hỏa quan trọng đến nỗi bằng khoán không thể đem cầm thế hay mua bán như các loại ruộng đất khác. Những người không có con trai nối dõi có thể nhờ con chú, con bác lo việc thừa tự và sở hữu đất hương hỏa. “Pháp luật không buộc nhà nào cũng đặt phần hương hỏa, nhưng theo phong tục thì những nhà giàu có, khi chia của cải cho con, thường để ra một phần làm của hương hỏa, để con cái dù không giữ được di sản, dù có thành nghèo khổ thì tổ tiên cũng không đến nỗi mất giỗ mất Tết (Ðào Duy Anh- Việt Nam Văn Hóa Sử Cương.) Ngay các vị hoạn quan triều Nguyễn vì không thể có con nối dõi để lo việc cúng giỗ nên phải mua ruộng cúng vào chùa Từ Hiếu (Huế) để chùa có phương tiện lo cho hậu sự này, do đó ngày xưa, Từ Hiếu là ngôi chùa giàu có nhất vì có nhiều đất hương hỏa.


Ngày xưa lúc còn nhỏ, ngày giỗ được coi là ngày vui nhất của gia đình nhất là những ngày giỗ lớn. Trước ngày giỗ mấy hôm, gia đình đã chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng bàn thờ, sắp sẵn mọi thứ cho buổi lễ. Buổi sáng bà con đã đến sớm đầy nhà, tiếng cười nói, tiếng chó sủa, lợn kêu và lũ trẻ nô đùa rộn ràng. Trừ những người sơ giao, làng xóm, viên chức địa phương mới được mời tham dự ngày giỗ, còn bà con, dòng tộc, ai cũng phải nhớ ngày mà đến tham dự, không trừ một ai. Không có mặt trong ngày giỗ, có nghĩa là từ bỏ họ hàng. Ngày xưa ít có người phải đi làm ăn xa, “tha phương cầu thực” như ông bà ta thường nói, mà chỉ quanh quẩn trong xóm làng, nhờ vậy, bà con đến không thiếu một ai, và nhân dịp này, ai cũng biết ai, dù cho là đám trẻ con vô tâm vô tính.


Theo phong tục tập quán của người Việt ngày giỗ nhằm tưởng nhớ đến những người đã mất, được tổ chức vào đúng ngày chết theo Âm lịch của người được quá vãng, nhắc nhở con cháu về ông bà tổ tiên hay những người thân thuộc trong họ hàng. Sau khi cử hành các nghi thức cúng giỗ, dâng trà rót rượu, như mời người chết về dùng một bữa cơm với gia đình, sau đó gia đình dọn thức ăn vừa cúng xong để cùng ăn, coi như hưởng lộc. Dịp này là để con cháu trong dòng họ tề tựu lại để cùng ăn uống, có dịp gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Như vậy, bà con thân thuộc, họ hàng làm sao không thể không biết đến nhau! Biết nhau rồi thì quý trọng, lui tới thân thiết với nhau vì luân lý vẫn coi trọng “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Thuở nhỏ, ngày mồng một Tết tôi thường được cha tôi dẫn đi lễ một vòng qua nhà thờ ông bác, ông chú, ra nhà thờ Chi (nhánh), rồi vào nhà thờ Họ, mỗi nơi lạy cả chục cái bàn thờ, chắp tay chào hỏi cả mấy chục ông bác, ông chú, anh em, họ hàng.


Quan trọng cho sự gắn bó, liên hệ giữa bà con, dòng tộc với nhau phải nói đến đến “gia phả”, hay “gia phổ” là sách ghi các thế hệ trong một dòng họ và lịch sử của tổ tiên. Ông bác họ tôi giữ chức Tuần Vũ có 5 vợ và trên 20 trai gái, anh chị em nhiều khi không biết mặt nhau, đến như Vua Minh Mạng đến 43 bà, 78 Hoàng Tử và 64 Công Chúa thì phải tra cứu gia phả. Nhiều người tưởng chỉ là “trùng họ” với nhau, nhưng khi truy ra họ cùng chung một gốc gác. Tôi với ông Lê Văn Lân, ở Austin, Texas, tác giả nhiều cuốn sách biên khảo, tưởng chỉ cùng họ thôi, nhưng xem lại gia phả cả hai cùng phát xuất từ tỉnh Thanh Hóa, rồi tổ tiên đi lần vào Nam, tuy chưa đi tìm lại cội nguồn kỹ càng, nhưng như vậy là tôi với ông có bà con dòng họ thật rồi. “Mười đời chưa rời cánh tay,” mà tôi với ông quá lắm chỉ mới tám, chín đời.


Sau này, vì chiến tranh tương tàn, anh em ruột thịt có thể ở hai mặt trận đối đầu nhau. Chủ nghĩa Cộng Sản lại không hề tôn trọng tình huyết thống, nên con có thể đấu tố cha mẹ, anh em vì quyền lợi có thể giết nhau. Vì chế độ Cộng Sản bất nhân, người Việt Nam chúng ta bất hạnh phải rời bỏ quê hương như đàn chim vỡ tổ, mỗi con bay về một hướng, bà con dòng tộc không còn ai biết ai. Chúng ta có thể gặp một dòng họ Phan ở Toronto, Canada, một họ Nguyễn ở Frankfurt, Ðức, hay một họ Trần ở Bordeaux, Pháp, theo nghĩa “tứ hải giai huynh đệ,” nhưng cũng có nghĩa là tan tác, chia lìa.


Ra hải ngoại này nhiều gia đình có nhân số rất đông đúc, có gia đình mười anh em, không ai còn ở lại trong nước. Nhưng mỗi gia đình một nơi, mỗi gia đình, anh em lại không cùng ở chung một tiểu bang, ở đây việc đi lại không khó khăn nhưng trở ngại thường là vì công ăn việc làm. Họa hoằn lắm, quan trọng mới gặp nhau vội vội, vàng vàng trong ngày cưới hỏi hay tang lễ. Ở đây không nghe gia đình nào tổ chức được một ngày giỗ có quy mô lớn có mục đích tập họp đại gia đình từ các nước hay các tiểu bang về, vì ngày giỗ thời nay đâu có gì quan trọng nữa. Ngày trước “Thẻ Căn Cước” còn có ghi tên cha mẹ, ngày nay “Chứng Minh Nhân Dân (!)và ID không hề cần biết đến đương sự là con nhà ai.


Trong các tang lễ hay ngày cưới, lũ trẻ chỉ biết kiếm một chỗ ngồi, chúi đầu chăm chú vào chiếc “game” cầm trong tay, miễn cưỡng lắm mới ngẩng đầu lên “Hi! Ông!”- “Hi! Bà!” và có một ngày nào, lúc lớn lên, chúng kéo một con nhỏ “cháu ông chú, con bà cô” từ đâu về, nói với cha mẹ: “Con muốn cưới con nhỏ này!”

MỚI CẬP NHẬT