Thursday, March 28, 2024

Người Việt dễ thương! – Huy Phương


Tạp ghi Huy Phương


 


 


 


Dân tộc Việt Nam có phải là một dân tộc hiếu hòa hay không? Câu trả lời xin để dành cho những nhà nghiên cứu sử học. Ở đây chúng tôi chỉ thấy người Việt Nam, nói riêng nhất là ở hải ngoại là những người rất hiền lành, dễ thương, không muốn tranh chấp, gây gổ phiền hà đến ai, nhất là không muốn “vác chiếu ra tòa,” tuân thủ lời khuyên vì ông cha ta là “vô phước đáo tụng đình”. Cho nên ai bắt nạt cũng được, ai lường gạt cũng cho qua, “dĩ hòa vi quý”.


Tôi xin đưa ra một chuyện rất hiền hòa, dễ thương của người Việt tại Little Saigon. Hiện nay tại quận Cam, tuy người Việt chưa chưa đến 20%, nhưng các lớp học traffic school tức là lớp học xóa ticket, người Việt chiếm đa số, nghĩa là người Việt trong vùng Little Saigon lãnh ticket khá nhiều. Phải chăng là chúng ta bị kỳ thị nên quý ông bạn dân vẫn thường chớp đèn, hú còi sau lưng chúng ta, nhã nhặn viết cho chúng ta một tờ giấy phạt. Không! Ðó là câu trả lời của một giảng viên trong một lớp học xóa ticket! Theo ông, đó là vì người Việt chúng ta quá “hiền lành”, không bao giờ muốn ra tòa theo ngày tháng đã được ghi rõ trong giấy tòa án. Không ra tòa án để đối chất với cảnh sát, để nói mình “not guilty”, hay để xin giảm tiền phạt. Người Việt Nam hầu hết khi lãnh giấy phạt, đóng tiền phạt và tiền học đủ cho tòa án trước “due date”, ghi danh đi học sớm cho xong, theo khẩu hiệu an ủi “của đi thay người” và coi đây như chuyện xui rủi của mình. Người Mỹ trắng chịu ra tòa để tranh cãi phải trái với cảnh sát, người Mễ chịu ra tòa để xin giảm tiền phạt, nếu không lấy đâu ra tiền nuôi con. Mỗi lần ra tòa, mất bao nhiêu thời giờ và tiền bạc cho tòa án. Chỉ riêng có người Việt, phạt đồng nào là ăn chắc đồng đó. Vị giảng viên cho biết trong lớp học xóa ticket có 35 người Việt, ai cũng đóng tiền đủ, không một ai chịu ra tòa, vậy thì nếu anh là cảnh sát, ngân sách đang thiếu hụt, anh sẽ phạt ai trong ba người, một Việt, một Mỹ trắng và một Mễ?


Nếu một người Việt bị gian lận trợ cấp y tế thì họ sẽ lý luận rằng, “tiền đó là tiền Mỹ”, “một sự nhịn chín sự lành”, “chín bỏ làm mười”. Nếu bị bác sĩ hay bệnh viện mổ lầm, định bệnh sai thì cũng cho là tại số, năm này xui xẻo. Ðối với người Việt, đi khiếu nại đã thấy phiền phức, chưa nói chuyện phải kiện cáo, nhờ đến luật sư, vừa tốn kém, mất thời giờ hầu tòa mà kết quả chưa biết ra sao! Bị ganh ghét, vu cáo, tổn thương đến danh dự, thì cứ cho “hữu xạ tự nhiên hương,” mình ăn ở phải ai cũng biết, cần gì đôi co với kẻ tiểu nhân. Vì vậy, có tác giả in một cuốn sách, in hình người ta ở bìa, gọi đích danh người ta là “thằng ăn cắp” cũng không bị lôi ra tòa, vì tác giả biết người trong cuộc không có tiền, không có thế lực, bản chất lại hiền hòa, thì việc kiện tụng sẽ không bao giờ xẩy ra. Một mặt, những kẻ làm liều gây sự lại không có tiền, chẳng có danh dự, không hề sợ bị kiện làm cho người đi kiện nghĩ tốn công tốn của cũng chẳng ích lợi gì. Trong làng trong xã, có ai nghĩ đến việc vác đơn đi kiện Chí Phèo, dù thắng kiện thì cũng chẳng được gì hơn một cái khố rách!


Những vụ kiện trong trường hợp bị sách nhiễu tình dục, xâm phạm tiết hạnh thì người ta lại càng dè dặt, lo sợ hơn. Ðưa những vụ này ra tòa, cả làng ai cũng biết, danh tiếng bị tổn thương, miệng người đời lại ác độc, thích đàm tiếu hơn là cảm thông, thương xót, nên thà chịu khổ đau nhục nhã một mình, hơn là đòi hỏi công lý cho phân minh.


Trong cộng đồng của chúng ta đã có bao nhiêu vụ lường gạt, giựt nợ, úp hụi được đưa ra ánh sáng, hay nạn nhân sợ mất hạnh phúc gia đình đành nín chịu thiệt thòi cho riêng mình! Cách đây không lâu, tôi được một bà cụ không quen biết ở một tiểu bang miền Ðông là một khán giả của đài truyền hình mà tôi cộng tác, tin cậy, điện thoại than thở, cho biết, bà đã bị một văn phòng dịch vụ ở Bolsa lường gạt trong việc bảo lãnh cho con bà. Sau đó ít lâu, một buổi trưa, bà thình lình gọi cho tôi: “Cái con mà tôi nói với ông, nó đang quảng cáo ở trên đài số… kìa”. Thương hại, tôi nói bà có cần giúp đỡ gì không, ví dụ như viết một lá thư khiếu nại gửi đi cho các báo, bà đáp: “Tôi chỉ nói cho đỡ tức thôi, ai làm bậy, có ông Trời!” Thế thôi! Tiền già, dành dụm, vay mượn, mất $5,000 lại mang thêm chứng trầm uất, đau khổ, lên máu mỗi khi vô tình thấy mặt kẻ lường gạt trên đài. Nhưng thôi, “ai làm người ấy có tội,” nhưng Thần Thánh nào có đây mà phán xét!


Nhiều người nể tình, tin cậy “đồng hương,” bị nhà thầu xây cất, sửa sang nhà cửa “dỏm,” địa chỉ ma, lấy tiền xong cao bay xa chạy, trong tay nạn nhân không có bằng cớ, chẳng biết thưa gửi ai. Cùng đường thì họ năn nỉ, thương lượng, khóc lóc cho đến lúc nạn nhân mệt mỏi, thương hại, bỏ cuộc. Bọn này chỉ bắt nạt người Việt chúng ta, vì biết đồng hương dễ gạt, dễ lừa, “dễ ăn,” không bao giờ thưa kiện, nhiều khi cho rằng mất tiền là một điều may mắn, có phước trong quan niệm tiêu cực: “Hữu phước tán tài, vô phước tán mạng!” Những kẻ gian manh lường gạt trong cộng đồng chúng ta chỉ quen bắt nạt “đồng hương,” chứ không dám sờ tới cộng đồng người bản xứ ở đây! Cũng vì bản tính không ưa kiện cáo của hầu hết người Việt, chuyện hiếp đáp, lường gạt nhau xẩy ra trong cộng đồng gần như hàng ngày.


Tôi thật không có ý xúi người ta đi kiện, ra tòa để thưa gửi, mặc dầu công lý là phải để cho kẻ có tội phải bị trừng phạt, cho người hiền lương phải được minh oan. Luân lý Á Ðông thường tin vào sự trừng phạt của đấng vô hình, của Trời Ðất, ngồi chờ cái “quả” đến cho kẻ gieo “nhân,” nhưng những chuyện này có lẽ quá xa vời, con mắt trần tục của chúng ta không thấy được, chưa có gì gọi là “quả báo nhãn tiền” để đem lại sự công bằng. Những kẻ gian ác, lường gạt, gây tội vẫn nhởn nhơ, và cho mình là người khôn ngoan, lanh lợi, đạp lên người khác mà sống, cười vào mặt nạn nhân. Khôn lanh lừa lọc vẫn sống ngang tàng, kẻ hiền lương, thấp cổ, bé miệng chịu thiệt thòi đau đớn vì bản chất hiền lành. Những người này, không muốn đôi co, tranh chấp vì sợ phiền lụy, ngồi chờ sự phán xét của lương tâm, lương tâm thì đi vắng, chờ sự trừng phạt của Trời Ðất, Trời Ðất thì không hiện hữu.


Có lẽ các tổ hợp luật sư người Việt trong cộng đồng người Việt nên có những dịch vụ miễn phí giúp đỡ những nạn nhân thường có mặc cảm vì ngôn ngữ, sợ hãi trước các cơ quan công quyền, thường phải ôm mối hận mất mát tiền bạc, đau đớn thể xác và tổn thương tâm lý. Chúng ta đang sống trong một xã hội thượng tôn luật pháp, không phải ở làng xã ngày xưa để phải chịu đau đớn thiệt thòi mà không dám lên tiếng, đòi hỏi công lý!

MỚI CẬP NHẬT