Wednesday, April 17, 2024

Nhà báo Vũ Ánh và viên đạn cuối cùng của một chiến sĩ


lê giang trần/Sống Magazine
(trích)




Nhớ lại, lúc mới gặp anh Vũ Ánh là ngày tôi đến hỏi việc layout ở tờ báo Viễn Ðông khi còn của anh Nguyễn Ðức Quang nhóm Du Ca, thời gian đã mười mấy năm trôi qua, trước khi tờ báo chuyển sang anh Tống Hoằng. Anh Nguyễn Ðức Quang đã ra đi vào gần cuối tháng 3, 2011. Sau đó tôi vào làm layout ở nhật báo Người Việt thì anh Vũ Ánh cũng đang làm chủ bút ở tờ báo này. Thời gian lại trôi qua, tôi từ Texas sau 2 năm trở lại Little Saigon để làm layout cho tờ nhật báo Việt Herald do anh Ðỗ Việt Anh chủ trương, lại gặp anh Vũ Ánh về hợp tác với tờ báo ở cương vị chủ bút. Rồi đến tuần báo Sống ra đời đến hiện nay, anh Vũ Ánh là người bỉnh bút chính, cung cấp cho tờ báo những bài viết quan trọng về chính trị, thời cuộc thế giới, hay liên quan đến quân đội VNCH, đến chế độ cộng sản đang nắm quyền cai trị nước Việt Nam.









Nhà báo Vũ Ánh (giữa) và nhà thơ Lê Giang Trần (thứ hai, từ trái) trong ngày ra mắt tập thơ “Trạm Người Quá Bước” tại phòng sinh hoạt Người Việt. (Hình: Tác giả cung cấp)


Thời gian cùng làm việc chung qua báo chí đủ dài để anh em biết nhau và tiến đến quý mến, thân tình. Trong buổi ra mắt tập thơ “Trạm Người Quá Bước” của tôi, ông đã dành cho tác giả những lời phát biểu đầy tình cảm thương mến khiến cho tôi thật cảm kích. Xin cảm tạ những tình thân, những tình bằng hữu, tình người chan hòa và chân tình bên đây đời lận đận của kiếp sống lưu vong, tha hương, mà gần như vô vọng trong kiếp sống của mình để mơ có một ngày trở lại quê hương khi không còn chủ nghĩa cộng sản áp đặt lên dân tộc, lên giống nòi Việt Nam.


Ông Vũ Ánh cũng mang thân phận lưu vong như những người tị nạn cộng sản khác, nhưng ông quyết liệt dùng ngòi bút của mình làm vũ khí để chống lại cái chủ nghĩa cộng sản vô nhân nói chung và hiện tại ở Việt Nam nói riêng. Với kinh nghiệm và tài năng của ông, từng là người trong giới truyền thông lâu đời thời Việt Nam Cộng Hòa (Ông tham gia hệ thống truyền thanh VNCH từ năm 1964, lúc ông 23 tuổi); cộng thêm 13 năm bị tù đày nghiệt ngã, mà phần nhiều bị giam biệt lập trong cát-xô vì tội làm báo “chui” mang tên Hợp Ðoàn trong trại cải tạo. Ra tù năm 1988, ông phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống và nuôi mẹ già tại Sài Gòn như đạp xích lô, xẻ gỗ tại xưởng mộc, dạy Anh văn cho người sắp đi định cư nước ngoài.


Năm 1992, ông sang Mỹ định cư tại tiểu bang Virginia theo diện H.O. Một năm sau, gia đình ông chuyển về California, và từ đây ông quay trở lại nghề báo, trở lại nghiệp dĩ của mình, để từ đó đến khi ông đột ngột ra đi, vẫn bền bỉ viết những bài viết nhận định hay giải trình về những vấn đề liên hệ đến thời cuộc thế giới và Việt Nam. Những bài viết của ông đã tạo nên uy tín, được độc giả trân trọng theo dõi, và thường là loại “bài phong,” nghĩa là bài viết đại diện cho chủ trương và quan điểm của tờ báo. Ông đã trở thành một tên tuổi lớn trong báo giới về lãnh vực này, không kém bậc thầy lão luyện Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh, cũng đã ra đi vào tháng 8 năm 2012.


Tôi là người làm thơ, vốn không hảo đối với những vấn đề chính trị vì xem đó là chiến trường của lý trí, nói chung chỉ tạo nên nhức đầu chứ không làm cho tâm hồn thư giãn. Nhưng bản thân tôi cũng là người tị nạn cộng sản, tôi có cùng cộng nghiệp “lưu vong” với những ai không chấp nhận chủ nghĩa và chế độ cộng sản; ngoài ra, tôi cũng có biết bao là bạn bè từng là những người lính, những chiến sĩ trong quân đội VNCH khi miền Nam còn là một quốc gia tự do. Tôi không thể hoàn toàn không quan tâm đến thời cuộc của nước Việt. Trong báo giới, có một số người viết bỉnh bút mà mỗi khi tôi gặp bài viết của quý vị này, tôi đều đọc cẩn thận để thu nhận những ý tưởng mà vốn mình không thể nào có được như quý vị ấy. Ðó là Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Ánh, Ðỗ Quý Toàn, là những cây viết thường xuyên, trường kỳ, già dặn, không dùng ngôn ngữ nặng nề thô bạo, nên mang tính tri thức và trí thức, mở rộng tầm nhìn vấn đề một cách nghiêm chỉnh, sâu sắc, thú vị.


Anh Vũ Ánh luôn chủ trương một bài viết phải mang tính xác thực, cởi mở chứ không cố chấp theo chủ quan. Ông nói không nên coi thường mà khinh suất đối với những con người cộng sản, chống Cộng quá khích và cực đoan là một chiến thuật thất bại hoàn toàn. Ông chứng minh rồi lưu ý là chúng ta bước qua kỷ nguyên mới, không thể ấu trĩ, v.v.. Ðó là những lời ông nói mà tôi còn nhớ khi có dịp anh em ngồi với nhau tán phiếm. Không cần ông phải nói ra, những bài viết giá trị của ông đã đủ nói lên, và đó là tư cách của một người cầm bút chân chính. Ðối với họ, “bút sa gà chết,” họ sử dụng chữ nghĩa rất cẩn trọng. Họ có tự hào nhưng không tự cao, con người họ trong đời sống thường nhật rất khiêm cung, hòa nhã với mọi người; vui khi được khen nhưng không bấn loạn khi bị dư luận chỉ trích, tấn công. Giống như một võ sư cao thủ, họ luôn bình tĩnh làm chủ sân si của lý trí. Những hình thức khiêu khích, đánh phá, đều vô dụng đối với họ. Ðó là những gì tôi đã nhận thấy ở người anh Vũ Ánh, tạo cho tôi ngoài quý mến còn kính phục ông.


Không cần thiết phải dài dòng thêm những lời nói tốt về ông, với tôi, thực sự từ bây giờ, chúng ta đã vĩnh viễn mất thêm một nhà báo kỳ cựu có tài trong ngành truyền thông báo chí. Tháng Tư trước mặt là dịp chúng ta hồi tưởng lại những khoảnh khắc của lịch sử, miền Nam Việt Nam rơi vào tay của những con người Việt Nam quỷ quyệt dùng chủ nghĩa cộng sản làm chiêu bài, và họ đã may mắn chiếm trọn miền Nam nước Việt sau khi đồng minh của miền Nam tự do quyết định rút ra khỏi lãnh thổ mà trước đó nước Mỹ coi là một chiến tuyến ngăn chận hữu hiệu làn sóng đỏ cộng sản. Vì thế, chúng ta trở thành những người Việt tị nạn cộng sản sinh sống khắp nơi trên thế giới; chúng ta đã giữ gìn, dựng lên, và bảo vệ lá cờ vàng của một nước Việt tự do đến ngày hôm nay, vì đó chính là hồn thiêng sông núi của nước nhà, là lá cờ đại diện cho người dân Việt lưu vong ngoài thế giới.


Tinh thần chống cộng sản của người dân Việt không chỉ đơn thuần xảy ra ở hải ngoại, trong nước nhà cho đến hiện nay, quốc tế đều nhìn thấy sự tranh đấu đòi hỏi cho nhân quyền và tự do dân chủ của người dân ngày càng phát triển và hành động công khai hơn, rộng rãi hơn, thế hệ rường cột nhập cuộc, lớp người trẻ trung hơn, trí thức hơn và kiên trì dũng cảm. Trước khi ra đi, nhà báo Vũ Ánh cũng vừa gởi cho nhật báo Người Việt bài viết nhận định mang tựa đề “Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí” vào lúc 11 giờ 37 phút sáng cùng ngày, theo lời Chủ Bút Phạm Phú Thiện Giao. Ðây là bài viết cuối cùng của ông, là viên đạn cuối cùng bắn vào địch quân của người chiến sĩ trước khi ngừng hơi thở ở dương gian.


Nhà báo Vũ Ánh một đời tận tụy với nghiệp dĩ, vẫn là một chiến sĩ gan lì dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu khi bị đưa vào tù cải tạo, vẫn tiếp tục là chiến sĩ dùng ngòi bút thay súng đạn khi sang xứ người sống đời tị nạn lưu vong, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn bắn viên đạn vào đảng cộng sản cầm quyền ở Hà Nội. Lòng dạ và ý chí của người chiến sĩ này thật đáng khâm phục, dù ông chỉ xem mình như một chiến sĩ vô danh, nhưng tôi thật sự kính trọng ông là một người chiến sĩ hữu danh hữu thực. Ông đã thực thi câu “danh dự & tổ quốc” là lời thề khắc ghi trên huy hiệu của sinh viên sĩ quan được đào tạo ra trường.


Ðể rồi một ngày nắng chan hòa giữa lúc mùa xuân đang sung mãn, bông hoa sau vườn nhà thắm tươi hương sắc, hiền thê ông đi làm, căn nhà vắng vẻ như một không gian tĩnh lặng yên bình, và trong không gian ngưng đọng ấy, ông lặng lẽ rời bỏ chốn nhân gian. Ðó là sự ra đi mà nhà Phật gọi nôm na là “trở về ngôi nhà xưa,” trở về cõi vĩnh hằng, trở về nơi bao la của vũ trụ, trở về Tây phương cực lạc hay được đón về thiên đường của Thiên Chúa, là những ngôn từ tượng hình hiền hậu của người thân quyến và bằng hữu dành cho người quá cố. Sự ra đi của anh thật yên ắng, nhẹ nhàng, thanh thản, vô ngôn của một con người đã hoàn mãn cuộc nhân sinh.


Kính cẩn dâng lên anh một nén nhang đưa tiễn.


(03.15.2014, để tưởng nhớ người anh Vũ Ánh của anh chị em Tuần Báo Sống)

MỚI CẬP NHẬT