Thursday, April 18, 2024

Nhân duyên kinh tế

 


Tự sự, diễn giải và thực tế kinh tế


 


Nguyễn Xuân Nghĩa 


Thứ Hai tuần trước, ngày 27 tháng 2, cựu Nghị Sĩ Rick Santorum, ứng cử viên tổng thống bên Cộng Hòa, khiến chúng ta bớt tuyệt vọng: con cháu mình vẫn hy vọng trở thành tổng thống của đệ nhất siêu cường thế giới, dù chẳng hiểu gì về kinh tế nhập môn, hoặc chẳng biết xem lịch. Miễn là có nhiều đức tính khác!


Những đức tính đó, chúng ta không có nên cứ được… bàn thoải mái.


Trong đà hứng khởi chất ngất – xin viết cho đúng, chứ không phải chết ngất – ông Santorum nhấn mạnh đến nhu cầu tự túc về năng lượng, là điều chẳng sai. Nhưng ngay sau đó, ông lẫn lộn tương quan nhân quả khi phăng phăng phát biểu rằng nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế bốn năm về trước chính là giá xăng dầu.


Trong có một câu mà khơi khơi nói ra ba bốn điều nhảm thì quả là có biệt tài, nên mới đi làm chính trị.


Thứ nhất, Hoa Kỳ bị khủng hoảng về chính trị khi lãnh đạo cả hai đảng trong Lưỡng viện và bên Hành pháp không giải quyết được những khó khăn kinh tế của một vụ suy trầm kéo dài và phục hồi rất chậm. Những khó khăn đó có nguyên nhân sâu xa gấp bội, mà nếu gom vào một yếu tố chính thì đấy là tình trạng chi tiêu và vay mượn quá sức. Chuyện này quá dài, ai mà nghe?


Thứ hai, nói về chuyện xem lịch, kinh tế Mỹ bị suy trầm từ tháng 12 năm 2007, hiện tượng chu kỳ cứ tưởng là bình thường sau đợt suy trầm trước, vào tháng 3 năm 2001. Nói lại cho rõ, kinh tế bị suy trầm bảy tháng trước khi dầu thô vọt giá lên trời rồi nâng giá xăng tại Mỹ vào mùa Thu. Vì quên tờ lịch, Santorum lẫn lộn tương quan nhân quả: xăng lên giá sau khi kinh tế đã suy.


Sở dĩ bị suy trầm và hồi phục chậm là vì nạn tiêu thụ rồi đi vay đã thổi lên bong bóng gia cư. Trái bóng bắt đầu xì từ cuối năm 2006 nên mới dẫn đến vụ khủng hoảng tín dụng “thứ cấp” năm 2007, làm hệ thống tài chính ngân hàng sụp đổ vào năm 2008 khi kinh tế đang suy trầm.


Gom lại ngần ấy chuyện, ta có thể kết luận như thế này: họa vô đơn chí, xăng dầu lên giá vào thời điểm bất lợi cho kinh tế Hoa Kỳ. Nó có khác với cách “tự sự” của Rick Santorum!


Bây giờ ta mới nhập đề….


***


Khi theo dõi tin tức kinh tế, hoặc bất kỳ một tin thời sự nào, chúng ta nên chú ý đến một hiện tượng hai mặt.


Mặt nổi, thuộc loại “mì ăn liền” hay “fast food” là cách trình bày, diễn giải, gọi là “tự sự.” Hoa Kỳ có một chữ cho điều đó là “narrative.”


Trong nền văn hóa kỹ thuật gọi là tức thời của thông tin điện tử, lối tự sự đó dẫn đến những cảm quan ấn tượng có thể chi phối cách suy nghĩ của người khác. Các chính trị gia có biệt tài tự sự, họ mô tả và diễn giải tương quan nhân quả của một vấn đề nào đó theo chiều hướng có lợi cho triết lý hay chủ trương của họ, nhưng khiến người nào cũng có thể tưởng rằng họ bảo vệ quyền lợi của mình.


Truyền thông báo chí nhiều khi cũng chẳng khá hơn, với cách đặt tựa và loan tin của họ.


Nếu thụ động mua mì ăn liền về, ta có thể quên mất mặt kia của hiện tượng. Ðó là mặt thật của vấn đề, nằm sâu bên dưới cách trình bày, tự sự. Nó là một chuỗi suy diễn rắc rối về nguyên nhân và hậu quả.


Lại có thêm một tí… nhân duyên.


***


Kinh tế Mỹ tích lũy nhiều nguyên nhân bất ổn từ đã lâu nên thể nào cũng gặp vấn đề và sẽ phải điều chỉnh. Ðó là chuyện “nhân.”


Cái “duyên” là yếu tố thời cơ khiến cái quả mới phát tác vào thời điểm nào đó. Xin lấy một ẩn dụ dễ hiểu, căn nhà có nền móng bấp bênh thì thể nào cũng đổ, như chỉ chờ cơn gió nhẹ. Bảo rằng cơn gió heo may làm đổ căn nhà thì không hẳn là sai, mà chắc chắn là không đúng!


Nhưng mấy ai lại đào xới vào nền móng mục nát của căn nhà trước khi cơn gió nổi lên? “Ðừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh!”


Kinh tế Hoa Kỳ chất đống nợ nần từ mấy chục năm, sau năm 2001 lại lâm chiến ở hai nơi mà không muốn dân chúng hy sinh đóng thuế để bảo vệ an ninh. Trong khi ấy, từ nhiều triều đại tổng thống trước, nước Mỹ lại muốn người nghèo cũng có nhà nên giải tỏa luật lệ cho dân chúng dễ có quyền sở hữu gia cư. Thị trường bèn khai thác cơ hội và làm ẩu, cho tới khi bể bóng và bể mánh tan tành.


Ngần ấy cái nhân tích lũy, dồn dập thêm nhiều cơ duyên bất lợi mới dẫn đến chuyện ngày nay.


Thí dụ vừa nêu về lời “tự sự” hàm hồ của ông Rick Santorum trong chuyện giá xăng cho thấy mặt thật của vấn đề nó rắc rối hơn một lời đốp chát, một “sound bite,” trong cơn sốt tranh cử. Vì lười suy nghĩ hoặc cứ tin những gì báo chí hay các chính khách nói ra là giá trị như vàng mười, chúng ta có thể bị hố, mất tiền hoặc… phí phạm lá phiếu.


Vì đề mục của cột báo này là “kinh tế cũng là chính trị,” người viết muốn kích thích sự tò mò và phản ứng suy luận của độc giả với cách nêu vấn đề về “tự sự” và “thực tế,” về “nhân” và “duyên.” Hoặc nói cho có vẻ Ðông phương uyên bác là “lý” và “sự.”


“Lý” là chuỗi nhân quả chìm sâu ở dưới, “sự” là cách diễn giải ở trên.


Và các chính khách thường là chuyên gia lý sự cùn! Nền dân chủ tuyệt vời ở chỗ cho phép ta phanh phui những kiểu lý sự cùn như vậy của lãnh đạo. Nhưng nền dân chủ cũng đòi hỏi người dân phải bảo vệ quyền làm chủ… cái đầu của mình, bằng sự chịu khó tìm hiểu. Mất công lắm.


Bây giờ, khi vèo trông lá rụng đầy sân, xin hãy nhìn qua cái lý và sự của Trung Quốc. Cho nó “phe” (“fair”) – mà nếu có phê thì cũng chẳng sao…


***


Nói về sự, kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản lên hạng nhì thế giới từ năm 2010. Và tùy nơi, từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đến tạp chí chuyên đề The Economist, hay các lò trí tuệ có khả năng tự sự cao thấp khác nhau, người ta nói đến kỳ Trung Quốc bắt kịp Hoa Kỳ. Năm 2016 hay 2018 hoặc 2025… Giới đầu tư đang kiếm tiền tại Trung Quốc cũng rất khéo tự sự như vậy, như đã tự sự về triển vọng ngất trời của trái bóng gia cư – trước khi nó bể.


Ðó là cái “sự” ở trên, là cách miêu tả với nhiều con số cho có vẻ khách quan khoa học.


Bây giờ, hãy nói về lý, các động lực khiến kinh tế xứ này tăng trưởng mạnh như vậy từ ba chục năm qua, nhất là từ bốn năm gần đây, khi Hoa Kỳ còn bò ngang và các chính khách cãi nhau mỗi ngày. Ðộng lực chính của “phép lạ Trung Quốc” khi cả thế giới bị “Tổng suy trầm 2008-2009” là sức đầu tư rất mạnh.


Từ tháng 11 năm 2008, khi thấy hiệu ứng suy sụp từ các thị trường Âu Mỹ, lãnh đạo Bắc Kinh lập tức tăng chi gần 600 tỷ đô la rồi bơm khoảng 1,400 tỷ tín dụng vào kinh tế để bù đắp cho số thất thâu về xuất cảng. Tổng cộng, họ kích thích kinh tế với ngân khoản trị giá 2,000 tỷ đô la, 40% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa GDP.


Nếu Ngân Hàng Trung Ương và lãnh đạo Mỹ mà cũng áp dụng bài bản Trung Quốc thì đã phải bơm quãng… 6,000 tỷ đô la! Mới có vài ngàn tỷ nhờ tăng chi và in bạc mà nước Mỹ đã cãi nhau mệt nghỉ từ bốn năm nay.


Ðó là về lượng. Về phẩm thì đây là chuyện vay tiền cho heo nọc ăn nhân sâm để góp mặt với đời!


Muốn tăng GDP một đồng, Trung Quốc phải đi vay từ sáu đến tám đồng, tức là vô cùng tốn kém, với đầy phao phí và hiện tượng sản xuất thừa, tồn kho chất đống. Trước cơn “khủng hoảng,” hiệu suất đầu tư kiểu vay tiền bơm thuốc bổ của Mỹ là mất bốn năm đồng thì được một đồng, và đấy là một lý do tranh luận kịch liệt. Trung Quốc thì khỏi tranh luận về lý và sự nên vẫn lừng lững đi lên… bờ vực. Vì quy luật có vay có trả, sẽ có ngày trả nợ.


Ðấy là cái nhân của những suy sụp sắp tới tại Trung Quốc. Cái duyên là gì thì xin hẹn một kỳ… tự sự khác.

MỚI CẬP NHẬT