Thursday, March 28, 2024

Những công việc đã làm trên đất Mỹ


Tác giả (35-004)




Một tháng sau khi đặt chân đến đất Mỹ, tôi đã lấy “Application” (đơn) để xin làm “Teacher’s Aide” (giáo viên phụ tá) tại một trường Intermediate trên vùng Corona, Riverside, nơi gia đình chúng tôi đang tạm trú với người chị. Nộp đơn khoảng ba tuần sau thì nhà trường gọi đến interview, và đã nhận tôi vào làm việc.


Sở dĩ tôi xin công việc này vì nhiều lý do: thứ nhất là để có thêm thu nhập (mặc dầu không bao nhiêu vì mỗi tuần chỉ làm việc vài giờ), thứ hai, quan trọng hơn, là để biết cách giảng dạy của các trường học bên nầy về nhà dạy thêm cho cô con gái của chúng tôi lúc đó mới 7 tuổi, đang học lớp 2.


Tại đây, tôi đã nhận ra được sự khác biệt hoàn toàn giữa hai nền giáo dục của Mỹ và của chúng ta ở Việt Nam. Cách dạy học ở đây thật dễ dàng để học sinh tiếp thu và sách giáo khoa được soạn thật rõ ràng, đi từng bước một từ dễ đến khó khiến học sinh cho dầu ở trình độ trung bình hay kém, cũng có thể hiểu và làm được bài vở.


Công việc của tôi là đi lại trong lớp để khi nào có em học sinh nào không hiểu bài thì giáo viên chính nhờ tôi giúp em đó.









Hình minh họa: Họa sĩ Nguyễn Thanh Vân/Người Việt



Nhưng chỉ 3 tháng sau tôi xin nghỉ làm Teacher’s Aide ở đó vì không thể nào quen được với cảnh quá tự do phóng túng của các em chỉ mới ở lứa tuổi lớp 7 hoặc lớp 8. Tôi cũng không chịu nổi cảnh học sinh vào lớp ngồi gác cả hai chân lên ghế phía trước. Tính kỷ luật và tôn trọng thầy cô giáo không thể hiện rõ nét ở các trường học bên này như ở Việt Nam.


Không thể nào tìm được một công ăn việc làm thích hợp trên vùng đồi núi Riverside đó, gia đình chúng tôi đành phải “dời đô” xuống Quận Cam. Tại đây tôi đã gặp được người bạn cũ thời trung học, đang có một phòng mạch trên đường Beach, và bạn tôi đã cho tôi vào làm thư ký phòng mạch. Hầu hết các bệnh nhân là người Mỹ, nên cũng nhờ đó mà khả năng nghe và nói tiếng Anh của tôi ngày càng tiến bộ.


Từ kinh nghiệm này, bây giờ mỗi lần gặp bạn bè hay các em sinh viên mới từ Việt Nam qua, tôi vẫn thường khuyên họ nên lao vào môi trường sinh hoạt của dòng chính để có thể tiếp xúc, nghe và nói chuyện trực tiếp với người Mỹ. Đó là cách hay nhất để tiến bộ về ngôn ngữ. Đừng bao giờ sợ họ cười chúng ta phát âm sai hoặc nói sai ngữ pháp. Người Mỹ rất hiếu khách và họ sẵn sàng giúp chúng ta bằng cách nói thật chậm hay diễn đạt thật dễ dàng cho chúng ta hiểu.


Về nhà chúng tôi cố gắng nghe tin tức trên các băng tần TV Mỹ để tập phát âm cho chuẩn và cũng để luyện giọng.


Sau ba năm làm việc tại phòng mạch, thấy business của người bạn có vẻ chậm lại nên tôi xin rút lui để tìm công việc khác. Kinh tế Mỹ những năm 1992, 1993 cũng xuống dốc thê thảm như bây giờ nên tìm được một công ăn việc làm thật khó khăn. Kỹ sư, chuyên viên thất nghiệp dài dài!


Rất khó tìm được một công ăn việc làm vừa ý nên tôi đã tự nhủ lòng là sẽ làm bất cứ công việc gì để bảo bọc gia đình và lo cho hai đứa con ăn học. Công việc thứ ba của tôi kéo dài hơn 5 năm và chẳng có liên quan gì đến học hành và chữ nghĩa cả! Tôi xin vào làm “Machine Operator” cho một hãng chuyên sản xuất các khung và kính chống mờ để treo trong phòng tắm (fogless mirror).


Lúc vào xin việc, ông chủ hãng đã “interview” tôi và hỏi: “Trước đây ông đã từng làm công việc tay chân nào chưa? Vì tôi thấy trong application ông xưa nay chỉ đi dạy và làm việc văn phòng thôi! Ông nhắm có làm nổi không?” Sau đó ông đưa tôi đi xem toàn cảnh của khu sản xuất.


Tôi cũng thấy khớp trước những cỗ máy khổng lồ cùng những anh chàng, cô nàng công nhân Mễ, người nào cũng to lớn và mập mạp hơn tôi nhiều. Nhưng tôi đã sẵn sàng, nên nhận lời làm machine operator. Và tôi đã gắn liền với Zadro Products Inc. trong năm năm, bắt đầu như thế đấy. Làm những công việc chân tay tuy nặng nề và cực nhọc thật nhưng cũng có những niềm vui riêng của nó.


Ông chủ và các nhân viên văn phòng đều rất quý trọng tôi, các công nhân đồng nghiệp trong hãng cũng vậy. Họ dễ thương và hòa đồng nhanh chóng và tính cách bảo bọc thương yêu gia đình cũng rất giống người Việt Nam chúng ta. Cứ mỗi lần lãnh lương xong là họ trích ra gửi về hơn một nữa cho gia đình bên Mexico. Tôi đã tích lũy thêm được một bài học ở đất nước này là hãy làm bất cứ công việc lương thiện gì để sinh sống. Không có một công việc nào gọi là hèn mọn cả.


Công việc đang suôn sẻ thì bỗng nhiên vợ tôi ngã bệnh nặng và phải vào bệnh viện liên tục hằng tuần. Lúc đó tôi chỉ còn biết xin nghĩ dài hạn family leave để ở nhà chăm sóc cho vợ. Giữ công việc của tôi được sáu tháng thì Zadro cho tôi nghĩ việc. Lần này tôi bị thất nghiệp lâu hơn, gần ba năm! Tôi bị sốc thật sự. Tôi thấy nhiều người đã rất đúng khi nói: “Ở đất nước này chuyện gì cũng có thể xảy ra, cứ chuẩn bị tinh thần cho vững để chịu đựng!”


Vừa bị khủng hoảng tinh thần sau cái chết của vợ, vừa hết tiền EDD, tôi tưởng đã gục ngã vì không còn sức để chịu đựng. Nhưng vì tôi là cột trụ chính trong gia đình nên phải nêu gương cho hai đứa con sẵn sàng đương đầu với phong ba bão táp của cuộc đời. Tôi ghi danh đi học lại tại Golden West College sau hơn ba mươi năm rời xa trường lớp, chữ nghĩa. Học để khỏa lấp bớt khoảng thời gian trống trải, và học để xin tiền Financial Aid.


Những ngày đầu tiên trong môi trường đại học Mỹ, một môi trường rất quen thuộc với tôi trước đây ở Việt Nam, tôi vẫn thấy lạ lẫm và bỡ ngỡ. Phương pháp giảng dạy của các giáo sư thật hay, thật lạ. Sách giáo khoa được soạn thảo rất khoa học, đi từng bước một từ dễ đến khó để giúp sinh viên theo dõi bài học dễ dàng. Những phương tiện giúp sinh viên học tập rất đầy đủ, từ máy móc đến các trợ huấn cụ, các phòng lab với thật nhiều computer để sinh viên học tập và làm bài vở, các trung tâm luyện cho chúng tôi học và viết đúng yêu cầu của giáo sư, tất cả đã làm tôi choáng ngợp.


Tôi hòa đồng khá nhanh vào cuộc sống sinh viên, mỗi ngày chạy từ giảng đường này sang giảng đường khác kiếm lớp, trưa cũng ghé cafeteria ăn vội miếng sandwich rồi chạy đi học tiếp.


Cũng nhờ các giáo sư tận tình chỉ dạy nên tôi đã học xong chương trình AA, và sau đó đã được thâu nhận vào làm việc ở Accessment Center của trường cho đến ngày về nghỉ hưu.


Bài gửi đến tòa soạn nhật báo Người Việt để dự thi này được trình bày “tương đối” ngay hàng thẳng lối như thế này là cũng nhờ ở cô assistant của phòng Computer Lab, người đã tận tình hướng dẫn cho “chú sinh viên lão” hoàn toàn mù tịt về computer này ở những ngày tháng đầu tiên làm quen với vi tính. Tôi đã gặp lại cô giáo của tôi ở front desk báo Người Việt khi đến mua báo và nhận Niên Giám mỗi năm. Chắc là cô không nhớ tôi, nhưng tôi thì nhớ ơn cô nhiều lắm. Xin được cám ơn cô giáo computer của tôi hơn mười năm trước.


Nước Mỹ không những là một cường quốc về kinh tế tài chánh mà còn là một đất nước có một nền giáo dục tốt nhất thế giới. Hãy tận dụng nó để học và tiếp thu những kiến thức hiện đại nhất.


Viết về những gì tôi đã trải qua và những công ăn việc làm của tôi trên đất Mỹ trong hơn 22 năm sống ở đây, tôi muốn chia sẻ với tất cả những di dân như tôi về những khó khăn mà chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải và những thành tựu mà chắc chắn chúng ta sẽ có được trên quê hương mới này.


Đừng bao giờ quên rằng đất Mỹ là vùng đất của thật nhiều cơ hội tốt đẹp, “the land of the opportunities” cho những người có ý chí.

MỚI CẬP NHẬT