Thursday, March 28, 2024

Những hôn phối tốt đẹp giữa thơ (luôn văn xuôi) và nhạc Ðăng Khánh

 


Du Tử Lê


 



Nói tới bản chất dịu dàng, ưu ái và ân cần với bằng hữu, tôi nghĩ, những người yêu văn học, nghệ thuật ở thành phố Houston, Texas, hẳn không quên những đóng góp bất vụ lợi của Ðăng Khánh và Phương Hoa. Họ đã đem lại cho người dân miền Tây Nam Hoa Kỳ, những món ăn tinh thần mà, nếu họ không làm, tôi e khó ai có thể thực hiện được một cách đều đặn, với tất cả tấm lòng trân trọng.









Từ trái qua, hàng đứng: Lê Thụy, Ngu Yên, Trương Trọng Trác, Nguyên Bích, Ðăng Khánh. Hàng ngồi: Nguyễn Xuân Hoàng, Du Tử Lê.


Cụ thể, năm 1988, Ðăng Khánh/Phương Hoa đã khởi xướng “Chương trình nhạc Thính Phòng,” với tiếng hát Mai Hương và ban nhạc Ngũ Cầm Suối Nhạc tại Duschene Academy. Sau đó là những chương trình giá trị, ý nghĩa khác. Như chương trình nhạc thính phòng lần lượt chào đón hai ca sĩ Anh Ngọc (1991)và Duy Trác (1992). Ðăng Khánh/Phương Hoa cũng là những người tổ chức giới thiệu bộ tiểu thuyết “Giấc Mơ” của cố thi sĩ Nguyên Sa (1993). Chào đón nhà báo Thanh Thương Hoàng (1999)… Gần nhất họ tổ chức chương trình nhạc thính phòng “Tình Ca Muôn Thuở,” vinh danh nhiều nhạc sĩ, tại Cullen Hall University of Houston năm 2010, v.v…


Ðặc biệt, năm 1994, đáp ứng nhu cầu cộng đồng người Việt ở vùng Tây Nam cần có một đài phát thanh nghiêng nặng về văn học, nghệ thuật, Ðăng Khánh/Phương Hoa đứng ra thành lập, điều hành đài Tiếng Nói Việt Nam Tại Houston/VOVN. Có thể sự có mặt và, đứng vững trong nhiều năm của đài phát thanh này, đã phần nào khích lệ, thúc đẩy sự ra đời, lớn mạnh của những đài phát thanh khác, sau đấy.


Tuy nhiên, tôi cho rằng đóng góp đáng kể hơn cả của Ðăng Khánh chính là dòng nhạc tình mà, ông đã gửi cho người, cho đời. (2)


Ở lãnh vực này, vẫn theo tôi thì, bất cứ một văn, nghệ sĩ nào khi làm thành toàn công việc thừa kế dòng văn học, nghệ thuật của những thế hệ đi trước, là một đóng góp quý báu cho kho tàng văn học đất nước. Thành tựu hay công lao tim óc của họ, không chỉ thuần túy là sự nối tiếp mà, nó còn mang ý nghĩa xiển dương truyền thống văn học của dân tộc đó nữa.


Nhưng, lớn hơn một bậc, nếu văn, nghệ sĩ kia, lại dám ném mình vào những cuộc phiêu lưu, thử nghiệm mới. Và, một khi thử nghiệm ấy được đám đông đón nhận thì, công trình của họ còn đáng ngợi ca hơn nữa.


Từ hai góc nhìn vừa kể, nhiều người cho rằng Ðăng Khánh, trong tư cách nhạc sĩ, đã bước tới và, thành tựu ở cả hai lãnh vực vừa kể.


Về phương diện truyền thống, như chúng ta đều biết, tương quan giữa thi ca/âm nhạc trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của chúng ta, là một tương quan máu huyết. Tương quan nhân quả giữa hai bộ môn.


Chúng ta cũng biết, hầu như chưa có một nhạc sĩ Việt Nam nào trong đời, không ít nhất một lần tìm đến với thi ca; cũng tựa các thi sĩ tìm về với thơ lục bát vậy.


Nhưng nói thế không có nghĩa thi sĩ nào sớm hay muộn, đến với thể thơ lục bát, cũng đều thành công! Dù cho họ được coi là “hảo thủ” trong sân chơi của các thể loại thơ khác. Thất bại này, cũng không… kiêng nể một số nhạc sĩ từng mơ ước có những cuộc hợp hôn tốt đẹp với thi ca!


Ngắn, gọn, nếu có những nhạc sĩ chắp thêm cánh cho bài thơ tới được những chân trời mới thì, cũng không thiếu những nhạc sĩ đã vô tình “ám toán,” giết chết bài thơ một cách tức tưởi… Dư luận cho rằng, Ðăng Khánh thuộc thành phần thứ nhất.


Theo nhận định của một nhạc sĩ vào đầu thập niên 2000, khi ông mới từ Việt Nam qua Mỹ, sau khi theo dõi sinh hoạt nghệ thuật của cộng đồng Việt hải ngoại, ông nói, ở lãnh vực thơ phổ nhạc, Ðăng Khánh là một trong số những “hảo thủ” có hạng. Sự phong phú, giầu có thấy rõ trong những ca khúc Ðăng Khánh soạn từ thơ qua những thang-âm sang cả, lãng mạn, mượt mà.


“Nhất là sự hòa hợp giữa nốt nhạc và những dấu chữ đặc thù của ngôn ngữ Việt của Ðăng Khánh, giúp cho ca sĩ không bị ‘trẹo lưỡi’ hay, phải phát âm ‘lơ lớ’ như người ngoại quốc nói tiếng Việt!..”


Tôi nghĩ, nhiều phần, có thể người nhạc sĩ kia đã từng nghe một số ca khúc phổ từ thơ của Ðăng Khánh khi còn ở Việt Nam.


Trước đó, trong “Vài câu tâm tình,” nhạc sĩ Phạm Duy cũng ghi nhận:


“…Lối chuyển âm (progression harmonique) (của Ðăng Khánh) rất đẹp làm cho con tim người nghe phải rung động theo tác giả. Nhưng tôi muốn quên đi những cái gọi là nhạc lý để nghe ra hồn nhạc của Ðăng Khánh một cách rất trinh trắng, nhất là những bài do giọng hát đắm say của Tuấn Ngọc diễn tả…” (3)


Nhưng, tài năng Ðăng Khánh, nhạc sĩ, không dừng ở đó. Tác giả “Em Ngủ Trong Một Mùa Ðông” (viết năm 1993), còn đi xa hơn, khi ông tự tin, làm cuộc thử nghiệm lấy một số câu của bài thơ A, ghép, tháp vào bài thơ B, của cùng một tác giả. (4) Ông đã thành công tới mức, ngay tác giả của những câu thơ được Ðăng Khánh tìm ra để “tháp cành” này, cũng không thấy được vết “tháp.” Ðiển hình như ca khúc “Lệ Buồn Nhớ Mi,” Ðăng Khánh viết năm 1996, ở Houston.








 




Từ trái qua: Kiều Chinh, Mai Thảo, Phương Hoa, Ðăng Khánh.


“Cloning” hay cũng có thể gọi là “ghép tim” thi ca trên, như tôi biết, dường Ðăng Khánh là người thứ hai, sau nhạc sĩ Phạm Ðình Chương. (5)


Lại nữa, nếu không kể Văn Trí, tác giả ca khúc “Hoài Thu” dựa theo một tùy bút của cố thi sĩ Ðinh Hùng (6) thì, Ðăng Khánh là người rất sớm, phổ nhạc văn xuôi, dựa theo tiểu thuyết “Tôi Với Người Chung Một Trái Tim,” để làm thành ca khúc “Hạt Mưa Bay Cuối Ðời.”


Về phương diện văn chương, các nhà phê bình văn học từng kết luận, tùy bút là thể loại văn xuôi gần với thơ nhất; chứ không phải truyện ngắn hay truyện dài. Vậy mà Ðăng Khánh đã thử nghiệm và, thành công khi ông dùng thang-âm (cách riêng của mình,) để chuyển thể một tiểu thuyết…


Từ đó, trước khi ra khỏi bài viết này, tôi xin được lập lại rằng:


Nếu có một nghệ sĩ dám ném mình vào những cuộc phiêu lưu, thử nghiệm mới và, thử nghiệm đó, được đám đông đón nhận thì, công trình của họ còn đáng ngợi ca hơn nữa.


 


Chú thích:


(2) Về âm nhạc, Ðăng Khánh từng học Classical & Flamenco Guitar với nhạc sĩ Hoàng Bửu, 1964. Học Classical Piano và hòa âm với Linh mục, Nhạc sư Tiến Dũng tại trường Suối Nhạc, Saigon, 1970. Tại Hoa Kỳ, ông theo học âm nhạc ở University Of Houston, Moore School Of Music (Majoring in Theory, Harmony and Composition).


(3) Tuyển tập “Tình Ca Ðăng Khánh,” Ðại Nam, Paris, xuất bản 1994.


(4) Là bài “Mùa thu và, thơ mới ở đường Baker, Costa Mesa, cũ” và “Ta đã đợi em từ hạt bụi” của Du Tử Lê, trong tập “Ði với về, cũng một nghĩa như nhau,” in lần thứ hai, California, 1992.


(5) Ðể làm thành ca khúc “Ðôi Mắt Người Sơn Tây,” năm 1969, cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương cho biết, ông đã lấy một số câu thơ trong bài “Ðôi Bờ” hợp với một số câu trong bài “Ðôi Mắt Người Sơn Tây” của Quang Dũng. Xem thêm: “Mộng Dưới Hoa – Tuyển tập 20 bài thơ phổ nhạc” của Phạm Ðình Chương, Vincent & Company, California, XB, 1991.


(6): Theo trang mạng www.dactrung.com, phần “Nhạc.”

MỚI CẬP NHẬT