Friday, March 29, 2024

Những măng và tre


Tạp Ghi Quỳnh Giao


 


Khi nhìn đứa cháu thoăn thoắt mấy ngón tay trên cái iPhone như một diệu thủ dương cầm, chúng ta thấy ra sự đổi thay của xã hội.


Nửa thế kỷ về trước, trẻ em không được giải trí như vậy. Với sợi len và mười ngón đan lượn, lũ con gái bày ra cả trăm cách kéo thành cái cầu, mái nhà hay nhiều hình thù ngộ nghĩnh. Một trái bóng và mấy cái que cũng là cơ hội thi thố tài năng trên nền xi măng ở sau nhà. Lũ con trai thì đánh khăng, đánh đáo, mấy đứa may mắn nhất ở thành phố thì tạt hình.


Chiến lợi phẩm đem về là các tấm hình to bằng bao diêm. Ðêm về, chúng nằm mơ thấy thế giới của rừng xanh. Chúng ta làm quen với truyện Tarzan là từ mấy tấm hình đó. Mỗi tấm là truyện ngắn và nhờ đó mà trẻ em say mê một Tarzan đu dây giữa các thổ dân da đen trong rừng già, in trên hình nhòe nhoẹt ra màu tím ngắt.


Khi trưởng thành sau này, lũ trẻ được dạy lại rằng đó là truyện có tinh thần thực dân! Người ta “xét lại” nội dung nhiều tác phẩm và phê phán nhiều tác giả đã được coi là thần tượng.


Trong số này, có một cây bút người Anh rất nổi tiếng là Rudyard Kipling.


Sinh tại Ấn Ðộ vào năm 1865, ông viết truyện ngắn, làm thơ và sáng tác tiểu thuyết về đời sống của cõi lạ là Ấn Ðộ, khi nước Anh là một đế quốc cai trị cả khu vực rộng lớn của Châu Á. Hai cuốn “Truyện Của Rừng Xanh” là tập truyện ngắn đã để lại hình ảnh khó phai lạt của Mowgli, đứa trẻ lạc trong rừng thẳm và được bầy sói nuôi nấng thành siêu nhân có thể đối thoại với súc vật.


Có lẽ Mowgli là tiền thân của nhân vật Tarzan, cũng là dã nhân da trắng siêu phàm trong cõi mộng mơ của trẻ em. Tarzan là một người Anh, có người tình là nàng Jane người Mỹ và đu dây giữa các bộ lạc da đen, cho nên không thể tồn tại khi chế độ thực dân đã cáo chung!


Là nhà văn Anh ngữ đầu tiên lãnh giải Nobel và ở tuổi trẻ nhất vào năm 1907, Rudyard Kipling được ca tụng là cây bút thiên tài trước khi bị những người tiến bộ hơn đả kích là văn sĩ thực dân! Bài thơ nổi tiếng của ông, “Gánh Nặng Của Người Da Trắng” viết cho sứ mạng cao cả của Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân đã bị chê là có tinh thần đế quốc. Nhiều sinh hoạt của hướng đạo, kể cả trò chơi ngợi ca thiên nhiên và óc tháo vát của thanh niên xuất phát từ một tác phẩm của Kipling, cũng bị trách móc là phát huy chủ nghĩa thực dân đế quốc.


Mặc cảm phạm tội khiến nhiều người da trắng còn coi da màu mới là nhất. Họ tô màu tất cả như trẻ thơ năm xưa vậy. Phim ảnh Hollywood có nhiều trường hợp thái quá như vậy.


Hãy trở lại chuyện Rudyard Kipling.


Năm 1889, ở tuổi 23 mà đạo mạo như một người tứ tuần, ông đi tầu thủy từ Nhật qua Mỹ thăm thú khắp nơi và thấy ra nhiều điều lạ mắt. Chủ đích là xin diện kiến văn hào Mark Twain, bậc tiền bối hơn ông ba chục tuổi. Rudyard Kipling đã toại nguyện.


Một nhà văn người Anh chưa thành danh mà được đàm đạo với thần tượng trên văn đàn thì đấy là một vinh dự hiếm hoi. Kipling kể lại rằng trong hai tiếng đồng hồ hàn huyên, ông được hút xì gà của người đã dựng ra nhân vật Tom Sawyer. Rồi còn luận bàn xem khi về già, chú bé Tom Sawyer này sẽ là gì, có lấy cô bé Becky Thatcher hay chăng. Ðây là câu trả lời của Mark Twain:


“Tôi chưa tính đến vụ đó. Có thể sẽ cho Tom Sawyer lên đỉnh danh vọng và vào Quốc Hội. Có khi phải treo cổ nó. Rồi để độc giả tha hồ chọn lựa.”


Cứ như hai ông Nam Tào Bắc Ðẩu đang bàn nhau trên thiên đình về lẽ sống chết của một con người nào đó dưới thế gian!


Giai thoại ấy khiến độc giả của Kim Dung có thể nhớ đến nhân vật A Tử trong tập “Thiên Long Bát Bộ.” Có lần ông phải đi xa và nhờ một bạn văn viết đỡ cho vài chương trên nhật báo. Bạn văn đó là vị tiền bối Lương Vũ Sinh trong loại truyện võ hiệp. Quá ghét nàng A Tử độc ác, Lương Vũ Sinh cho nàng mù mắt! Từ Anh quốc trở về Hong Kong, Kim Dung đành bó tay mà không cứu nổi!


Gần hai chục năm sau, Rudward Kipling đã khét tiếng trong khi Mark Twain là cây cổ thụ sắp ngả trong rừng văn. Nhưng từng ngày đều tìm đọc Kipling và năm nào cũng đọc lại cuốn truyện “Kim” và trầm trồ khen ngợi thần tượng của mình.


Khác với thời xưa, ông kịch liệt đả phá việc Hoa Kỳ chiếm Phi Luật Tân làm thuộc địa, như chính Kipling đã đề cao. Nhưng nhớ lại nhà văn trẻ mà mình đã tiếp năm xưa, Mark Twain kính cẩn ngả nón: “Rudyard Kipling biết hết về những gì cần biết. Tôi thì biết về mọi chuyện còn lại.”


Chỉ những cây bút siêu hạng mới đối xử với nhau như vậy.

MỚI CẬP NHẬT