Thursday, March 28, 2024

Nói chuyện rủi ro chính trị – Lê Phan


Câu chuyện cuối tuần

 

 

 

Lê Phan

 

Từ bốn năm nay, cứ hàng năm công ty tư vấn Maplecroft có trụ sở ở Anh Quốc cho xuất bản một cuốn sách có cái tên là Political Risk Atlas, một cuốn phân tích nguy cơ bất ổn chính trị tính theo địa lý, để cố vấn cho các nhà đầu tư. Năm 2011 đã là năm của những cuộc biểu tình phản đối bất ngờ, vậy năm 2012 sẽ ra sao?

Theo các nhà phân tích, nguy cơ cho các nhà đầu tư bao gồm: Tiếp tục bất ổn tại các quốc gia đã và đang trải qua Mùa Xuân Ả-Rập, có tiềm năng bạo động xã hội hay bất ổn chế độ ở Belarus, Guinea Bissau, Iran, Sudan, Turkmenistan và Việt Nam, cũng như sự gia tăng hình thức chủ nghĩa quốc gia cực đoan về tài nguyên tại những quốc gia sản xuất ra nguyên liệu mà lại thiếu hoặc không đủ mức độ cai trị dân chủ, như Angola, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Guinea, Miến Ðiện và Zimbabwe.

Nhưng ngược lại, các kết quả thăm dò của Maplecroft cũng cho thấy có mức độ giảm thiểu và gia tăng cơ hội ở nhiều trong số các nền kinh tế đang lên kể cả các quốc gia thuộc khối BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ và Trung Quốc và 11 quốc gia phát triển nhanh kế tiếp, đặc biệt là Mexico, Indonesia và Philippines, cũng như tại các thị trường ở Thái Lan, Liberia và Bolivia.

Nhà bình luận của tờ Financial Times đã tỏ ra ngạc nhiên khi Maplecroft không coi tình hình ở Trung Quốc và Nga có thể dẫn đến bất ổn. Mặc dầu đưa ra nhiều vấn đề cần được lưu tâm đặc biệt bạo động chính trị ở Ấn Ðộ, bản phúc trình thực sự chỉ cho điểm thấp cho sự việc có thể xảy ra “cưỡng bức thay đổi chế độ”, một việc cũng dễ hiểu thôi. Trung Quốc, Ấn Ðộ và Nga sẽ không bị lật đổ bởi làn sóng dân chúng nổi loạn như Ai Cập hay bạo động như ở Libya. Nhưng như vậy không có nghĩa là không có hiểm nguy trong việc đầu tư vào các quốc gia này.

Forced Regime Change Risk Index (Chỉ số nguy cơ cưỡng bách thay đổi chế độ) là một yếu tố mới trong phúc trình năm nay. Chỉ số này cứu xét khả năng một chế độ dễ bị tấn công bởi các thế lực xã hội, kinh tế và chính trị vốn đã mang lại sự thay đổi nhà cầm quyền ở những quốc gia thuộc khối Ả Rập hồi năm ngoái. Trong số những yếu tố được chỉ số này chú ý tới là mức độ thất nghiệp của thanh niên, an toàn lương thực, vi phạm nhân quyền bởi lực lượng an ninh, tham nhũng, thiếu những quyền tự do chính trị và liên hệ giữa dân sự và chính quyền quân phiệt.

Một trong những khuyến cáo bản phúc trình đưa ra là về tình hình ở Saudi Arabia mà theo Maplecroft sẽ có gia tăng bất ổn. Bản phúc trình cũng khuyến cáo về tiếp tục bất ổn trong các quốc gia đang trải qua Mùa Xuân Ả Rập. Bản phúc trình cũng khuyến cáo về sự gia tăng mức bạo động chính trị có thể ảnh hưởng đến các công ty dầu khí ở khu vực Trung Ðông và Phi Châu đặc biệt ở Algerie, Ai Cập, Libya và Morocco.

Riêng về Việt Nam, bản phúc trình nói có tiềm năng nguy cơ cưỡng bách thay đổi chế độ, vì đang có những tập hợp của các điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế vốn không khác gì ở các quốc gia đang trải qua Mùa Xuân Ả Rập, và do đó làm cho rất dễ bị dẫn đến tình trạng chế độ bị buộc phải thay đổi.

Về dài hạn, điều kiện ở Việt Nam được nhận diện là có một tiềm năng cao cho bạo động và bất ổn vì mức độ tiếp cận Internet cao của xứ này, vốn đi cùng với một chế độ độc đảng của đảng Cộng sản rất độc tài. Maplecroft khẳng định là bản chất độc tài đàn áp của bối cảnh chính trị và sự thiếu bảo vệ cho người lao động có thể dẫn đến bất ổn. Sự bành trướng của tiếp cận Internet sẽ khuyến khích chống đối, trong khi tiếp tục đàn áp đối với các cuộc đình công, biểu tình và một nền kinh tế đang đi bị trì trệ có thể dẫn đến thêm nhiều bất mãn nữa.

Tuy nhiên, Maplecroft tin là tính theo đoản kỳ và trung hạn, việc đảng cộng sản tiếp tục nắm giữ được quyền lực có vẻ được bảo đảm, vì cho đến nay đảng vẫn còn kiểm soát chặt chẽ được báo chí và đã thành công trong việc đẩy sự bất mãn của quần chúng trong Mùa Hè năm rồi qua các cuộc biểu tình đầy tinh thần quốc gia chống lại Trung Quốc.

Bản phúc trình này tuy vậy đã được soạn thảo trước khi xảy ra vụ Tiên Lãng. Nếu hôm nay xét lại hẳn các nhà phân tích của Maplecroft sẽ đặt thêm nghi ngờ về khả năng ứng biến của chế độ cũng như khả năng “chuyển hướng bất mãn” của chế độ.

Kể từ khi bản phúc trình này được soạn thảo, có vẻ dựa trên những dữ kiện cho đến khoảng quý ba của năm 2011, tình hình đã có nhiều thay đổi. Riêng ở Ðông Nam Á, có vẻ bản phúc trình chưa tính đến biến chuyển đột ngột ở Miến Ðiện nơi mà một chính quyền quân sự có vẻ đã chọn thay đổi vì đó là cách duy nhất để không dẫn đến một cuộc cách mạng làm mất hết quyền lực.

Chính trong cái bầu không khí đó, chính trong cái mà người Ðức gọi là Zeitgeist, tinh thần của một thời đại, những chế độ khôn ngoan nay chọn con đường dung hòa thay vì đàn áp. Những người như các ông tướng ở Miến Ðiện nhìn vào những quốc gia thuộc khối Ả Rập thì thấy là đàn áp không, không đủ để dẹp tan các cuộc bạo loạn. Ðàn áp cộng với mua chuộc như tại một số các quốc gia xuất cảng dầu hỏa ở vùng Vịnh thì có thể giúp câu giờ thêm một thời gian. Miến Ðiện không đủ giàu có để tung tiền ra mua chuộc dân chúng thì chỉ còn có nước phải nới lỏng kiểm soát.

Có thể đó cũng là chuyện đằng sau tấn bi hài kịch của ông phó đô trưởng kiêm giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân. Cho đến nay chúng ta chưa rõ thực sự chuyện gì xảy ra, nhưng khi ông bị cách chức, hay đúng hơn bị cho nghỉ “dưỡng bệnh”, thì câu hỏi đặt ra là ai đã làm việc này vì người đỡ đầu của ông, ông Bạch Hy Lai, hẳn sẽ không làm điều đó vào giai đoạn tối quan trọng chỉ còn vài tháng đến đại hội đảng.

Vả lại ông Bạch Hy Lai đã nổi lên như cồn chính là nhờ tài diệt băng đảng tội phạm của ông Vương Lập Quân. Nay đột nhiên ông Vương bị mất quyền thì có phải ông Bạch cũng đang lâm nguy chăng?

Ðiều đáng nói hơn là ông Bạch Hy Lai vốn đại diện cho phe thủ cựu trong đảng Cộng Sản Trung Quốc. Họ muốn duy trì chế độ in như hiện tại. Họ không chấp nhận một thay đổi nào cả, vì họ sợ thay đổi sẽ dẫn đến tiêu diệt. Ngược lại, ông Uông Dương ở Quảng Ðông lại chủ trương là chỉ có cách duy nhất để bảo vệ vị trí của đảng, đó là phải thay đổi, phải chấp nhận dân chủ. Ông Uông đã giải quyết vụ Ô Khảm bằng cách bắt chính quyền địa phương phải nhượng bộ, và để cho người dân được hưởng đôi chút dân chủ.

Ở Việt Nam, chính quyền Hà Nội cũng đang đối diện với một lựa chọn tương tự. Lựa chọn đúng thì chế độ có thể còn tồn tại, lựa chọn sai thì sẽ dẫn đến “cưỡng bách thay đổi chế độ”.

MỚI CẬP NHẬT