Friday, March 29, 2024

Núi Pinatubo


Ði và học

 

 

 

Trịnh Hội

(Nguồn: VOA)

 

Pinatubo là tên gọi của một trong những ngọn núi lửa nổi tiếng nhất thế giới. Và là một trong hai trận nổ núi lửa (volcanic eruption) lớn nhất của thế kỷ 20. Vào đúng ngày 15 tháng 6 năm 1991, sau nhiều tháng âm ỉ bắt đầu bằng những trận động đất ở các vùng lân cận, ngọn núi Pinatubo đã đột nhiên nổ tung cùng với trận bão Yunya vừa đập vào đảo Luzon (là hòn đảo lớn nhất nằm trong quần đảo Philippines) làm chết đi trên 800 người dân Phi và ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống của hàng chục triệu người khác.

Núi lửa Piantubo phun năm 1991, trong tấm hình chụp từ bên trong căn cứ Clark Air Base khi đó. (Hình: Arlan Naeg/AFP/Getty Images)

Những cột núi lửa được phun lên từ lòng đất cao đến trên 30 cây số. Và mây mù cát bụi (ash clouds) đã liên tục được phóng vào không gian trong suốt 12 ngày phủ trùm một diện tích khổng lồ lên đến trên 125,000 cây số vuông.

Hầu như cả hòn đảo Luzon đã bị ảnh hưởng che tối mịt mù trong suốt một khoảng thời gian dài. Và cát bụi từ Pinatubo đã bay sang đến tận Malaysia, Cambodia và Việt Nam. Nhiệt độ trên toàn thế giới đã bị đẩy xuống nửa độ C vì chịu sự ảnh hưởng từ ngọn núi lửa này. Và thời bấy giờ trại tỵ nạn Việt Nam ở Bataan nằm gần ngọn núi Pinatubo vẫn còn mở cửa nên có nhiều người Việt tỵ nạn vẫn còn nhớ rất rõ. Khi bỗng dưng trời đất tối mờ và cả trại đã được phủ trùm một màu xám xịt của cát bụi cao đến nửa thân người.

Thế mới thấy sức mạnh vô biên của thiên nhiên.

Và có đến nơi này bạn mới thấy sự nhỏ nhoi vô cùng của con người và vạn vật.

Từ thủ đô Manila, bạn chỉ tốn khoảng độ chừng hai giờ lái xe là sẽ đến tỉnh Pampanga gần chân núi Pinatubo. Nhưng muốn đi lên đến đỉnh núi Pinatubo bạn phải mất thêm khoảng 3 giờ đồng hồ trong đó bao gồm cả một tiếng dài bạn phải ngồi xe loại 4-wheel drive, mui trần, máy mạnh để có thể lội sang các dòng suối, rạch, chồng chất những đá và cát.

Và trong suốt 2 tiếng sau đó bạn sẽ phải cuốc bộ vì xe không thể nào chạy được nữa.

Ở đây tôi cố dùng hai chữ ‘cuốc bộ’ thay vì ‘leo núi’. Vì đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi leo đến một đỉnh núi mà chẳng thấy nó giống một ngọn núi tí nào. Nói cho cùng, nó là một ngọn đồi thì chính xác hơn. Một ngọn đồi khổng lồ đầy những sỏi đá và cát. Không cây. Cũng chẳng cao gập ghềnh chót vót như những rặng núi Himalayas hùng vĩ.

Cũng vì lý do trên đường đến đỉnh núi Pinatubo không có cây xanh cao lớn che phủ nên những ai muốn tham dự chuyến đi dã chiến này đều phải dậy sớm từ lúc 4 giờ sáng ở Manila. Vì nếu không, dưới ánh nắng chói chang của vùng nhiệt đới, từ chân núi leo lên đến đỉnh không cao quá 1,000 mét so với mặt biển, nếu phải leo núi trong suốt 2 giờ đồng hồ mà không có một bóng cây nào trên đường, tôi nghĩ sẽ không có nhiều người chịu dãi nắng chỉ để đến được miệng núi lửa Pinatubo.

Mặc cho họ có biết hay không là nó đẹp lạ thường đến độ nào.

Ðối với riêng tôi, tôi lại nghĩ cái đẹp của chuyến đi leo núi Pinatubo không hẳn chỉ dừng lại ở miệng núi lửa. Mà là cảnh vật thiên nhiên rất lạ kỳ của tạo hóa ngay từ dưới chân đồi.

Tôi chưa bao giờ trèo một ngọn núi nào mà trước khi khởi hành tôi lại được căn dặn là tránh không nên cười nói quá lớn tiếng. Vì những tiếng động vang vọng vào các vách cát cao hai bên đường có thể làm cho nó sụp lở bất cứ lúc nào. Tôi cũng chưa bao giờ phải trèo lên một ngọn núi nào mà cảnh hai bên đường lại trắng xám mờ mịt, không cây xanh, cũng chẳng có đá to xen lẫn trên đường từ chân núi lên đến đỉnh điểm.

Thỉnh thoảng tôi chỉ nghe thoáng tiếng cát lở đổ rào rào đây đó. Và sự tĩnh lặng của một ngày mới khi mặt trời vừa ló dạng dưới chân đồi.

Từng đoàn người rẽ bước trong im lặng. Vượt suối. Trèo đèo. Thỉnh thoảng lại có tiếng kêu ‘click, click’ của máy ảnh. Chỉ có tiếng kêu ấy.

Có một chút gì đó rất thanh tịnh khi không ai nói với ai một lời nào tôi nghĩ. Khi mỗi người tự chiêm nghiệm riêng cho mình những gì đã xảy ra trên 20 năm trước. Khi thiên nhiên đã bùng phát. Ðể lại những dấu ấn to lớn không một ai có thể ngờ trước được. Như những cơn sóng thần cách đây gần 1 năm về trước đã đổ ập vào nước Nhật.

Cho đến nay cả một vùng rộng lớn bao quanh ngọn núi Pinatubo vẫn không thể nào sử dụng được. Và tất cả những con sông trong tỉnh Pampanga vẫn còn chịu sự ảnh hưởng nặng nề của cát bụi từ đỉnh núi Pinatubo đổ xuống làm tắc nghẽn hoặc có những nơi ở cạnh chân núi nền sinh thái tự nhiên từ ngàn đời để lại đã bị hoàn toàn tiêu hủy.

Kể cả khi bạn đặt chân lên đến đỉnh núi với hồ nước tự nhiên được tạo thành sau khi núi lửa ngừng hoạt động, bạn cũng vẫn còn có thể cảm nhận được sự tàn phá khủng khiếp của trời đất khi nổi cơn nóng giận. Trước năm 1991, bao quanh núi là những rừng cây cao ngất trời. Vậy mà sau hơn 20 năm, quanh hồ vẫn chỉ còn là những vách cát xen lẫn với đá. Không một cây cao to lớn nào mọc lại nổi.

Và đấy cũng là những cảm nghĩ của tôi trên suốt quãng đường trở về lại chân núi. Như những gì hầu hết chúng ta đều suy nghĩ khi đứng trước thiên nhiên. Trước những ngọn sóng biển đang cuồn cuộn cuốn vào bờ. Hay dưới hàng vạn vì sao trong một đêm tối trời nằm bên đống lửa trại.

Ðó là thân phận con người, của từng số phận một thật ra quá nhỏ bé, rất mong manh trong vũ trụ. Cuộc sống cứ tưởng là vĩnh cửu nhưng thật ra nó có thể biến đi bất cứ lúc nào. Và gia đình, con cái, tiền bạc, danh vọng… tất cả rồi cũng sẽ trở thành một con số 0 vô nghĩa trước thiên nhiên muôn màu vạn biến này. Thập niên này là vậy. Thế kỷ tới sẽ tốt hơn. Nhưng một, hai ngàn năm sau còn ai nhớ đến những gì đã và đang xảy ra trong cuộc sống.

Rõ lẩm cẩm thật. Nếu ai cũng có những ý tưởng này và ngày nào tôi cũng bị nó quấn quít bên tôi thì e rằng sớm muộn gì tôi cũng sẽ phải xin nghỉ làm, ngưng tạo dựng. Ðể đến được một nơi thanh tịnh. Chỉ để tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống là gì. Và tại sao có sự có mặt của từng mỗi người một trong chúng ta trong vũ trụ? Nó đã được bắt đầu từ đâu? Ðến khi nào sẽ chung hồi kết cục?

MỚI CẬP NHẬT