Wednesday, April 17, 2024

Ôn cố tri tân

 


Trịnh Hội (Nguồn: VOA)


Mấy hôm nay tôi đi chơi nhiều hơn là đi làm. Những ngày cuối năm thì cả gia đình kéo nhau xuống vùng cực Nam của tiểu bang Victoria ở Úc để nghỉ mát hóng gió biển. Còn những hôm trước thì ngày nào tôi cũng xách vợt đi đánh tennis với đám bạn thân hồi còn đi học chung. Quả thật nếu cuộc sống ngày nào mà cũng được như vầy thì quá là hạnh phúc. Không cần phải tranh đua với ai, bươn chải đi xa, kiếm tiền nuôi con, hay làm giàu mỗi ngày. Mà hạnh phúc là ở những gì đơn giản, bình dị nhất: trên sân banh gần nhà, ở một khu biển vắng lúc hoàng hôn vừa buông xuống, hay trong hương vị thơm lừng của tô phở do chính tay mẹ mình nấu.


Cũng có thể đó là lý do tại sao chúng ta thường nghe câu nói: the best journey is the one leading you back to home. Con đường tuyệt diệu nhất là con đường dẫn chúng ta trở về nhà. Mặc dù đối với nhiều người thì “home is where the heart is” (nhà là nơi mà tim bạn đang ở).


(Cái này nói theo kiểu người Nam là ‘thiệt trớt quớt’!).


Nhưng cũng nhờ mấy hôm nay tôi làm ít, chơi nhiều, mỗi ngày đều có thời gian chạy bộ ra biển vắng một mình chỉ để nghe sóng biển vỗ nên tôi lại thấy thật ra chúng ta rất cần những thời gian lắng đọng như thế này. Ðể nghiệm lại những điều vừa xảy ra trong năm qua. Và suy ngẫm đến những hy vọng, hoài bão của những năm tháng kế tiếp. Cuộc sống cũng như những cơn sóng biển, sóng sau dồn sóng trước, không có điểm dừng, cũng chẳng có điểm khởi đầu. Nhưng không có cơn sóng nào giống như cơn sóng nào. Và cũng không phải ngọn sóng nào cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Có những ngọn sóng tsunami nhận chìm tất cả ở Nhật Bản. Nhưng cũng có những ngọn sóng giúp cho các thuyền buồm về đến đích trong chuyến tranh tài Sydney – Hobart Yatch Race vào những ngày cuối năm.


Nhìn lại những ngày tháng vừa qua chúng ta có thể cho rằng năm 2011 là năm của những thay đổi lớn lao trong xã hội, nhất là ở những xã hội chưa được phát triển, những nơi mà quyền lợi tối thiểu của con người chưa được tôn trọng. Từ Bắc Phi sang Trung Ðông qua đến Việt Nam, nơi nào cũng có những con người sẵn sàng đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chung của dân tộc. Có những nơi, họ đã thành công. Những lãnh tụ tưởng chừng như mãi mãi sẽ trở thành “cha già của dân tộc” cuối cùng đành phải chấp nhận số phận. Một số phận khó có ai đoán trước được cách đây 365 ngày.


Nhưng cũng có nhiều người ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới vẫn chưa đạt được những gì họ mong muốn. Máu ở Syria đã đổ nhiều. Những giọt nước mắt cá sấu ở Bắc Hàn vẫn sẽ phải tiếp tục nhỏ xuống cho đại gia đình họ Kim cha truyền, con nối. Hay ở Việt Nam, nơi những tiếng nói lương tâm vẫn tiếp tục bị bịt miệng, trấn áp và cho vào trại cải tạo mà không cần bất kỳ một bản án nào. Ngay cả vào những ngày cuối năm và đầu năm trong tuần này.


Tôi không biết nhiều về họ, cũng không thể phán đoán gì về hoàn cảnh, tâm tư của mỗi người. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi rất nể phục và trân trọng việc làm của họ. Vì việc họ làm là việc chung. Nhưng sự hy sinh lại là những hy sinh riêng. Những hy sinh rất to lớn làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống cá nhân và của cả gia đình, người thân, bè bạn.


Như tuần trước cả gia đình tôi đã có dịp ghé thăm Viện Bảo Tàng Quốc Gia của các Chiến Binh Úc ở Việt Nam (National Vietnam Veterans Museum) ở Phillip Island, gần thành phố Melbourne. Ðây là nơi đã làm cho tôi nghĩ rất nhiều đến những hy sinh cá nhân cho công cuộc chung của đất nước.


Nhìn lại những hình ảnh của một thời khói lửa, ở Vũng Tàu, Long Tân, Bà Rịa… đọc lại những lá thư, từng vần thơ của đôi trai gái gửi cho nhau, tôi có thể cảm nhận được một phần nào của sự mất mát cách đây gần 50 năm về trước: 


But You Didn’t (Nhưng Anh Ðã Không) 


Remember the time you lent me your car and I


Dented it? (Anh có nhớ không lần anh cho em mượn xe và em đã làm cho nó bị móp?


I thought you’d kill me…


But you didn’t. (Em tưởng là anh sẽ giết em nhưng anh đã không)


Remember the time I forgot to tell you the dance was


Formal, you came in jeans? (Anh có nhớ không lần em quên nói cho anh biết đó là một buổi tiệc sang trọng nên anh đã mặc quần jeans đi vào?)


I thought you’d hate me…


But you didn’t. (Em tưởng là anh sẽ hận em nhưng anh đã không)


Remember the times I’d flirt with


Other boys just to make you jealous, and


You were? (Anh có nhớ không những lần em giỡn hớt với các chàng trai khác để làm cho anh ghen và anh đã ghen thật?)


I thought you’d drop me…


But you didn’t. (Em tưởng là anh sẽ bỏ em nhưng anh đã không)


There were plenty of things you did to put up with


Me. (Có rất nhiều điều anh đã phải chịu đựng vì em)


To keep me happy, to love me, and there are


So many things I wanted to tell


You when you returned from


Vietnam… (Ðể cho em vui, yêu em, và có rất nhiều điều em muốn nói cho anh biết khi anh trở về từ Việt Nam)


But you didn’t. (Nhưng anh đã không)


(But You Didn’t – Merill Glass)


…..


Một bài thơ khá đơn giản, rất dễ đọc, dễ hiểu, phải không bạn?


Thế vậy mà nó đã buộc tôi phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần trước khi chân chịu rảo bước sang khu triển lãm khác. Ðể tiếp tục đọc, hiểu và cảm nhận những hy sinh, mất mát lớn lao của hàng ngàn chiến binh Úc cùng gia đình của họ, kể cả 503 người một lần sang Việt Nam đã không bao giờ trở lại. Khi tuổi trung bình của các chiến binh Úc trong cuộc chiến chỉ vừa tròn 20.


Nếu so với những mất mát của nước Mỹ hay của đất nước Việt Nam thì có thể nói nước Úc không phải là nơi có nhiều người phải trả cái giá đắt nhất cho những lý tưởng cao đẹp vì tự do, dân chủ. Sự hiện hữu và cần thiết của chiến tranh lại càng không phải là những điều chúng ta nên bàn đến trong những ngày đầu năm.


Vậy mà không hiểu sao từ hôm đó đến nay tôi vẫn bị những hình ảnh, ý nghĩa của từng hành động, câu nói của những người đi trước, của những người còn có lòng với đất nước ám ảnh tôi, theo tôi ra đến tận sân banh. Ðọc những hàng chữ kêu gọi anh em trên facebook, thông báo cho mọi người biết ai vừa bị công an bắt ở Sài Gòn, ai vừa bị hành hung ở Hà Nội, tôi chợt nghĩ chắc có lẽ đã đến lúc mình phải trở lại với công việc. Với cuộc sống và những trăn trở mới.


Cùng với một niềm tin mãnh liệt là cuối cùng chính nghĩa sẽ thắng. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

MỚI CẬP NHẬT