Thursday, March 28, 2024

Phân nửa người có nhà trị giá dưới món nợ sẽ bỏ nhà?


Ngô Ðồng


 


Hiện đang có những dấu hiệu cho thấy thị trường địa ốc có thể phục hồi tuy còn rất chậm chạm. Tuy nhiên, vì đã phải chịu đựng suốt một thời gian dài, một cuộc khảo cứu gần đây thấy có không ít những người chủ nhà có trị giá căn nhà thấp hơn món nợ đang ôm, không còn bao nhiêu kiên nhẫn nữa.



Ðây là những người chủ nhà từng mua vào thời kỳ giá nhà vọt lên cao khoảng giữa năm 2006 trở về hai ba năm trước đó. Rất nhiều chủ nhà đã bỏ nhà cho ngân hàng chủ nợ xiết lấy bán lại với giá rất thấp. Nhưng cũng có không ít người ráng cầm cự, hy vọng nhà sẽ lên giá trở lại khi nền kinh tế phục hồi.


Một cuộc thăm dò dư luận của tổ chức HousingPredictor gần đây có kết quả là gần phân nửa các người chủ nhà, có căn nhà có trị giá thấp hơn số tiền đang còn nợ ngân hàng, nói họ có thể buông tay cho ngân hàng xiết nợ nếu trị giá nhà trên thị trường còn tiếp tục xuống thêm.


Cuộc thăm dò dựa trên ý kiến của hơn 1,000 người từ khắp nơi phản ảnh ý kiến và tâm sự của mọi người về vấn đề tự ý ngưng trả nợ tiền vay mua nhà mà tiếng Mỹ gọi là “strategic default”.


Tức là tuy người ta vẫn còn khả năng trả số tiền nợ trên căn nhà hàng tháng, vì trị giá căn nhà trên thị trường xuống thấp hơn số tiền còn nợ, người ta quyết định ngưng trả nợ, mặc cho chủ nợ xiết lấy căn nhà, thay vì cứ tiếp tục ôm lấy một gánh nặng.


Mua một căn nhà, ngoài lý do để gia đình có chỗ trú ngụ thoải mái, người ta còn tin rằng đây là một cuộc đầu tư tài chính. Ðối với rất nhiều người, mua nhà là cuộc đầu tư lớn nhất trong đời. Khi trị giá nhà tiếp tục lên cao hơn trên thị trường, chủ nhà khi bán lại, có một số tiền lời đáng kể. Nhưng khi giá nhà tuột dốc như mấy năm gần đây, mọi tính toán mua nhà như một sự đầu tư tích cóp tiền bạc không những không còn chắc chắn, mà lại còn lỗ nữa. Khi để ngân hàng chủ nợ xiết nhà, tất cả những đồng tiền đổ vào khi mua nhà từ các tốn phí vay nợ đến tiền trả trước (downpayment) đều mất hết. Ðó là chưa kể đến số tiền lời trả hàng tháng cho ngân hàng, cộng lại không phải là ít.


Hồi Tháng Ba năm 2010, vào lúc còn đang ở cao điểm của những đợt nhà bỏ hàng loạt vì giá nhà trên thị trường cứ như tuột dốc không phanh, HousingPredictor làm cuộc thăm dò dư luận thấy có 32% người chủ nhà nói sẽ bỏ nhà nếu trị giá nhà tiếp tục xuống dốc. Nhưng cuộc thăm dò mới diễn ra trong tháng này của năm 2012, có tới 47% các người chủ nhà nói sẽ bỏ nhà nếu trị giá nhà tiếp tục rớt giá. Ðiều này cho thấy ngày càng có thêm nhiều người cảm thấy không còn bao nhiêu kiên nhẫn nữa. Họ đã chịu đựng quá lâu rồi, quá nhiều rồi. Sự thiệt hại tiền bạc và tinh thần cũng đã nhiều rồi.


Năm 2009, một cuộc khảo cứu toàn quốc của công ty Reecon Advisors thấy chỉ có 10% các người chủ nhà có thể tự ý buông căn nhà cho chủ ngân hàng xiết nợ nếu trị giá nhà xuống rất đáng kể. Tới nay, có thể tâm lý của người ta đã thay đổi nhiều. Một phần không còn nhiều áy náy khi đã ký giấy cam kết trả nợ cho người ta rồi lại “xù”. Phần khác, những tai tiếng về những vụ xiết nợ nhà không theo đúng luật lệ, gây thiệt hại cho người chủ nhà khi chẳng may người ta không kham nổi số tiền hàng tháng, cũng ảnh hưởng đến giới tiêu thụ không nhỏ.


“Hồi năm 2008, người ta còn rất xúc động, rất sợ hãi.” Jon Maddux, đồng sáng lập viên của tổ chức “YouWalkAway” nói với ký giả mục tài chính “DailyFinance” của mạng trực tuyến AOL hồi năm ngoái. “Bây giờ, họ thấy như chịu đựng đã quá đủ. Hiện chỉ còn là quyết định hoàn toàn theo suy nghĩ tính toán các con số như một sự kinh doanh có lời có lỗ, rất minh bạch như trắng với đen. Người ta nếu bỏ nhà cũng cảm thấy an tâm”.


Một nhận xét của Fitch Ratings, tập đoàn lượng giá thị trường nổi tiếng, gần đây cũng cho rằng tâm lý như trên của giới tiêu thụ sẽ không thay đổi nhanh chóng. Fitch Ratings tiên đoán trị giá nhà trên cả nước Mỹ có thể còn bị sụt giảm thêm khoảng 9% trước khi có thể từ từ leo thang trở lại.


 


Cái giá của một chuyện bỏ nhà


 


Trong khi việc ngưng trả nợ hàng tháng tức tự ý bỏ căn nhà cho ngân hàng xiết nợ dù vẫn còn khả năng trả nợ, có thể là một giải pháp giản dị cho những ai thấy con đường trước mặt còn rất gập ghềnh khó khăn, người ta cũng phải trả giá cho hành động đó.


Trước khi thị trường địa ốc sụp xuống từ giữa năm 2006, một lần trả trễ hạn cho tiền nhà hàng tháng, người ta chỉ bị mất khoảng 30 đến 40 điểm trên bảng điểm số tín dụng (credit scores), theo một số tổ chức tín dụng. Nhưng bây giờ, người ta có thể bị mất tới 100 điểm. Sau khi nhà đã bị xiết nợ, nếu muốn mua lại, người ta phải chờ ít nhất 7 năm sau mới có hy vọng được cứu xét đơn vay tiền mua nhà.


Thêm nữa, một số tiểu bang còn cho phép chủ món nợ kiện con nợ để đòi số tiền còn thiếu lại ngân hàng sau khi họ xiết nợ và phải bán lỗ vốn, cộng với các phí tổn liên quan.


Nếu có cơ hội bán được căn nhà dưới món nợ (short sale) với sự thỏa thuận của ngân hàng chủ nợ, sự thiệt hại của chủ nhà có thể giảm thiểu được nhiều.

MỚI CẬP NHẬT