Thursday, April 18, 2024

Quan niệm của nhạc sĩ Ðăng Khánh về thơ phổ nhạc

 


Du Tử Lê


 


Trong lãnh vực sáng tác, đa số các tác giả thường bắt đầu sự nghiệp của mình khởi từ khuynh hướng bẩm sinh. Như có người khi còn tấm bé đã cho thấy có khả năng đặc biệt về vẽ, âm nhạc hay văn chương.










Từ trái qua: Kiều Chinh, Mai Thảo, Phương Hoa, Ðăng Khánh. (Hình: Ðăng Khánh)


Lớn lên, khi chọn cho mình bộ môn yêu thích nhất thì cùng lúc, họ đã có một hay nhiều thần tượng, nhiều “mẫu mã” mà họ muốn bắt chước. Rồi thời gian kinh nghiệm giúp họ tiêu hóa và biến đổi những bắt chước khởi đầu, để hình thành tên tuổi hay, cái gọi là riêng của mình.


Tuy nhiên, vì khởi đầu là sự bắt chước, nên đã có không ít tác giả sau bao nhiêu năm, dù nổi tiếng nhưng, càng về sau càng lẩn quẩn, bế tắc. Ta có thể gọi chung hiện tượng này là hiện tượng lập lại chính mình. Hoặc ta cũng có thể coi đó như là những trường hợp người ăn lần thịt, da riêng họ vậy.


Từ đấy, tôi trộm nghĩ một tác giả chỉ có thể rong ruổi đường trường, với những mới mẻ hy vọng có được trong sáng tác, một khi họ có ý thức và, kiến thức về bộ môn mà họ đeo đuổi.


Qua nhiều trao đổi, Ðăng Khánh cho thấy, song song với sự không ngừng trau dồi kiến thức âm nhạc qua các trường lớp ở đại học, ông còn có cho mình những suy nghĩ, ý thức minh bạch về sáng tác.


Thí dụ về lãnh vực thơ phổ nhạc, Ðăng Khánh quan niệm rằng: Phổ nhạc một bài thơ chắc chắn không phải là một việc làm đơn giản! Nếu chúng ta không muốn có một “Bài Vè” hay không muốn “làm khổ” cái bài thơ tuyệt vời ấy!


Tác giả ca khúc “Em Ngủ Trong Một Mùa Ðông” từng đặt cho mình câu hỏi, “Tại sao người ta phổ nhạc một bài thơ?” Và ông tự trả lời, đại ý:


1. Bài thơ quá hay làm choáng váng nhạc sĩ.


2. Bài thơ mới đọc qua đã thấy như đang nghe một bản nhạc (mà người ta thường nói rằng bài thơ này chứa nhiều nhạc tính).


3. Nhạc sĩ “hơi nghèo” chữ nghĩa để làm lời ca cho bản nhạc và chủ đề mình muốn viết.


4. Tình bạn giữa người làm thơ và người làm nhạc.


5. Nhạc sĩ được “đặt hàng” để phổ nhạc một hay nhiều bài thơ…


Dù trường hợp nào thì, vẫn theo Ðăng Khánh, khi nghe một bản nhạc phổ từ một bài thơ, ba trạng huống có thể xẩy ra:


1. Bài nhạc làm cho bài thơ hay hẳn ra.


2. Bài nhạc làm hỏng một bài thơ tuyệt vời.


3. Nghe thấy cũng đường được, hoặc tàm tạm… một cách đại khái!


Ðăng Khánh nói:


“Làm được một bài thơ hay đã khó, làm một bản nhạc hay cũng khó không kém. Nhưng phổ nhạc một bài thơ ‘cho hay’ lại còn khó hơn nữa! Tôi nghĩ, âm nhạc nằm trong văn hóa của một dân tộc. Và nghệ thuật nào cũng có những qui luật của nó. Người ta thường tưởng nhầm rằng, nghệ thuật phải để nó phát triển tự nhiên, tránh gò bó, gượng ép. Không nên bắt nó gánh chịu quá nhiều luật lệ… Nói như thế, tôi e mới chỉ đúng có một nửa. Mà một nửa của nghệ thuật không làm nên nghệ thuật!”


Ðể minh chứng cho quan niệm một cách nghiêm túc của mình, Ðăng Khánh đã dùng những tên tuổi lớn của ba bộ môn văn học, nghệ thuật là hội họa, thi ca và âm nhạc, khi ông nhắc lại rằng: Claude Monet, Auguste Renoir trước khi bỏ Romantic đi vào impressionism; các nhà thơ Stephane Mallarme, Edgar Allen Poe, trước khi đi vào symbolism; các nhà soạn nhạc Claude Debussy,Maurice Ravel… trước khi đi vào impressionism đều đã đi qua và, hiểu rõ nghệ thuật của các môn phái từ Renaissance qua cổ điển đến lãng mạn v.v…


Tuồng như để cuộc trao đổi về quan niệm nghệ thuật bớt phần “kinh viện,” nhạc sĩ Ðăng Khánh đã đề cập tới bộ truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ” của Kim Dung, giai đoạn Lệnh Hồ Xung lãnh hội hết mọi chiêu thức trong pho “Ðộc Cô Cửu Kiếm” ở động đá phía sau núi Hoa Sơn và, trở thành võ lâm đệ nhất cao thủ với “vô chiêu thắng hữu chiêu.” Ông nhấn mạnh: Thật ra có phải là cứ để tự nhiên, không gượng ép mà giác ngộ được đâu… “Mà vì Lệnh Hồ công tử đã học hết tất cả mọi kiếm chiêu của mọi môn phái trên chốn giang hồ do cơ duyên vô tình thấy trong hậu động…”


Tác giả “Lệ Buồn Nhớ Mi” kết luận:


“Nghệ thuật nào cũng thế, không thể chỉ là chuyện bẩm sinh, trên trời rơi xuống mà là cả một quá trình học hỏi, tập luyện và phát triển trên khả năng thiên phú ấy. Ðược như thế chúng ta sẽ có được những ‘Nghệ Thuật’ viết hoa cho tương lai…”


Nhân trao đổi về âm nhạc, thi ca và nỗ lực làm mới một trong vài truyền thống huy hoàng, rực rỡ của nền tân nhạc Việt là sự hợp hôn tốt đẹp giữa thi ca và âm nhạc, lần đầu tiên nhạc sĩ Ðăng Khánh tiết lộ những ghi nhận bất ngờ của ông về một bài thơ lục bát “rất ít âm nhạc…” Nhưng sau đấy, nó lại trở thành cột sống của ca khúc “Lệ Buồn Nhớ Mi.”


Ðăng Khánh kể, nhạc phẩm “Lệ Buồn Nhớ Mi” của ông, phổ từ bài thơ có tên “Mùa Thu Và, Thơ Mới Ở Ðường Baker, Costa Mesa, Cũ.” Theo ông thì, là một bài lục bát rất “mới lạ.” Chỉ có 14 câu. Nó chất chứa rất ít âm nhạc! Nhưng bù lại, nó lại có nhiều mầu sắc, hình ảnh, suy tư sâu sắc, thâm trầm. Tên bài thơ cũng là lạ…


“Trên nguyên tắc đó là một bài thơ khó phổ nhạc, đọc lên không thấy ‘nhạc’ đâu cả mà ý tưởng thì xa vắng và trừu tượng, tìm hiểu suy tư tác giả qua bài thơ không dễ!”


Ðăng Khánh nói tiếp:


“Nhưng trên thực tế về mặt sáng tác và phổ nhạc thì bài này có nhiều ưu điểm cho một nhạc phẩm hay… Chúng ta thử đọc lại nguyên bản của thi sĩ.


“Bài thơ có đời sống hiu quạnh, mầu sắc tương phản xót xa, những day dứt nhỏ, to, những không gian cuồng nộ và chịu đựng. Tựu trung như ‘một tiếng thở dài heo hút.’ Tôi đã chọn chuỗi âm giai buồn vô tận mà tôi vẫn thường yêu thích, đó là cung đô thứ (Cm) mà theo Hector Berlioz, Lavignac… xưng tụng (Key of Cm) có khả năng diễn tả những trạng thái rất “dramatic, violent”… với hy vọng có thể vẽ nên bằng âm thanh cái “drama” trong bài thơ của thi sĩ.


Ông giải thích thêm rằng, vì bài thơ này hơi ngắn chỉ có 14 câu mà trung bình một ca khúc thường có 32 khuôn nên chắc chắn không có đủ ca từ cho bản nhạc. Vậy người phổ thơ phải làm gì?… Trường hợp bài thơ ngắn như bài “Mùa Thu Và Thơ Mới…” nói trên thì bắt buộc nhạc sĩ phải “kiêm luôn thi sĩ” trong một vài khoảnh khắc của cuộc đời! Và chính chỗ này là chỗ “anh em” giết nhau nhiều nhất!


Bằng vào kinh nghiệm phổ nhạc từ thơ của cá nhân mình, nhạc sĩ Ðăng Khánh cũng lưu ý là, vì ngôn ngữ Việt Nam có dấu, nên khi phát âm đòi hỏi sự chính xác. Lại nữa, có những chuyển đoạn của ca khúc, vì phải giữ đúng Form, Phrase, Structure, v.v… Nên “hơi thơ” ở đoạn nhạc về sau, hoặc chưa dùng đến, hoặc không còn thích hợp cho câu nhạc nữa, thì người nhạc sĩ bắt buộc phải sáng tác thêm ca từ cho một ý nhạc mới để có thể giữ đúng “cung cách” của ca khúc.










Từ trái qua: Du Tử Lê, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Ðăng Khánh, Trần Dạ Từ, Nguyên Bích. (Hình: Ðăng Khánh)


Vì vậy, theo nhạc sĩ Ðăng Khánh, khi một ca khúc phổ thơ được sáng tác một lèo, y hệt như bài thơ, không sai một chữ, là điều cần được suy nghĩ lại.


Lý do? Ðăng Khánh nói:


“Theo tôi thì có ít nhất hai cái bẫy (traps) lớn nhất trong nghệ thuật phổ nhạc trên một bài thơ là ‘melody trap và lyric trap’. Bài thơ chỉ mới đọc lên đã nghe như mình vừa phổ nhạc xong một ca khúc, thì đó chính là cái giai điệu ‘cài sẵn’ trong bài thơ của thi sĩ, đây là cái bẫy sập thứ nhất.


“Cái bẫy của ca từ xuất hiện khi câu thơ của thi sĩ ‘cực kỳ diễm lệ’ mà đến đoạn nhạc ‘bắt buộc’ phải ‘ghép tim’ với một câu thơ sáng chế ‘vội vàng và vớ vẩn’ thì cũng là đã làm khổ nhà thơ vậy! Có một điều thích thú khi tôi tìm ca từ cho giai điệu của 4 câu: ‘Trăm năm vẫn đợi / môi nhớ tàn phai… ‘ (tôi vừa tự tìm được ca từ ghép vào giai điệu cho 2 câu như trên), bất chợt từ trong cái ‘ký ức âm u’ của tôi lóe sáng lên 4 câu thơ vô cùng trác tuyệt của cùng tác giả mà tôi thuộc lòng từ một bài thơ khác đó là 4 câu: ‘Ta đã đợi em từ hạt bụi / mai về nhớ lấy dấu chân xưa / bàn chân nhớ đất còn khô nẻ / môi nhớ tàn phai lệ nhớ mi’. Rất bất ngờ giai điệu của câu nhạc của tôi ‘captures’ ngay lập tức hai tứ thơ của đoạn tứ tuyệt trên và hoàn tất đoạn nhạc, ‘Trăm năm vẫn đợi / Môi nhớ tàn phai / Bàn chân nhớ đất / Lệ buồn nhớ mi.’”


Ðể ra khỏi bài viết này, chúng tôi xin dùng một phát biểu của chính nhạc sĩ Ðăng Khánh, đó là:


“Xin quý bạn coi những phát biểu của tôi cũng chỉ như việc uống ngụm nước trà, nói chuyện cho vui cuộc đời tị nạn mà thôi!”


Tháng 2, 2012

MỚI CẬP NHẬT