Thursday, March 28, 2024

Republican 2012: Tìm đủ cách để chia phiếu đại biểu

 


 


Nguyễn Văn Khanh/Người Việt


Trong cuộc đua để được đề cử tranh chức tổng thống của đảng Cộng Hòa, ngay người thua cũng có thể được chia đại biểu và chính điều này khiến chuyện làm sao kiếm được 1,144 phiếu ủng hộ để trở thành người đại diện cho đảng ngày một trở nên khó khăn hơn. Lý do: cả 4 chính trị gia đang hiện diện trên đường đua đều có hy vọng, do đó chẳng ông nào chịu bỏ cuộc.









Ðĩa bánh và bích chương vận động tranh cử của ứng cử viên Mitt Romney. Hình chụp
tại Snellville, Georgia, hôm 4 Tháng Ba, 2012, chuẩn bị cho “Super Tuesday.”
(Hình: Justin Sullivan/Getty Images)


Thử lấy tiểu bang Michigan làm thí dụ là thấy ngay cuộc đua sẽ còn kéo dài rất lâu trước khi người dân Hoa Kỳ biết được ai sẽ đại diện bên Cộng Hòa để ra tranh cử đối đầu với ông Barack Obama của đảng Dân Chủ. Kết quả cuộc bỏ phiếu hôm Thứ Ba tuần trước cho thấy ông Mitt Romney thắng ông Rick Santorum về số phiếu cử tri, nhưng hai ông lại huề nhau nếu tính theo thắng bại ở từng đơn vị bầu cử (mỗi ông thắng ở 7 đơn vị). Kết quả: về nguyên tắc, mỗi ông được chia 15 phiếu đại biểu.


Chia đồng đều như thế không sai, nhưng rõ ràng không công bằng cho ông Romney là người chiến thắng. Do đó một ngày sau khi cuộc bầu sơ bộ kết thúc, lãnh đạo đảng bộ Cộng Hòa tiểu bang này mới nhóm phiên họp đặc biệt, bàn thảo với nhau xem làm sao để phân biệt giữa người thắng và người thua. Sau gần 5 giờ thảo luận, ban lãnh đạo Cộng Hòa ở Michigan đồng ý như sau: ông Romney có nhiều phiếu nhất nên được 16 phiếu đại biểu, ông Santorum về nhì được 14 phiếu còn lại. Xê xích rõ ràng chẳng là bao.


Chuyện chia đại biểu cho các ứng viên sẽ là đề tài được bàn cãi vào ngày Thứ Ba tới đây, khi 10 tiểu bang tổ chức bầu sơ bộ trong ngày được gọi là Super Tuesday. Mỗi tiểu bang có một quy định về cách chia đại biểu khác nhau, chẳng hạn như ở Tennessee chỉ cần kiếm được 15% phiếu cử tri là tức khắc được chia đại biểu, tiểu bang Vermont lại quy định ứng viên nào có trên 50% phiếu cử tri sẽ “ẵm” trọn gói 17 phiếu đại biểu. Trong trường hợp không ông nào có được trên 50% phiếu cử tri, lúc đó số đại biểu sẽ được chia theo tỷ lệ: ai về đầu hưởng nhiều, những người đứng hạng nhì, ba và tư cũng được hưởng nhưng ít hơn.


Cuộc chiến như thế sẽ kéo dài cho tới Tháng Tám năm nay, khi đảng Cộng Hòa nhóm đại hội ở Tampa Bay, Florida để giới thiệu với cử tri người sẽ đại diện đảng tranh cử tổng thống. Cho nên chẳng ai ngạc nhiên khi thấy đến đầu tuần này, phần đông các nhà quan sát chính trị đều nói chưa chắc lúc đó đã có người kiếm được 1,144 phiếu cần có.


“Chúng tôi có hẳn một chiến lược để lấy phiếu đại biểu,” theo ông cố vấn John Brabender của Ủy Ban Vận Ðộng Tranh Cử Santorum. Kế hoạch ông này vạch ra chẳng khác gì kế hoạch từng được ông Obama sử dụng 3 năm trước: nhắm vào từng đơn vị bầu cử, thay vì mở rộng cuộc đua ở bình diện tiểu bang. “Thắng ở đơn vị nào sẽ có phiếu đại biểu ở đơn vị đó, và đó chính là cách kiếm phiếu của chúng tôi.”


“Tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra vào Super Tuesday,” theo nhận xét của Giáo Sư Chính Trị Học John Putnam, một blogger nổi tiếng toàn quốc về dự đoán bầu cử ở Hoa Kỳ. “Ở một số tiểu bang chỉ cần có 10% hay 15% phiếu cử tri là được chia đại biểu nên chẳng ông nào chịu bỏ cuộc cả đâu.”


“Nhận xét đó không sai,” theo ông phát ngôn viên Jesse Benton, người đi sát với ứng viên Ron Paul từ ngày đầu tiên. Ông Benton chia sẻ: “Ðương nhiên ai cũng muốn thắng, mỗi ủy ban vận động tìm một cách đánh khác nhau.” Cách đánh của ông Ron Paul là “không bao giờ để cho ông Romney lấy được trên 50% số phiếu, đủ sức để chúng tôi đi đến mức cuối cùng.”


“Ði đến mức cuối cùng” không có nghĩa là phải trở thành ứng viên đại diện cho đảng. Hầu hết các nhà quan sát đều tin ông Ron Paul và ông Newt Gingrich tiếp tục cản đường, tạo thêm vất vả cho hai ông Romney và Santorum. Một số người tin rằng tại đại hội đảng, hai ông này sẽ cầm số phiếu đại biểu họ có để mặc cả chính trị và họ nghiêng về phía nào, người đó sẽ là ứng viên tranh cử tổng thống.


Như thế, ngày mai ở “Super Tuesday” tình hình sẽ ra sao? Dựa theo các cuộc thăm dò câu trả lời như sau:


-Mitt Romney: không ngạc nhiên nếu ông thắng cử ở Massachusetts, Vermont và Virginia, và đang dẫn trước ở Idaho (nơi khoảng 25% cử tri theo đạo Mormon). Trong số những tiểu bang có tên nêu trên, Virginia sẽ được chú ý tới vì từng giúp ứng viên Dân Chủ Barack Obama vào Tòa Bạch Ốc, nhưng thời gian gần đây có khuynh hướng nghiêng về phía Cộng Hòa.


Số phiếu đại biểu đang có: 150 phiếu.


-Rick Santorum: sau thành công ở vùng Midwest, đang dẫn đầu ở Ohio với khoảng 35% số phiếu cử tri, về nhì là ông Mitt Romney với gần 27%. Cả 2 ông Gingrich và Ron Paul đều khó đạt được 10% số phiếu ở tiểu bang này.


Ông Santorum cũng đang dẫn trước ở Oklahoma và Tennessee, bỏ xa 2 người có hy vọng về nhì là ông Romney và Gingrich. Ngoài ra, ông còn có triển vọng thành công ở North Dakota và Alaska.


Số phiếu đại biểu đang có: 87 phiếu.


-Newt Gingrich: vẫn đứng đầu ở quê nhà Georgia, cho dù tỷ lệ ủng hộ ông giảm từ 39% xuống còn 33%. Ông cũng được dự đoán sẽ tạo bất ngờ ở Oklahoma, nhưng không thành công ở Tennessee. Sau “Super Tuesday,” không rõ chiến lược tranh cử của ông cựu chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ sẽ như thế nào.


Số phiếu đại biểu đang có: 29 phiếu.


Ron Paul: cơ hội thành công lớn nhất của ông nằm ở North Dakota, kế đến là tại Idaho, nơi bầu sơ bộ diễn ra dưới hình thức caucus. Tất cả các cuộc thăm dò đều cho thấy ông vẫn được khoảng 10% cử tri toàn quốc ủng hộ, riêng tại Virginia số người nói sẽ bỏ phiếu cho ông lên đến 23%.


Số phiếu đại biểu đang có: 18 phiếu.


 

MỚI CẬP NHẬT