Thursday, March 28, 2024

Requiem cho một nhà báo – Lê Phan

 

Lê Phan

 

Tôi chưa bao giờ được gặp Marie Colvin nhưng được nghe nói rất nhiều về phóng viên huyền thoại của tờ London Times. Marie là một công dân Mỹ nhưng từ một phần tư thế kỷ nay, Marie làm phóng viên chiến trường cho tờ Times Chủ nhật. Marie qua đời trong khi đang làm phóng sự về một cuộc chiến tàn bạo nữa.

Nhà báo Marie Colvin trong quảng trường Tahrir ở Cairo, Ai Cập. (Hình: AP Photo/Ivor Prickett Sunday Times)

Tôi chưa bao giờ gặp Marie vì khi chị đang lăn lộn ở chiến trường Nam Tư cũ thì tôi còn mải mê ở Á Châu, nhưng chúng tôi có nhiều bạn đồng nghiệp chung. Lần đầu tiên tôi nghe chuyện về Marie là tại phi trường Dili của Ðông Timor hồi cuối thập niên 1990. Lúc đó Ðông Timor còn là một phần nổi loạn và lạc hậu của Indonesia. Chúng tôi, một đám nhà báo đủ quốc tịch, đủ quốc gia đã túm tụm ở một hangar của phi trường vì thành phố Dili đang trong cơn biến loạn.

Chúng tôi đến nơi khi khu tổng hành dinh của phái bộ Liên Hiệp Quốc mới bị phá hủy, và nơi duy nhất còn có chút an toàn là phi trường. Ban ngày, với sự hộ tống của lực lượng Liên Hiệp Quốc chúng tôi tìm cách tường thuật câu chuyện của Ðông Timor. Ðêm đến, chẳng có việc gì để làm, trong ánh trăng, chỉ có nước ngồi kể chuyện. Hôm đó chúng tôi mới mất một người bạn đồng nghiệp, Sander Thoenes, thông tín viên Jakarta của tờ Financial Times. Sander là một “thổ công” ở Timor. Anh không những thông thạo tiếng nói mà còn hiểu rõ ngọn ngành của những phe phái ở Timor lúc đó. Vừa xuống phi cơ anh đã bỏ chúng tôi, kiếm một anh lái xe ôm nhờ chở đi tìm một nguồn tin. Theo người tài xế xe ôm trốn thoát thì anh đã bị chính cảnh sát Indonesia bắn hạ chỉ vì anh muốn tìm cách liên lạc với những người lúc đó là phiến quân Fretilin. Sanders chết vì muốn nói lên tiếng nói của lực lượng Ðông Timor tự do.

Câu chuyện lan man sang những bạn đồng nghiệp khác và một anh bạn kể lại cho tôi nghe về Marie.

Cũng như Sander, Marie cũng có một thúc đẩy có khi không thể nào cưỡng được để đi đến những nơi mà những chuyện xấu xa đang xảy ra, mà mục đích chỉ để nói lên cho thế giới biết về chuyện ở nơi đó. Dĩ nhiên hầu hết nhà báo, nếu thực sự yêu nghề, đều có ước muốn đó. Nhưng họ khác hơn ở chỗ họ cảm thấy cần phải đi ở những nơi mà những người khác sợ không dám đến.

Trong làng báo Việt Nam, cố phóng viên chiến trường của báo Chính Luận trước năm 1975, ký giả Nguyễn Tú, cũng vậy. Ông Tú không chịu ngồi làm tin ở bộ tổng hành dinh vì ông muốn đến tận chiến trường, chứng kiến tận mắt. Làm nhân chứng, dầu là làm nhân chứng cho một chiến bại cũng là một điều ông không từ chối.

Cũng như Marie, ông Nguyễn Tú, sau khi theo chân đoàn quân rút lui khỏi Pleiku trên con đường máu lệ về Tuy Hòa, đã trở lại Pleiku, chỉ vì muốn tận mắt chứng kiến xem kẻ thù đã tràn vào thành phố như thế nào. Hồi còn sinh thời, ông vẫn thường buồn rầu kể, “Mình rút đi nhanh quá đến nỗi họ không tới kịp. Hai ba ngày sau mà thành phố vẫn trống trơn, bọn họ chưa tới.”

Marie Colvin cũng có sự bức bách phải chứng kiến tận mắt như vậy. Marie biết là mình không phải bất tử. Khi tường thuật về cuộc nội chiến ở Sri Lanka hồi năm 2001, Marie đã bị lọt giữa hai lằn đạn, bị thương nặng và mất một mắt. Trong một cử chỉ bất cần đời, người phụ nữ mà ai cũng bảo cũng rất thích làm đẹp như những người phụ nữ khác, đã đeo một cái miếng vải đen che con mắt bị mù. Tôi đã thấy khi đi ăn tiệc, chị đã đeo tấm vải đó viền kim tuyến như một thách thức đối với vết thương không để nó làm ảnh hưởng đến niềm vui sống.

Nhưng không phải là Marie không mang thương tích đó ngay cả trong tâm linh. Sau đó nhiều tháng Marie đã phải vào bệnh viện vì vết thương tâm lý. Thành ra sự can đảm của Marie không phải là liều lĩnh của kẻ tưởng mình là bất khả xâm phạm. Nó là sự kiên tâm trầm lặng của một người biết mình phải làm những gì mà mình tin là nhiệm vụ của mình, biết rủi ro và hậu quả mà có thể đến cả mạng sống của mình. Nhưng nhiệm vụ đó, nhiệm vụ làm nhân chứng, kể lại câu chuyện, và nói lên tiếng nói của những người không có tiếng nói, vượt cái lo cho bản thân.

Bài tường thuật vào ngày cuối của Marie, khi chị tả lại trên đài BBC cảnh chứng kiến cái chết của một em bé mà mảnh đạn đã vào phổi “Các bác sĩ bó tay không làm gì nổi. Em bé nằm, cố gắng thở, ưỡn ngực lên thở, cố gắng hết sức rồi thì sau cùng thua cuộc trút hơi thở cuối cùng. Nó chỉ mới là một đứa bé sơ sinh. Nó chỉ là một baby.” Lời nói đầy xúc động đó đã nhân tính hóa những con số mà Liên Hiệp Quốc đưa ra. Hơn 5,000 người nghe không có ý nghĩa gì cả, nhưng cái chết thảm của một đứa bé sơ sinh đã làm nhiều người nhỏ lệ. Một vị quân nhân cao cấp của quân đội Anh đã được một phụ tá kể lại là nghe xong ông đã gọi cho một người bạn đồng nghiệp bên kia bờ Ðại Tây Dương, chơi lại đoạn âm thanh đó rồi bảo ông bạn “For God’s sake. Do something!”

Một ông bạn đồng nghiệp cũng chuyên về Trung Ðông kể lại với tôi là ngay trước khi Marie đi sang Syria, anh gặp chị ở Beirut. Bạn bè khuyên đừng đi, nhưng Marie không nghĩ là mình có thể đừng đi. Marie bảo với anh bạn tôi, “Họ đang làm những chuyện kinh tởm ở đó. Chúng ta phải có mặt tại đó.”

Cũng có thể như ông Rupert Murdoch, chủ nhân của tờ báo mà Marie là phóng viên chiến trường, đã nói: Chính quyền Assad đã cố tình nhắm bắn vào căn nhà mà Quân Ðội Syria Tự Do đã dùng làm trung tâm báo chí dã chiến để tiếp đón những nhà báo Tây phương liều mạng đi qua con đường buôn lậu vào Homs. Hẳn chính quyền tin là hạ sát được Marie và Remi Ochlik sẽ làm cho các phóng viên khác không dám vào để tường thuật nữa.

Nhưng họ không hiểu những người như Marie. Nếu cái mà anh bạn đồng nghiệp của tôi gọi là “một bộ lạc vượt biên giới quốc gia” của những người theo đuổi cái sự nghiệp kỳ quái của một nhà báo làm nghề thông tín viên, có một đức tính thì đó hẳn là cái bướng bỉnh của sự từ chối chấp nhận khi người ta không cho phép mình tường thuật. Nhất là khi như Marie đã nói “Họ đang làm những chuyện kinh tởm. Chúng ta phải có mặt tại đó.”

Nay cái chết của Marie và Remi Ochlik, trẻ hơn nhiều và cũng tài ba và can đảm không kém, sẽ tập trung thêm chú ý về những gì đã xảy ra ở đó. Nó có thể tạo thêm áp lực để có một hành động nào đó nhằm phá hủy vòng bao vây và cho phép cấp cứu cho khoảng 28,000 thường dân mà Marie nói đang bị mắc kẹt trong đó trong tình trạng ngày càng nguy ngập. Nếu quả chuyện đó xảy ra thì hẳn Marie cũng ngậm cười nơi chín suối.

R.I.P. người bạn đồng nghiệp mà nhà báo nào cũng tự hào được có.

MỚI CẬP NHẬT