Thursday, April 18, 2024

Romney, đường đi vẫn lắm gập ghềnh – Nguyễn Văn Khanh


Từ Hoa Thịnh Ðốn

 

 

 

Nguyễn Văn Khanh

 

Cả ba ông đều hãnh diện khoe mình là người tiêu biểu cho lập trường bảo thủ và chẳng ngừng theo đuổi cũng như cổ võ lập trường này.

Khởi đầu là ông Rick Santorum, nhân vật đang tạo sự chú ý của cả nước Mỹ sau khi một ngày thắng tới 3 cuộc bầu sơ bộ ở miền Trung Tây, bảo “chúng ta không phải là cánh bảo thủ hay là người thuộc nhóm tea party, mà chúng ta đây chính là đảng Cộng Hòa”. Sau đó đến lượt ông Mitt Romney, ứng viên có nhiều tiền vận động và đang được ủng hộ nhiều nhất, nói ông từng là thống đốc của một tiểu bang được xem là “thành trì của Dân Chủ”, nhưng “lúc nào tôi cũng theo sát lập trường bảo thủ Cộng Hòa” và “thành công vì là một vị thống đốc bảo thủ Cộng Hòa”.

Cuối cùng là ông Newt Gingrich xuất thân từ Georgia đang được hậu thuẫn của cánh bảo thủ miền Nam, cho hay đã đến lúc mọi người phải thấy và phải lắng nghe nguyện vọng của người dân, “nguyện vọng đó là không thể để cho quốc gia cứ đi dần vào chỗ cấp tiến quá mức, và đó chính là lý do tại sao nước Mỹ cần một nhà lãnh đạo bảo thủ, tôn trọng truyền thống của quốc gia”.

Chẳng chỉ hãnh diện là người bảo thủ, cả 3 ứng viên được mới nói chuyện trước Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa (CPAC) tổ chức tại Washington đều hãnh diện nói mình chính là người đảng trông chờ, dân trông đợi.

Buổi sáng, ông Santorum hứa hẹn nếu làm tổng thống “sẽ không bao giờ để chính phủ quyết định đời sống của người dân”, đến trưa tới phiên ông Romney cam kết dù đã sinh hoạt nhiều năm trong chính trường nhưng “không giống như các chính trị gia ở Washington”, ý muốn nói sẽ làm việc hữu hiệu hơn, giải quyết các bế tắc chính trị thường xuyên xảy ra trong 3 năm qua -tính từ ngày Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama nhậm chức. Chiều tối thì đến lượt ông Gringrich lên tiếng, đảm bảo “thay đổi bộ mặt chính trị của D.C., sẽ đưa nước Mỹ trở lại vị trí hàng đầu, để mọi người, mọi quốc gia phải kính trọng đất nước này”.

Mỗi ông trình bày mỗi cách, cùng nhau hứa hẹn thật nhiều điều, ông nào cũng vững tin sẽ được đảng đề cử tranh chức tổng thống.

Nhưng cái đinh của đại hội lần này vẫn là ông Mitt Romney.

Ngay từ buổi sáng hầu hết những đại biểu có mặt đều nói họ chờ xem ông cựu Thống Ðốc tiểu bang Massachusetts sẽ trình bày những gì để chứng tỏ “ông ta thật sự là người của chúng tôi” theo lời đại biểu Bob Evans đến từ tiểu bang Texas. Bà Evelynn, vợ ông, đi sát bên cạnh dịu dàng hơn “ít nhất, chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu có thể tin được ông Romney hay không”.

“Tin” hay “không tin” ông Romney là điều được bàn tán khắp nơi ở Ðại Hội CPAC 2012, và những gì ông trình bày trước đại hội cũng nhắm vào mục đích đó.

Khoảng giờ này 4 năm trước đây ông xuất hiện trước đại hội 2008 để loan báo quyết định rút lui khỏi cuộc đua, lần này qua bài nói chuyện kéo dài gần nửa giờ đồng hồ, ông đưa ra tất cả những lý lẽ để chứng tỏ ông là người của họ, là ứng viên mà thành phần cử tri bảo thủ Cộng Hòa đang trông đợi, đặc biệt chẳng phải chỉ là người theo sát với truyền thống của nước Mỹ “mà là ứng viên duy nhất của cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ chưa từng một ngày làm việc ở D.C.”.

Ông nói những gì? Trước hết ông ca ngợi tinh thần bảo thủ, gọi đó là lý tưởng chính trị mà ông đã theo đuổi từ ngày đầu, lý tưởng đó “không chỉ gắn chặt với tôn giáo hay với quyền được mua và sử dụng súng” mà là lý tưởng “gắn chặt với hiến pháp”.

Ông cũng hãnh diện khoe là người rất bảo thủ về mặt xã hội, dẫn chứng ông đưa ra là lúc làm thống đốc, “tôi ngăn chặn không để cho Massachusetts trở thành một tiểu bang chấp nhận cho người đồng tính kết hôn”, ví von là nhờ đó mà tiểu bang nổi tiếng cấp tiến miền Ðông “không trở thành Las Vegas”, tức không là nơi dân đồng tính kéo nhau về làm đám cưới. Ði xa hơn nữa, ông cam kết nếu được tín nhiệm để lãnh đạo quốc gia, “tôi sẽ tranh đấu để tu chính hiến pháp, để hiến pháp của chúng ta có điều khoản quy định rõ hôn nhân là quan hệ giữa một người nam và một người nữ”.

Ðối với những cử tri bảo thủ vẫn nghi ngờ ông ủng hộ phá thai, ông trình bày rõ lúc nào cũng quý trọng và tôn trọng nữ quyền, nhưng đảm bảo sẽ “phủ quyết dự luật cho phép những thiếu nữ được quyền mua thuốc phá thai”, không chấp nhận sử dụng tiền thuế của dân để nghiên cứu, phát triển phương pháp sinh sản vô tính (cloning).

Bài diễn văn ông đọc được ngắt quãng bằng những tràng pháo tay và khi ông kết thúc, tất cả mọi người đều đứng dậy hoan hô ông. “Nhưng điều đó chưa hẳn là ông đã tạo được niềm tin của phe cử tri bảo thủ”, theo nhận xét của phân tích gia Will Sanders ngay sau khi nghe ông Romney đọc xong bài nói chuyện. “Rõ ràng ai ai cũng thấy ông ta là người tốt, có hiểu biết, có tài lãnh đạo, có thể đánh bại ông Obamam, nhưng sợ các điều đó vẫn chưa đủ đề họ tin và ủng hộ ông ta”.

Ðó cũng là nhận xét của nhà báo kiêm bình luận gia Bob Scheiffer của đài truyền hình CBS. Ông Scheiffer nói vẫn tin cuối cùng “ứng viên Cộng Hòa tranh tổng thống sẽ là ông Mitt Romney” nhưng “đường đi vẫn gập ghềnh lắm, chưa được bằng phẳng như ông ta mong đợi đâu”. Ông nhà báo nổi tiếng của nước Mỹ bảo thêm “ông Mitt Romney phải mất nhiều thì giờ hơn nữa để thuyết phục những người trong đảng, và hy vọng ông ta vẫn còn đủ thì giờ để làm điều đó”.

Ngay cả chuyện ông Romney “có thể thắng ông Obama” cũng là đề tài được tranh cãi khá sôi nổi ở Ðại Hội CPAC 2012. Vì thế trong bài nói chuyện của mình, ứng viên Rick Santorum dành một phần khá nhiều để nhắc nhở mọi người phải thật thận trọng, đừng ủng hộ ông Romney.

Ông Santorum nói về đối thủ chính trị của mình như sau: “Người bảo thủ chúng ta đã bị mất đi tấm lòng thực. Chúng ta đã nghe lời người ta nói mình phải bỏ rơi nguyên tắc mới làm được việc. Mới thắng được. Nhưng hôm nay chúng ta lại nghe những lời đó ở đây, những lời bảo chúng ta phải học bài học, phải thỏa hiệp, phải làm những chuyện trung dung chính trị và đưa ra một người nào đó có khả năng thắng. Tôi nghĩ chúng ta có học bài học. Và bài học chúng ta học được, là chúng ta sẽ không bỏ rơi nguyên tắc, sẽ không phải biện hộ cho những nguyên tắc đã dựng nên đất nước này, chỉ để đổi lấy một chiến thắng vô nghĩa vào tháng 11.”

MỚI CẬP NHẬT