Saturday, April 20, 2024

Sinh viên năm nay… siêng hơn các năm trước

Và các đặc tính khác của tân sinh viên 2011

Lê Tâm (theo CS Monitor)

Tân sinh viên niên khóa này thuộc thành phần học hành chăm chỉ nhất trong mấy năm gần đây, cho thấy khả năng thành đạt của họ rất cao. Ðó là kết quả một cuộc nghiên cứu trên toàn quốc của viện Higher Education Research Institute (HERI) ở đại học University of California, Los Angeles (UCLA) mới công bố. Ðây là một trong năm điểm thay đổi lớn được ghi nhận trong thành phần tân sinh viên, gồm cả về quan điểm chính trị, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, cùng là phương cách để trả các chi phí học đại học. 

(Hình: Hồng Nguyễn)

1. Các tân sinh viên chăm chỉ học hành hơn 

Thời gian các tân sinh viên này dành cho việc học trong năm sau cùng ở bậc trung học của họ tăng cao so với học sinh các năm trước. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 39.5% những người được hỏi nói rằng họ học hơn 6 giờ một tuần, so với con số 34.7% năm 2009. Con số người ghi chép lời giảng của giáo sư trong lớp cũng tăng từ 66.5% lên 69.2%. Cứ chừng 5 học sinh thì có 1 người (21.7%) lấy tới năm lớp AP hoặc nhiều hơn nữa trong các năm học trung học, so với con số 18.7%.

“Sự chăm chỉ học hành này ở bậc trung học sẽ giúp cho các tân sinh viên đứng vững hơn trong năm đầu tiên ở đại học cũng như để hoàn tất văn bằng của mình,” theo Linda DeAngelo, đồng tác giả cuộc nghiên cứu và là phó giám đốc nghiên cứu của HERI.

Có gần một nửa tân sinh viên (khoảng 48.8%) cho hay nhiều phần họ sẽ thảo luận về những gì học trong lớp với các bạn sinh viên khác bên ngoài lớp học, so với chừng 46.5% của năm 2009. Ðiều này cho thấy tinh thần học hành tích cực thay vì thụ động của các sinh viên, theo bà DeAngelo.

Ðiều này cũng cho thấy các sinh viên đó không chỉ có nhiều triển vọng hơn để hoàn tất bậc đại học nhưng cũng giúp để phát triển “năng khiếu cần thiết cho việc học cả đời”. 

2. Ăn chơi và trễ nải giảm xuống 

Con số các học sinh năm sau cùng bậc trung học cho hay đã dùng thời gian trong tuần để đi ăn chơi (party) với bè bạn giảm xuống còn khoảng 65% năm 2011 so với gần 70% của năm 2009.

Con số các học sinh trong giới này uống bia rượu, thường xuyên hay thỉnh thoảng, cũng giảm chút ít, với 41% cho hay họ uống rượu mạnh hay rượu vang và chỉ khoảng hơn 35% uống bia. Trong cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, có hơn 70% học sinh cho hay thường xuyên uống rượu bia.

Nay cũng có ít học sinh năm cuối trung học đi học trễ, vào khoảng 54.7% so với 57.5% năm 2010. 

3. Có khuynh hướng cấp tiến hơn 

Gần 28% các sinh viên năm đầu đại học nay cho hay họ thuộc khuynh hướng cấp tiến (liberal). Con số này có giảm chút ít so với con số 29% năm 2009. Trong khi có gần 21% cho hay họ nghiêng về phía bảo thủ.

Tuy nhiên, trong một số vấn đề được coi là có tính cách cấp tiến, sự ủng hộ được ghi nhận là tăng vọt. Con số các tân sinh viên ủng hộ việc cho các cặp đồng tính luyến ái có quyền làm đám cưới vào khoảng 71%, so với con số 65% năm 2009. Số ủng hộ việc phá thai hợp pháp (60.7%), hợp pháp hóa cần sa (49.1%), và cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên nhận vào đại học cũng lên tới 42.1%, tất cả đều tăng vài phần trăm so với kết quả trước đây. Con số tân sinh viên nói rằng việc không thu nhận thành phần di dân bất hợp pháp vào đại học cũng giảm từ 47.2% xuống 43%. 

4. Ít giúp đỡ hơn về tài chánh 

Có khoảng 69.5% các tân sinh viên cho hay họ nhận được một số tiền qua hình thức cho không hoặc học bổng để giúp trang trải phần nào học phí, giảm so với con số 73.4% trong năm 2010.

Số tân sinh viên nhận được hơn $10,000 tiền trợ giúp cũng giảm ít phần trăm, xuống còn 26.8%.

Con số tân sinh viên nhận trợ giúp tài chánh từ gia đình hoặc phải vay tiền học coi như không thay đổi nhiều so với năm trước, dù rằng có tăng cao hơn. Kể từ năm 2001, con số sinh viên mượn hơn $10,000 cho việc học hành đã tăng hơn gấp đôi, lên tới khoảng 13.3%. 

5. Thêm các giao thiệp qua trang mạng xã hội 

Nay chỉ có chừng 5.2% tân sinh viên nói rằng họ không hề dùng thời giờ cho các trang mạng xã hội như Facebook trong năm cuối của bậc trung học, giảm so với con số 13.7% trong năm 2007, khi cuộc nghiên cứu bắt đầu thăm dò lãnh vực này. Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng dành thời giờ cả ngày để vào các trang này. Kết quả nghiên cứu cho thấy có hơn 53% học sinh cho hay họ dành 3 giờ hay hơn mỗi tuần để vào các trang mạng xã hội trong năm cuối của bậc trung học, tăng lên so với con số 42% năm 2007.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT