Thursday, March 28, 2024

Sợ già hơn sợ chết – Huy Phương


Tạp ghi Huy Phương

 

 

 

Trong chúng ta nhiều người tỏ ra sợ hãi khi nói đến cái chết. “- Thôi thôi, nói đến chuyện khác đi!” hay “- Anh còn trẻ, nói đến cái chết chi cho sớm vậy!” Trên trang cáo phó hàng ngày chúng ta đã thấy nhiều cụ hưởng thọ hơn 100 tuổi nhưng cũng có những thanh niên ra đi, mới hưởng dương vài ba chục tuổi, vậy thì đâu phải ai cũng chết già.

 Có những cái chết vì bệnh tật tai nạn nhưng cũng có những cái chết vì chiến tranh. Hơn một lần trong đời, chúng ta đã trải qua nỗi đau khi chịu tang những người trong gia đình hoặc chứng kiến những cái chết tình cờ của người khác. Quả là điều xót xa cho người sống, nhưng người chết không còn biết gì nữa, nói theo niềm tin tôn giáo, thì thể xác họ nằm đó còn linh hồn đã phiêu diêu về một nơi thơm tho, dịu dàng và an bình nào đó.

Ai cũng sợ cái chết nhưng không ai tránh được cái chết. Chúng ta sợ chết vì trên đời này chúng ta còn nhiều thứ để sở hữu, yêu thương và tiếc nuối nhưng tôn giáo nào cũng khuyên ta đừng sợ hãi cái chết. Ðó là lúc được Chúa gọi về, theo Ki Tô Giáo, hay giã từ cái thân tạm bợ, hay cõi tạm vì cái chết là nhất định, theo Phật Giáo. Ranh giới giữa cái chết và sự sống lại quá mỏng manh, như ngọn đèn đang sáng là sự sống, lúc tắt phụt là cái chết. Ai đo được thời gian giữa lúc ngọn đèn sáng và lúc ngọn đèn tắt, nó không kéo dài như người tử tội đi trên con đường từ phòng giam ra ghế điện để cho người ta phải sợ hãi. Nói như Bút Tre, “chuyển sang từ trần” là không đúng, chuyển sang phải cần có thời gian, nhưng biên giới giữa cái chết và sự sống hầu như không đo được bằng những máy đo.

Theo tôi người ta sợ già hơn sợ chết! Ở Mỹ này, lúc còn mạnh khỏe cứ tưởng tượng ra một ngày nào đó, mắt mờ, tay chân lạng quạng, không còn lái xe được nữa, ngồi một chỗ quả là một điều khốn khổ. Phải dùng xe lăn đi lại còn là may mắn, phải nằm liệt trên giường bệnh thì buồn biết chừng nào. Một bà cụ tâm sự phải bán nhà đi để xin vào nhà dưỡng lão cho khỏi phải phiền lụy đến ai. Nhiều vị cao niên nghĩ đến nỗi khổ phải nhờ đến con đã thấy dặm đường gian khổ.

Chúng tôi đã đi thăm nhiều nursing homes. Có những cụ già nằm đây đã hơn mười năm, mười năm với một căn phòng, một mảnh tường, khung cửa sổ, với ánh sáng ban mai và nắng xế buổi chiều, mỗi ngày như mọi ngày. Bất hạnh hơn là nhiều cụ không còn ai thăm viếng, cô đơn cùng ngày tháng, chỉ còn trông cậy vào sự săn sóc của nhà dưỡng lão. Nhiều cụ mỗi ngày ngồi trên xe lăn, nhìn ra cửa trông ngóng bóng dáng những đứa con thân yêu nhưng nào đâu thấy. Trong một tập truyện mới đây, nhà văn Tràm Ca Mau ca ngợi tuổi già rất tận tình, nhưng lại mô tả cái bọc phân của một bà cụ trong nursing home khiến người ta hãi hùng. Tuổi thọ là của trời cho, nhưng già mà đơn độc, ốm đau thì thà chết trẻ. Lú lẫn, mê man còn đỡ khổ đau, tỉnh táo, minh mẫn để còn biết buồn vui, tức giận, trách móc, nhớ nhung, hồi tưởng… thấy tháng ngày như là bất tận khi biết đây là chỗ cuối cùng, mình không thể nào trở về nhà cũ, nghe đứa cháu nói bi bô, ăn một bữa cơm cùng với gia đình.

Người ta nói: “Nước Mỹ là thiên đàng của tuổi trẻ nhưng là địa ngục của người già!” Tôi lại không nghĩ như vậy, lời nói ấy có vẻ quá bi quan chăng, vì về già không có con cái, bần hàn thì ít ra còn có nơi nương tựa thuốc men hơn là phải ra nằm đường hay xuôi ngược, lê la kiếm sống. Những cụ già Việt Nam ở Mỹ trong thời đại này chỉ buồn vì họ bị cô lập với đám cháu con đã bị Mỹ hóa, chúng không hiểu được người già, mà chỉ nhìn ông bà như những người ngớ ngẩn, lạc hậu mà chúng rất khó cảm thông, gần gũi cũng như ông bà không hiểu nổi chúng. Ở lớp người tị nạn của chúng ta hiện nay, người già còn là mối liên lạc huyết thống dòng họ. Khi những người này không còn nữa, cây tre dòng họ bị bứt rễ, vì tuổi trẻ bây giờ ít biết và ít quan tâm đến mối liên hệ bà con. Ðó là niềm lo âu của người già Việt Nam tị nạn trên đất khách.

Một mặt nào đó, tôi cũng đồng ý tuổi già là tuổi hạnh phúc nhất. Không hạnh phúc sao người ta gọi là “Tuổi Vàng?” Lúc trẻ chúng ta phải làm những điều chúng ta không thích, những công việc trái ý, nặng nhọc, nhàm chán, với mấy tầng áp bức với những ông sếp khó chịu chỉ vì đồng tiền kiếm sống. Về hưu rồi, chúng ta có thể làm những gì mình thích, mà chỉ với một ông hay một bà sếp, là người do chúng ta đã lựa chọn từ mấy mươi năm về trước, chứ không phải do ai áp đặt cho chúng ta. Chúng ta đã xếp xó cái đồng hồ báo thức, ám ảnh chúng ta mỗi ngày từ khi chúng ta chính thức về hưu, buổi sáng muốn dậy lúc nào thì dậy, buổi tối muốn lên giường sớm muộn lúc nào cũng chẳng sao. Chúng ta muốn đi đâu thì đi, ăn uống ra sao cũng được, xếp đặt thời khóa biểu mỗi ngày cho chúng ta tùy hứng. Những chuyến đi chơi xa, những lúc bù khú với bạn bè cố tri, không lệ thuộc giờ giấc chẳng sướng sao, điều mà ngày còn trẻ chúng ta không có được.

Nhưng tuổi già được xem là Tuổi Vàng khi nó có hai điều kiện: Không bệnh tật và cô đơn. Ôi tuổi già mà có sức khỏe, không cô đơn mới là tuổi vàng. Buồn tủi vì cô đơn và thống khổ vì bệnh tật thì tuổi già chỉ là “tuổi xám xịt”. Bốn nỗi khổ của thế gian là “sinh-lão-bệnh-tử” thì “lão,” “bệnh” và “tử” thường đi liền với nhau. Ðó là những hình ảnh chúng ta đã thấy trong bệnh viện, trong nhà dưỡng lão. “Bệnh”, “lão” lại thường đi với “cô”, cha mẹ mạnh khỏe còn trông nhà, giữ cháu được nhưng cha mẹ già yếu, bệnh tật chỉ là gánh năng cho con cái, thì nhà dưỡng lão chắc chắn là nơi chốn cuối cùng của cuộc đời để chờ ngày đi sang thế giới bên kia. Và cuối cùng là cái chết, dù chúng ta đã tránh muốn nói đến tên nó, nhưng nó là nhất định, thế gian chưa ai có thể trả lời “không” với nó.

Tôn giáo nào cũng dạy con người đừng sợ chết. Ðó là lúc con người thiện tâm được về Nước Trời, hay Phật Quốc, cũng có nghĩa như nhau. Cái chết được xem như con người chúng ta trở lại đi trên những con đường làng cũ thời thơ ấu, nơi gọi là vĩnh hằng, cũng là nơi bỏ phiền muộn. Chết mà được yêu thương, tiếc nuối như Trầm Tử Thiêng, Cao Xuân Huy, Trần Nhật Ngân thì mấy ai có được. Tiêu diêu, siêu thoát thường là những lời chúc tụng cuối cùng. Vậy phải chăng chúng ta sợ già, không sợ chết. Khi nghe tin một người bạn mới cười cười, nói nói hôm qua đây, vừa đột ngột ra đi, chúng ta không khỏi bùi ngùi, nhưng cũng mừng vì bạn đã ra đi thanh thản, khỏi vướng bận chi cho người còn sống, không như ông bạn già của tôi, nằm trong nursing home đã hơn năm sáu năm nay, lúc mê lúc tỉnh.

MỚI CẬP NHẬT