Friday, April 19, 2024

South Carolina: Trước khi phòng phiếu mở – Nguyễn Văn Khanh

 

Nguyễn Văn Khanh

“Chưa biết kết quả sẽ như thể nào,” ứng cử viên Mitt Romney trả lời một ủng hộ viên ở South Charleston về dự đoán kết quả bầu sơ bộ sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng nay ở tiểu bang Carolina. Tại quán ăn Eddy’s ở gần đó, ông Cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich tươi cười nói với một người kết quả cuộc bầu chọn sắp tới “sẽ mở đường cho tôi đi xa hơn và cuối cùng, tôi sẽ là người được đảng đề cử.”

Có thể nói không sai cuộc bầu cử hôm nay là cuộc đua giữa 2 ông Gingrich và Romney. Ðộ một tuần trước đây, ông cựu thống đốc Massachussetts được kể là “ăn chắc” và cầm ít nhất hơn một nửa chiếc vé đại diện cho đảng để tranh cử tổng thống. Kết quả thăm dò tối nay cho thấy ông và ông Gingrich đang ở trong thế “kẻ tám lạng, người nửa cân,” và chỉ có 20% cử tri nói vẫn chưa quyết định sẽ chọn ai.

Với ông Gingrich, kết quả cuộc thăm dò là một thành công quá lớn, một vượt trội bất ngờ, sau khi thất bại ở cả 2 vòng đua Iowa và New Hampshire, bị báo chí Hoa Kỳ trêu đùa là “người của quá khứ.” Thêm vào đó, điều này còn chứng tỏ cử tri của tiểu bang nổi tiếng bảo thủ và nặng về tôn giáo không coi trọng chuyện ông bị bà vợ cũ tố cáo muốn sống chung với cả vợ lẫn người tình, mà họ “đang chú ý tới vấn đề trọng đại hơn là làm sao vực được kinh tế quốc gia, đánh bật ông Obama ra khỏi Tòa Bạch Ốc” như ông nói ngay sau cuộc tranh luận truyền hình vào tối Thứ Tư.

Nhưng chính ông Gingrich cũng biết đang phải đương đầu với một đối thủ rất nặng ký. Ngay từ ngày thua cuộc hồi 2008, ông Romney hầu như tháng nào cũng có mặt ở South Carolina, bàn luận với các đảng viên và cảm tình viên về kế hoạch dựng cơ sở vận động tranh cử và dựng được một mạng lưới ủng hộ.

Từ lúc đó, ban tham mưu của ông đã vạch sẵn kế hoạch đi tới thành công: thắng Iowa, New Hampshire và South Carolina thì không ai có thể địch lại được. Không ai ngờ ông thành công ở 2 tiểu bang đầu, dẫn trước ở South Carolina trong nhiều tuần liên tiếp, nào ngờ đúng ngay ngày cuối cùng lại gặp chông gai.

Chông gai đến từ đâu? “Theo tôi, lý do duy nhất khiến ông Romney gặp trở ngại chỉ vì số tiền thuế ông đóng quá ít, chỉ có 15% so với con số bạc triệu ông kiếm được hàng năm” theo nhận xét của ông Charles Hayes, một trong những cử tri chưa quyết định ủng hộ ai. Ông Hayes giải thích rõ hơn: South Carolina là một trong những tiểu bang dân chúng sống khá chật vật, tỷ lệ thất nghiệp cũng khá cao, “làm sao họ có thể hài lòng với một ông nhà giầu đóng thuế ít hơn họ?”

Về điểm này, ông Romney đã giải thích rằng ông làm đúng tất cả những gì luật pháp cho phép như bỏ vốn đầu tư để được hưởng những khoản khấu trừ v.v… Ông còn nói cũng giống như những người khác, “tất cả chúng ta đều tìm cách để được giảm thuế” theo đúng luật định. Rất tiếc những điểm ông Romney nói không đủ thuyết phục người nghe, tạo cơ hội cho ông Gingrich vùng lên.

Một điểm khác nữa là ông Gingrich quy tụ được thành phần cử tri bảo thủ, thay vì phải chia phiếu của nhóm cử tri này với ông Cựu Nghị Sĩ Rick Santorum. Sau khi được sự ủng hộ của ông Thống Ðốc Texas Rick Perry và Cựu Thống Ðốc Sarah Palin, những lời phát biểu hùng hồn của ông trong 2 cuộc tranh luận trước ngày bầu cử đã khiến cử tri South Carolina nghĩ rằng họ tìm thấy người có cùng lập trường với họ, lại đủ khả năng để tranh luận với ông tổng thống Dân Chủ nổi tiếng có tài hùng biện. Bằng chứng rõ nhất: những người trước đây từng nghiêng về phía ông Santorum bây giờ đang bắt đầu ngả về hướng Newt Gingrich.

Không thể bỏ qua một lý do khác nữa: ông Gingrich bắt đầu dùng chính hình ảnh của Cố Tổng Thống Ronald Reagan để thu hút cử tri. Sáng Thứ Năm vừa rồi, ông là người đầu tiên nhắc nhở cho cử tri chuyện xảy ra từ hồi 1980, “lúc mọi người ai cũng bảo một ứng cử viên bảo thủ quá nặng như ông Reagan không thể nào thắng cử được,” và cuối cùng “Hoa Kỳ có một vị tổng thống được lịch sử công nhận là vĩ đại.” Khi đưa ra điểm này, ông muốn nói cho mọi người hiểu: ông bảo thủ chẳng kém gì ông Reagan, ông cũng là người có tầm nhìn chiến lược như ông Reagan lúc còn lãnh đạo quốc gia, và nên cho ông một cơ hội như họ đã từng dành cho ông Reagan.

Giả sử ông Gingrich thành công trong cuộc bầu sơ bộ hôm nay thì sao? “Ðiều đầu tiên là sẽ ảnh hưởng đến cuộc đua của các ứng viên Cộng Hòa,” theo nhận xét của bình luận gia Steve Kornachi. Ông Kornachi kể lại từng có lúc “báo chí khắp nước đều tin ông Romney sẽ thành công ở South Carolina, và tất cả các cuộc vận động sẽ chấm dứt ở Florida là nơi mọi người cũng dự đoán ông Romney sẽ tháng cử.” Bây giờ, “báo giới sẽ nhức đầu hơn vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau South Carolina,” và chính ông Romney “có lẽ cũng phải thay đổi chiến thuật, trở thành người phải tìm thế để đánh ông Gingrich.”

Với bình luận gia Peggy Noonan của tờ The Wall Street Journal, nếu ông Gingrich có thắng được ở South Carolina thì “cũng chẳng có lợi gì cho đảng Cộng Hòa,” vì “các ứng viên sẽ đấu đá nhau tiếp” và cuộc chiến càng kéo dài “thì càng bỏ lỡ mất cơ hội thắng ông Obama. Bình luận gia nổi tiếng này nói tiếp là chỉ mới vài ngày qua, Tổng Thống Obama quyết định không thực hiện đề án dựng ống dẫn dầu từ Canada tới Texas, một quyết định khiến cả chục ngàn người không có cơ hội tìm được việc làm. Thay vì phải cùng nhau phản đối gọi đó là quyết định sai lầm, các ứng viên Cộng Hòa lại “tiếp tục cấu xé nhau.”

Chừng mực nhất chính là ông Chris Wallace của đài truyền hình FOXNews. Ông bảo rằng con số 20% cử tri chưa quyết định ủng hộ ai “có thể sẽ thay đổi tất cả mọi dự đoán.” Ông nhà báo nổi tiếng nghiêm nghị nào bảo muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra thì nên đợi cho đến khi công bố kết quả ở South Carolina, “lúc đó mới biết tình hình như thế nào, liệu ông Gingrich có thật sự là chướng ngại mà ông Mitt Romney phải vượt qua, hay chỉ là vật cản nhất thời.”

Nhận xét đó không được ông Jim Geraghty của tờ National Review tán thành. Ông cho rằng “bất kể tình hình South Carolina như thế nào, không ai cản được bước tiến của ông Romney” vì ngay sau đó là Florida, Neveda và Maine, “những tiểu bang cử tri có lập trường gần với ông Romney hơn tất cả các ông ứng viên Cộng Hòa khác.”

Thoải mái nhất vẫn là ông Obama, không phải lo vận động sơ bộ, có quyền dồn hết thì giờ cho cuộc vận động tái ứng cử. Tối Thứ Tư ông ghé New York để quyên tiền, tối Thứ Năm phát ngôn viên Day Carney của Tòa Bạch Ốc cho biết ông cũng quyên tiền tiếp, nhưng lần này ở ngay thủ đô Washington D.C. Khách mời chỉ có vài chục người, nhưng tiền họ phải bỏ ra để bắt tay, chụp hình với tổng thống không phải là nhỏ: giá từ $35,000 đến $80,000.

 

MỚI CẬP NHẬT