Thursday, March 28, 2024

Tản Mạn Thơ Văn

 


Lê Hoàng Long


Chúng tôi xin đa tạ sự đóng góp của quý vị độc giả khắp nơi. Vườn hoa thơ văn sẽ khởi sắc với muôn mầu, muôn vẻ nhờ những áng thơ của quý vị với tiết tấu truyền cảm và những văn thể đanh thép, cương cường, ngọt ngào, lãng mạn, trữ tình, châm biếm, dí dỏm, khôi hài, v.v…


Ðể đóng góp, xin quý vị gởi về emails: [email protected] hay [email protected]


Khi đóng góp, xin đề “Mục Tản Mạn Thơ Văn”


Dưới đây là một số bài thơ quý vị độc giả đóng góp:


1. Theo lịch sử Việt lưu truyền, khi bị quân Minh bắt và dẫn giải về Tàu, tại biên giới Việt-Tàu, ông Nguyễn Phi Khanh dặn con, Nguyễn Trãi, những lời đanh thép, cương cường, hàm chứa tinh thần bất khuất của giống Lạc Hồng. Sau này, nhớ lời cha dặn, Nguyễn Trãi phò Lê Lợi, và giành lại độc lập cho tổ quốc khỏi giặc Tàu sau bao năm kháng chiến khổ cực, hiểm nguy. Cảm kích lời dặn dò của Nguyễn Phi Khanh, Á Nam Trần Tuấn Khải phổ thơ với giọng văn bất khuất, kiêu hùng, rắn rỏi, pha chút xé lòng qua thể thơ song thất lục bát vừa cứng rắn vừa mềm mại. 


Hai chữ nước nhà 


Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm


Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu


Bốn bề hổ thét chim kêu


Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình


Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước


Chút thân tàn lần bước dậm khơi


Trông con tầm tã châu rơi


Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:


“Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định


Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay


Trời Nam riêng một cõi này


Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!


Than vận nước gặp khi biến đổi


Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng


Bốn phương khói lửa bừng bừng


Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!


Nơi đô thị thành tung quách vỡ


Chốn dân gian bỏ vợ lìa con


Làm cho xiêu tán hao mòn


Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!


Thảm vong quốc kể sao cho xiết


Trông cơ đồ nhường xé tâm can


Ngậm ngùi đất khóc giời than


Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!


Khói Nùng Lĩnh như xây khối uất


Sóng Long Giang nhường vật cơn sầu


Con ơi! càng nói càng đau…


Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?


Cha xót phận tuổi già sức yếu


Lỡ sa cơ đành chịu bó tay


Thân lươn bao quản vũng lầy


Giang sơn gánh vác sau này cậy con


Con nên nhớ tổ tông khi trước


Ðã từng phen vì nước gian lao


Bắc Nam bờ cõi phân mao (1)


Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây


Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái


Phận liễu bồ xoay với cuồng phong


Giết giặc nước, trả thù chồng


Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi


Kìa Hưng Ðạo gặp khi quốc biến


Vì giống nòi quyết chiến bao phen


Sông Bạch Ðằng phá quân Nguyên


Gươm reo chính khí nước rền dư uy


Giở lịch sử gươm kia còn tỏ


Mở dư đồ đất nọ chưa tan


Giang san này vẫn giang san


Mà nay xẻ nghé tan đàn vì ai?


Con nay cũng một người trong nước


Phải nhắc câu ‘Gia, Quốc’ đôi đường


Làm trai hồ thỉ bốn phương


Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng


Thời thế có anh hùng là thế


Chữ vinh hoa sá kể làm chi!


Mấy trang hào kiệt xưa kia


Hy sinh thân thế cũng vì nước non


Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ


Bước cạnh tranh há để nhường ai?


Phải nên thương lấy giống nòi


Ðừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng


Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục


Thân tự do chiên chúc (2) mà vinh


Con ơi nhớ đức sinh thành


Sao cho khỏi để ô danh với đời


Chớ lần lữa theo loài nô lệ


Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai


Ðem thân đầy đọa tôi đòi


Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?


Sống như thế, sống đê, sống mạt


Sống làm chi thêm chật non sông!


Thà rằng chết quách cho xong


Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!


Huống con cũng học hành khôn biết


Làm giống người phải xét nông sâu


Tuồng chi gục mặt cúi đầu


Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!


Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy


Cha khuyên con có bấy nhiêu lời


Con ơi, con phải là người


Thì con theo lấy những lời cha khuyên


Cha nay đã muôn nghìn bi thảm


Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!


Chân mây mặt cỏ rầu rầu


Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!


Lời cha dặn khắc xương để dạ


Mấy gian lao con chớ sai nguyền


Tuốt gươm thề với xương thiên


Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu


Gan tráng sĩ vững sau như trước


Chí nam nhi lấy nước làm nhà


Tấm thân sẻ với san hà


Tượng đồng bia đá họa là cam công


Nữa mai mốt giết xong thù nghịch


Mũi long tuyền lau sạch máu tanh


Làm cho đất động trời kinh


Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!


Nghĩa vụ đó, con hay chăng tá?


Tính toán sao vẹn cả đôi đường


Cha dù đất khách gửi xương


Trông về cố quốc khỏi thương hồn già.


Con ơi! hai chữ Nước Nhà…”


Á Nam Trần Tuấn Khải 


(1) Sách sử chép, những nơi giáp giới nước ta với nước Tàu thì ngọn cỏ chia lả ra hai bên. Nghĩa là nửa đường bên kia thì ngọn cỏ lả về Tàu, mà bên này thì ngọn cỏ lả về bên ta, cho nên gọi là phân mao; phân mao tức là chia ngọn cỏ vậy.


(2) Chiên chúc: rau cháo.


 


2. Ngoài phong cảnh thơ mộng trữ tình, Huế, cố đô ngàn xưa, là nguồn cảm hứng cho các văn nhân, nghệ sỹ sáng tác thơ, văn, nhạc để gởi gấm cảm xúc của mình khi ghé Huế đáng yêu. Một trong những nét buồn và lãng mạn của Huế là những cơn mưa buồn não ruột và kéo dài lê thê. Mưa nhắc người ta hồi tưởng kỷ niệm vui, buồn, hay bóng hồng nào đó thoáng qua trong đời mình. Thi sĩ Bích Vân nói lên tâm sự qua bài: 


Về Huế nghe mưa 


Huế thương, nhớ lắm mùa mưa!


Mưa rơi rỉ rả chiều lưa thưa buồn


Mưa tuôn nước ngập phố phường


Mưa theo Em đến sân trường vắng hoe


Mưa dài ngày tháng lê thê


Mưa đêm Em thấy phòng the lạnh lùng


Mưa trưa nên nắng ngập ngừng


Mưa, nghe tiếng nhạc buông chùng bơ vơ


Mưa, hoa rủ lá bơ sờ


Mưa dai dẳng quá cho thơ lệ nhòe


Mưa, Em lạc lối đường về


Bên nhau ta bước, mưa mê mẩn đời


Mưa từng hạt nhớ đầy vơi


Mưa gieo mật ngọt những lời yêu đương


Huế xưa mưa mãi vấn vương


Tóc Em mưa gội nhớ thương nghìn trùng


Mai này mưa tạnh trời trong


Ta về cùng lắng tiếng lòng nghe mưa


Bích Vân


 


3. Tình cảm không thể thiếu trong cuộc sống loài người. Nó là động lực thúc đầy văn nhân, thi sỹ sáng tác để bẩy tỏ cảm xúc mình. Tình yêu vẫn còn là đề tài nóng bỏng dù trước đây đã có bao nhiêu người hạnh phúc, khóc lóc, sầu khổ vì chữ “Yêu.” Có lẽ, quý vị đồng ý về hương vị men tình qua đoản thi dưới đây:


 


Rượu tình 


Rượu đời uống mấy cũng chưa say.


Nhắp rượu tình yêu đã dại ngây.


Vị nếm thơm ngon và quái lạ!


Ngọt, bùi, chát, đắng lẫn chua, cay!


Lê Hoàng Long


 


4. Trong bốn mùa, mùa Ðông là mùa cần bếp lửa hồng. Về tinh thần, thật thi vị khi có người tình bên cạnh vì nàng là ánh lửa lòng sưởi ấm tâm hồn giá băng. Nhưng cũng bất hạnh cho ai sống trong cô đơn giữa mùa lạnh lẽo. Ắt hẳn, quý vi sẽ cảm thông và chia sẻ với ai đó sau khi hiểu được nỗi lòng được gởi gấm qua đoản thi: 


Ðông sầu 


Trời đông gió lạnh thổi từng cơn.


Ủ rũ hàng cây tuyết trắng vờn.


Giá buốt hồn tôi đầy trống vắng.


Tim sầu lạnh cứng nỗi cô đơn.


Em đi để lại bao thương nhớ!


Nỡ giết tình tôi bởi chút hờn.


Bếp lửa yêu thương giờ đã tắt.


Mùa đông đã lạnh, lạnh hồn hơn!


Lê Hoàng Long


 

MỚI CẬP NHẬT