Thursday, March 28, 2024

Tản Mạn Thơ Văn

 


Lê Hoàng Long


 


Chúng tôi xin đa tạ sự đóng góp của quý vị độc giả khắp nơi. Vườn hoa văn nghệ sẽ khởi sắc với muôn mầu, muôn vẻ nhờ những áng thơ của quý vị với tiết tấu truyền cảm và những văn thể đanh thép, cương cường, ngọt ngào, lãng mạn, trữ tình, châm biếm, dí dỏm, khôi hài, v.v.


Ðể đóng góp, xin quý vị gởi về emails dưới đây:


[email protected]hay [email protected]


Khi đóng góp, xin đề “Mục Tản Mạn Thơ Văn”


***


Dưới đây là một số bài thơ quý vị độc giả đóng góp:


Chẳng ai có thể quên thảm cảnh cố đô vào dịp Tết Mậu Thân, 1968. Nỗi đau buồn không chỉ lưu lại trong lòng người dân Huế mả cả trong lòng dân tộc. Ðó là hành động man dại chế độ Cộng Sản gây ra vào giờ phút linh thiên cổ truyền của dân tộc Việt Nam.


Thủ phạm cuộc thảm sát chính là những kẻ trí thức nằm vùng. Hậu quả là dân tộc đau khổ triền miên cho tới bây giờ!


Ðiều quan trọng là thảm cảnh phải được nhắc nhở hàng năm để thể hệ kế tiếp nơi tha phương không sao lãng.


 


Huế Tang Thương


 


Mậu Thân, biến cố cảnh tang thương.


Nhớ lại lòng vương nỗi đoạn trường.


Thảm sát dân lành trên xứ Huế.


Mồ chôn tập thể ngập đầy xương!


Vô lương lũ Cộng say tàn sát.


Máu đỏ da vàng chẳng tiếc thương!


Oán hận ngàn đời ghi sử sách.


Hàng năm tưởng niệm chốn tha phương.


Huế Mậu Thân: Nén Hương Lòng Tưởng Niệm


Hồng Lĩnh


 


Kính thưa quý vị,


Kính thưa quý thân hữu, quý chiến hữu cùng quý niên trưởng


Tuy đã 40 năm rồi, mặc dầu thời gian là thần dược cho lãng quên nhưng cứ mỗi độ Xuân về hình ảnh tang thương của Huế Mậu Thân 68 cứ khơi dòng lệ. Mùa Xuân năm ấy Cộng Sản Việt Nam đã vi phạm thỏa ước hưu chiến do chúng đề nghị để tàn sát dân cố đô trong các ngày trọng đại và thiêng liêng nhất của dân tộc.


Thế kẹt quân sự của Cộng Sản Việt Nam. Trong khoảng thời gian 1966-1967, Cộng Sản Việt Nam tuy đã thí rất nhiều thanh niên miền Bắc với khẩu hiệu “sinh Bắc tử Nam” nhưng tất cả đã tan tành trên các mặt trận do liên quân Mỹ-Việt nện cho. Vì lý do ấy, Võ Nguyên Giáp đành tạm thời ngưng lưu động chiến và trận địa chiến, rút quân qua Cambodia hay vào rừng sâu núi thẳm của dãy Trường Sơn.


Trước thế bí và sa lầy của ván bài quân sự xâm lăng từ Bắc vào Nam, vào đầu Xuân Mậu Thân 68 Võ Nguyên Giáp đã thí một cách vô tội vạ 70,000 Bắc quân (1) đem chiến tranh về thành phố. Giáp liều mạng đem quân đánh sâu vào các đô thị miền Nam. Không biết Giáp đã nhắm mục tiêu gì cho cuộc thí quân mang một hợp từ rùng rợn “Tổng công kích-Tổng khởi nghiã”?


Mục tiêu chính trị thay cho giải pháp quân sự (2). Trước sức mạnh quân sự của liên quân Mỹ-Việt và tinh thần chống cộng của nhân miền Nam, Giáp rơi vào thế sa lầy và tìm lối thoát bằng cách đặt đối thủ vào thế yếu chính trị. Giáp khai triển phong trào phản chiến tại Mỹ bằng cách tạo cú sốc tâm lý làm nản lòng dân Mỹ trong việc ủng hộ quân dân VNCH chiến đấu bảo vệ tự do.


Giáp triển khai hai chiến lược (3). Chiến lược số một đánh vào dư luận quần chúng Việt Nam bằng cách tung một lúc các đoàn quân cảm tử chiếm 35 thành phố trong một thời gian cần thiết, tạo ra một cuộc sát hại đẫm máu tất cả những ai chống lại Cộng Sản Việt Nam. Từ các chiến khu xa xôi trong rừng thẳm, quân cảm tử của Giáp phải chia ra từng nhóm nhỏ để tránh khỏi bị lộ trên đường di chuyển về các thành phố. Do đó số quân vào tới các thành phố không nhiều lắm với mơ hồ muốn đảo ngược tình thế quân sự lúc ấy. Một cán binh chết còn để lại trong túi bài thơ “Ngóng chờ đại quân như trông giòng sữa mẹ.” Chúng cố gắng tung nhiều lực lượng vào hai điểm chính: Sài Gòn và Huế. Mặc dầu bị bất ngờ nhưng Quân lực VNCH đã phản công nhanh chóng trên toàn quốc nên chỉ có Huế bị chúng chiếm tới 26 ngày. Cái mà Cộng Sản Việt Nam muốn tạo ra đã không xảy ra nơi dân chúng miền Nam: một cuộc nổi dậy như chúng mơ ước. Chiến lược số hai nhằm làm xúc động và nản lòng quần chúng Mỹ bằng cách tấn công vào Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Sài Gòn. Giáp muốn chứng tỏ cho dân chúng Mỹ biết là Cộng Sản Việt Nam có khả năng tiến chiếm bất cứ một thành phố nào tuy vào thời điểm 1968 Mỹ có 536,000 quân tham chiến, và VNCH (4) có 820,000 quân. Ba nhân chứng trong cuộc của phe Cộng Sản Việt Nam đánh giá hai chiến lược này của Giáp như sau:


Trung Tướng Trần Ðộ (5) chỉ huy chiến dịch Tổng công kích-Tổng khởi nghiã có phát biểu: “Với tất cả sự thật, chúng tôi không đạt được mục tiêu chính là tạo ra cuộc nổi dậy tại miền Nam. Tuy thế, chúng tôi đã gây nhiều mất mát nặng nề cho Mỹ và ‘bù nhìn’ và là một thành công to lớn. Về phần tạo một chấn động tại Mỹ, không phải chủ tâm của chúng tôi, nhưng là một thành công vĩ đại.”


Bác Sĩ Dương Quỳnh Hoa (6) đã tuyên bố tại Sài Gòn vào năm 1981: “Chúng tôi đã mất hầu hết những phần tử ưu tú nhất của chúng tôi, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.”


Thượng Tướng Trần Văn Trà (7) trong báo Quân sử phát hành năm 1982 tại Hà Nội viết: “…Chúng tôi không đánh giá đúng mức tương quan lực lượng của chúng tôi và của địch. Chúng tôi biết địch còn nhiều khả năng kinh khủng và khả năng của chúng tôi rất giới hạn.”


Giáp đã khai triển hai chiến thuật bội ước và nghi binh để tạo bất ngờ cho liên quân Việt-Mỹ (8). Bội ước thỏa ước hưu chiến. Cộng Sản Việt Nam tấn công vào thời điểm hưu chiến do chính chúng đề nghị vào những ngày thiêng liêng nhất của dân tộc. Ðối với chúng, cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nghi binh. Vào ngày 21 Tháng giêng (9), Cộng sản Việt Nam đánh nghi binh vào căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại Khe Sanh với chủ ý để liên quân Việt-Mỹ rút quân về bố trí gần Khe Sanh và bỏ trống các thành phố, nhất là Huế và Sài Gòn. Thật thế, để tăng cường cho Khe Sanh, Tướng Westmoreland đã điều động hai lữ đoàn của Sư Ðoàn Kỵ Binh Không Vận từ Cao Nguyên và Sư Ðoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến từ Huế tới gần Khe Sanh (10). Sự chuyển quân ấy làm yếu phòng thủ cố đô Huế. Hơn nữa, vào những giờ đầu phản công, VNCH tham chiến chỉ có 1/2 tổng số quân, nửa kia đang nghỉ phép ăn tết tại gia đình, còn phía quân Mỹ tuy đang có mặt tại chỗ nhưng chỉ tham chiến vài giờ sau đó. Cho nên ta không ngạc nhiên khi thấy chỉ có Huế bị cộng quân chiếm giữ lâu như thế.


Bất ngờ đến đâu? Liên quân Việt-Mỹ thực ra không hoàn toàn bị bất ngờ. Do tin tức cung cấp của số tù binh CS bắt được trước đó và do tình báo riêng, ta đã biết địch sẽ đánh lớn nhưng không ngờ chúng sẽ đánh vào dịp Tết và không rõ sẽ đánh những điểm nào. Cần ghi nhận ba sự kiện:


Một là cảnh giác cao độ của tình báo Mỹ tại Sài Gòn. Tình hình Khe Sanh và Huế không đáng ngại nên phía VNCH cho các quân nhân về phép ăn Tết rất đông. Nhưng trước đó ít lâu, viên tướng tư lệnh Mỹ đảm trách bảo vệ Sài Gòn, sau khi phân tích tình hình chung, đã phát giác có một sự kiện bất thường có vẻ giống tình hình của mùa Ðông năm 44 trước khi Hitler phản công vào dịp Giáng Sinh tại Ardennes. Các hoạt động bên ngoài của cộng quân xem ra không ăn khớp với nhau. Từ đó ông linh cảm là cộng quân sắp làm một chuyện gì lớn. Tướng Westmoreland chấp nhận phán đoán của tướng trách nhiệm bảo vệ Sài Gòn và điều động ngay 15 tiểu đoàn chiến đấu từ biên giới Miên-Việt về chung quanh Sài Gòn vào giờ phút chót. Ông cũng điện về Washington (11) cho hay có nhiều dấu hiệu cho thấy cộng quân sẽ mở nhiều cuộc tấn công cấp trung đoàn vào dịp Tết tại khu vực Huế. Nhưng không hiểu vì lý do gì Huế đã không được báo động đúng mức.


Trong khi đó tại Huế, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh đã ra lệnh cho Trung Ðoàn 3 ra khỏi thành nội Huế tảo thanh, do đó Thành nội bị bỏ trống, chỉ còn lại đại đội Hắc Báo. Tại Ðàn Nam Giao có thêm Ðại Ðội I Trinh Sát của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh.


Cộng Sản Việt Nam tổ chức đánh Huế: Cộng Sản Việt Nam đã quyết định đánh Huế từ tháng 7 năm 1967. Ðể đánh Huế, Cộng sản Việt Nam đã đặt riêng một bộ tư lệnh chỉ huy chiến dịch, dùng tới hai trung đoàn bộ binh và các đặc công thành đội làm chủ công và hai trung đoàn bộ binh khác làm chi viện. Hai trung đoàn chủ công là Ðoàn 5 do Nguyễn Vạn làm thủ trưởng, và Ðoàn 6 do Trung Tá Nguyễn Trọng Dần làm thủ trưởng. Hai trung đoàn chi viện là Ðoàn 9, hay Trung Ðoàn Cù Chính Lan cũ, do Trung Tá Di chỉ huy. Còn Ðoàn 8, hậu thân của Trung Ðoàn Sông Lô, mãi vào phút chót mới tham dự tấn công. Chúng tới Huế vào khoảng 30 tháng 1, 1968 qua các ngã Mộc Năng và Ðình Môn, La Chữ, Cối Kê (chi viện). Tổng cộng có tới 7,500 tên địch lọt vào thành phố Huế cộng với đặc công thành đội (12).


Cố đô trong biến cố: Sau khi 7,500 quân Cộng Sản Việt Nam đã lọt vào thành phố Huế, Cộng Sản Việt Nam tự do đi lại và hành động trong các khu phố suốt từ mồng hai (31 tháng 1, 1968) đến mồng bốn Tết (2 tháng 2, 1968) mà không gặp một phản ứng nào từ phía quân lực VNCH.


Trong các ngày tự do hành động, chúng lập Mặt Trận Liên Minh Dân Chủ và Hòa Bình do Giáo Sư Lê Văn Hảo làm chủ tịch. Ông này đã trở về sau khi trốn khỏi thành phố Huế ngày 28 tháng 1, 1968. Một số sinh viên và dân chúng từng thuộc thành phần Phật giáo đấu tranh và Hội Ðồng Cứu Quốc mấy năm trước tham gia vào tổ chức này. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Ðắc Xuân cũng tham gia phong trào của Giáo sư Hảo. Ðịch làm chủ thành phố ngay từ đêm mồng một tết (30 tháng 1, 1968). Chúng dùng thời gian nầy để kiểm tra dân trong thành phố.


Ðầu tiên chúng vào từng nhà gọi tất cả ra tập hợp và phân loại. Công chức, quân nhân, cảnh sát bên Tả ngạn bị chúng bắt đi mất tích, còn bên Hữu ngạn bị nhốt tại toà Ðại biểu chính phủ một đêm sau cho về. Tất cả dân chúng thành phố bị đoàn thể hóa và tất cả máy thu thanh bị tịch thâu.


Kế đến chúng kêu gọi tất cả công chức, quân nhân, cảnh sát còn đâu đó phải ra trình diện nạp vũ khí. Ai ra trình diện được chúng phát cho một thẻ và cho về. Nếu không ra bắt được sẽ bị hành quyết ngay.


Sau đấy chúng bắt đầu giết và khủng bố. Sau hai ngày của giai đoạn hai, chúng đi từng nhà gọi cán bộ quốc gia và đồng bào đi học tập. Tất cả thành phần công chức, cảnh sát, quân nhân và dân chúng có tinh thần quốc gia bị chúng thủ tiêu trong lúc “học tập.” Ngoài ra còn một số dân không thấy trở về nữa. Chính họ phải tự đào lấy hố chôn mình. Ðêm đến người bị giết hay bị trói, rồi bị xô xuống hố (13). Rải rác tại các nơi như trường trung học Gia Hội, chùa Tăng Quang Tự, Bãi Dâu (30 hầm), Lăng Tự Ðức (20 hầm). Sau ngày quân lực VNCH và Mỹ giải phóng Huế, những xác đào lên cho thấy những đồng bào bạc phước ấy bị giết một cách vô cùng dã man như bị chặt đầu, chặt tay trước khi chôn, hoặc bị chôn sống trói từng cụm từ 10 tới 15 người rồi bị xô xuống lấp đất. Trong thời gian này, có ba người Ðức là hai Giáo sư Bác sĩ Raimund Discher và Alois Alterkoster cùng với bà Hort Gunther Krainich bị bắt sáng 31 tháng 1, 1968 và sau đấy cũng bị chôn sống (14). Họ đến Việt Nam giảng dạy y khoa trong chương trình thân hữu. Mãi tới tháng 4, 1968 mới tìm ra hầm chôn các bác sĩ và bà Krainich. Sự thảm sát nầy đã làm cho cả thế giới công phẫn và chấn động. Ông Trần Ðình Phương, phó thị trưởng Huế, bị hạ sát ngay trước nhà. Thiếu Tá Trần Hữu Bào, phó nội an, Thiếu Tá Bửu Thạnh, ủy viên toà án, bị giết không tìm ra xác. Ông Nguyễn Khoa Hoàng, chánh án tòa thượng thẩm Huế, cùng con trai lớn cũng bị bắt và giết. Trước khi được đội cảm tử Hắc Báo giải cứu, đã có nhiều bác sĩ, y tá và các thương bệnh binh bị sát hại trong bệnh xá sư đoàn ở Mang Cá. Xác của họ nằm ngổn ngang chất đống trên giường, dưới đất, tràn lan khắp nơi từ các phòng ra tới sân. Xác chết tan hoang đầy nhát chém và lỗ đạn. Máu me chảy từng dòng. Từ người tàn tật không vũ khí tới kẻ làm việc nhân đạo với các dụng cụ y khoa đang nắm chặt trong tay, tất cả đều bị sát hại một cách tàn nhẫn không gớm tay.


Số nạn nhân bị giết, theo ông Douglas Pike, trong cuốn: The Viet Cong Strategy of Terror, có tới trên 7500 người (15). Sau cơn sát hại, giải khăn sô bao trùm xứ Huế. Báo chí các nước lên tiếng về cuộc thảm sát qua ký giả Stewart Harris của báo Times tại Luân Ðôn cực lực phản đối ở trang đầu với hàng chữ lớn nhan đề “Chính sách hành quyết tập thể tại Huế.” Ký giả Yves Gautron của báo Minute viết: “Không thể tha thứ đuợc hành vi man rợ của Cộng sản Việt Nam đã sát hại những dân vô tội tại Huế.” Thanh niên Pháp đã tổ chức một cuộc biểu tình tại công trường Ternes lên án các hành động dã man của Cộng sản Việt Nam ở Huế.


Những lời tuyên bố của một vài nhân vật chủ chốt từ phía Cộng sản Việt Nam. Hoàng Phủ Ngọc Tường (16) khi trả lời phỏng vấn trong bộ phim tài liệu dài 13 cuốn “Vietnam” của đài Television History đã khẳng định như sau: “Quân đội cách mạng phải làm như vậy để những phần tử có nợ máu với nhân dân không còn thực hiện được tội ác nữa.” Trung Tướng Trần Ðộ (17) chối bỏ những hình ảnh thảm khốc tại Huế và quan niệm rằng ai đó đã “chế” các hình ảnh và phim các xác chết.


Ðã 40 năm rồi, cho dù không còn VNCH nữa nhưng mảnh khăn sô cho xứ Huế vẫn còn. Cái tang ấy luôn mãi mãi trong tâm trí người Việt về một đầu Xuân đẫm máu. Người Việt sát hại người Việt vì một ý thức hệ ngoại lai. Ý thức hệ ấy đã tạo ra một lớp người man rợ, hết tình người và trở thành lang sói. Cộng Sản Việt Nam đã ngang nhiên gây đổ máu và tan hoang cho đồng bào trong những giây phút thiêng liêng nhất của dân tộc. Các nạn nhân xứ Huế của Xuân 68 đã phải vội ra đi khi chưa dứt tiếng cười trong ba ngày Tết. Chỉ những kẻ vong bản mới dám công khai làm thế! Một bài học đừng bao giờ quên về con người Cộng Sản Việt Nam.


(Tưởng niệm linh hồn anh cả HÐT bị Cộng Sản Việt Nam thảm sát tại Huế 1968)

MỚI CẬP NHẬT