Thursday, March 28, 2024

Tản mạn đầu năm về cuộc đời – Việt Nguyên


Việt Nguyên


 


LTS. Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa… do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.


 


Tết năm nay trời Houston đẹp, khí hậu như những ngày Tết ở Việt Nam, một thời tiết rất Nguyên Ðán với những đóa hoa hồng, hoa cúc và những cành đào nở trước nhà và trong các khu thương mại Việt Nam dọc theo đường Bellaire, Beechnut.


  Những khu thương mại VN có bộ mặt phồn thịnh ba ngày Tết, khu thương mại của một Houston luôn thay đổi, những con đường ở khu phố Bellaire thay cho những con đường trung tâm thành phố Milam, Travis các thập niên trước… Những bảng đường mang tên Việt Nam nay đã đi vào quá khứ. Những tiếng trống, những đoàn múa lân nay đổi về vùng Tây Nam thành phố. Khu thương mại Việt Nam vùng trung tâm thành phố nay vắng tiếng lân tiếng pháo những ngày Tết Nhâm Thìn.


Tết đến với những người trẻ tuổi là những náo nức, Tết với người già là những kỷ niệm. Tết với tôi năm nay bắt đầu ngày 25 Tháng Chạp, không bắt đầu từ ngày 23 đưa ông Táo về trời, tục lệ hai ông một bà tượng trưng cho chế độ mẫu hệ mấy nghìn năm trước, vợ chồng tôi theo các cụ Chu Văn An, Nguyễn Trân, Ngô Hữu Liễn, Trần Hạo đi thăm thầy theo truyền thống cũ. Các cụ học trò 60, 70 đi thăm ông thầy ngoài 90, Giáo Sư Ðào Văn Dương, thầy dạy toán các thế hệ thập niên 50, 60, 70 của Chu Văn An-Sài Gòn với cuốn sách toán cho học sinh trung học. Cái không khí Tết ngày xưa của những anh học trò Chu Văn An nghịch ngợm đã trở lại trong một đêm đến thăm thầy cũ. Những anh học trò già bỏ những cung cách chức tước để nói chuyện với nhau như những học sinh vô tư của thời còn cắp sách đến ngôi trường với những ông thầy nổi tiếng dạy hay nhưng hơi khó tính, nghiêm nghị, những ông “cụ” thầy giáo dạy trung học trẻ hơn chúng tôi bây giờ!


Ðêm đến thăm thầy Ðào Văn Dương, một kỷ niệm đẹp trở về trong ký ức tôi. 46 năm trước, năm đệ tam Chu Văn An, bọn học trò chúng tôi học toán với thầy Dương, một ông thầy nghiêm nghị tay cầm cặp, tay cầm điếu thuốc khi bước vào lớp học, giảng bài không cười không đùa, dạy xong ra luôn 3-4 bài toán về nhà làm không để cho bọn học sinh hay cúp cua trốn học như tôi có thì giờ thi thố các tài năng ngoài học đường! Ngày tất niên năm 1966 chúng tôi góp tiền mua một bó hoa tặng thầy. Ông trưởng lớp đại diện bước lên tặng thầy ngay trước khi thầy bắt đầu giảng bài. Ông nhận bó hoa không cười không cám ơn bước xuống lớp từ bục giảng trả lại bó hoa cho anh ngồi bàn đầu, phán một câu lạnh lùng: “Bọn chúng mày cố gắng học đi, đừng làm cái trò thô bỉ này!” Hơn 40 năm sau, thầy thay đổi, ngày trẻ là một ông Khổng, về già nói chuyện Phật, ngồi thiền, theo đúng “tam giáo đồng nguyên” tinh thần Ðông Phương, nói chuyện về cái đẹp về văn hóa Việt. Ngày ông mới qua Houston, ở nhà tôi, nhắc kỷ niệm về bó hoa ngày Tết, tôi hỏi: “Tại sao thầy khó tính quá!” Ông nói: “Ngày đi dạy nhiều khi mình đóng kịch anh ạ!” Hơn 40 năm sau, chúng tôi các học trò cũ đến thăm ông thầy già vào những chiều cuối năm với tình thầy trò, không kịch như ngày còn đi học!


Những ngày Tết ở hải ngoại rồi cũng qua nhanh. Tuổi già cũng như con ngựa già, vòng chạy của con ngựa càng ngày càng nhỏ và ngắn lại. Bạn bè vắng đi, vòng thăm cũng chỉ giới hạn trong gia đình và những bạn bè thân. Cái vòng mấy năm không đổi từ nhà lên chùa thăm các cụ thân sinh đến họp với các gia đình bạn, ba ngày Tết chỉ còn lại những câu chúc Tết và phong tục cũng thay đổi, từ những lời chúc Tết đầu năm bắt đầu từ giữa đêm giao thừa, nay những người Việt hải ngoại chúc Tết bắt đầu từ những ngày cuối năm từ các đài phát thanh, đài truyền hình Việt Nam, cho nên chúc Tết không còn trang trọng thiêng liêng như những năm tháng cũ. Phong tục thay đổi, không hiểu các cụ khó tính nghĩ gì nhỉ? Nhà thơ Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu có sống dậy thì chắc vẫn ngậm ngùi với “Bức dư đồ rách,” nhìn về Việt Nam với đất nước rách bị gậm nhấm như chuột gậm giấy không phải từ đảng viên của một Ðảng CS mà hai Ðảng. CSVN và CSTQ, xem tài sản của đất nước là tài sản riêng của đảng tha hồ khai thác vơ vét. Ung dung như cụ Nguyễn Du “Ngày Xuân con én đưa thoi” ngày Tết cũng không qua được cái cằn nhằn của cụ Tú Xương. Nghe mọi người chúc giàu, chúc sang, chúc đông con khiến cụ Tú bực mình nhưng “bồng bế nhau lên nó ở non” của cụ chắc không vì đẻ nhiều, nhân loại nhân mãn 7 tỷ người vẫn có chỗ, đổ về thành thị, không lên non, không về ở quê nhưng vì câu chúc Tết phổ thông “năm nay tiền vào như nước sông Ðà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin” câu chúc nghe hơi … keo kiệt. Nhiều nhà giàu như vậy, kinh tế không lưu thông, những người như Tú Xương sống nhờ vợ quanh năm buôn bán nuôi chồng làm sao sống qua thời kỳ kinh tế khó khăn này, họ chỉ có cách “bồng bế nhau lên nó ở non!”


“Xuân đến, Xuân đi…,” ba ngày Tết qua đi ngồi một mình ở vườn sau nhà ngắm các chậu cúc, chậu quất, tuổi già ngồi nghĩ lẩm cẩm như cụ Ðồ Chiểu “nước trong rửa ruột sạch trơn,” một câu danh lợi không màng đến để chỉ nghĩ đến cuốn sách cây viết như cụ quả khó trong thời đại này. Tuyệt nhất là câu nói của ông cụ đồ người Nhật Yoshida Kenko, nổi tiếng ở nước Nhật, nhưng không nổi tiếng trên thế giới, Ông Kenko đêm đọc sách yên tĩnh: “Không có gì sung sướng và hạnh phúc bằng ngồi một mình dưới bóng đèn với cuốn sách trải rộng trước mắt để cùng đàm luận với người xưa qua bao thế hệ trước!” Trong cái thế giới ồn ào, nói chuyện với sách cũng như được nói chuyện với một người hiểu mình, nói chuyện đủ thứ cà kê dê ngỗng về cuộc đời, và nhân sinh mà không cần giữ kẽ!” Yoshida Kenko (1283-1350) treo ấn từ quan, giống như cụ Nguyễn Công Trứ trong bài thơ “Lúc về già”: “Ngày nhàn vui chuyện với người xưa / lâng lâng rũ sạch niềm nhân ngã/ gẫm thú phồn hoa đáng thế chừa.”


Như các cụ theo đúng tinh thần Phương Ðông; về già Yoshida Kenko thành tu sĩ Phật giáo, sống ẩn dật, giúp nước Nhật kỹ nghệ giữ được bản sắc, giữ được “cái tĩnh trong cái động.” Tinh thần của Kenko là tinh thần thiền của người Nhật. Trong cái thế giới thiền “đói khát vì danh lợi là sống ngược với Phật pháp.” Cái đẹp thật sự của cuộc đời là sự vô định, không tiên đoán được. Ngày Tết, Yoshida Kenko hiểu lòng ham muốn của con người, muốn sống lâu trăm tuổi, nhưng không giống như cụ Tú Xương, ông chỉ nhắc nhở làm người ai cũng sẽ chết, nên xưa nay các bậc thánh hiền sống giản dị, không giàu có vì con người “sống vì danh, vì lợi, sống dằn vặt lúc nào cũng nghĩ đến danh dự hão sẽ không có được một giây phút bình an.” Người Nhật bị ảnh hưởng vì những bài luận của Kenko nên xã hội kỹ nghệ tiến bộ của họ ngày nay khác hẳn cái xã hội hài hòa của cộng sản Trung Hoa trong đó con người chạy theo đồng tiền như Li Ke nhà văn nổi tiếng hiện nay thú nhận “làm giàu là giấc mộng của người Trung Hoa.”


Sau thời kỳ của Ðặng Tiểu Bình “làm giàu là vinh quang” những cuốn sách như “Nhật ký làm giàu của những kẻ nghèo nhất Trung Hoa” bán trên 5 triệu cuốn đã làm xã hội Trung Hoa mất dần đạo lý. Trong xã hội ấy con người không giống như người Nhật của Yoshida Kenko, hiểu nhau “lắng nghe với sự kính trọng, nhưng vẫn có ý kiến bất đồng và tranh cãi.” Các xã hội cộng sản dựa trên sự suy nghĩ của quần chúng như quan điểm Osborne năm 1948, nhất trí đồng ý không xây dựng được xã hội hài hòa thật sự.Ngày Tết bâng khuâng với bức thư điện tử từ các bạn Hướng đạo cũ nhắc về những ngày còn trẻ, “ngày ấy ai cũng trẻ và vui chỉ có anh đóng vai già!” Tết năm nay nhìn lại thì quả thật tôi đã già và tuổi già chỉ loanh quanh lẩn quẩn với vài người bạn thân.


Ông Khổng Tử bảo: “Bạn, phải đủ 3 tiêu chuẩn; trung thành, thành tín và có kiến thức.” Phật thì dạy không chơi với “Si nhân” còn ông đồ Nhật Kenko thì khó tính hơn ông ấy bảo rằng có bảy loại người không nên kết bạn. Loại thứ nhất là những người có quyền thế và chức vụ cao; loại thứ hai là người trẻ tuổi, vì họ nóng tính, có nhiều đam mê ham muốn; loại thứ ba là những người có sức mạnh; loại thứ tư là những người thích uống rượu; loại thứ năm là những người lính tráng quan quyền; loại thứ sáu là những người nói chuyện giả dối; loại thứ bảy là những người tham lam. Ngày Tết mà nghỉ đến những lời khuyên của Kenko thì… khó ăn Tết nhất là Kenko nhắc lời Phật dạy: “Kẻ nào chuốc rượu cho kẻ khác thì phải trải qua 500 kiếp tái sinh, khi sinh ra không có hai bàn tay!” Tư tưởng lớn Ðông và Tây gặp nhau không như nhà thơ Ruyard Kipling “Ðông là đông, Tây là tây, Ðông Tây không gặp nhau.” 300 năm sau Yoshida Kenko có Michel Montaigne. Tất cả trẻ Pháp và người Việt chịu ảnh hưởng văn hóa đều biết nhà văn viết tiểu luận của Pháp, viết luận văn chương nổi tiếng thế giới khác với Kenko chỉ có người Nhật biết. Cuộc đời của Montaigne đi tìm “cái ngã” để tìm câu hỏi “Ta là ai?” 38 tuổi ông treo ấn từ quan, vào lâu đài của gia đình gần tỉnh Bordeaux, đóng cửa không đi ra ngoài, làm bạn với 3.000 cuốn sách để viết các bài tiểu luận (essais). Trong hơn 20 năm tự giam trong lâu đài ông viết hơn nghìn trang sách, nổi tiếng nhất là những bài bàn về cuộc đời và cái chết. Nửa cuộc đời sau năm 1580 Montaigne rời lâu đài, đi du lịch, đi để nhìn cuộc đời như Lão Tử. Sống một mình đối thoại với sách vở, với người xưa Hy Lạp và La Mã cuối cùng ông tìm thấy con người thật của mình.


Thế kỷ thứ 16, Âu Châu bị ảnh hưởng của Michel Montaigne về tình người, văn chương, triết lý và lối sống, đến cuối thế kỷ 20 Âu Châu và nhân loại phải mang ơn một người Ðông Âu, ông Vaclav Havel. Cuối năm 2011, nhân loại mất đi một người đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, đánh đổ cộng sản Xô Viết và Ðông Âu qua Cách Mạng Nhung năm 1989. Người sáng lập khối 77 đã ảnh hưởng đến các phong trào ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam qua khối 8406. Cuộc cách mạng thành công nhờ sức mạnh của những người không vũ lực, cuộc đấu tranh bất bạo động và lối sống của ông Havel đã đặt ông vào hàng ngũ những người tranh đấu bất bạo động thành công trong lịch sử thê giới như Nelson Mandela (Nam Phi) Martin Luther King Jr (Hoa Kỳ) thánh Gandhi (Ấn Ðộ). Trong thời kỳ tranh đấu, ông Vaclav Havel đã sống vì hy vọng, cái hy vọng “sự thật và tình thương” sẽ thắng sự dối trá và lòng hận thù của chế độ CS. Hy vọng được ông Havel định nghĩa: “Hy vọng không phải là kết quả thành công như ý muốn nhưng là sự cương quyết có nghĩa lý nhất định sẽ đi đến cùng dù rằng kết quả sẽ xảy ra như thế nào đi nữa.” Chính cuộc đời của Vaclav Havel đã làm cách mạng Ðông Âu thành công. Trong suốt cuộc đời ông Havel sống với niềm tin “nếu bạn muốn điều gì xảy ra thì bạn phải làm cho bằng được để điều ấy thành sự thật và không nghĩ đến những hậu quả sẽ xảy ra kể cả bắt bớ, tù đày hay chết” ông Havel đẩy mạnh cái biên giới của sự “có thể,” tạo ra những điều kiện để những người tranh đấu tiếp tục đi sau ông và ông nhấn mạnh là: “Anh phải hành động chứ không mưu cầu một điều gì cho mình, hành động vì việc phải, việc đúng cần phải làm” đó là điều giản dị mà Havel gọi là: “Sống với sự thật.” Sự thật và tình thương là châm ngôn của khối 77, nhưng sự thật vẫn không đủ, nó cần một người bảo đảm, người đó đứng sau sự thật mà không cầu lợi, không cầu danh. Cái thế giới của Havel có hơi thiên về tôn giáo trong đó “Tình yêu không cầu cho mình, mọi việc cho người khác” nhưng nhờ vậy mà cách mạng Ðông Âu 1989 thành công. Cuộc cách mạng Nhung với nhà lãnh đạo Havel cho thế giới thấy ông hành động như ông đã hô hào. Khi cách mạng thành công ở Ðông Âu, cộng sản sụp đổ không đổ máu, không có nạn trả thù ở Ðông Âu và Nga, người ta nhớ đến khả năng tha thứ của ông Havel. Cách mạng thành công xong, Ông Havel chủ trương tha thứ những người cộng sản trừ những kẻ cầm đầu gây tội. Như lời dạy của Chúa: “Yêu kẻ thù,” ông Havel nghĩ tha thứ là phương pháp duy nhất để phá vỡ cái vòng lẩn quẩn, cái ác nghiệp giữa “hận thù và phục thù.” Ông tha thứ những người đã làm hại ông và đất nước của ông trong chế độ cộng sản đã lột hết tất cả nhân phẩm và tư cách con người. Nhờ ông Havel mà Ðông Âu không có tù cải tạo, trại tập trung, cướp tài sản đẩy người đi vùng kinh tế mới như Việt Nam sau năm 1975 hay mồ chôn tập thể Tết Mậu Thân ở Huế năm 1968.


Một cái Tết đã qua, một mùa Xuân chưa đến, Houston vẫn còn ở trong mùa Ðông. Một cái Tết đã qua, một cái Tết vắng tiếng pháo của hàng xóm vào đêm giao thừa và lại một mùa Xuân với những lời nhạc của nhạc sĩ Nhật Ngân: “Xuân này con không về…” văng vẳng bên tai.


8 tháng 2, 2012

MỚI CẬP NHẬT