Thursday, April 18, 2024

Thật khó trả lời – Lê Phan

 

Lê Phan 

Ngay ngày đầu năm tôi nhận được một email của một đồng nghiệp. Sau nhiều năm đi lang thang các nơi trên thế giới, anh lại được đưa trở về làm phóng viên Ðông Nam Á. Bức email thật dài, mang tâm sự của một nhà báo đã hơn 10 năm nay mới trở lại Ðông Nam Á mà anh bảo có những điều thay đổi đến ngạc nhiên nhưng có những sự vẫn như cũ.

“Bạn còn nhớ không,” anh viết “hồi đó chúng mình phải ‘lén’ vào Miến Ðiện với visa du khách mặc dầu ai cũng biết SLORC nhẵn mặt đám nhà báo chúng mình ở Bangkok. Giờ đây thì khác hẳn, mặc dầu vẫn vào với visa du lịch, chính quyền ‘dân sự’ mới đã sẵn sàng giúp đỡ. Ðiều ngạc nhiên nhất là con đường đi vào nhà Daw Suu Kyi (Anh dùng lối xưng hô kính nể của người Miến). Hồi đó con đường đầy ổ gà, với một nút chặn lớn ngay đầu đường. Ngôi nhà bên hồ ẩn hiện trong lùm cây điêu tàn cũ kỹ. Xe taxi chỉ dám chạy qua, không dám chần chờ trước cửa. Ngày nay con đường đã được sửa sang lại. Ngôi nhà đã được sơn phết lại và xe cộ ra vào tấp nập.” Anh vẫn tỏ ra nghi ngờ về thực sự chuyện gì sẽ xảy ra cho Miến Ðiện nhưng kết luận “Cũng chỉ biết chúc họ may mắn. Dân tộc bất hạnh đó đáng được hưởng một chút hạnh phúc.”

Nhớ lại hồi năm 1999 khi chúng tôi còn chạy lựu đạn cay của cảnh sát công an Indonesia trong những ngày tháng ngay trước khi ông Habibie bị Quốc Hội bất tín nhiệm, anh viết “Indonesia thay đổi nhiều hơn là tôi tưởng. Ở xa, tuy vẫn để mắt đến nhưng tôi không ngờ Indonesia ngày nay khác xưa rất nhiều. Thật nực cười nhưng quả là nền dân chủ Indonesia đã trưởng thành. Dĩ nhiên có nhiều điều vẫn như cũ, tham nhũng cộng với cái tính xuề xòa cố hữu khiến mọi sự ở một khía cạnh nào đó vẫn chẳng có bao nhiêu thay đổi.”

Ðột nhiên đến đó anh viết tiếp “Nhưng thật ra tôi viết cho bạn chính là để hỏi về Việt Nam.” Anh công nhận Việt Nam thay đổi rất nhiều, ít nhất là về bề ngoài. Lần cuối chúng tôi còn ngồi ghế thấp, ăn bún chả, và cả Hà Nội có mỗi một tiệm icecream thì quả là đã có quá nhiều thay đổi.

“Xin lỗi hỏi thẳng nhưng chuyện gì đã xảy ra cho Việt Nam,” anh viết. “Hồi cuối thế kỷ trước, Việt Nam là con cưng của các nhà đầu tư, Việt Nam là con rồng con tương lai và Việt Nam ‘can do no wrong’. Giờ đây các nhà đầu tư ở Singapore, Tokyo, Seoul, Ðài Bắc và ngay cả đến Bangkok cũng lắc đầu bảo Việt Nam nhức đầu lắm. Khi tôi hỏi Broadfoot (ông giám đốc công ty tư vấn kinh doanh PERC ở Hồng Kông) thì hắn bảo Việt Nam là chuyện cũ rồi.”

Chưa hết, anh còn thắc mắc “Trong những năm của thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, khi tiền đổ vào Việt Nam như nước, tại sao chính quyền không học được bài học của các quốc gia Ðông Á sau cuộc khủng hoảng năm 1997, lo để dành tiền để có một dự trữ ngoại tệ khả dĩ có thể đối phó khi hoạn nạn?”

Anh cũng thắc mắc về thái độ của chính quyền với Trung Quốc. Anh viết “Tôi có cái cảm tưởng là chính quyền đang có một chính sách hai mặt: Một bên thì tìm đủ mọi cách để tăng cường chống lại Trung Quốc, nhưng một bên thì lại cũng tìm đủ mọi cách để chiều lòng Bắc Kinh. Phải chăng tôi lầm?”

Và sau cùng anh viết “Còn một việc nữa tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu đó là tại sao các lãnh tụ của Việt Nam cứ về hưu là trở thành đối lập. Sở dĩ tôi thắc mắc là vì một người bạn ở Hà Nội gửi cho tôi bản dịch cuộc phỏng vấn với Tướng Lê Ðức Anh về giáo dục trong đó ông tướng thay vì nói chuyện giáo dục chỉ lớn tiếng chỉ trích chính đảng của mình và chế độ của mình. Tôi còn nhớ hồi đó hình như ông Võ Văn Kiệt cũng trở thành một thứ ‘đối lập’ thì phải?”

Ngẫm nghĩ vài ngày tôi viết email trả lời. “Thú thật với anh có nhiều điều tôi quả cũng không biết nói sao nhưng cũng cố giải thích.”

Về đầu tư, Việt Nam sở dĩ bây giờ không còn là con cưng của các nhà đầu tư quốc tế nữa chính là vì họ đã đụng phải quá nhiều vấn đề. Một trong những than phiền đầu tiên họ đưa ra là Việt Nam không nhất quán về luật lệ và luôn thay đổi hay đúng hơn là thay đổi luật lệ một cách rất tùy tiện. Hơn thế, như một ông doanh gia người Úc mà tôi gặp đã ví von: ‘Việt Nam như một củ hành, càng bóc càng cay, càng vào sâu càng khóc nhiều!’ Ấy là chưa kể hệ thống giáo dục khiến Việt Nam rất thiếu chuyên viên cũng như thợ chuyên môn. Intel khi bắt đầu tuyển nhân viên cho cơ sở đầu tư một tỷ đô la của họ, đã sững sờ khi thấy là hai trường đại học kỹ thuật tốt nhất của Việt Nam không cung cấp đủ cho họ số kỹ sư họ cần.

Về vấn đề dự trữ ngoại tệ thì vấn đề có lẽ là vì chính phủ Việt Nam đã không bị ảnh hưởng bao nhiêu của cuộc khủng hoảng tài chánh Ðông Á năm 1997 nên đã không học được bài học cay đắng của Thái Lan và các nước trong vùng. Chính vì vậy họ đã sống trong một ảo tưởng là đồng tiền đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào vĩnh viễn. Họ cũng đã đi vào vết xe đổ của nhiều quốc gia mà ngày nay đang sống dở chết dở ở Âu Châu này. Cũng như Hy Lạp, Cộng Hòa Ireland, tiền bạc đổ vào nhiều quá làm họ tưởng là nó sẽ không bao giờ hết. Ở một khía cạnh nào đó, tài chánh của họ là một hình thức Ponzi, mà người Việt gọi là ‘lấy ngắn nuôi dài’.

Về vấn đề với Trung Quốc thì cái mà anh thấy là chính sách hai bộ mặt đó có lẽ phản ảnh một sự chia rẽ trong nội bộ giới cầm quyền. Sự tranh cãi quanh quẩn vẫn là ở vấn đề giữa đi với Mỹ thì bảo vệ được đất nước nhưng có thể mất đảng, còn đi với Bắc Kinh thì có thể mất nước nhưng bảo vệ được đảng.

Riêng câu hỏi cuối cùng của anh tôi quả thật không có câu trả lời. Hiện tượng đó tôi đã thấy lâu rồi. Từ hồi còn sống ở Sài Gòn, chúng tôi đã thấy là các ông cựu chính là những ông hăng hái chỉ trích nhất. Chính tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông Ðại Tướng Lê Ðức Anh dám nói “Việc chúng ta năm nào cũng nói đến việc thắng pháp, mỹ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thì có đúng không? Theo tôi là chưa đúng. Pháp, Mỹ đều là các siêu cường cả về khoa học, kỹ thuật, quân sự đến Liên Xô thắng được phát xít Ðức cũng phải nể. Thời điểm đó, mình thắng Mỹ làm sao được, mình là một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa có vũ khí gì hết, không làm ra được 1 chiếc ô tô, xe máy. Ðó là chúng ta bảo vệ được độc lập và Pháp, Mỹ phải rút quân. Sự thực như thế nào nói như thế, không được nói dối.”

Anh bạn tôi đã viết trả lời “Dầu sao chăng nữa các lãnh tụ của Việt Nam như vậy là những người thật vô trách nhiệm. Khi cầm quyền họ không lo giải quyết vấn đề. Khi rời khỏi quyền lực họ ngồi chỉ trích. Vậy làm sao khá được!”

Thật khó trả lời lắm thay.

 

MỚI CẬP NHẬT