Wednesday, April 24, 2024

Thoại kịch, một đóng góp tài năng, trí tuệ khác của Vũ Khắc Khoan (kỳ cuối)


Du Tử Lê


 


Nếu sức nặng của tư tưởng được nhà văn Vũ Khắc Khoan đặt trên đôi vai của từng con chữ trong cõi-giới truyện ngắn của ông thì khi bước qua lãnh vực kịch, sức nặng đó lại được đặt trên từng đối thoại giữa các nhân vật.



Hình Gió O


Vì căn bản của một vở kịch thoại kịch là lời nói. Nên, chỉ bằng vào đối thoại, người nghe/xem mới thấy được tâm trạng mỗi nhân vật. Thoại kịch “Thành Cát Tư Hãn” (TCTH), của họ Vũ là một điển hình, và cũng là một viên ngọc thuộc trong kho tàng kịch nói Việt Nam.


Do đấy, nhắc tới kịch Vũ Khắc Khoan, chính là nhắc tới một thành tựu khác của tài năng và trí tuệ của nhà văn ngoại khổ này.


Ngược thời gian ta thấy, không phải mãi sau này mà họ Vũ đã rất sớm đạt được vinh quang trong lãnh vực kịch. Cách đây hơn sáu thập niên, cụ thể là năm 1949, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, vở “Giao Thừa” của ông được chọn để công diễn. Ở thời điểm đó, một vở kịch được Nhà Hát Lớn Hà Nội chọn để trình diễn là niềm mơ ước của hầu hết các kịch tác gia. Ðó là tấm bằng xác nhận tài năng, tựa như “cá vượt vũ môn” vậy.


Thoại kịch hay bi kịch “Thành Cát Tư Hãn” (3) của nhà văn Vũ Khắc Khoan viết về (dựng lại) một giai đoạn của Ðại đế Thành Cát Tư Hãn, nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi của người Mông Cổ.


Trong vở “Thành Cát Tư Hãn” (TCTH), kẻ reo rắc kinh hoàng cho rất nhiều quốc gia từ ?ông qua Tây, được tác giả chọn danh hiệu “Ðại Hãn,” rút từ cụm từ “Ðại Ðế Thành Cát Tư Hãn,” suốt chiều dài kịch bản. (4)


Theo ghi chú của tác giả trong “Màn giáo đầu” thì thời gian là tiền bán thế kỷ thứ XII. Không gian là một quán nhỏ “…ở thượng lưu sông Hoàng Hà, nơi ngã ba biên giới Tây Hạ và những con đường sa mạc mênh mang, quán tạm trú của khách bốn phương dừng chân sửa soạn những cuộc viễn hành”. Từ cái quán heo hút, chơ vơ này, không gian kịch không chỉ mở rộng tới bản doanh của Ðại Hãn mà nó còn phóng chiếu tới những không gian bạt ngàn. Nơi vó ngựa đại quân Mông Cổ của Ðại Hãn từng đi qua như những cơn lốc, những tai họa lớn. Hàng ngàn, hàng vạn con người, như cỏ dưới vó ngựa của quân sĩ Ðại Hãn. Từ điểm khởi vô danh, một quán bên đường, như một hạt bụi vô nghĩa, rớt sau vó ngựa Ðại Hãn, là điểm gặp gỡ của 4 nhân vật: Chủ quán và ba người viễn khách. Tất cả đều vô danh. Như sự vô danh, không mặt mũi của đám đông quần chúng sâu bọ bị thống trị!


Những hỏi, đáp dè dặt, phản ảnh tâm lý đám đông. Lớp người phập phồng sống trong bầu không khí khủng bố, giết tróc bởi quyền lực thống trị mù lòa. Nhưng cũng qua những mẫu đối thoại có tính dò xét… “quan điểm,” “lập trường” của đối nhân, những kẻ bị trị sẽ mau chóng nhận ra thù/bạn.


Vì thế, trước khi diễn biến kịch tiến tới tâm bão, là sự chiếm ngự sân khấu của Ðại Hãn, “Thượng đế trên vó ngựa”, họ Vũ cho thấy ông nắm vững phản ứng tiêu cực của đám người bị trị là thích nói, nghe những tin đồn liên quan tới kẻ thù của họ. Trong “Thành Cát Tư Hãn” của Vũ Khắc Khoan, là những tin đồn về cái chết của Ðại Hãn. Trả lời câu hỏi ai giết Ðại Hãn của ông chủ quán, người khách đầu tiên nói:


‘Cổ Tướng Quân, Cổ Giã Trường đâm chết Ðại Hãn.’


(Người viễn khách thứ hai hân hoan xác nhận):


“Ðúng đó. Toàn dân Tây Hạ nổi lên, vây chặt trại quân Mông Cổ ở ngoại ô Tây Hạ. Cổ Giã Trường một mình một ngựa vượt qua hàng ngàn mũi tên, hàng ngàn ngọn mác… Xông vào lều Thành Cát Tư Hãn, vung kiếm.”


(Nhưng, người viễn khách thứ ba, bất ngờ lại chuyển mơ ước, niềm tin về một nguồn gốc khác):


“Sao tôi lại nghe nói Giang Minh, Công chúa Tây Hạ, người yêu của Cổ Giã Trường, bị Ðại Hãn bắt vào lều của hắn. Giang Minh đã ám sát Thành Cát Tư Hãn?” (trích TCTH).


Những đối thoại mắt xích này bị khựng lại bởi sự xuất hiện của viễn khách thứ tư. Một thanh niên bị mù:


“Người thanh niên sờ soạng, đặt khăn gói và gậy xuống đất, rồi ngồi xuống. Ánh lửa hắt vào khuôn mặt hốc hác: vầng trán cao nhưng móp, đôi mắt chỉ còn là hai lỗ đen, sâu hoắm, miệng héo hắt, mỉa mai. Người thanh niên không đẹp nhưng khác thường.” (trích TCTH)


Chỉ với chừng đó mô tả, họ Vũ đã báo trước sự “khác thường” của nhân vật, cũng là nguồn dẫn tới tâm bão. Ðó là sự thuật lại một cách tỉ mỉ những đối thoại, cùng mọi diễn biến nơi căn lều của Ðại Hãn, ở ngoại thành kinh đô Tây Hạ.


Qua nhân vật thanh niên mù (sau này, người đọc/xem kịch sẽ nhận ra rằng, đó chính là Sơn Ca, em ruột Cổ Giã Tràng – Nhân vật phản diện, không hề xuất hiện trên sân khấu. Như bóng ma ám ảnh Ðại Hãn…). Ðồng thời, Sơn Ca, cùng công chúa Giang Minh, người yêu của Cổ Giã Tràng, cũng là hai nhân chứng về cái chết của Ðại Hãn.


Không gian kịch kể từ lúc này, không chỉ có một đỉnh điểm mà, như những đợt sóng lớn tiếp nhau nhấn chìm sân khấu bởi nhiều bất ngờ: Sự hiện ra của Ðại Hãn. Một bạo chúa. Người gồm thâu thiên thiên hạ. Kẻ thay thế thượng đế ban sống, chết hết thẩy mọi sinh linh! Tuy nhiên (vẫn qua đối thoại,) ở mặt khác, Vũ Khắc Khoan lại cho thấy: Bất cứ bạo chúa hay một kẻ độc tài nào, trên thực tế, đều không thủ đắc quyền lực vô hạn. Y vẫn bị giới hạn bởi một số khuyết tật… bẩm sinh ở mỗi con người. Cũng vậy, Ðại Hãn. Ông ta đã bị ít nhất hai giới hạn:


Trước nhất, là sự “không biết chữ” hay “không coi trọng chữ nghĩa” của kẻ bước lên đỉnh danh vọng bằng chém giết. Vì thế, rốt ráo, ông ta vẫn chỉ là một con vật, sống bằng bản năng. Bản năng sinh tồn:


“…À, mà ta cũng quên chưa nói, ta không biết chữ! Ðối với ta một cuốn sách quý là một cuốn sách trắng tinh, không chữ. Một cuốn sách yên lặng. Yên lặng và bát ngát như đêm nơi sa mạc. Yên lặng như một người đàn bà đẹp phục tòng…” (trích TCTH)



Thứ đến, dù nắm trong tay loại quyền lực gây run sợ cho cả người lẫn thú, nhưng là kẻ vô học nên, cũng có lúc bạo chúa bị mù lòa trước bản năng tính dục. Ðó là lúc bạo lực như bọt nước, tan chảy trước nhan sắc, một thứ “chiến lợi phẩm!” Tuy nhiên, oan nghiệt thay, “chiến lợi phẩm” nhan sắc ở đây, lại chính là nhan sắc của công chúa Giang Minh (Người yêu kẻ tử thù của Ðại Hãn). Và, cuối cùng, chính Giang Minh (không phải Cổ Giã Tràng đã kết liễu mạng sống của kẻ vô học, không nhân tính ấy.


Như đã nói, nhắc tới kịch Vũ Khắc Khoan, chính là nhắc tới một thành tựu khác của tài năng và trí tuệ của nhà văn ngoại khổ này. Ðồng thời, bất cứ vở kịch nào của ông, dù được viết cách đây hằng nửa thế kỷ, vẫn là những tấm gương soi rọi, phóng chiếu phần sâu kín nhất của con người. Luôn cả những phần chúng ta muốn lẩn tránh.


Du Tử Lê,


1 tháng, 2012


–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––-


Chú thích:


(3) “Thành Cát Tư Hãn,” Vũ Khắc Khoan, kịch nói, Quan Ðiểm xuất bản, Saigon, 1961.


(4) Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở (Wikipedia), Thành Cát Tư Hãn, có tên gọi là Thiết Mộc Chân, sinh năm 1162; mất ngày 18 tháng 8 năm 1227. Người sáng lập Ðế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Ðông Bắc Châu Á năm 1206. Tới nay, cái chết ông vẫn còn là một bí ẩn, chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

MỚI CẬP NHẬT