Tuesday, April 16, 2024

Thời gian tựa cánh chim bay…



Tạp ghi Quỳnh Giao

 

 

Không biết là tự bao giờ, mỗi khi bước vào một nơi chốn lạ hoặc một năm mới, con người ta cứ hay để ý đến cái điềm xấu tốt ở một vài chi tiết bâng quơ.

Tippi Hedren trong phim “The Birds” của Alfred Hitchcock.

Có thể là vì trong tiềm thức, loài người cảm nhận được những giới hạn của mình nên cố tìm ra dấu hiệu để suy đoán ra tương lai bất định trước mặt.

Một phản ứng rất phổ biến là khi cầm lấy tờ báo Xuân, người ta cứ hay liếc vào trang Tử Vi. Có lười lắm thì cũng nhìn xem ngày Tết mà xuất hành hướng nào là tốt nhất. Nghĩ cũng thật lạ! Nếu cả nhân loại mà cùng xuất hành về một hướng vào đêm Giao Thừa hoặc ngày đầu năm thì sẽ kẹt xe kẹt cộ đến thế nào!

Nhưng Tết Dương lịch vừa rồi, có một điềm lạ khiến người viết này không nhìn về phía trước mà lại ngó về sau lưng. Về tận nửa thế kỷ trước chứ không gần đâu! Cái điềm lạ này, có lẽ nhiều người không để ý, là không hiểu sao cả trăm con chim bỗng rơi rụng và chết hàng đàn.

Chẳng là thầy bói thầy tướng gì, Quỳnh Giao nghĩ đến Alfred Hitchcock, Tippi Hedren và phim “The Birds”!

Cuốn phim xuất hiện từ nửa thế kỷ trước, vào đến Sàigon với tên Pháp là “Les Oiseaux”. Khi ấy khán giả lõm bõm tiếng Tây thì được biết là do Alfred Hitchcock lấy cốt truyện của bà Daphné du Maurier dựng thành một phim kinh dị. Loại khán giả còn bé xíu thì giữ mãi ấn tượng rờn rợn mỗi khi thấy có quá nhiều chim chóc xuất hiện! Xem xong thì hết dám bén mảng đến khu Chợ Cũ, quanh vỉa hè thấy bán nhiều loại chim khác nhau. Nếu có đi xích lô qua đó thì vội ngó qua bên kia đường, nơi có nhiều hàng quán coi bộ yên lành ấm áp hơn!

Tuổi thơ của chúng ta hay có những cái sợ vô cớ như vậy, cho nên càng hay bị người lớn dọa nạt.

Khi đã thành người lớn thì mới biết tác giả là một nữ văn sĩ Anh, với cách đọc tên hơi khác. Mà cuốn phim thật ra cũng chẳng được dàn dựng từ một đoản văn của du Maurier. Alfred Hitchcock chỉ lấy ý trong truyện là bầy chim tấn công con người, rồi dựng lại kịch bản tại một vùng ven biển gần thành phố San Francisco.

Bậc thiên tài về nghệ thuật dọa nạt này có thể gây hãi sợ từ những chuyện vu vơ nhất!

Thế rồi khi khôn lớn hơn nữa thì mình mới biết rằng đại đạo diễn này chụp lấy thời sự tại Hoa Kỳ để làm thành phim. “The Birds” xuất phát từ một hiện tượng có thật!

Vào năm 1961, khi con nít tại Sàigon còn leo lên cây ổi ngoài vườn để ăn những trái ổi chát, thì vùng Vịnh Monterey ở ven biển có sự lạ. Ðó là cả trăm con hải âu cứ ập vào các ngôi nhà ven biển mà rơi rụng hàng chùm. Sự kiện kỳ quái ấy được báo chí loan tải và đập vào trí tưởng tượng của Alfred Hitchcock.

Từ một truyện ngắn của nữ sĩ người Anh, đạo diễn cũng là người Anh đã lấy thời sự tại Mỹ dựng thành truyện tình lồng trong một khunh cảnh rợn người.

Khi cái điềm chim chết của đầu năm nay lại trở thành thời sự thì mình mới biết thêm về biến cố năm 1961 tại Monterey.

Năm đó, bầy chim hóa điên vì ngộ độc khi ăn nghêu sò ven biển. Mà nguyên nhân là rong biển nơi ấy bị nhiễm độc do hóa chất thải ra từ cống rãnh của một khu gia cư mới được xây dựng trong vùng! Loài chim không là thủ phạm của những thế lực ma quái mà chỉ là nạn nhân của con người thôi.

Chúng ta gây ra ô nhiễm môi sinh và gánh chịu hậu quả. Ðấy là cách giải thích của khoa học.

Nó đóng lại những nghi vấn của con người trước sự việc mình không hiểu được. Có lẽ chỉ ít năm nữa thôi, chúng ta cũng sẽ được biết về những nguyên nhân khiến cho chim chết hàng đàn vào đầu năm nay. Thế rồi khi hiểu ra thì mình hết luôn mơ mộng, có khi lại thấy ngậm ngùi.

Sinh năm 1930, năm nay, Tippi Hedren là một bà cụ trên bát tuần.

Trong thế giới phim ảnh, nữ nghệ sĩ này xuất hiện không nhiều và chấm dứt sự nghiệp khá sớm nhưng vẫn là khuôn mặt tiêu biểu của kiều nữ tóc vàng trong các tác phẩm nhức tim của Hitchcock, bên cạnh Grace Kelly, Kim Novak, Eva Marie Saint hay Joan Fontaine. Là thân mẫu của Melanie Griffith, Tippi Hedren lập ra một trang trại lạ tại miền Nam California để chỉ nuôi hổ báo. Ðó là khu Shambala khá nổi tiếng với những ai ưa thích muông thú.

Ðấy là chuyện đời thường.

Trong thế giới của chúng ta, Tippi Hedren là bạn thân và ân nhân của nữ tài tử Kiều Chinh khi giúp bà định cư tại Hoa Kỳ để dựng lại sự nghiệp điện ảnh. Sau biến cố 1975, Tippi Hedren còn tích cực cứu vớt thuyền nhân của chúng ta ngoài Ðông hải. Khi được biết về cuộc sống của những người tỵ nạn đầu tiên tại California, bà dàn xếp để người cố vấn về thẩm mỹ của mình trợ giúp họ. Tippi Hedren là người có công phát triển ngành nail cho người Việt mình tại Hoa Kỳ!

Nhớ lại phim “The Birds” làm tuổi thơ của mình ớn lạnh với chim và quạ, người viết lại nghĩ đến những sự thật còn thật hơn sức sáng tạo của nghệ thuật.

Cũng thế, khi nhớ đến bầy hổ báo của Tippi Hedren trong khu Shambala, người viết nhớ lại loạt phim đường rừng về Tarzan. Bên cạnh nhân vật ấy, ngày xưa chúng ta còn có một nàng Jane.

Trong mấy bộ phim về Tarzan do Johnny Weissmuller thủ diễn, có Maureen O’Sullivan với mái tóc đen là ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí của trẻ em. Sau này, khi bầy trẻ khôn lớn hơn thì mới biết rằng nàng Jane của tuổi ấu thơ chính là thân mẫu của Mia Farrow ngày nay. Nhưng ít ai trong chúng ta được biết rằng Maureen O’Sullivan cũng là ân nhân của người tỵ nạn khi bà đổi tên là làm việc trong một cơ quan từ thiện đã giúp người mình tái định cư tại Hoa Kỳ. Sinh năm 1911 và mất năm 1998, nàng Jane này cũng là người mà chúng ta không nên quên.

Vào những ngày đầu năm, khi thấy chim chết hàng đàn, mỗi người lại có một cảm nghĩ khác. “Thời gian tựa cánh chim bay” mình có thể hát như vậy với tháng cùng ngày.

Riêng người viết lại nhớ đến những bầy chim bị vỡ tổ vào năm 1975 và tạp ghi lại nơi đây một số việc làm có ý nghĩa của Tippi Hedren hay Maureen O’Sullivan. Cũng là một cách ôn lại kỷ niệm.

MỚI CẬP NHẬT