Thursday, March 28, 2024

Thống Ðốc Rick Perry chấp nhận bỏ cuộc – Nguyễn Văn Khanh

 


Nguyễn Văn Khanh 


Chẳng ai ngạc nhiên khi nghe tin ông Thống Ðốc Rick Perry loan báo ngưng cuộc vận động để được đảng đề cử tranh chức tổng thống, cũng chẳng ai ngạc nhiên khi được tin ông sẽ chính thức thông báo tin quan trọng này chỉ 2 ngày trước khi cử tri Cộng Hòa ở South Carolina đi bầu sơ bộ. Chẳng những thế, có người còn bảo đáng lý ra, ông thống đốc tiểu bang Texas phải rút lui sớm hơn, nếu không sau Iowa thì cũng ngay sau ngày biết mình không thể thành công ở New Hampshire.


Chỉ vài tuần sau ngày ông Perry quyết định dự cuộc đua chính trị 2012, rất nhiều người đã cho rằng ông phạm phải một lỗi lầm rất lớn: vào vòng chiến quá trễ, và không sửa soạn kỹ lưỡng cho những cuộc tranh luận trên truyền hình. Vì thế, ông không thu hút được sự chú ý của cử tri, không kiếm được số tiền cần phải có để thực hiện kế hoạch tranh cử.


Kết quả là mọi người đều nói ông sớm muộn gì cũng sẽ bỏ cuộc, và dự đoán này được xem như đúng tới… 99.99% ngay từ tối Thứ Tư, khi những cuộc thăm dò cho thấy ông đứng cuối bảng xếp hạng, chỉ có 5% cử tri South Carolina ủng hộ ông, trong lúc số phiếu những chính trị gia khác kiếm được gấp nhiều lần số phiếu ông sẽ có.


Ngay trong bài diễn văn đọc ở North Chaleston, S.C., sáng Thứ Năm (19 Tháng Giêng, 2012) ông cũng nhìn nhận nhưng điều này, khi bảo rằng ông thấy ước mơ được đảng đưa ra tranh tổng thống ngày một xa vời, do đó chiến lược hay nhất là “rút lui,” nhưng cũng nhắc lại những gì ông đã làm được trong vòng nửa năm qua, kể từ ngày ghi danh dự cuộc đua.


Ông hãnh diện nói đã truyền đạt cho cử tri biết người dân Hoa Kỳ “không làm gì sai” mà “chỉ có chính trường Mỹ sai,” đã đến lúc những người lãnh đạo ở Washington “phải biết nhún nhường hơn” để phục vụ dân chúng hữu hiệu hơn. Ðương nhiên ông không quên nhắc lại điều đã nhiều lần nói với cử tri: chắc chắn đầu năm tới đương kim Tổng Thống Barack Obama phải rời Tòa Bạch Ốc “vì ghế tổng thống sẽ vào tay đảng Cộng Hòa.”


Tháng Tám năm ngoái, sau một thời gian dài suy nghĩ, ông quyết định ra tranh cử, mang theo người cái nhãn bảo thủ để đối đầu với ứng viên cấp tiến Mitt Romney, và kinh nghiệm 3 nhiệm kỳ thống đốc – cùng thành tích về kinh tế và tạo việc làm cho dân trong tiểu bang – để người dân biết ông có khả năng lãnh đạo và điều hành. Chỉ ít giờ đồng hồ sau đó, tất cả các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đều đưa tin nói ông dẫn đầu danh sách các ứng viên của đảng Cộng Hòa, và chính tin này khiến cử tri muốn biết thêm về ông.


“Ðiều đó không sai,” theo lời bà Bonnie Pyle, một chiến lược gia từng làm việc với ban tham mưu của Ủy Ban Vận Ðộng Tranh Cử cho Tổng Thống George W. Bush hồi 2004. Bà Pyle nói rằng “quả thật ông Perry là người được chú ý tới, được cánh bảo thủ đón nhận niềm nở, nhưng chính ông đã phạm phải những lỗi lầm chính trị sơ đẳng, khiến cử tri mất dần sự tin tưởng họ đặt vào ông lúc ban đầu.”


Những lỗi lầm nào ông đã phạm phải trên đường vận động? Ông Ron Bonjean, một chiến lược gia Cộng Hòa đang làm việc cho văn phòng trung ương ở D.C. bảo lỗi đầu tiên của ông Perry là “bước vào cuộc đua quá trễ.” Ông Bonjean kể lại lúc những cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên diễn ra và khi báo chí bắt đầu để ý đến những chính trị gia Cộng Hòa có thể lãnh đạo đất nước, “ông Perry vẫn còn họp bàn với ban tham mưu, xem có nên dự cuộc đua năm nay hay chờ 4 năm sắp tới.” Cũng vẫn chiến lược gia Bonjean, “vào trễ, lại không có một hệ thống vận động quy mô ở các địa phương như những ứng viên khác” do đó, “giới truyền thông thường xuyên nhắc đến ông chứ người dân hầu như chẳng mấy người nói tới ông.”


Lỗi lầm thứ nhì là ông không có tài ăn nói. Chỉ nhìn vào những bài báo được viết sau các cuộc tranh luận là thấy ngay cử tri nghĩ gì về ông. Không ai chê bai ông về tài năng, nhưng họ chấm điểm ông từ “không lôi cuốn” cho tới “buồn ngủ.” Ðã thế, một cử tri còn nói với tờ The Washington Post là những lập luận ông đưa ra “không đủ thuyết phục,” có nghĩa là rất khó để ông tìm được phiếu ủng hộ.


Ông nói những gì mà bị chê bai? Chuyện đầu tiên liên quan đến chương trình cho con cái người cư trú bất hợp pháp ở tiểu bang Texas được hưởng quy chế học phí như những cư dân có giấy tờ hợp lệ. Ông chỉ trích những ai chống đối chương trình này là “những người không có lòng nhân ái,” trong khi đa số cử tọa nghe ông nói chuyện là người bảo thủ, từng công khai chống đối kế hoạch cải tổ luật di dân, không đồng ý cho những ai cố ý phạm pháp khi vào Mỹ không có giấy tờ hợp lệ được hưởng những quyền lợi, ưu tiên dành cho công dân Hoa Kỳ và cho thành phần di dân hợp pháp. Vì vậy khi nghe ông phát biểu về vấn đề này, họ không ngần ngại lên tiếng phản đối, nghĩ ngay đến chuyện nếu ông trở thành tổng thống, chắc ông sẽ vận động Quốc Hội thông qua luật cho phép thành phần cư trú bất hợp pháp được ở lại Mỹ, cấp cho họ thẻ xanh và vài năm sau đó họ sẽ là công dân Hoa Kỳ.


Một chuyện khác nữa cũng vẫn được nói tới là việc ông bảo nếu được cử tri tín nhiệm, ông sẽ cắt giảm bớt 3 bộ “để tiết kiệm ngân sách quốc gia” mà “chính phủ liên bang vẫn làm việc hữu hiệu.” Khi được yêu cầu cho biết những bộ nào ông sẽ đóng cửa, ông trả lời “Bộ Thương Mại, Bộ Giáo Dục và… bộ thứ ba là bộ nào nhỉ…” Một lúc khá lâu sau đó, ông trả lời “xin lỗi, tôi quên mất rồi.” Với những lỗi lầm lớn như vậy, chuyện ông không thành công là điều chắc chắn phải xảy ra, cho dù ông từng có thời được xem là người nhiều triển vọng được đảng đề cử nhất.


Nhưng cả chuyện ông từng đứng đầu danh sách cũng chẳng phải là điểm son mà chưa chắc gì ông muốn nghe nhắc tới. Ðừng quên là ở cuộc tranh phiếu của các ứng viên Cộng Hòa lần này hầu như ai cũng có lần được xếp hạng rất cao, trong đó có ông, có bà Michele Bachmann và có cả ông Cựu Thống Ðốc Jon Huntsman của tiểu bang Utah. Giờ đây, ông, bà Bachmann và ông Huntsman đều là những người phải ngậm ngùi bỏ cuộc, và Thứ Bảy tới đây sau khi cuộc bầu sơ bộ ở South Carolina kết thúc, thế nào cũng sẽ có thêm người nối gót theo ông.


 

MỚI CẬP NHẬT