Saturday, April 20, 2024

Thông điệp nào trong “Thần Tháp Rùa” của Vũ Khắc Khoan?


Du Tử Lê


(Tiếp theo kỳ trước)


 


Không chỉ là người trân trọng với chữ nghĩa, ông “Thần Tháp Rùa” còn là nhà văn đem đến cho văn chương, những vòng nguyệt quế làm thành bởi những tư duy, những thao thức ở tầm cỡ quốc gia, dân tộc nữa.










Vũ Khắc Khoan. (Hình: Trần Cao Lĩnh)


Như trước giờ phải chia tay mà chưa biết khi nào được gặp lại, thay vì nói những lời yêu thương, nhân vật Ðỗ của họ Vũ lại dùng những giây phút phù du, để hỏi Rùa Thần về thiên mệnh của dân tộc:


“…Ở đây rồi sẽ ra sao?


Nàng cười mà không trả lời.


Gặng hỏi thì nàng đáp:


Biết làm sao được?”


Dù bị Rùa Thần từ chối, Ðỗ vẫn một mực khăng khăng xin được nghe… Trước tấm lòng quá đỗi ưu tư, thiết tha muốn biết về tương lai đất nước của Ðỗ, cuối cùng, Rùa Thần đành phải mở lời:


“Trước kia em cũng lầm tưởng như chàng nên mới hủy bỏ công tu luyện mà ra công giúp đỡ Thục Vương. Ấy thế mà rồi cũng hỏng cả… Nỏ thần dù mầu nhiệm, nếp xoáy Loa Thành có hiểm trở nhưng người đứng đầu không vững tay sử dụng thì đại sự vẫn không thành… Nhân sự thật là phức tạp…”


Mượn lời Rùa Thần, tác giả nhắc nhớ thực tế của dân tộc, với hiệp định Genève chia cắt đất nước thành hai miền đối nghịch. Ðó là thời kỳ dù cho tư bản hay cộng sản, tự do hay độc tài, đều nhận được sự giúp đỡ (chống lưng) của nhiều thế lực khác nhau… Vấn đề vẫn là “người đứng đầu”. Nhưng:


“…Nhân sự thật là phức tạp… Thiên đình dù biết trước thời cơ cũng không lý nổi nhân sự” (!)


Qua ẩn dụ là những giãi bày mang ý nghĩa tạ tình, trả nghĩa của Rùa Thần, người đọc có thể hiểu họ Vũ muốn nhấn mạnh “kiếm thần,” “Loa Thành” hay “nỏ thần”… là những trợ giúp ngoại lực, rốt ráo cũng chỉ là phương tiện. Cốt lõi của vấn đề, vẫn là:


“…Chỉ sợ không vận dụng nổi…”


Tới lúc này, kịch tính của truyện, được tác giả đẩy tới mức cao nhất: Bầu trời đen tối, đang vần vũ gió mưa, bỗng chói lòa ánh chớp. Ðó là lúc nhân vật Ðỗ muốn Rùa Thần trao cho chàng kiếm thần để:


“Nhận trách nhiệm. Mưu đại sự.”


Diễn tiến truyện “Thần Tháp Rùa” ở khúc quanh này, khá cảm động. Khi tác giả cho thấy, tới lúc vai trò của Thần Kim Quy chấm dứt. Nàng phải ra đi. Bởi Ðỗ vẫn chưa gột bỏ được thói quen (hay căn bệnh) đặt lý tưởng cứu nước, mưu đại sự vào sự giúp đỡ của ngoại lực mà, “kiếm thần” là ẩn dụ. Vì thế, đó cũng là lúc dù cảm thông, tin yêu, Rùa Thần cũng phải nói lời ly biệt!


“Dứt lời, gió đột nhiên tự bốn phương ào ào đưa lại. Vòm trời đen kịt nhằng nhịt ánh chớp. Căn gác rung lên cùng tiếng sấm vang dậy.


Thần Kim Quy tái mặt vùng dậy:


Trời ơi!


Ðỗ cũng hoảng hốt xô lại định giơ tay đỡ, nhưng nàng đã rú lên:


Ðừng, đừng chạm vào em! Em không còn là em nữa đâu!


Trước mắt Ðỗ, Thần Kim Quy… lần lần lộ nguyên hình.


Ðỗ thổn thức nói:


Ðừng quên nhau…


“Ánh chớp sáng loáng mai rùa, long lanh ngấn lệ. Thần Kim Quy gật đầu rồi từ từ bò khuất vào giữa cơn bão gió đen kịt đêm tàn xuân. Ðỗ gục đầu vào thành giường mà khóc cho đến sáng…”


Một lần nữa, biệt tài trộn lẫn hư / thực lại được họ Vũ hiển lộng một cách ý nghĩa khi ông mô tả, hôm sau, bão dứt. Nắng lên. Thị dân Kẻ Chợ xôn xao không biết điềm trời cát / hung ra sao mà:


“…Cá hồ Hoàn Kiếm chết nổi lềnh bềnh như bèo Nhật Bản…”


Cũng từ đấy, trọn một năm, bốn mùa, Ðỗ chớ hề bước chân ra phố. Chàng tự giam nhốt mình trong “gác học” của chàng. Như con sâu vùi thân, tâm trong chiếc kén mù lòa thương nhớ. Tới một đêm kia, Ðỗ bỗng:


“…Cảm thấy bồn chồn, tâm linh xao động, dường như có gì đang thúc bách…”


Ðó là lúc:


“…Ðỗ bắt đầu thấy ngấy chữ nghĩa cổ nhân… Ðỗ nhìn xuống bàn tay. Bàn tay vốn xanh xao bỗng trở nên gân guốc. Như muốn đập phá. Như muốn cấu xé. Thế rồi giữ lại cũng không kịp, hai bàn tay, mười ngón chồm lên. Khi định thần, đống sách đã nằm gọn trong lò sưởi góc phòng…”


Cuộc “phần thư” hay “đốt sách” tượng trưng cho sự phá kén thoát ra, để từ sâu hóa bướm. Hình ảnh này, cũng tượng trưng cho chọn lựa quyết liệt khai tử thói quen trông cậy vào những phương tiện ngoại thân của một số trí thức nặng lòng với đất nước…


Sự lột xác vừa kể, của Ðỗ, đã bất ngờ cho Ðỗ gặp lại Thần Kim Quy, biểu tượng xác tín của một chọn lựa tuy khó khăn, đau đớn. Giống như kẻ tự cắt bỏ cục bướu thụ động, ngoại khổ, bo bo giữ gìn, bảo vệ cá nhân mình. Ðó là một chọn lựa lột da. Một chọn lựa bật máu. Chọn lựa rời bỏ tháp ngà (lý thuyết) để bước vào hành động. Chọn lựa ấy, của nhân vật Ðỗ, trong truyện “Thần Tháp Rùa” của họ Vũ, cũng có thể ví như khởi đầu của một cuộc cách mạng bản thân, qua phân giải của Thần Kim Quy:


“Chàng khổ tâm vì trong cái thế tranh hùng Hán Sở, không biết đâu là nơi dụng võ. Một đằng là búa đập xuống đe, một đằng là đe nẩy lửa. Một đằng là kẻ có tiền, một đằng là hoàn toàn tay trắng. Nhập vào đâu cũng chỉ là nhất thời. Ðứng ở đâu cũng là mượn tạm đất đứng (…)


Lý ưng ra, chàng phải nhập vào bọn áo vải vì thật tình sản nghiệp của chàng không một tấc đất cắm dùi. Nhưng cái khổ của chàng là những uẩn khúc tâm tư, nhằng nhịt, dọc ngang như thế bàn cờ…”


Và cuộc đối thoại hay cật vấn chính mình của nhân vật Ðỗ, như một tra hỏi cuối chót:


“Vậy đốt sách đi…”


“Ðốt được nhà… nhưng sao đốt được sách? Chàng còn nhớ cuộc phần thư thủa bắt đầu xây dãy Trường Thành? Càng đốt sách, nghĩa của chữ lại càng trong treo, dễ vút lên cao, dễ lan ra rộng… Họ Tần đốt sách Khổng Khưu vậy mà cái lý Tam Cương của người nước Lỗ đâu có bị hỏa thiêu cùng sách?”


“Thế ra đốt sách…”


“Là một chuyện cần vì đối với chàng, đó là một hành vi quyết định…”


Và, với một trí thức, một kẻ sĩ thời tao loạn, khi chọn lựa đã quyết thì:


“…Năm Thìn, đêm trừ tịch, cầu Thê Húc tự nhiên sụp đổ. Người Kẻ Chợ đi xin lộc đền Ngọc Sơn ngã xuống hồ không biết bao nhiêu mà kể. Thiên hạ xôn xao. Có người cho là Thần Rùa báo oán việc xưa. Có kẻ nghi là điềm gở, tính việc bán nhà mà bỏ vào Nam.










Từ trái qua Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Ðình Chương, Tạ Tỵ. (Hình: Tác giả cung cấp)


“Lúc sửa lại cầu, viên đốc công thấy chân cầu tuy gẫy mà gỗ vẫn tốt nguyên. Duy chỗ gẫy như có vật sắc phạt ngang, ngày đêm rỉ nhựa đỏ lòm như máu. Nói lại, ai cũng cho là lạ. Kẻ bàn, người tán, không biết ra sao.


Có người biết Ðỗ, tìm đến tận nơi định hỏi. Nhưng cũng giữa đêm trừ tịch, Ðỗ đã bỏ kinh thành biệt vô âm tín.” (Vũ Khắc Khoan, 1954).


Tính hư / thực trộn lẫn trong truyện “Thần Tháp Rùa” của Vũ Khắc Khoan, không chỉ như ngôi nhà mở rộng. Mỗi lần đọc lại, đều cho người đọc một cảm nghiệm khác, tùy trình độ…


Với tôi, “Thần Tháp Rùa” là một “tuyên ngôn”, một “thông điệp” minh bạch, quyết liệt nhất của họ Vũ đối với thế sự, đất nước. Khi ông chủ trương, vai trò của giới trí thức tiểu tư sản (chiếc cầu nối giữa hai cực vô sản và tư bản) là:


-Phải chọn lựa. Chọn lựa, để đi tới hành động.


Nếu có thể nhìn quan điểm này, như một triết lý thì, đó chính là triết lý sống của Ông-Thần-Tháp-Rùa vậy.


Du Tử Lê


(Thứ Năm, 12 tháng 1-2012, kỳ chót: “Thoại kịch, một đóng góp tài năng, trí tuệ khác của Vũ Khắc Khoan”.)

MỚI CẬP NHẬT