Friday, April 19, 2024

Thung lũng tử thần (Bài 11)

Miếng bánh bẹp bị cắt: Trò lũng đoạn thâm độc nhưng hiệu quả!

Vũ Ánh

LTG Hồi đầu năm cháu nội tôi, Catherine Vũ 11 tuổi hỏi bố nó: “Tại sao ông nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?” Con trai tôi cũng chỉ trả lời đại khái là sau khi Miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản, nhà cầm quyền mới đã bắt tất cả các cựu sĩ quan quân đội và cựu công chức từ cấp chỉ huy thấp nhất đến cao cấp nhất đẩy vào các trại cải tạo để trả thù. Năm nay con trai tôi đã ngoài 40, nhưng không thể nào giải thích chi tiết với con gái nó về những gì đã xảy ra cho ông nội và những người bạn tù khác của ông nội đằng sau những cánh cổng nhà tù ấy. Lúc tôi đi tù cải tạo, con trai tôi mới 6 tuổi và khi tôi trở về từ nhà tù thì nó đã là một thanh niên 19 tuổi và nằm trong danh sách những thanh niên không được đặt chân vào ngưỡng cửa của trường đại học vì cái lý lịch của tôi. Ðó là lý do tại sao tôi viết loạt bài này. Tôi hy vọng đây là một lời giải thích, một nhắc nhở với thế hệ thứ hai và thứ ba của không những người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại mà còn ở trong nước để họ đối chiếu và so sánh khi cần.

Ðói quá thì không còn sức để lao động nên ra ngoài bãi lao động nhiều anh em tù cải tạo phản ứng bằng cách “chống cuốc,” nghĩa là làm tà tà hoặc không làm, không hoàn tất chỉ tiêu. Khi không hoàn tất chỉ tiêu thì vào những ngày cuối tháng, đội trưởng phải tổ chức các buổi “góp ý, phê và tự phê” rồi “bình bầu” mức ăn hàng tháng cho mỗi tù nhân cải tạo.
Trên nguyên tắc, mỗi đội phải bình bầu mức ăn theo 4 hạng: A, B, C, D. Nhưng thực tế đội trưởng phải giao nộp danh sách bình bầu chỉ 3 hạng: lao động xuất sắc (hạng A), lao động trung bình (hạng B) và lao động chây lười (hạng C) còn hạng D dành cho những người nằm trong xà lim (chuồng cọp). Về hậu quả, những người bị bình bầu mức ăn hạng C tức “chây lười lao động, khai ốm nhiều lần trong tháng” bị bớt phần ăn vốn một con mèo ăn đã không no của mình để thêm vào phần của những người được xếp vào hạng “lao động xuất sắc.”

Những ai từng sống và từng bị đi tù dưới chế độ Cộng sản đều hiểu rằng cái kiểu “góp ý, phê, tự phê” mà nhà cầm quyền chủ trương vào những năm sau 30 tháng 4, 1975 chỉ là phương thức mà họ dùng để lũng đoạn, bóp bao tử, gây chia rẽ trong khối dân chúng để dễ bề cai trị họ (từ ngữ mà chế độ mới dùng để thay thế cho việc cai trị là từ quản lý). Cho nên, khi ban quản trại A-20 Xuân Phước bày ra trò định mức ăn cho tù cải tạo cũng chỉ với mục đích tạo ra mâu thuẫn để chia rẽ, trừng phạt và hạ nhục anh em chúng tôi mà thôi. Phản ứng của một số những anh em còn sáng suốt và tỉnh táo trong đội lao cải mà tôi đang phải làm công việc khổ sai vào thời điểm đó là giơ tay trong buổi tối sinh hoạt đội khoảng nửa năm sau khi bị đày lên A-20 và nói: “Thôi anh đội trưởng ơi tụi này đồng ý chỉ nhận mức ăn chây lười lao động tức là ăn cái súng lục để đỡ phải bình bầu, gấu ó nhau cho thêm nhục. Các cụ ta đã nói miếng ăn là miếng nhục mà anh đội trưởng, nhưng trong trường hợp chúng ta, miếng ăn là cần thiết. Những ai lao động nhiều hơn thì phải ăn nhiều là hợp lý rồi. Bọn tôi lao động chây lười thì phải ăn ít hơn là lẽ đương nhiên.”

Khi đội trưởng ÐVL, một đại úy thuộc tiểu khu Quảng Trị theo lời khai lý lịch trích ngang của anh ta, còn đang lúng túng chưa biết giải quyết ra sao vì rõ ràng đây là phản ứng chống đối và thách thức trại thì Ðỗ Khắc Minh mà chúng tôi thường gọi anh theo biệt danh thân mật là Minh “cà chua” tương ra thêm: “Ê, tao tình nguyện mức D luôn. Mẹ kiếp, đã đói rồi đói thêm cũng chẳng chết thằng Tây nào chứ tao thấy cứ ngồi mà bình với bầu cấu xé nhau nhục lắm. Ghi vào biên bản ý kiến của tao.” Dĩ nhiên, đội trưởng mà ghi những lời của Minh “cà chua” vào biên bản thì chính đội trưởng cũng mất chức ngay và những ưu quyền được gặp mặt và nhận quà của gia đình của anh ta cũng sẽ thành mây khói. Anh chàng này thì lại thuộc loại ăn khỏe và làm việc hùng hục như trâu để làm sao “vượt chỉ tiêu.” Không biết thời còn phục vụ ở tiểu khu Quảng Trị anh có làm việc xuất sắc như thời tù trong trại lao cải này không, nhưng nếu thấy anh em nào chống cuốc anh cũng xăng xái đến cuốc đất giùm cho đạt và vượt chỉ tiêu quản giáo giao.

Anh em ghét anh ta ở chỗ khúm núm trước cán bộ quản giáo một cách không cần thiết, thứ đến cứ “vượt chỉ tiêu” theo kiểu của anh ta thì chết những anh em kém sức khỏe vì phải ăn đói và phải làm việc nặng. Trong hoàn cảnh bị lưu đày, ai cũng hiểu rằng mình ở cái thế rất yếu nên cũng muốn tìm một giải pháp để không làm “kẹt” anh ÐVL và tương đối dễ thở hơn một chút cho đội. Có hai lý do: Thứ nhất, là những bạn đồng tù sống chết với nhau đã nhiều năm trong trại cải tạo, những người được bình bầu mức ăn hạng A nhận thấy không thể nào muối mặt nhận thêm phần chia được cắt bớt đi của những người bị bình bầu mức ăn hạng C được. Thứ hai, cái đói vẫn có khả năng làm cho một người tù có thể không thấy việc mà một số anh em đồng tù lên án “cướp cơm chim” là muối mặt nữa. Và vụ bớt khẩu phần của những người “chống cuốc” vẫn tiếp tục diễn ra cho đến khi các cựu sĩ quan trẻ tuổi trong đội vận động và áp lực những người nhận thêm miếng ăn của người bị cắt bớt khẩu không nên tiếp tục hành động không xứng đáng với tư cách của một sĩ quan quân đội VNCH. Nhớ lại chuyện này và viết ra, tôi hiểu rằng nhiều người sẽ thắc mắc: “Thế viết ra chuyện nhỏ nhặt này làm gì?”

Và nếu có ai thắc mắc thì đây là lời giải thích của cá nhân tôi:

Thời điểm xảy ra chuyện bình bầu mức ăn, mọi người đã trải qua gần 5 năm đói khổ rồi. Người nào cũng thấy bắp thịt của mình mỗi ngày một teo đi, trong khi hàng ngày mỗi người lãnh được 3 miếng bánh bẹp và nước muối, quanh năm không thấy hơi thịt, cá trừ vào chiều 30 Tết hàng năm mỗi người được phát cho một miếng thịt heo bằng hai ngón tay. Nhiều anh em ngậm miếng thịt vào trong bữa cơm chiều 30 mà không dám suốt, sợ hết. Bánh bẹp là bánh gì? Theo lời những anh em làm nhà bếp, không hiểu sao vào những tháng giữa năm 1980, nhà bếp tù được lệnh đi lãnh bột mì do Canada viện trợ nhân đạo. Bột mì lãnh về, họ cho nước vào nhào thành bánh, cán dẹp xuống, bề dầy hơn nữa phân, diện tích mỗi chiếc bánh bằng lòng bàn tay hình chữ nhật rồi đem luộc chín. Buổi sáng chúng tôi được phát một miếng bằng phân nửa buổi trưa và chiều cùng với một chén nước muối thật mặn.

Những người được bình bầu lao động xuất sắc ngoài phần mình có, họ còn có thêm phần cắt đi từ những miếng bánh của người bị bình bầu mức ăn hạng C. Khi miếng bánh bẹp bị cắt đi một phần thành thử nó biến thành hình của cây súng lục gỗ mà trẻ em Việt Nam được hay chơi. Chỉ có người nào từng qua những trại cải tạo của Cộng sản thuộc kiểu trại Lý Bá Sơ hay Ðầm Ðùn mới thấy được toàn bộ nỗi đau mất nước, nỗi đau của cảnh tan hàng, sụp đổ. Cuối cùng bao nhiêu hy sinh xương máu của thế hệ chúng tôi đã có một kết quả là ngồi trong nhà tù Cộng sản và phải ngồi để tìm cách bớt phần ăn nhỏ nhoi của nhau.

Cái ngạc nhiên nhất của tôi là trong đội vẫn có một số anh em khiếu nại đội trưởng là sao phần bánh của anh ta hôm nay không có phần bánh dành cho người lao động xuất sắc. Còn có nỗi buồn nào, nỗi nhục nào hơn hơn thế không, nhưng đó là thực tế mà tôi thấy những hồi ký về cuộc lưu đày sau 30 tháng 4, 1975 đều không nhắc tới và thay vào đó là những trang sách toàn những gương anh hùng trong trại giam. Tôi cho rằng gương anh hùng cũng nhiều thật, nhưng nó không nhiều bằng những tấm gương của cả một khối người, tuy thất trận, tuy gãy súng như Cao Xuân Huy mô tả đã cắn răng chịu đựng sự hành hạ của cái bao tử lúc nào cũng lép kẹp, trống rỗng để giữ cho mình thẳng lưng trước kẻ thù và chung thủy với anh em. Sự lựa chọn giữa cái đói cào cấu và sự giữ thẳng lưng cũng như nhân cách là một sự chọn lựa khó khăn!

Cuối cùng chỉ có một số rất nhỏ cứ hay nhì nhằng về cái “phần thưởng” hớt từ bát cơm của chính anh em khác. Nhưng chỉ nội chuyện này không đã làm cho kẻ địch cười vào mũi chúng tôi, nên phải có một thái độ. Những anh em sĩ quan trẻ tuổi nhất lãnh đạo kế hoạch “bình định” này: Phạm Ðức Nhì, Nhàn “cụt,” Ngọc “đen, Hải “Bầu, Tú Cường, Minh “cà chua,” Hải “cà”… vốn là những người lúc nào cũng sẵn sàng dùng bạo lực với những kẻ không biết điều và sống với anh em hàng ngày nhưng lúc nào cũng tơ tưởng ngoài trại.

Các anh em này liên lạc với các đội khác và nhà giam khác để cùng thi hành một lúc kế hoạch chung: cứ để cho mọi chuyện diễn ra như bình thường, nhưng sau khi được chia khẩu phần, số đông tự nguyện mang trả lại những anh em bị cắt bớt khẩu phần. Thành phần còn lại anh nào mở miệng ra khiếu nại với đội trưởng về phần thưởng lao động xuất sắc bị cảnh cáo ngay, “Tiếp tục thực hiện tình huynh để chi binh và đoàn kết, ai chống lại thì chỉ có cách ôm mền chiếu ra ngủ ngoài trại với cán bộ thì mới an toàn tính mệnh. Các anh không biết nhục mà không nhìn thấy cảnh mỗi khi chúng ta bị chuyển trại được dân chúng giúp đỡ đầy tình quân dân cá nước hay sao.”

Thông điệp này có kết quả nhờ vào sự cương quyết của phần đông những sĩ quan quân đội trẻ tuổi vẫn còn hừng hực lý tưởng. Cũng chính vì thế mà chúng tôi dù vẫn phải bình bầu mức ăn, dù danh sách bình bầu vẫn được đội trưởng gởi đi, nhưng trên thực tế, chẳng bao giờ nó được thực thi cả. Có những đội sau này vẫn bình bầu mức ăn nhưng anh em nào được cử chia khẩu phần mỗi ngày vẫn chia đồng đều như bình thường, không cần A, B, C nữa và cũng chẳng có cần ăng-ten nào dám giương ra riêng đối với vụ bình bầu mức ăn và chia khẩu phần tại trại A-20 Xuân Phước. Tuy nhiên, nói đi thì cũng nên nói lại cho cân bằng. Dĩ nhiên, khi đọc đến đây có một số độc giả sẽ cho rằng tôi nói quá chứ trong tù chia sớt công bằng khẩu phần với những bạn đồng tù là nghĩa vụ tự nhiên chứ có gì gọi là can đảm. Tôi không phản đối nếu người nào có ý kiến này, nhưng tôi cũng thấy có bổn phận phải giải thích thêm: nghĩa vụ chia sẻ đồng đều và công bằng không phải là một ý thức tự nhiên giữa những người dân sống với nhau trong một xã hội bình thường.

Trong môi trường đói khổ và bị đàn áp, trong môi trường tù đày không thấy có ngày ra, trong điều kiện lao động khổ sai để trả nợ áo cơm hàng ngày bằng cái khẩu phần ít ỏi nói trên, một lát khoai mì, một hạt cơm quí vô cùng. Cho nên, vào hoàn cảnh này phải có một ý thức còn trong sáng về nhân cách, lòng trắc ẩn và sự can đảm mới có thể đối xử được tử tế với các anh em bạn tù chung quanh mình. Hơn thế nữa, bọn cán bộ trại giam Cộng sản sẽ tìm cách triệt hạ bất cứ một người tù nào bằng cách này hay cách khác nếu thấy người tù ấy còn đủ sáng suốt để làm cho những âm mưu hạ nhục và nhất là âm mưu dùng sự kiểm soát bao tử để làm tê liệt suy nghĩ chính đáng của tù cải tạo không thành công.

Một người bạn tù có thể sẵn sàng không lấy phần chia thêm bằng cách bớt khẩu phần của người bạn của mình, nhưng mặt khác anh có thể không thích phần chia của anh ít hơn của người khác. Ðó là lý do tại sao đã có nhiều cảnh diễn ra không được đẹp trong nhũng buổi chia khẩu phần ăn tại một số trại cải tạo. Phải mất nhiều năm sau, hình ảnh này mới không còn tiếp diễn nhờ vào nỗ lực của khối tù nhân cải tạo, không ai bảo ai, đã mở cuộc vận động giữ gìn “đói cho sạch rách cho thơm” chứ không phải nó đến một cách tự nhiên ở một môi trường rất dễ diễn ra cảnh giậu đổ bìm leo như mội trường ở đằng sau các cánh cổng nhà tù dưới chế độ Cộng sản. Từ thuở học vỡ lòng cho đến khi trưởng thành trong một đất nước nội chiến dài dặc, ai cũng thấy ngạn ngữ được rao giảng “đói cho sạch rách cho thơm” nói ra để cho người khác một bài học luân lý đạo đức thì dễ, nhưng thực hiện thì khó muôn trùng.

Cho nên nói những chuyện to tát như chống Cộng, diệt Cộng không có gì khó khăn đối với những người có cái loa miệng, ai cũng có thể nói được. Nhưng không phải ai cũng làm được. Do vậy, trong trại giam cũng có những thành phần không bao giờ hành động nào gọi là chống đối chế độ cả, nhưng họ sẵn sàng lên án người khác “đầu hàng kẻ địch,” “chao đảo,” “không giữ vững lý tưởng quốc gia”… Họ không thể hiểu rằng muốn đứng thẳng lưng trước kẻ thù, ai cũng phải trả cái giá để bảo vệ nó. Rút cục nhân cách, lý tưởng, lập trường chống Cộng đều phải đổi lại bằng những năm tù đầy lâu dài lắm dưới chế độ Cộng sản.

(Còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT