Tuesday, April 16, 2024

Thung lũng tử thần (Bài 12)

 

Những quyết định khó khăn nhất trong đời tù

Vũ Ánh

LTG Hồi đầu năm cháu nội tôi, Catherine Vũ 11 tuổi hỏi bố nó: “Tại sao ông nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?” Con trai tôi cũng chỉ trả lời đại khái là sau khi Miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản, nhà cầm quyền mới đã bắt tất cả các cựu sĩ quan quân đội và cựu công chức từ cấp chỉ huy thấp nhất đến cao cấp nhất đẩy vào các trại cải tạo để trả thù. Năm nay con trai tôi đã ngoài 40, nhưng không thể nào giải thích chi tiết với con gái nó về những gì đã xảy ra cho ông nội và những người bạn tù khác của ông nội đằng sau những cánh cổng nhà tù ấy. Lúc tôi đi tù cải tạo, con trai tôi mới 6 tuổi và khi tôi trở về từ nhà tù thì nó đã là một thanh niên 19 tuổi và nằm trong danh sách những thanh niên không được đặt chân vào ngưỡng cửa của trường đại học vì cái lý lịch của tôi. Ðó là lý do tại sao tôi viết loạt bài này. Tôi hy vọng đây là một lời giải thích, một nhắc nhở với thế hệ thứ hai và thứ ba của không những người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại mà còn ở trong nước để họ đối chiếu và so sánh khi cần.

Ăn đói, làm việc nặng, nhưng khi đau ốm thì cũng chỉ có “xuyên tâm liên,” một loại lá thuốc nam sơ chế được cấp phát cho tất cả mọi tù nhân cải tạo khai bệnh tại bệnh xá từ nhức đầu, đau bụng, cao máu cho tới thổ tả, kiết lỵ, nhiễm trùng đường ruột, lao phổi. Chúng tôi châm biếm cái loại thuốc viên từ lá cây xuyên tâm liên nghiền nát đóng thành viên này là thuốc “cải sinh thành tử” hoặc là thuốc “cải tiến thành lùi” lấy từ ý tưởng chiếc xe cút-kít hay chiếc xe bò do người kéo thì được người Cộng sản gọi là “xe cải tiến.” Sự lộng ngôn này quả thực là một sự lăng mạ vào nền văn minh của nhân loại. Và một điều mỉa mai và cay đắng đối với chúng tôi chính những người chủ trương lăng mạ nền văn minh kỹ thuật của thế giới lại là những người chiến thắng, những người nói gì chúng tôi cũng phải nghe chỉ vì thuộc vào phe thất trận. Nhưng chưa hết, ở mỗi trại cải tạo có một bản nội qui, một văn kiện pháp qui rừng rú được đặt ra chỉ nhằm sỉ nhục những người đã ngã ngựa như chúng tôi. Một số tác giả khi viết lại hồi ức về thảm kịch thường gọi những người người Cộng sản là “thằng ngu thắng trận.” Dùng thứ ngôn ngữ này trong các hồi ức của mình hay trong những chuyện dân gian châm biếm sẽ phản tác dụng. Bởi vì nếu bảo rằng những người Cộng sản ngu dốt nhưng vẫn thắng trận thì rõ ràng “đối thủ” của họ còn ngu hơn !

Trở lại câu chuyện, tôi muốn nói tới “8 Ðiều Lệnh Nếp Sống Văn Hóa Mới” buộc các tù nhân trong các trại cải tạo phải “sống một cuộc sống văn minh, ăn ở phải sạch sẽ, dùng các thức ăn nấu chín, giữ trật tự và tự giác giữ an ninh trại giam.”

Nhớ lại thời gian ở Hàm Tân Z-30C, láng trại dù là nhà tranh vách đất, sàn ngủ hai tầng bằng gỗ nhưng sạch sẽ không thấy một cọng rác cũng đều là do công tù. Trại nào mà các tù nhân cải tạo không phải thành lập còn một đội vệ sinh trong trại.

Do nhìn thấy môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của anh em trong trại, nên các tù nhân trong đội vệ sinh trong trại làm việc rất tích cực. Tuy nhiên, sức người có hạn nên ở các khe ván gỗ, một đội quân rệp hùng hậu vẫn núp trong chiếu mùng, con nào con nấy no kềnh vì hút máu tù đến nỗi không bò được, cầu tiêu trong nhà thuộc loại cầu tiêu thùng được kiến thiết theo kiểu cầu tiêu thùng năm 1940 ở ngoài Bắc, nước giội cầu thì ít, giấy vệ sinh là giấy báo hay giấy bao xi-măng do tù tự kiếm lấy, mùa gió lùa vào trong cầu luồn vào láng mùi hôi thối và khai của phân và nước tiểu, buổi sáng, các anh em trong đội rau xanh phải gánh các thùng gỗ chui vào hầm cầu mang những thùng cầu đổ vào một thùng gỗ lớn rồi cứ hai người một khênh ra ngoài bãi lao động hòa với nước và tưới lên các luống rau cải. Cải bẹ xanh lớn như thổi, nhưng đội thu hoặc về chỉ gánh vào nhà bếp cán bộ. Họ gánh ra suối nhúng sơ sơ rồi đem về luộc chín. Ấy vậy mà nhiều lần dịch thổ tả lây lan suốt tiểu đoàn công an vệ binh. Vào những dịp ấy, do sợ bệnh dịch nên một số lượng rau cải mới được đưa xuống nhà bếp tù. Tuy nhiên, những lần tù cải tạo được phát canh cải bẹ xanh, một số anh em tuy đói và thèm rau cũng vẫn không dám dùng. Lý do là sợ bị kiết lỵ và khi tù bị dịch tả xuống bệnh xá khai bệnh mà chỉ được cấp những viên xuyên tâm liên có khi cái chết đến còn mau hơn. Nhưng quyết định không ăn rau cải dù đã nấu chín với muối trong khi bụng đang rỗng cũng trở thành một quyết định rất khó khăn. Cái khó khăn và thử thách ấy cũng giống như tình trạng suốt cả năm chỉ vào ngày Tết mỗi tù nhân mới được một miếng thịt nhỏ, làm thế nào mà một tu sĩ Phật giáo trong chốn lao tù không phá giới nếu các vị tu sĩ ấy không đủ ý chí để vượt thắng chính bản thân mình.

Sự ngược ngạo của cái gọi là “nếp sống văn hóa mới” trong các trại cải tạo của Cộng sản còn nằm ở một điểm, đó là cứ vào mỗi sáng Chủ Nhật kéo dài đến chiều, trại Hàm Tân Z-30C mở nhạc cổ điển Tây phương diễn giải được khuếch đại qua một cái loa lớn treo trên cái cột gần bệnh xá cho chúng tôi nghe trong lúc chúng tôi hì hục suốt cả buổi chỉ để chế biến khoai mì lát, bo bo, bắp hay rau rác tập tàng cho dễ ăn hơn! Một vài bạn đồng tù với tôi không chịu được sự ngược ngạo như thế bực quá văng tục: “Ðm… đáng lẽ thằng Cứ (Tống Ðăng Cứ, một thượng sĩ công an người Tầu lai ở khu Ðông Kinh, Hải Phòng, cán bộ trực trại) phải đem bàn trải khăn trắng rồi đốt nến cho chúng ông xơi khoai mì lát mới là nếp sống văn hóa mới.” Một bạn tù khác, Luật Sư Ngô Quốc Việt chen vào: “Thôi, tôi lạy các ông. Thà cố gắng làm quen với các bác Mozart, Chopin, Beethoven, Brahms… còn hơn nó tra tấn mình bằng cái giọng eo éo của Tầu qua các bài tụng như ‘Bác cùng chúng cháu hành quân’, “Mùa hoa likima nở’, ‘Tiểu đoàn 307’… thì điên mẹ nó lên mất.” Ðại khái cái nếp sống văn hóa mới của xã hội chủ nghĩa là như thế ở trong các nhà tù nhỏ cũng như trong các nhà tù lớn hơn tại Việt Nam, chưa kể đến cuộc sống đói khát đến nỗi ra bãi lao động, con gì mà nhúc nhích được cũng bắt đem nướng ăn. Giáo Sư Joe Brinkley, một giáo sư dạy về môi trường ở Ðại Học UC Berkely trước đây từng thăm Việt Nam và cáo buộc người Việt Nam “ngả” hết chó để ăn thịt cho nên ông không còn thấy chúng chạy ngoài đường nữa. Ông đã từng bị phản ứng gay gắt về những lời lẽ quá đáng này. Nhưng chắc ông còn ngạc nhiên hơn nếu vào năm của các thập niên 70, 80 và 90 ông đến thăm các trại cải tạo và lúc đó tôi tin rằng lúc đó ông sẽ mau mắn “phán” ngay: môi trường ở các trại cải tạo Việt Nam sạch đến nỗi không còn một con chuột cống hay chuột chù nào còn có thể sống được!

“Nếp sống văn hóa mới” xã hội chủ nghĩa ở tại A-20 Xuân Phước cũng có những điểm tương đồng như các trại khác, nhưng mức độ “lên gân” gay gắt hơn. Ðói khát như thế, nhưng tù nhân cải tạo nào kiếm được rau rác hay bắt được ếch nhái phải làm cách nào tiêu thụ ngay ở bãi lao động chứ nếu mang về trại là bị khám xét rất kỹ, bị tịch thu và tù cải tạo bị phạt, nhẹ thì kiểm điểm và nặng thì vào cùm, đúng nội qui thì thời hạn trừng phạt là 7 ngày nhưng cũng có thể “nghi can” nằm trong cũi vài ba tháng, một năm không chừng tùy theo đối tượng có thuộc thành phần bị ghi sổ đen hay không. Trong thời gian nghi can bị cùm, cán bộ an ninh trại giam thường gọi các tù nhân bị kỷ luật ra làm việc. Hắn không hỏi tù nhân về tội vi phạm “8 Ðiều Lệnh Nếp Sống Văn Hóa Mới” mà áp lực tù cải tạo phải khai báo về những chuyện khác lớn lao hơn trong đội hay trong nhà giam như âm mưu trốn trại, gởi thư chui ra ngoài, hô hào nổi dậy, tổ chức hát tù ca, tổ chức các lễ trọng của VNCH: Ngày Quân Lực 19-6 và Quốc Khánh 1-11, họp khóa trong số những cựu sĩ quan và cựu công chức. “Nói KHÔNG” hay “Nói CÓ” đều bị nhốt lâu và bị thẩm cung liên miên nếu tù cải tạo bị bị liệt vào danh sách “cứng đầu” trong trại.

Ở trong điều kiện của đời sống như hiện nay tại Hoa Kỳ, đề cập đến chuyện “nói KHÔNG” trong tù thì dễ nhưng trong điều kiện của trại trừng giới A-20 Xuân Phước vào thời điểm từ 1979 đến 1987, việc phủ nhận các lời cáo buộc hay nâng quan điểm của bọn cán bộ trại giam bao giờ cũng trở thành một thử thách với tù nhân. Người tù cải tạo ở những trại không phải là loại trại “A” sẽ rất ngạc nhiên nếu họ nghe thấy một tù nhân nào từ A-20 Xuân Phước nói là mình bị cùm một tháng chỉ vì đem rau rác từ bãi lao động nhập trại hay nấu nướng trong phòng giam. Nhưng tôi có thể giải thích điều này: ở trại A-20, việc một tù nhân bị cùm một vài tháng hay cả năm trời vì “tội phát biểu linh tinh,” “vi phạm điều lệnh nếp sống văn hóa mới” là một án nhẹ so với mức trừng phạt cùm hai chân từ 3 năm tới 5 năm trong xà lim hay chuồng cọp cá nhân.

Nhưng khi quyết định đưa một tù cải tạo vào chuồng cọp thì không phải là bọn an ninh trại giam muốn anh ta phải nhận tội cho chính anh ta mà thôi. Chúng muốn dùng áp lực để người tù nhận tội, nhưng sau khi nhận tội anh ta sẽ phải khai ra tổ chức của mình trong trại giam. Trong khi, điểm quan trọng nhất là một người tù còn nhân cách và không hèn nhát, phản bội anh em thì phải biết “nói KHÔNG” với điều sau này. Nhưng muốn làm một tù nhân cải tạo thật đàng hoàng cần phải hiểu một thực tế: dù mình có nhận tội hay không nhận tội thì vẫn bị cùm như thế. Vậy thì tội vạ gì mà phải nhận tội và khai gian cho anh em. Nằm trong cùm bị bớt khẩu phần và nước uống nhưng không phải lao động khổ sai để đổi lại 300 grams thực phẩm mỗi ngày. Nằm cùm dù bị cắt bớt khẩu phần có đói đến lả đi nhưng sẽ không chết trừ phi bị nhiễm kiết lỵ.

Ngược lại ở ngoài trại, lao động nặng lại ăn uống thiếu thốn kiểu đó, bị lao phổi có khi lại chết mau hơn không chừng. Cuối cùng muốn giữ nhân phẩm, duy trì nhân cách và khí tiết, một người tù cải tạo phải biết chấp nhận phần xấu nhất cho đời tù của mình, đó là sẵn sàng ra nằm ở Ðồi Thông (nghĩa địa của tù nhân cải tạo). Sự chấp nhận ấy là chiếc chìa khóa hóa giải bất cứ sự sợ hãi nào.

Phân tích và quyết định như thế khiến tôi yên tâm và coi việc nằm chuồng cọp là một hình thức nghỉ ngơi. Ðó cũng là lý do tại sao giữa vòng vây của an ninh trại giam và những nội gián trong số bạn đồng tù với mình, tôi gấp rút chuẩn bị cùng với một số anh em khác đồng chí hướng cho ấn hành một nguyệt san lấy tên là “Hợp Ðoàn,” một nguyệt san chỉ có một ấn bản viết tay duy nhất và bí mật lưu hành trong trại, nhưng lúc nào chúng tôi cũng chuẩn bị nếu có cơ hội là gởi qua nước ngoài. Việc lưu hành tờ báo kéo dài tới khi tôi bị đưa vào chuồng cọp vài ngày trước 30 tháng 4, 1981. Sau đó, một vài anh em khác cộng tác với tôi còn ở bên ngoài cố gắng duy trì tờ báo, nhưng sau đó anh em tính toán rằng tôi có thể bị cùm lâu năm nên họ tự động ngưng không hoạt động nữa theo lời yêu cầu trước của tôi mà trong phiên họp đầu tiên của tòa soạn bí mật đã đồng ý với mục đích để bảo đảm an toàn sinh mạng chính trị cho anh em. Bởi vì vào thời điểm ấy chúng khám phá ra được sự việc, bọn an ninh trại giam đem chúng tôi ra bắn ngay.

Thời gian, chúng tôi chuẩn bị ra báo thì trong trại có nhiều biến động. Trước hết là vụ “No Eat, No Work” tức là không cho ăn uống đàng hoàng thì không lao động, một phản ứng của các tù cải tạo mang “án cao su,” mỗi án tập trung là 3 năm lao cải, nhưng người tuyên án thường “cà lăm” khi ra án quyết. Chúng tôi thường nói đùa nhau như thế, nhưng sự thực tất nặng nề hơn nhiều. Về bản án “cao su” mà chúng tôi đang phải mang trên vai, có một câu chuyện cười rất lạ lùng nhưng có thật trong trại A-20 Xuân Phước. MhR là một thanh niên nông dân ở Tân Châu. Anh chỉ là một binh nhì quân dịch thuộc Trung Ðoàn 31 Sư Ðoàn 21 Bộ Binh/VNCH. Sau 30 tháng 4, 1975, anh tham dự Mặt Trận Phục Quốc và bị bắt tại Ðồng Tháp tháng 10 năm 1976 trên đường đi họp tổ kháng chiến. MhR không bị đưa ra tòa mà chỉ bị tập trung cải tạo ở một trại tên là trại cải tạo Kinh 5, sau đó bị đưa lên Z-30D và bị “thanh lọc” rồi bị đưa đi trừng giới ở A-20 Xuân Phước.

Là nông dân chính gốc, MhR hay lui cui tìm những chỗ đất trống nhưng khuất để gieo xuống những hạt cải, đậu bắp hay rau muống. Một hôm, vào khoảng trước tết năm 1980, không biết MhR xin ở đâu được một hạt sầu riêng. Ðang lui cui trên bờ rãnh thoát nước trên bờ giếng nhà giam số 1 thì một vệ binh súng dài đi ngang. Thấy MhR đang chôn giấu gì, anh ta lên tiếng: “Ê, cái anh này, chôn giấu gì đó, moi lên coi.” MhR cúi xuống moi lên một hạt sầu riêng. Anh chàng Vệ binh súng dài mặt non choẹt hỏi: “Hạt gì mà trồng ở đây, chỗ đó đâu phải chỗ để canh tác?” MhR thành thật trả lời: “Thưa cán bộ, tôi trồng sầu riêng.” “Bao lâu cây sầu riêng mới ra trái? Vệ binh súng dài thắc mắc. MhR cười cười rồi nói: “Trồng bằng hạt thì 15 năm mới có trái.” Anh chàng vệ binh cũng bật cười rồi nói trước khi bỏ đi: “Vậy thì anh ở đây chờ ăn trái sầu riêng đầu tiên rồi hãy về nhé.” MhR không phải chờ đến mùa ra trái đầu tiên của cây sầu riêng mới được thả, nhưng anh cũng phải bóc tới 10 cuốn lịch.

Vụ “No Eat, No Work” thất bại vì nói chung là thiếu sự đoàn kết đồng lòng và là một trong những bài học cụ thể cho thấy “nói KHÔNG” đối với người tù không phải là một quyết định dễ dàng dù người tù lúc đó đang bị đẩy vào chân tường. Sau vụ này, những người chủ trương như PđN, NtC, NvL tự “LBô,” CtT và một số anh em lên từ Z-30D bị đẩy vào chuồng cọp dễ cũng đến nửa năm. Họ bị cùm hai chân và là những người đầu tiên phải đối phó với chế độ thực phẩm được họ gọi là “hai muỗng cơm, hai muỗng nước,” một mức độ trừng phạt có thể nói rằng khắt khe nhất trong số những chuồng cọp được xây dựng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cơm được chan nước muối mặn chát, nhưng nước uống thì một bữa 2 muỗng. Lối nhục hình ấy khiến người tù phải đối phó một cách tuyệt vọng bởi những cơn khát cháy cổ đến nỗi phải giải quyết bằng cách liều lĩnh uống nước tiểu của nhau. Nhưng nếu không muốn bị lả đi và rơi vào tình trạng hôn mê vì mức độ khát gia tăng thì phải chọn lựa, hoặc là hy sinh chút nước rửa cơm cho bớt mặn hoặc muốn uống cả hai muỗng nước thì chỉ nên ăn một nửa muỗng cơm. Sựa lựa còn này cũng rất khó khắn, hầu như khó vượt qua.

(Còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT