Saturday, April 20, 2024

Tiểu bang Texas cải thiện chương trình huấn luyện đào tạo

 

Lê Tâm (theo Texas Tribune)

Khi nói về thử thách giới hữu trách ngành giáo dục tiểu bang Texas đang phải đối phó, ông Michael Bettersworth, phụ tá viện trưởng hệ thống đại học Texas State Technical College, cho hay “Vấn đề của chúng tôi không phải là có quá ít người vào đại học. Vấn đề là có quá nhiều người ra trường với bằng cấp không có giá trị trong thị trường việc làm.”

Các nhà giáo dục cho hay sinh viên trên khắp tiểu bang Texas nay đang chăm chỉ lấy lớp, từ từ thu thập các tín chỉ, mà không biết sẽ giúp có việc làm khi ra trường hay không, đó là chưa kể nhiều người còn bị món nợ tiền học lớn lao sau khi tốt nghiệp.

Trong khi đó, lực lượng lao động với tay nghề cao của tiểu bang nay đang già đi và sắp đến tuổi về hưu, nhưng lại không có đủ những người mới tốt nghiệp các chương trình huấn nghệ hai năm để có thể thay thế họ.

Các chuyên gia cho rằng cải cách chương trình huấn luyện đào tạo là điều phải thực hiện nếu tiểu bang Texas muốn mở rộng kỹ nghệ sản xuất của mình.

Với tình hình kinh tế nay bắt đầu cải thiện, hiện đang có các nỗ lực tại các trường đại học hai năm ở khắp Texas nhằm đưa ra các chương trình đào tạo đáp ứng được cho nhu cầu của thị trường lao động. Một số nhà lãnh đạo ở tiểu bang Texas còn muốn thay đổi chiều hướng hiện nay là khuyến khích sinh viên có tấm bằng cao nhất mà họ có khả năng đạt được.

“Chẳng phải là chúng ta không cần các kỹ sư, những người có bằng tiến sĩ, hay các khoa học gia nghiên cứu,” theo lời ông Joe Arnold, một giới chức đặc trách liên lạc chính phủ của công ty B.A.S.F, một công ty hóa học. “Chúng ta có cần họ, nhưng không phải chỉ có mình họ mà thôi. Chúng ta cần có những người chuyên viên giỏi, những người thợ khéo.”

Hệ Thống Ðại Học Kỹ Thuật Texas được thành lập năm 1969 với mục tiêu hỗ trợ cho lực lượng lao động tiểu bang. Gần đây, bốn trường trong hệ thống này đã tham gia vào chương trình “Chứng Chỉ Hữu Dụng – Credentials That Work”, một chương trình mới của tổ chức Jobs for the Future (Công Việc cho Tương Lai) với trụ sở đặt tại Boston, tìm hiểu nhu cầu về các khả năng chuyên môn trong thị trường lao động.

“Các trường đại học phải biết rõ là cần phải đào tạo những người có các khả năng gì để đáp ứng đòi hỏi của thị trường,” theo John Dorrer, giám đốc chương trình Credentials That Work.

Tuy nhiên, ngay cả khi các chương trình học được hoạch định để đáp ứng nhu cầu của các công ty, cũng cần phải thuyết phục được người sinh viên để họ đi học.

Khoa trưởng Mike Reeser cho hay “Có sự hiểu lầm trong đất nước này là tấm bằng cử nhân bốn năm tệ hại nhất vẫn có giá trị cao hơn bằng cao đẳng hai năm giỏi nhất.”

Tom Pauken, chủ tịch Ủy Ban Nhân Lực Lao Ðộng Texas, cho hay một trong những ưu tiên của ông năm nay sẽ là thay đổi quan niệm này.

“Tôi nghĩ chúng ta cần phải xem lại toàn thể vấn đề này,” ông nói. “Chúng ta đã hoàn toàn xa rời thực tế là chúng ta có các tài năng khác nhau và có nhiều cách để tiến tới trong lãnh vực giáo dục.”

Tuy nhiên, vấn đề tài chánh là một chướng ngại khác trong nỗ lực này.

Trong tình trạng ngân sách bị cắt giảm ở mọi cấp trong ngành giáo dục, khả năng đài thọ cho các chương trình huấn luyện đào tạo, có tính cách rất chuyên môn nhưng cũng rất tốn kém này, chỉ có giới hạn.

“Chúng ta phải có hiệu năng hơn và chúng ta sẽ phải trông cậy nhiều hơn vào sự hỗ trợ của các công ty,” theo ông Bettersworth.

Các công ty sản xuất ở Mỹ nay ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn, đầu tư nhiều hơn vào các trường đại học cộng đồng để đào tạo những nhân viên mà họ cần.

Năm nay, công ty B.A.S.F. sẽ chuyển giao số tiền $1 triệu, là phần tài khoản sau cùng để thành lập một trung tâm huấn luyện các kỹ nghệ dầu hỏa, năng lượng và nguyên tử tại trường đại học Braosport College ở Lake Jackson. Năm nay cũng sẽ là năm đầu tiên công ty cung cấp các học bổng trị giá tổng cộng $50,000 trong chương trình dự trù kéo dài năm năm.

“Các trường đại học cộng đồng là nơi đào tạo nhân sự cho chúng tôi,” ông Arnold nói. “Vấn đề là hiện không có đủ người muốn đến các trường này để có được khả năng giúp họ có công việc làm với chúng tôi.”

Ông Arnold, một thành viên của Liên Hiệp Các Công Ty Sản Xuất Texas, nói rằng rõ ràng có một quan niệm về “danh giá” cần phải thay đổi.

“Người ta biết rằng chúng ta cần phải có thêm các công ty sản xuất ở Mỹ, nhưng họ không nghĩ rằng những công việc này là điều họ muốn con cái, hay chính họ, đi làm,” ông Arnold nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT