Tuesday, April 16, 2024

Tình bạn & những người bạn tù không bao giờ quên

 


Tác giả: Trường Lực Nguyễn Xuân Phi/Người Việt Utah


 


Sinh ra và lớn lên trong xã hội, tất cả mọi người chúng ta, dù nam hay nữ, đều có những tình cảm riêng tư, những mối quan hệ cá nhân và không có gì cao đẹp hơn là “tình bạn”!


Dù ở một độ tuổi nào, chúng ta cũng đều có những tình cảm gắn bó giữa hai hay nhiều tâm hồn với nhau. Tình bạn ấy trở nên thiêng liêng, chân thật, sâu sắc và vững bền, đánh dấu trong suốt cuộc đời của mình vậy!


Chúng ta không những chỉ có tình bạn ở lứa tuổi học trò, của thời niên thiếu hay lúc trưởng thành mà cũng còn có những mối tình bạn rất đậm đà tha thiết và đầy xúc động ở lớp tuổi đã xế chiều. Song tất cả quý hồ ở lòng thanh cao trong sáng, chân thật và thủy, trước sau như một, “Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vậy!


Xưa kia ở Trung Hoa có truyện “Ðào viên kết nghĩa,” ở nước ta có chuyện “Lưu Bình Dương Lễ”; những mối tình bạn thật là cao đẹp, sáng chói hiếm có!


 


…“ Dọn mâm cơm với một quả cà,


Ăn chẳng được anh liền phẫn chí!


Cửa nhà sa sút, biết lấy gì đèn sách học hành?


Nàng phải đi thay bạn nuôi mình,


Công đức ấy xem bằng non Thái!”…


 


Ngay từ lúc tấm bé còn cắp sách đi học, ta đã được giáo dục qua các câu tục ngữ, cách ngôn như: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hoặc “Chọn bạn mà chơi” v.v… Lớn lên, tình bạn giữa nam và nữ ở lứa tuổi còn thanh xuân, phần nhiều đã chuyển hóa thành tình yêu thơ mộng tốt đẹp và hầu hết những mối tình này đi đến xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Ðề tài “Tìm bạn bốn phương” cũng không ngoài các mục đích ấy!


Trong thơ ca dân gian, một kho tàng văn chương truyền khẩu từ xưa lưu lại, thật hồn nhiên lành mạnh giữa tình bạn với nhau có khi nồng nàn da diết, có lúc trách móc dỗi hờn! Trong thi ca cổ điển, tình bạn lại thường bị gò bó trong quy phạm của cuộc đời và trong quy tắc của nghệ thuật, song cũng rất đặc sắc, độc đáo và thâm thúy không kém phần, nói lên tình cảm giữa con người, của tình bằng hữu khắc cốt keo sơn, thủy chung duy nhất! Riêng trong thi ca hiện đại, càng có vô số bài thơ hay, lời đẹp để diễn tả tình bạn thiêng liêng ấy thật là đa dạng. Những tác phẩm này đã nở rộ trong vườn thơ hiện đại, đậm sắc ngát hương, thật là phong phú, trữ tình!


 


“Tình bạn không hề khép kín,


Cùng nhau mở rộng vòng tay,


Ðón cả tuổi già, tuổi trẻ,


Ôm cả người xưa, người nay!”


 


Sau biến cố ngày 30 tháng 4, 1975, cộng sản tấn chiếm Miền Nam Việt Nam, làm đảo lộn cả trật tự, đạo đức lâu nay, kể cả tình bạn cao quý cũng bị chà đạp, phản trắc khôn lường!


Ðể nêu lên những tấm lòng bằng hữu trước sau như một, những tấm gương sáng về tình bạn thủy chung duy nhất dù đã gặp phải cảnh ngộ loạn ly bất trắc hay tù đày gian khổ cũng vậy, tôi cố gắng ghi chép lại những người bạn hiếm có trong tù, không bao giờ có thể quên lãng được.


Người xưa đã nói: “Nhất nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại!” song dưới thời thực dân cũ, mới gì, dù có bị tù cũng còn được đối xử nhân đạo, thoải mái hơn là bị tù với Cộng sản ngày nay. Sau ngày Quốc Nạn 30 tháng 4, 1975, bọn chúng lùa tất cả sĩ quan, công chức, đảng phái, v.v… dưới chế độ cũ tức Việt Nam Cộng Hòa, vào các trại tập trung cải tạo trá hình được thiết lập ở những nơi rừng sâu nước độc trên toàn quốc. Tất cả chúng ta đều chịu muôn điều tủi nhục, lao động khổ sai hàng ngày mà ăn uống không đủ no, mặc dù với sắn khoai, dưa muối! Tất cả đều bị lãnh một bản án vô tận, không sao biết được ngày trở về lại với gia đình vợ con. Bọn chúng muốn tận diệt hết đối thủ (phe Quốc Gia) không còn cơ hội “ngóc đầu dậy,” với dã tâm làm cho chúng ta chết dần chết mòn trong ngục tù lao khổ khắc nghiệt, chúng đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần, tuyệt vô hy vọng về tương lai cũng như gia đình, bè bạn.


 


“Ðường ấy rong rêu phủ kín mờ,


Tôi buồn, trời lại trở mùa mưa!


Chiều nay soi bóng trong gương cũ


Nuối tiếc làm sao nói cho vừa?”…


Cơn mưa đầu mùa (6/1975)


 


Trong những tháng ngày ở tù tại trại giam, bọn tù chúng tôi thường lén mua lại loại mi ca trắng trong để ra công mài giũa thành những đồ nữ trang như nhẫn, vòng, tượng hình… gởi về cho vợ con làm vật lưu niệm, có làm mấy vần thơ kèm theo sau đây:


 


“Ðây, kỷ vật gởi về con,


Tự tay Ba mài giũa,


Trong ngục tù lao khổ,


Dành riêng cho cu Thọ (1)


Dùng làm đồ sính lễ


Khi đến lúc trưởng thành!


Ðời Ba trót tan tành,


Mong sao đời con trẻ


Hoàn toàn tinh, trắng, trong,


Không bợn như cõi lòng


Như những kỷ vật này!”…


Ðà Thành Trong Tù (1976)


(1) Tên đứa con trai út của tôi.


 


Khoảng cuối năm 1976, bọn chúng phân tán dần anh em tù chúng tôi lên trại Phú Túc thuộc quận Hòa Vang (Quảng Nam/Ðà Nẵng) miền núi rừng heo hút mà lúc sinh tiền ông cha ta thường gọi địa danh này là vùng “Mọi Phú Túc” (mọi có đuôi).


Ở trại nầy trong những tháng năm đầu không biết bao nhiêu là cực hình đầy ải, kể sao cho xiết! Hầu hết cũng giống như những trại tù khác trên đất nước VN ta mà mọi tù nhân chính trị đều phải rán chịu đựng. Cơm không có ăn no, bo bo là quý lắm rồi; toàn là sắn khoai mà phần nhiều lương khô là tiêu chuẩn chính với muối sống hòa nước sôi, bỏ thêm cục đường đen cho có màu mè mà anh em tù chúng tôi thường rỉ tai mai mỉa là “nước mắm cụ Hồ,” nhưng vẫn không no đủ so với dạ dày xệp lép sau khi thi đua lao động ở nương rẫy trở về trại.


Tình trạng trốn trại, thoát nhà giam hay đi lao động tẩu thoát diễn ra liên tiếp, gây ra bao liên lụy cho đồng bạn, nhưng trách sao được, đó là con đường cùng của mọi tù nhân dưới chế độ hà khắc của cộng sản vô nhân!


Chúng tôi chuyền tay nhau lén xem bài thơ “Ðêm Ðông gác tù” của tôi cảm hứng lúc bấy giờ, bị chúng hay biết được cho theo dõi kiểm điểm cả mấy tháng trời. Bài thơ ấy như sau:


 


“Lạnh lẽo đêm đông gió lọt mành (1)


Ba hồi kiểng đánh đã thâu canh!


Hai bên doanh trại, tù mê mẩn,


Bốn phía sơn hà, cảnh vắng tanh!


Chiếc bóng tù đày in vách lá (1)


Một bầu nhiệt huyết với đèn xanh!


Gác khuya mới biết đêm dài nhỉ? (2)


Chạnh nỗi quan hoài nghĩ quẩn quanh!”


Phiên Gác Tù Ðêm Ðông 1978


(1) Trại làm toàn bằng tranh tre, mới được xây dựng trong rừng núi.


(2) Ý muốn trốn trại.


 


Tóm lại, mọi sinh hoạt lao động hằng ngày hay kiểm điểm phê bình hằng đêm thì trại cải tạo nào của bọn chúng cũng đều khuôn rập như nhau trên cả nước, tôi khỏi phải ghi chép ra đây vì ai cũng biết.


Vì tình hình bên ngoài sôi động giữa bọn Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Tàu, lẫn tình trạng trốn trại bộc phát liên tục trong những năm 1978-81, anh em tù chúng tôi lại bị phân tán mỏng một lần nữa. Một số tù chuyển lên trại Tiên Lãnh, miền núi rừng của huyện Tiên Phước, Trà My; một số lại dưa ra trại An Ðiềm, miền núi rừng huyện Ðại Lộc, Thường Ðức (QN/ÐN) vùng giáp ranh với Hạ Lào: nước độc, thú dữ, dân làng thưa thớt và phần nhiều số dân đàn ông ở đây đều to bụng…


Tôi cũng được chuyển về đây khoảng cuối năm 1978 sau một trận sốt rét ngã nước khá kiệt quệ: người xanh xao ốm yếu răng rụng gần hết. Bọn cán binh chúng tuyên bố vì nhân đạo nên bổ sung tôi vào đội xây dựng nhẹ do bạn Lê Văn Nghiệp (hiện tỵ nạn với vợ con tại Florida) làm đội trưởng. Nghe nói tôi cũng mừng thầm không phải vì được lao động nhẹ mà đã ở tù Cộng sản thì việc gì cũng khổ sai cả, riêng chỉ vì anh đội trưởng này quá quen thân với tôi từ lâu, vừa là đồng nghiệp, vừa là đồng chí nữa, một cơ hội hiếm có để tâm tình, an ủi cho nhau vậy!


Tuy gọi là xây dựng nhẹ, nhưng phần lớn công tác hằng ngày đều vất vả, nặng nhọc cả: lo xây cất trại mạc, kho tàng, nhà cửa, cơ quan cho cán binh chủng cũng như các dãy trại giam giữ tù nhân vì trại mới được thiết lập chưa bao lâu. Ðội tôi phải ra sức đi cấy, chặt lồ ô, tre nứa, cắt tranh đốn lá, bứt mây v.v… là những vật liệu nhẹ. Ðội vỏn vẹn có mười mấy người mà tàn tật ốm yếu gần hết một nửa quân số, nên tôi dù đau mới khỏi, hàng sáng sớm cũng phải chui rúc vào rừng rậm để tìm kiếm vật liệu trên. Tháng này qua tháng khác, năm này qua năm nọ, tôi cùng một số đồng đội, độ 5, 7 người còn khỏe mạnh hơn phải lo gánh vác việc trèo đèo lặn suối từ sáng sớm tinh sương đến chiều tà mới trở về trại. Ôi thôi! kể làm sao cho xiết cảnh rừng núi hoang vu, hùm beo thú dữ quanh mình; thổ ngữ địa phương có câu: “Ði đâu cũng không tránh khỏi cọp xứ An Ðiềm!,” trước đây có đồn trú quân của Pháp, Nhật rồi Mỹ, chưa kể đến sên vắt muỗi mòng… quá nhiều, không ngày nào là bạn tù chúng tôi không mất hết mấy cc máu. Vượt mọi khó khăn hiểm nguy, chúng tôi chỉ biết tự an ủi, cổ xúy và tương trợ lẫn nhau để lo đốn cây kéo gỗ đem về làm nhà làm kho; chặt tre nứa hay lồ ô để làm phên vách hay sạp nằm; đốn lá cắt tranh để lợp nhà, sao cho đủ tiêu chuẩn của bọn chúng đưa ra (cả chất lẫn lượng). Với nhân số khiêm nhường của đội, hơn một nửa ốm yếu tàn tật phải bố trí ở nhà làm việc nhẹ như chẻ tre, vót mây, đánh tranh v.v… thế mà chẳng bao lâu chúng tôi đã hoàn tất được bao nhiêu công trình xây cất cho trại như hội trường rộng lớn, nhà ở nhà ăn, trụ sở ban quản đốc, các dãy nhà giam, nhà bếp, nhà chăn nuôi… Thật đúng với câu thơ của tên bồi bút Hoàng Trung Thông (Tố Hữu) của bọn chúng:


“…Bàn tay ta làm nên tất cả,


Có sức người sỏi đá cũng cùng cơm!”


Nói chung ở trong tù trong trại cải tạo trá hình của Cộng sản, mọi người đều phải ra sức thi đua năng nổ, làm kiệt sức mình cũng chỉ để cầu mong đổi lấy được sự cứu xét trả tự do về với vợ con hay ít ra cũng được ăn uống no đủ, nhưng ngược lại không bao giờ có như thế cả. Hết đợt này đến đợt khác, hết năm nọ qua năm kia, tù nhân chúng tôi như một cái máy, lao động không biết mệt mỏi, ốm đau không có thuốc men, ăn uống không bao giờ được no đủ, ngoài hai bữa Tết nhất là lễ Quốc Khánh của chúng (2/9) và Tết Nguyên Ðán cổ truyền của dân tộc ta mới có được ít lát thịt mỡ, vài miếng da bò hay bát canh xương lỏng lẻo để gọi là bồi dưỡng cho cả một năm trường đầu tắt mặt tối! Ngày mùa mới có được sắn khoai tươi, không thì cứ ăn mãi khoai, bắp, sắn khô cứng ngắc, ráng nuốt cho đỡ đói, càu quấu cả thực quản, dạ dày xẹp lép!


Ròng rã trải qua mấy năm liền, sức lực của mọi người bạn tù từ suy mòn dần, riêng tôi sau nhiều trận đau liên tiếp, may mắn được chúng cho nằm điều trị tại bệnh xá trại năm ba ngày, song chả có thuốc men gì, mà gia đình vợ con thì đã nghe lời lừa phỉnh của cán binh chủng đăng ký đi kinh tế mới ở vùng cao nguyên Ðắc Lắc xa xôi, túng thiếu, không thể ra vào thăm viếng hay tiếp tế gì được, sau đấy cũng phải bồng bế nhau trốn thoát để vượt biển biệt vô tâm tín!


 


“Gần hai mươi năm xa cách,


Hơn mười năm đi tù!


Sự nghiệp tiêu tan sạch,


Vợ con không còn xu!


Bồng bế nhau vào Nam,


Tìm đường trốn vượt biên,


Khổ cực cũng đành cam,


Miễn sao được bình yên!”…


(Bài “Lỡ Làng Duyên Kiếp” của tôi)


 


Trong mấy ngày nằm tại bịnh xá trại, bên cạnh giường tôi nằm có bạn Phan Chức (hiện gia đình anh tỵ nạn tại Utah hơn hai mươi năm nay) bị thương tật cũ hành đau nhức nên thường lén lút giúp đỡ quần áo, thực phẩm nhất là thuốc men đủ thứ. Bạn Chức này thường được vợ con đến thăm nuôi hàng tháng và được tiếp tế đầy đủ vì gia đình anh may đâu buôn bán đắt đỏ ở Chợ Cồn (Ðà Nẵng) lúc bấy giờ. Nằm bên cạnh nhau lúc vắng người, chúng tôi thường rỉ tai trao đổi thơ văn, báo chí nhất là tin tức bên ngoài cho nhau biết để kiên định ý chí, lập trường chống Cộng trước sau như một mặc dù đã sa cơ thất thế hay hãy còn trong vòng lao lý tù đày! “Chúng ta còn, Cộng sản phải mất” vậy!


Ðược ở bên cạnh người bạn tâm đắc ý hiệp nên bịnh tình của tôi mỗi ngày một thuyên giảm và anh Phan Chức trong tình bạn thân thiết cũng đã lợi dụng cơ hội đề nghị cho rút tôi qua làm ở tổ nan nón cùng đội, thuộc diện lao động trong nhà.


Rời khỏi bịnh xá, tôi được bổ sung liền qua làm tại tổ nan nón và được cử làm tổ phó, vỏn vẹn chỉ có 5 hay 6 người mà toàn là bị thương tật thời trước cả. Anh tổ trưởng Lê Cần (hiện tỵ nạn với con tại Ohio) thì bị bịnh trĩ kinh niên; tôi còn nhớ bạn Huề tuy là thanh niên nhưng bị tật ở tay và đi khom lưng, còn bạn Chức nói trên thì bị thương tật ở chân và ốm yếu. Hàng ngày tôi phải giúp đỡ dìu dắt các anh đi lao động cũng như khi về lại trại. Lại còn có bạn Văn Quý Nhạn, một cựu thương phế binh bị cụt chân, hiện ở đâu tôi chưa được rõ; duy chỉ có mình tôi là còn nguyên vẹn tay chân nhưng sức lực so với lúc chưa vào tù thì là quá suy yếu, và một anh bạn nữa lớn tuổi hơn tôi là Nguyên Phú đã rụng hết hai hàm răng nên bọn chúng tôi thường trêu chọc là “cụ Móm” người quê Quế Sơn (Quảng Nam) còn mạnh khỏe hơn tôi nhiều. Hai chúng tôi được toàn tổ xem như là trụ cột chính yếu. Vì vậy bất cứ công tác nặng nhọc, khó khăn gì thì hai chúng tôi đều lo gánh vác cả, nói lên được tinh thần đồng đội, tương thân tương trợ lẫn nhau, nhất là trong những năm tháng bị tù đày nầy: Nào là đi đốn tre (tục ngữ ta có câu: “Nhất đốn tre, nhì ve gái”), đi đoác trong rừng sâu để dập lấy chỉ về chằm nón lá, v.v… chúng tôi đều vui vẻ xung phong gánh vác cả. Từ ấy trở đi, các bạn tù trong tổ chúng tôi đều xem nhau như anh em ruột thịt một nhà, điển hình là anh Phan Chức, người bạn tù tâm tình từ đầu đến cuối, đã giúp đỡ cho tôi mọi điều, nào san sẻ vật chất, nào an ủi tinh thần, luôn luôn bên cạnh đều có nhau chia ngọt xẻ bùi, “miếng khi đói bằng gói khi no vậy!”


Rồi bỗng đâu năm ấy, cặp mắt của anh bị kéo mây, sờ soạng không thấy đường, dần dần đi đến mù lòa, không thể đi lao động được nữa. Trại đưa anh đi chữa tại bệnh viện tỉnh cũng vô phương cứu chữa nên bọn chúng đành phải ký giấy tạm tha cho trở về nhà. Thật là “rủi mà may” cho anh được sớm trở về cùng với vợ con để lo chữa trị được, song anh cũng đã phải trải qua trên 11 năm lao tù và nay cả gia đình đang tỵ nạn ở Mỹ Quốc (Utah) từ năm 1990.


Toàn đội, toàn tổ đã mừng thầm cho anh lúc bấy giờ, riêng tôi bị mất đi một người bạn tâm đắc trong ngục tù Cộng sản, một người bạn đầy nghị lực, đầy can đảm và đầy nhân đức, không bao giờ có thể quên lãng trong suốt cuộc đời mình được!


Trong những năm tháng còn lại trong tù, tôi như đánh mất một vật gì quý báu vô ngần và trong lúc chép lại mấy trang bút ký nầy, tôi lại được mãn nguyện vì: “Bạn còn đó, tôi còn đây,” tuy cách biệt tiểu bang nhưng tâm trí tôi vẫn luôn nhớ đến, hướng về người bạn đánh kính, đáng phục, vô vàn khắc ghi trong ký ức, không thể nào phai nhạt, cho đến giờ phút nhắm mắt xuôi tay vậy! Thật đúng với câu: “Tha hương ngộ cố tri,” một trong tứ khoái của đời người!


Ðể kết thúc, tôi xin trao đến các bạn bài thơ đã cảm xúc dưới đây trong lúc anh em chúng ta đều là những kẻ lưu vong tỵ nạn ở xứ người, mong sớm có ngày trở về cố hương góp phần còn lại của đời mình để xây dựng Ðất Nước Việt Nam Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền thật sự!


 


Ta buồn, ta nhớ bạn tri âm,


Biết nói cùng ai? chỉ nhủ thầm!


Chén rượu thâm tình không kẻ chuốc


Câu thơ đắc ý thiếu người ngâm!


Mơ màng chuyện củ ngày lao lý,


Vắng vẻ lời khuyên phút lỡ lầm!


Vần biết bạn xa, người khác thế,


Ðời nhiều đồng cảnh, ít đồng tâm!

MỚI CẬP NHẬT