Thursday, March 28, 2024

Tình nghĩa – Lê Phan

Lê Phan

 

Hôm nọ tôi được nghe một cuộc phỏng vấn trên đài ABC của Úc (Australian Broadcasting Corp.) về món quà đặc biệt của người mà đài và báo chí Úc đã mệnh danh là “ông chủ tốt bụng nhất nước Úc”.

Theo bài tường thuật, một công ty xe bus gia đình đã làm nhân viên sửng sốt khi ông chủ chia một phần tiền bán công ty cho nhân viên. Ðây là công ty xe bus Grenda ở tiểu bang Victoria. Gia đình Grenda mới bán công ty với giá 400 triệu đô la Úc (424 triệu đô la Mỹ). Và gia đình đã quyết định dành ra 15 triệu đô la Úc trong số tiền này để chia cho nhân viên.

Khi cô phóng viên của đài đến hỏi, ông chủ Ken Grenda đã tỏ ra khiêm nhường. Ông nói “Tôi không thấy cái lý gì của việc các ông tổng quản trị CEO lúc nào cũng hưởng nhiều triệu đô la. Việc đó đối với tôi không hấp dẫn tí nào cả.” Ông cụ Ken, năm nay 79 tuổi, giải thích là có nhiều nhân viên đã làm việc với công ty 40, 50 năm rồi. Ðó là cả cuộc đời của họ và họ cần được hưởng chút gì đó vào cuối đời.

“Chút gì đó” của ông Grenda và gia đình có khi lên đến cả 100,000 đô la. Người ít nhất mới vào cũng được hơn 8,000 đô la. Công ty Grenda đã được điều hành bởi ba thế hệ của gia đình Grenda từ hơn 66 năm nay. Cậu con trai của ông Ken, Scott Grenda, nay là giám đốc điều hành của công ty, kể lại là lúc đầu nhân viên gọi điện thoại hỏi phải chăng đã có chuyện sổ sách lầm lẫn. Ông Scott bảo vì muốn là một món quà bất ngờ nên công ty đã không báo trước gì hết. Ông kể lại là khi biết chuyện đó là sự thật, nhiều người đã tìm đến ôm hôn ông và bất cứ một ai trong gia đình.

Có vẻ như sự tử tế này nằm trong truyền thống gia đình. Ông Scott kể lại là bà nội của mình thường mỗi ngày Giáng Sinh đã làm bánh fruitcake cho tất cả các nhân viên. Ông cũng nhớ nhân viên thường xuyên lui tới, có khi ngủ lại đêm với gia đình. Và đó là truyền thống mà ông không quên. Ông cũng nói điều khó khăn nhất không phải là trả tiền thưởng cho nhân viên mà là việc phải bán công ty. Ông bảo công ty vẫn làm ăn tốt, nhưng vì quyền lợi của gia đình phải bán. Nhưng để bảo đảm công ty đã đòi một điều kiện khi bán, đó là ai muốn mua công ty phải bảo đảm giữ lại toàn thể nhân viên không sa thải một ai cả.

Chả trách mà một nữ nhân viên bảo với cô phóng viên ông chủ là một người “luôn có đó khi mình cần ông ta”. Bà nhân viên này bảo từ khi đến làm với công ty, lúc nào ông chủ cũng hiện diện, sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ. Bà nói “Nhân viên không phải là một con số đối với ông Ken, nhân viên là một con người.”

Có lẽ lời khen tặng đó là điều tốt đẹp nhất của một nhân viên về một chủ nhân.

Nhưng khi tôi email câu chuyện này đến cho một người bạn bây giờ đang làm phóng viên thương mại cho một tờ nhật báo chuyên về kinh doanh ở Anh, người bạn đã trả lời “Ðó là một sự thoái lùi vào quá khứ. Ông Ken Grenda không phải là một nhà tư bản, ông ta là một chủ nhân cổ truyền. Những người như ông ta đã lỗi thời rồi. Chủ nhân ngày nay phải như Steve Jobs hay Mitt Romney. Họ không trung thành với nhân viên. Họ chỉ trung thành với cổ đông và với bản thân họ.”

Có lẽ người bạn tôi nói đúng. Tờ New York Times tuần rồi có hai bài liên tiếp về Apple Inc. Apple ngày nay được coi như là tiêu biểu cho cái gì tốt đẹp nhất của một đại công ty thành công. Năm ngoái Apple bán ra 70 triệu cái iPhones, 30 triệu iPads, và 59 triệu sản phẩm khác. Apple giờ đây cũng được coi như là công ty đứng đầu thế giới về trị giá, trên cả Exxon Mobil, đại công ty dầu khí Hoa Kỳ.

Apple rất thành công và được thán phục nhưng sự đối xử của Apple đối với nhân viên thì quả là không đáng thán phục tí nào cả.

Ở Hoa Kỳ, một kỹ sư như ông Eric Saragoza, vào làm với Apple hồi năm 1995 khi mà xí nghiệp gần Sacramento còn sử dụng hơn 1,500 công nhân, nay đã bị đuổi việc vì công việc của ông đã bị công ty “xuất cảng sang Trung Quốc”. Ông Saragoza kể lại lúc đầu một số công việc bình thường của xí nghiệp ở Elk Grove đã được gửi ra ngoại quốc. Ông không lo. Nhưng rồi những robot đã khiến Apple thành một sân chơi cho kỹ thuật tương lai nay đã được các giám đốc dùng để thay thế công nhân. Rồi thì một số công việc của một kỹ sư chuyên định bệnh như ông được chuyển sang Singapore. Các nhân viên quản trị bậc trung dần dà được thay thế bởi vài người với một đường dây Internet là quá đủ rồi.

Ông Saragoza quá tốn tiền cho công ty trong công việc không có chuyên môn. Ông không đủ khả năng để leo lên hàng lãnh đạo. Thế là sau một ca đêm, ông được mời vào văn phòng nhỏ, cho nghỉ việc và được hộ tống ra khỏi xí nghiệp. Thất nghiệp, ông đi dạy trung học một thời gian, rồi tìm cách trở lại ngành kỹ thuật điện toán. Nhưng Apple đã biến xí nghiệp ở Elk Grove nay thành AppleCare, một trung tâm chuyên giúp đỡ khách hàng. Lương nhân viên là 12 đô la một giờ. Ông Saragoza, năm nay 48 tuổi, vợ với năm con, túng quá đành phải vào làm giờ cho công ty với đồng lương 10 đô la một ngày chỉ có lau mặt kiếng bằng thủy tinh và thử headphones.

Trong khi đó, Apple ngày càng lời. Lợi tức của Apple vượt 108 tỷ đô la, lớn hơn ngân sách của cả ba tiểu bang Michigan, New Jersey và Massachusetts cộng lại. Một số của tiền lời đó quả có đến tay những người giữ cổ phần của Apple, mà trong đó có rất nhiều quỹ hưu bổng. Một phần nhỏ cũng rơi vào tay các nhân viên, khoảng 2 tỷ đô la. Nhưng đại đa số còn lại là vào những người như ông Jobs.

Sau hai tháng thử iPads, ông Saragoza thôi việc. Ðồng lương thấp quá đến nỗi ông nghĩ là tốt hơn ông ở nhà dùng thời giờ đó kiếm việc. Trong khi ông Saragoza ngồi ở cái MacBook, một lần nữa gửi resumé đi xin việc thì ở Thẩm Quyến, một cô gái người Hoa tên là Lina Lin, đến nhận việc với một công ty chuyên cung cấp cho Apple. Cô kiếm được ít hơn ông Saragoza nhưng cô có lợi cho Apple hơn ông. Và ở Thẩm Quyến không thiếu công ăn việc làm.

Bà Betsey Stevenson, một cựu kinh tế gia trưởng của bộ lao động hoa kỳ nhận xét “Các công ty đã có thời cảm thấy có trách nhiệm hỗ trợ cho công nhân Hoa Kỳ, ngay cả khi đó không phải là lựa chọn tốt đẹp nhất về tài chánh. Chuyện đó đã biến mất. Lợi nhuận và hiệu năng đã thắng sự rộng lượng.”

Chỉ là một nhà báo quèn, tôi đã nghe giải thích của các kinh tế gia về lợi ích của toàn cầu hóa, về cái hại nếu toàn cầu hóa bị phá vỡ, nhưng thú thực nếu phải chọn giữa ông Grenda hay ông Jobs thì tôi xin chọn ông Grenda. Lợi nhuận, hiệu năng sẽ có ích gì khi xã hội tan rã, khi dân chúng đói khổ. Ông Jobs có thể thản nhiên bảo với Tổng thống Barack Obama là công việc sản xuất Apple sẽ không trở lại Hoa Kỳ nữa, nhưng ông có bao giờ tự hỏi thế trách nhiệm cá nhân của ông như là một công dân Hoa Kỳ thì sao? Apple có thể nói họ không có trách nhiệm tạo công ăn việc làm tại Hoa Kỳ nhưng họ sẽ la ầm lên đòi chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ một khi Trung Quốc đột nhập hệ thống an toàn của họ để đánh cắp những phát minh mới mà công ty đang dấu kỹ.

Một chút tình nghĩa có phải là một đòi hỏi quá mức đâu.

MỚI CẬP NHẬT