Friday, March 29, 2024

Trên trời rơi xuống thêm một ứng cử viên – Vũ Quí Hạo Nhiên



 


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt




 




Nội bộ đảng Cộng Hòa còn chưa ngã ngũ coi ai sẽ ra đại diện đảng này tranh cử tổng thống, một cựu dân biểu Cộng Hòa đùng một cái tuyên bố nhảy vô đảng khác để ra tranh cử tổng thống.





 


Văn bản của cựu Dân Biểu Cộng Hòa Virgil Goode nộp cho FEC loan báo lập ủy ban tranh cử tổng thống, đại diện đảng Hiến Pháp. (Hình: Người Việt)




Cựu dân biểu này là một người khá nổi tiếng vì quan điểm bảo thủ của ông – cựu Dân biểu Virgil Goode tiểu bang Virginia.




Báo Người Việt có được bản sao văn bản thành lập ủy ban tranh cử tổng thống của ông Goode, trong đó ông tuyên bố ra tranh cử đại diện Constitution Party – đảng Hiến Pháp. Bản khai này đề ngày 10 tháng 2 và được nhận tại ủy ban bầu cử liên bang FEC ngày 14 tháng 2.




Ðảng Hiến Pháp thành lập năm 1991, lúc đầu mang tên U.S. Taxpayers’ Party – đảng của người thọ thuế, và đổi sang tên hiện nay năm 1999.




Ðảng Hiến Pháp có chủ trương bảo thủ, gần giống như phong trào Tea Party trong đảng Cộng Hòa.




Ðảng này chủ trương là chính quyền đừng làm gì hết trừ một ít việc cần lắm mới phải làm, thí dụ như quốc phòng. Tất cả những chuyện khác – y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội – họ chủ trương là không phải chuyện của nhà nước trung ương, mà là chuyện riêng của địa phương, hay của cá nhân.




Ðối với quốc tế cũng vậy, chuyện gì không dính dáng trực tiếp tới nước Mỹ, đảng Hiến Pháp chủ trương nước Mỹ không cần dính vô. Và để đừng dính vô nhiều, đảng này chủ trương Mỹ rút khỏi Liên Hiệp Quốc, WTO, NAFTA, v.v…




Ðối với các vấn đề xã hội, đảng này theo chủ trương bảo thủ: Cấm phá thai, cấm trợ giúp người tự tử, cấm hôn nhân đồng tính, cho phép tử hình, bảo vệ quyền mang súng, cấm dùng ngôn ngữ khác tiếng Anh. Ðảng chống người di dân không giấy tờ, và về lâu về dài muốn ngưng nhận thêm di dân mới.




Chủ trương của cựu Dân Biểu Virgil Goode cũng bảo thủ không khác gì chủ trương của đảng Hiến Pháp. Ông bênh vực quyền mang súng, chống di dân, chống đạo Hồi, nhưng khác với chủ trương “không can thiệp quốc tế” của đảng, ông ủng hộ chiến tranh Iraq.




Goode đổi đảng nhiều lần. Gia đình ông theo đảng Dân Chủ. Ông đắc cử vào Thượng Viện tiểu bang khi là ứng viên độc lập, sau đó ông theo Dân Chủ. Năm 1996, ông đắc cử vào Hạ Viện Liên Bang, và sau hai nhiệm kỳ ông chuyển qua độc lập. Tới năm 2002, ông vô đảng Cộng Hòa. Ngay từ lúc còn trong đảng Dân Chủ, ông bỏ phiếu với phía Cộng Hòa để đàn hặc Tổng Thống Bill Clinton.




Ông thất cử năm 2008, và bắt đầu tham gia đảng Hiến Pháp năm 2010.




Về tôn giáo, ông cũng đổi đạo theo hướng bảo thủ hơn. Ông khởi đầu theo đạo Presbyterian (thuộc Anh Quốc giáo), nhưng nay đổi qua Baptist.


 


Santorum lên điểm ngay trong sân nhà Romney




Cựu Thượng Nghị Sĩ Rick Santorum đang củng cố vị thế dẫn đầu của mình, với hàng loạt các cuộc thăm dò cho thấy ông đang dẫn trước cựu Thống Ðốc Mitt Romney, ngay cả trong tiểu bang Michigan nơi Romney trưởng thành và nơi bố ông từng là thống đốc.




Trang mạng RealClarPolitics trong bảng tổng hợp các thăm dò cho thấy Santorum dẫn trước Romney 5.8 điểm.




Mức cách biệt lớn nhất là trong thăm dò của Public Policy Polling, nơi Santorum dẫn 15 điểm. Sát nút nhất là thăm dò Gallup, Santorum dẫn trước 1 điểm. Tuy nhiên, thăm dò của Gallup Tracking tự nó là trung bình của nhiều ngày, nên thường biến chuyển chậm hơn các thăm dò khác.




Ngay tại tiểu bang Michigan, nơi sẽ có bầu cử sơ bộ ngày 28 tháng 2, thăm dò do báo Detroit News thực hiện cho kết quả Santorum dẫn với 34%, Romney hạng nhì với 30%.




Trong một thăm dò khác tại Michigan, do cơ quan tư vấn MIRS (Michigan Information & Research Service) thực hiện, Santorum được 34% cử tri ủng hộ so với Romney hạng nhì, 25%, mức cách biệt 9%.




Thất bại tại Michigan sẽ có ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Romney sinh ra tại Detroit. Cha ông, George Romney, từng là giám đốc hãng xe AMC, và sau đó làm thống đốc Michigan.




Thua ở Michigan cũng làm nhiều người tiếp tục cho rằng Romney không thuyết phục được giới cử tri bình dân. Tại tất cả các tiểu bang có nhiều cử tri trong giới lao động, Romney đều thua: Iowa, South Carolina, Minnesota, Missouri.




 


Yêu nước là có tội?



 


Quý độc giả đã xem trận Super Bowl tuần trước, có lẽ nhớ mẫu quảng cáo có Clint Eastwood trong đó?




Ðó là quảng cáo của hãng Chrysler, nhưng không nói gì về Chrysler mà nói về tinh thần quật cường của nước Mỹ, nêu tấm gương của các hãng xe Detroit hồi sinh từ lúc gần như bị sạt nghiệp, tới ngày nay hoạt động mạnh và phát triển trở lại.




Trong khung cảnh nhà máy xe hơi, Clint Eastwood xuất hiện, nói người dân đang thất nghiệp, đang không biết làm sao để làm lại cuộc đời. Và ông nói tiếp,




“Chúng ta luôn tìm ra lối ra trong lúc khó khăn, và nếu không tìm được tìm chúng ta sẽ tự làm một lối ra… Detroit chỉ lối cho chúng ta biết cách làm được. Và thế giới sẽ lại chứng kiến nước Mỹ rồ máy lên.”




Tưởng là một quảng cáo lạc quan, nêu tinh thần yêu nước như vậy thì “chính trị gia nào cũng đồng ý” (như Eastwood sau đó có nói với Fox News), nhưng khi Karl Rove trông thấy thì ông này nổi giận.




Karl Rove là một chiến lược gia Cộng Hòa, một người được coi là thiên tài đã giúp Tổng Thống George W. Bush thắng được nhiệm kỳ nhì.




Ông này nổi giận là Eastwood dám nói tốt cho các hãng xe. Với ông, đây là một thông điệp ngầm ủng hộ Tổng Thống Barack Obama vì Obama chi tiền ngân sách ra để cứu kỹ nghệ xe hơi.




Ðiều này bùng lên vài ngày rồi xẹp xuống, nhưng vô tình lại gây ảnh hưởng tới Romney.




Vì, ngay vào lúc đang chuẩn bị bầu cử sơ bộ ở Michigan, cuộc tranh cãi về việc cứu kỹ nghệ xe hơi lại làm cho người ta nhớ tới là năm 2008 ông Romney viết hẳn một bài báo kêu gọi bỏ mặc cho Detroit phá sản.




Kennedy trở lại?



 


Dòng họ Kennedy có thể trở lại chính trường nước Mỹ nếu cháu nội của cố Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy đắc cử vào Hạ Viện.




Joseph Kennedy III tuyên bố ra tranh cử vào ghế cũ của Dân Biểu Barney Frank, dân biểu đầu tiên của Mỹ công bố mình đồng tính, và được xem là một trong những thành viên cấp tiến nhất của Quốc Hội Hoa Kỳ.




Joseph, 31 tuổi, là con cựu Dân Biểu Joseph Kennedy II và cháu nội Robert, cựu thượng nghị sĩ và bộ trưởng Tư Pháp. Robert là em trai Tổng Thống JFK, ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ năm 1968 và bị ám sát ngay tại đại hội toàn quốc đảng này ở Los Angeles.




Dòng họ Kennedy có mặt trong chính trường Washington DC liên tục từ năm 1947, khi JFK đắc cử vào Hạ Viện, cho tới năm 2011, khi Patrick Kennedy rời Hạ Viện. (Patrick là con trai Teddy, thượng nghị sĩ và em út JFK. Vậy Patrick là em họ Joe II và chú họ Joe III.)


 

MỚI CẬP NHẬT