Friday, March 29, 2024

Trung Quốc chuyển quyền – di sản kinh tế

 


Nguyễn-Xuân Nghĩa


 


Trong tuần này, sau khi đại hội đảng khóa 18 chấm dứt, Trung Quốc sẽ có tầng lớp lãnh đạo mới, với hai khuôn mặt tiêu biểu là Tổng Bí Thư Tập Cận Bình và Tổng Lý Quốc Vụ Viện (Thủ Tướng) Lý Khắc Cường. Ðó là “thế hệ lãnh đạo thứ năm” sau thế hệ Mao Trạch Ðông, Ðặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào.


Khi kế nhiệm thế hệ Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ sau đại hội 16 mười năm về trước, Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào, Chủ Tịch Quốc Hội Ngô Bang Quốc và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã kế thừa một di sản không đến nỗi tệ.


Sản lượng kinh tế năm đó của Trung Quốc được ước lượng là một ngàn 450 tỷ Mỹ kim, ngang ngửa với nước Anh. Quan trọng nhất, xứ này đã có 10 năm tương đối ổn định sau vụ khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989 và sau quyết định tiếp tục cải cách kinh tế của Ðặng Tiểu Bình vào năm 1992 trước khi họ Ðặng về hưu làm Thái thượng hoàng cho đến khi tạ thế vào năm 1997. Ngày nay, 10 năm sau, Trung Quốc đã vượt qua Anh, Ðức rồi Nhật về kinh tế, đứng hàng thứ nhì sau Hoa Kỳ, với sản lượng khoảng bảy ngàn 400 tỷ đô la và một khối dự trữ ngoại tệ là ba ngàn ba trăm tỷ, trong đó có một phần ba là cho Hoa Kỳ vay, dưới hình thức công khố phiếu.


Vậy mà từ hai năm nay, lần lượt Ôn Gia Bảo rồi Hồ Cẩm Ðào đều nói đến nhược điểm của nền kinh tế là thiếu công bằng, thiếu ổn định, thiếu phối hợp và không bền vững. Trước đại hội hôm mùng tám, trong báo cáo chính trị do Tập Cận Bình là trưởng ban soạn thảo, Hồ Cẩm Ðào còn cảnh báo rằng tham nhũng có thể làm đảng và nhà nước sụp đổ.


Khi ấy, người ta mới nhớ lại là sau vụ thanh trừng bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai và trước khoáng đại Quốc Hội vào Tháng Tư, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã gián tiếp đả kích phương pháp làm việc của họ Bạc và nói đến yêu cầu “chính đảng”, một yêu cầu thường trực đã có từ thời Mao.


Việc cải cách kinh tế và chuyển hướng xã hội để chú ý đến phẩm hơn lượng đã được thế hệ thứ tư nhắc tới nhiều lần mà sau cùng vẫn không thành. Họ đành trao lại cho thế hệ thứ năm. Vì sao như vậy?


***


Chiến lược phát triển do Ðặng Tiểu Bình tiến hành từ 1979 đã tạo ra sự kỳ diệu kinh tế làm thế giới ngợi ca với tốc độ tăng trưởng mấp mé 9-10% một năm trong ba chục năm liền. Học từ các nước Ðông Á đi trước, chiến lược ấy lấy xuất cảng làm lực đẩy và mở bung tiềm năng của các tỉnh miền Ðông, ở vùng duyên hải, vốn dĩ có điều kiện địa dư thuận lợi cho canh tác và giao thông và dễ tiếp cận với thị trường quốc tế. Nhưng chiến lược đó đã đào sâu dị biệt giữa các tỉnh, với những địa phương nghèo bị tụt hậu. Và trên toàn quốc, tiến trình công nghiệp hóa dẫn tới hiện tượng đô thị hóa hoang dại, gây thêm bất công xã hội.


Thế hệ thứ ba là Giang Trạch Dân cùng Tổng Lý Chu Dung Cơ đã muốn điều chỉnh với kế hoạch “Phát triển địa khu Tây bộ” nhằm gia tăng đầu tư vào sáu tỉnh và năm khu tự trị hành chánh bị khóa trong lục địa ở miền Tây mà không thành. Khi lên tiếp nhận di sản này, thế hệ thứ tư cũng đòi khôi phục ba tỉnh Ðông Bắc và một phần của Nội Mông (“Chấn Hưng Ðông Bắc Lão Công Nghiệp Cơ Ðịa”) rồi sáu tỉnh thuộc khu vực Trung bộ (“Trung Bộ Quật Khởi Kế Hoạch”) mà không xong.


Từ địa dư hình thể quái đản khiến một quốc gia có ba khu vực và ba nền kinh tế quá khác biệt – với duy nhất là miền Ðông còn trù phú – hệ thống chính trị Trung Quốc không giải quyết nổi việc phân bố tài nguyên để tiến tới “xã hội hài hòa” và xây dựng “nông thôn xã hội chủ nghĩa” như Hồ Cẩm Ðào chủ trương. Nếu tiếp tục theo chiều hướng bất công và không cân đối, xã hội Trung Quốc sẽ vỡ đôi vì hố sâu giàu nghèo, thuộc loại cao nhất trong các nước tân hưng. Nếu muốn cải tổ thì phải chỉnh đảng, cải cách chính trị, thì đảng có thể vỡ đôi.


Lý do là thế hệ Hồ-Ôn muốn tập trung quyền lực vào trung ương để tái phân phương tiện và lợi tức thì gặp sự cưỡng chống của các đảng bộ địa phương. Trung Quốc chưa có thể chế liên bang như các quốc gia có lãnh thổ quá rộng với quá nhiều dị biệt. Bên trên, hệ thống tuyển chọn lãnh đạo các địa phương lại tiến hành theo chiều dọc, từ trên xuống: Các đảng viên được thượng cấp cất nhắc căn cứ trên thành tích ở dưới mà không chịu trách nhiệm với thuộc cấp hay quần chúng.


Họ thi đua lập thành tích tăng trưởng và báo cáo lên trên để lập công với một “hệ số tô hồng” làm thống kê trở thành lệch lạc, khó tin. Ở trên cùng, trung ương không thể điều động hay phối hợp được. Tức là quyền tự do phát triển của từng địa phương càng đẩy mạnh sự khác biệt về lợi tức và nhận thức.


Ðã vậy, sau những khủng hoảng vì mưu thuật chính trị Mao Trạch Ðông để toàn quyền lãnh đạo và từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 vì những mâu thuẫn quan điểm trên thượng tầng, Ðặng Tiểu Bình và các lãnh tụ kế tiếp đều chủ trương đường lối cai trị của một tập thể theo nguyên tắc đồng thuận. Ðường lối đó kéo dài được hai chục năm với sự chuyển quyền ổn định hơn, từ Ðặng qua Giang qua Hồ và nay đến Tập Cận Bình, đã được tuyển chọn từ năm 2002.


Nhưng đường lối đó cũng là sự tê liệt khi lãnh đạo cần cải tổ cơ chế và chuyển hướng qua một chiến lược khác.


Lý do là Bộ Chính Trị rồi Thường vụ Bộ Chính Trị là một tập hợp của nhiều phe nhóm có quyền lợi khác biệt. Khi phải quyết định thì cần sự tương nhượng và đổi chác trong tinh thần đồng thuận. Nếu không nổi thì cho chìm xuồng và đánh bùn sang ao. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có tính chất “đa nguyên” của các tổ chức Mafia, với “ngũ đại gia” cùng phân vùng cai trị và sống chung trong tinh thần đồng thuận. Bên dưới là từng vùng tham nhũng tự do.


Năm 2007, Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo thấy ra nguy cơ động loạn lan rộng. Dân chúng bất mãn về đủ loại vấn đề, như bất công, tham nhũng, rút ruột dự án gây tai nạn chết người, ô nhiễm môi sinh vi tăng trưởng bất kể tới phẩm chất, như lạm phát, cường hào ác bá cướp đất của dân, v.v… Họ biểu tình ngày một đông hơn, dưới nhiều hình thức bạo động hơn. Vì thế, việc chuyển hướng kinh tế và cải cách chính trị đã được Hồ đề ra và Ôn kêu gọi nhiều lần mà không thành.


Bên trong là vì sự cản trở và phá hoại của nhiều đảng bộ địa phương. Bên ngoài là hiệu ứng của tổng suy trầm 2008-2009 trên toàn thế giới khiến xuất cảng có thể giảm, thất nghiệp tăng và xã hội càng thêm loạn. Vì vậy, từ cuối năm 2008, lãnh đạo Trung Quốc ào ạt tăng chi và bơm thêm tín dụng, tổng cộng bằng 40% tổng sản lượng. Kết quả là đà tăng trưởng ngoạn mục để vượt qua Nhật Bản năm 2010. Nhưng những vấn đề trong cơ cấu thì vẫn nguyên vẹn.


Mà tình trạng đình đọng kinh tế của thế giới, từ Hoa Kỳ qua Âu Châu đến Nhật Bản vẫn chưa dứt, với rủi ro là nếu tăng trưởng thấp hơn 8% thì sẽ bị thất nghiệp và loạn to. Nếu kinh tế Trung Quốc hạ cánh nặng nề thì khủng hoảng kinh tế sẽ dội lên thành khủng hoảng xã hội. Và chính trị. Chúng ta hiểu ra lời cảnh báo của Hồ Cẩm Ðào!


***


Nhìn trong trường kỳ, tình trạng bế tắc này xảy ra từ đã lâu và là gánh nặng cho lớp người sẽ lãnh đạo Trung Quốc trong 10 năm tới. Người ta thường nói đến di sản kinh tế do thế hệ trước để lại cho thế hệ sau, với những con số linh tinh. Di sản thật là một hệ thống chính trị không có khả năng chuyển hướng!

MỚI CẬP NHẬT